So sánh Thiết Kế Sản Phẩm và Thiết Kế Công Nghiệp | NEO Studio

Từ thập niên 70, hai từ này đã được xuất hiện và cũng gây vô số thắc mắc, sau khi mình nghiên cứu và tổng kết thông qua các bình luận và tài liệu thì cuối cùng mình cũng đã nắm được sự khác biệt chính của 2 từ này. Trước tiên mình cùng lướt nhanh qua vài ý chính của Thiết Kế Công Nghiệp và Thiết Kế Sản Phẩm rồi sẽ đến sự khác biệt chính nhé.

Định nghĩa Thiết Kế Sản Phẩm – Product Design (PD)

Khi đặt câu hỏi Thiết Kế Sản Phẩm là gì? Mỗi một người sẽ có một câu trả lời khác nhau, tùy vào lĩnh vực mà họ học/làm. Nhưng dù có gom thêm câu hỏi thì nó cũng không đi ra khỏi nghĩa của từ Product Design – Thiết Kế Sản Phẩm.

Một Product Designer sẽ xuất phát từ Nghiên Cứu đến phát triển các Concept, đến các bản Render và đến cả khâu thực hiện Prototype. Mục tiêu chính của Thiết Kế Sản Phẩm là thiết kế và đưa ra những giải pháp, hay xây dựng và phát triển (development) một thiết kế, một sản phẩm đã có trước đó. Để làm được việc đó, người Thiết Kế Sản Phẩm là những người nghiên cứu và hiểu sâu về đối tượng sử dụng (User), sự tương tác và trải nghiệm người dùng trong từng thời kì của sản phẩm. Tùy vào yêu cầu của thiết kế mà người làm Thiết Kế Sản Phẩm sẽ làm tới mức Render hay Prototype, NHƯNG họ sẽ không đụng tay tới đoạn có khâu Sản Xuất, hay nói cách khác là người làm Thiết Kế Sản Phẩm không quá cần thiết phải hiểu hết khâu Sản Xuất.

Tóm lại, Thiết Kế Sản Phẩm thì ưu tiên “Thiết Kế đó dành cho ai” hơn là “Thiết Kế đó được sản xuất/gia công thế nào”.

Định nghĩa Thiết Kế Công Nghiệp – Industrial Design (ID)

Đọc đoạn trên của Thiết Kế Sản Phẩm thấy muốn chiếm hết của Thiết Kế Công Nghiệp rồi, nhưng thực ra là không. Theo như cuốn The Industrial Design Reference & Specification Book, Thiết Kế Công Nghiệp được định nghĩa rất rõ và sâu hay thậm chí nếu bạn học Thiết Kế Công Nghiệp ở Việt Nam thì bạn có thể shock vì dường như ngành mình đã được gọi tên không đúng (hay đã bị đặt sai tên?). Industrial Design – Thiết Kế Công Nghiệp vốn là một mảng quan trọng của Doanh Nghiệp, song song với việc đảm bảo Thiết Kế đó được sản xuất thế nào thì Thiết Kế Công Nghiệp còn đảm nhận phân tích và điều chỉnh thiết kế sao để nó phù hợp với những chiến lược của Doanh Nghiệp, Thiết Kế Công Nghiệp nắm và cân đối giữa những liên kết trong Doanh Nghiệp như Kinh Phí Sản Xuất (Kế Toán Tài Chính), Thị Hiếu/Thị Trường (CEO, Marketing)…

Nói một cách bớt vĩ mô lại thì Thiết Kế Công Nghiệp đụng vào thiết kế để có thể sản xuất được thì phải điều chỉnh và cân đối thiết kế đó để kinh phí sản xuất không làm cạn kiệt nguồn vốn cho dự án. Và trước khi nói tới sản xuất thì thẩm mỹ hay tính thực dụng, ứng dụng của sản phẩm đó cần đúng với định hướng của CEO và phù hợp với nhóm đối tượng mà Marketing đã vạch ra.

Thiết kế Công Nghiệp và Thiết Kế Sản Phẩm khác nhau như thế nào?

Trong quá trình tạo ra Sản Phẩm, Thiết Kế Sản Phẩm chú trọng vào giải pháp, còn Thiết Kế Công Nghiệp mang giải pháp đó hướng đến sản xuất, cân đối các yếu tố trong Doanh Nghiệp xoay quanh Thiết Kế đó.

Thiết Kế Sản Phẩm nếu phát triển thêm kiến thức về khâu sản xuất thì có thể cân đối được phần của Thiết Kế Công Nghiệp.

Còn Thiết Kế Công Nghiệp nếu đào sâu nghiên cứu và am hiểu người dùng lẫn kỹ thuật của sản phẩm cũng có thể bù lấp được phần của Thiết Kế Sản Phẩm.

Trong một team, nếu cùng có Thiết Kế Sản Phẩm và Thiết Kế Công Nghiệp thì gần như đã hoàn thiện mọi khía cạnh để thiết kế và phát triển sản phẩm thiết kế.