So sánh giữa Hợp đồng Dịch vụ Cá nhân và Hợp đồng Lao động – Việt Luật – Chuyên Thành lập công ty & Đầu tư nước ngoài

Nhiều doanh nghiệp hiện nay để tránh các nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động cũng như tránh việc phải chịu các trách nhiệm pháp lý do pháp luật lao động quy định, đã đề xuất với người lao động tiến hành ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thay vì ký hợp đồng lao động. Như vậy, việc ký kết hợp đồng dịch vụ giữa doanh nghiệp và người lao động (cá nhân) có hợp pháp không?

Việc xác định một hợp đồng là hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng lao động sẽ dựa trên định nghĩa mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng, cơ sở pháp lý và vấn đề thực tiễn chứ không phải dựa trên tên gọi của hợp đồng.

So sánh giữa Hợp đồng Dịch vụ Cá nhân và Hợp đồng Lao độngSo sánh giữa Hợp đồng Dịch vụ Cá nhân và Hợp đồng Lao động

Định nghĩa quan hệ

Cụ thể, pháp luật có những quy định như sau:

Hợp đồng dịch vụ

Điều 513, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”

Điều 3.9, Luật Thương mại 2005 quy định: “Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận”.

Hợp đồng lao động

Điều 13.1, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”

Điều 3.5, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.”

Điều 3.1, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.”

Từ các quy định nêu trên, có thể thấy định nghĩa về “hợp đồng lao động” và “hợp đồng dịch vụ” là khá giống nhau và khó phân biệt (đều là sự thỏa thuận giữa các bên và người lao động/ bên cung ứng dịch vụ đều nhận được một khoản tiền). Chính vì vậy, việc xác định một hợp đồng là hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng lao động không phải lúc nào cũng đơn giản và rõ ràng.

Khi tranh chấp lao động xảy ra, Toà án sẽ căn cứ vào những cơ sở pháp lý và vấn đề thực tiễn sau đây để xác định một hợp đồng giữa doanh nghiệp và cá nhân là hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ:

Cơ sở pháp lý

Người lao động chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp

Một trong những điểm khác biệt cơ bản mà ta có thể nhận thấy là người lao động luôn phải “chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động” trong khi bên cung ứng dịch vụ thì không nhất thiết phải có nghĩa vụ này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bên cung ứng dịch vụ vẫn có nghĩa vụ phải tuân theo những yêu cầu từ bên thuê dịch vụ (tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng và loại dịch vụ) và do đó có thể sẽ khó phân biệt nghĩa vụ này với nghĩa vụ “chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động” trong quan hệ lao động.

Cá nhân không đăng ký kinh doanh thì thường không có quyền cung ứng dịch vụ

Điều 3.1, Luật Thương mại 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Như vậy, việc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi là một loại hoạt động thương mại và hoạt động thương mại này phải tuân theo Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan (Điều 4.1, Luật Thương mại 2005).

Theo Điều 2.3, Luật Thương mại 2005, các hoạt động thương mại đều phải được thực hiện bởi thương nhân có đăng ký kinh doanh, chỉ trừ trường hợp “cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh”; những trường hợp loại trừ này được liệt kê cụ thể tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP, chủ yếu bao gồm các loại hình dịch vụ nhỏ lẻ như “đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định” và những cá nhân thực hiện hoạt động thương mại thông qua cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ này không được gọi là “thương nhân”.

Đối chiếu với trường hợp doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng lao động, rõ ràng là doanh nghiệp không thuê một cá nhân để cung cấp thường xuyên các loại dịch vụ nhỏ lẻ nêu trên mà thuê cá nhân để thực hiện các hoạt động đòi hỏi chuyên môn và trình độ nhất định. Tuy nhiên, đối với các hoạt động đòi hỏi chuyên môn và trình độ này thì cá nhân phải có đăng ký kinh doanh theo quy định mới được phép thực hiện dưới hình thức là một hoạt động thương mại chịu sự điều chỉnh của pháp luật thương mại thay cho hình thức quan hệ lao động chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động.

Vấn đề thực tiễn

Người lao động không được bảo vệ và rơi vào tình trạng thất nghiệp không có nguồn tài chính hỗ trợ

Nếu cá nhân ký kết hợp đồng dịch vụ thay vì hợp đồng lao động với doanh nghiệp, cá nhân này không được xem là “người lao động” và do đó không được hưởng các quyền lợi cơ bản của người lao động như mức lương tối thiểu, thời giờ làm việc – nghỉ ngơi, lương khi làm thêm giờ, quyền gia nhập Công đoàn, v.v. Đồng thời, nếu cho phép ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân một cách thoải mái, doanh nghiệp có thể nghĩ rằng thời hạn của hợp đồng dịch vụ là tuỳ theo ý của doanh nghiệp (người sử dụng dịch vụ) và họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ bất kỳ lúc nào đối với cá nhân cung cấp dịch vụ mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật lao động. Do đó, quyền lợi chính đáng của người lao động sẽ bị ảnh hưởng và không được bảo vệ theo luật lao động, gây ra tình trạng thất nghiệp nhưng không có nguồn tài chính hỗ trợ cho giai đoạn thất nghiệp (như tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tiền bồi thường do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc tiền hỗ trợ khác khi thôi việc theo quy định của pháp luật lao động) để người lao động có thể an tâm đi tìm công việc mới. Điều này có thể dẫn đến tệ nạn phát sinh trong xã hội do thất nghiệp gây ra.

Thất thu Ngân sách và mặt bằng lương thấp

Bảo hiểm là một trong những nguồn thu góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước và tăng cường tích lũy xã hội. Việc các doanh nghiệp lợi dụng việc ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân thay cho việc ký kết hợp đồng lao động để không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật sẽ làm giảm nguồn quỹ bảo hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ngân sách Nhà nước cũng như việc thực hiện chế độ an sinh xã hội của Nhà nước.

Hơn nữa, mặt bằng lương tại Việt Nam còn rất thấp, nếu không thực hiện đúng các chế độ bảo hiểm theo luật định thì người lao động cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Người lao động sẽ không có khoản bù đắp, hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm khi mất việc, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như phần thu nhập mất đi khi họ bị suy giảm, mất khả năng lao động, hoặc phần lương hưu khi họ hết tuổi lao động, trợ cấp tuất, trợ cấp mai táng khi chết, v.v.

Hiểu nhầm về việc đã nộp xong thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì có nghĩa là việc ký kết hợp đồng dịch vụ đã được chấp nhận

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thực tế họ vẫn ký hợp đồng dịch vụ với các cá nhân và họ vẫn hoàn thành nghĩa vụ khấu trừ thuế TNCN đối với những cá nhân này (10% đối với cá nhân cư trú, 20% đối với cá nhân không cư trú), họ vẫn nộp thuế đầy đủ và cơ quan thuế vẫn chấp nhận tức là không có rủi ro khi ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân. Thậm chí, họ nghĩ rằng khi cơ quan thuế vẫn chấp nhận những phí dịch vụ trả cho các cá nhân như là chi phí được khấu trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì có nghĩa là họ có thể ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân thay vì hợp đồng lao động.

Hiện nay, nếu tranh chấp xảy ra, Toà án là cơ quan có quyền quyết định các bên đúng hay sai, các cơ quan hành chính (như cơ quan thuế) không có quyền hạn này mà chỉ đưa ra ý kiến, hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện làm sao cho đúng với quy định nhất. Trên thực tế, các cơ quan hành chính của Việt Nam hiện nay (như cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm) không thể quản lý chéo công việc của nhau, tức cơ quan thuế thì không thể quản lý công việc của cơ quan bảo hiểm hoặc lao động và ngược lại. Do đó, nếu một cá nhân hoặc doanh nghiệp muốn nộp thuế cho Ngân sách Nhà nước thì cơ quan thuế luôn chào đón mà không cần phải biết có vi phạm về pháp luật lao động hay không và càng không có lý do gì để từ chối vì có thu còn hơn là không thu, không thu được hoặc không biết để mà thu. Việc thu đúng hay không đúng số thuế hoặc có vi phạm trong vấn đề liên quan đến xác định quan hệ để tính thuế cho đúng, sẽ được kiểm tra và xác minh trong quá trình kiểm tra/thanh tra của cơ quan thuế đối với từng doanh nghiệp cụ thể. Thậm chí, nếu doanh nghiệp cho rằng cơ quan thuế sai trong việc tính thuế, ra quyết định truy thu thuế, doanh nghiệp vẫn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính cơ quan thuế tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (bao gồm Toà án).

Thực tế là do có quá nhiều doanh nghiệp hiện nay nghĩ và làm không đúng (ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân không đúng luật) nhưng chưa bị xử lý khiến doanh nghiệp hiểu nhầm việc ký hợp đồng dịch vụ vẫn được cơ quan Nhà nước chấp nhận, kéo theo hệ quả là những doanh nghiệp khác bắt chước làm theo. Đồng thời, do các cơ quan Nhà nước cũng không thể nắm bắt hết các vi phạm để tiến hành kiểm tra nên họ chỉ tập trung giải quyết những trường hợp mà họ có thể biết và quản lý hiện tại để tránh tồn đọng và đạt chỉ tiêu hàng năm do Nhà nước đề ra cho đơn vị hoặc cơ quan của họ. Điều này không có nghĩa là họ sẽ làm lơ cho các doanh nghiệp vi phạm trong tương lai, mà vì hiện tại họ chưa có điều kiện hoặc thời gian để tiến hành kiểm tra.

Chúng tôi xin trích dẫn Công văn 1019/TCT-TNCN ngày 25/03/2015 để bạn đọc tham khảo.

Theo công văn này, Tổng Cục thuế cho ý kiến rằng thu nhập từ hợp đồng ký với cá nhân (không có đăng ký kinh doanh) là thu nhập từ tiền công, tiền lương. Như vậy, Tổng Cục thuế (mặc dù không nói rõ [theo nội dung công văn hỏi] hợp đồng này là hợp đồng lao động hay dịch vụ) cho rằng yếu tố không đăng ký kinh doanh sẽ là cơ sở để xác định thu nhập là tiền công, tiền lương theo quan hệ lao động; nói cách khác, quan hệ giữa doanh nghiệp và cá nhân không đăng ký kinh doanh là quan hệ lao động chứ không phải quan hệ cung ứng dịch vụ.

Kết luận

Như vậy để ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân thì cá nhân đó cần tiến hành đăng ký kinh doanh theo luật định (chủ yếu là theo pháp luật doanh nghiệp). Nếu doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân không đăng ký kinh doanh là trái với quy định pháp luật như đã phân tích ở trên.

Một ý kiến khác (theo chủ quan của chúng tôi) là nếu cơ quan Nhà nước và pháp luật Việt Nam thực sự công nhận tính hợp pháp của hợp đồng dịch vụ được ký với cá nhân không có đăng ký kinh doanh theo luật định thì có lẽ không cần có sự tồn tại của pháp luật lao động cũng như các quy định về bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp.

Quy định pháp luật đã rõ ràng, vấn đề còn lại là doanh nghiệp và các cá nhân có muốn thực hiện theo đúng luật hay không mà thôi; và nếu chấp nhận thực hiện không đúng luật thì cũng nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi tranh chấp xảy ra.