Sợ rủi ro, nhiều quận, huyện của Hà Nội ngại đấu giá đất

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tháng 3-2021, TP đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn 2021-2023. Theo đó toàn thành phố có 507 dự án đăng ký thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2022, với tổng diện tích hơn 422 ha. Tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến khoảng hơn 38.000 tỷ đồng. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả khoảng gần 7.000 tỷ đồng.

Trong đó dự án quy mô diện tích đất trên 5.000 m2 có 296 dự án, tổng diện tích đất hơn 381 ha, tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến là hơn hơn 33.775 tỷ, tổng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả khoảng 5.913 tỷ.

Dự án quy mô dưới 5.000 m2 đất là 211 dự án, tổng diện tích hơn 40 ha, với số tiền trúng đấu giá dự kiến là hơn 4.347 tỷ, chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả là hơn 1.076 tỷ.

Ngoài ra đến tháng 3-2022, TP đã bổ sung thêm 11 dự án đấu giá đất khác với tổng diện tích là gần 27 ha. Trong đó Trung tâm phát triển quỹ đất đăng ký 4 dự án, quận Hà Đông đăng ký 5 dự án, quận Hoàng Mai đăng ký 2 dự án.

Về kết quả thực hiện đấu giá đất từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP đã thực hiện đấu giá đất tại 33 dự án với diện tích 5,87 ha, với số tiền trúng đấu giá là 1.955,95 tỷ đồng, thu về 3.106 tỷ (đạt khoảng 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá quyền sử dụng đất).

Hiện Sở TN&MT đã tiếp nhận 11 hồ sơ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó 3 hồ sơ đã trình Hội đồng thẩm định, các hồ sơ còn lại đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục. Ngoài ra, hiện TP có 143 dự án/ khu đất với tổng diện tích 87,6 ha đất đã giải phóng mặt bằng chuẩn bị thủ tục để tổ chức đấu giá đất.

Sợ rủi ro, nhiều quận, huyện của Hà Nội ngại đấu giá đất ảnh 1

UBND TP Hà Nội nhận định nhìn chung tiến độ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 thực hiện chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân do việc tổ chức đấu giá đất gặp khó khăn, vướng mắc như: công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa nhận được đồng thuận cao của người bị thu hồi đất; đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải thực hiện bổ sung các thủ tục hành chính như: chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2 ha phải dành đất xây dựng nhà ở xã hội.

Đặc biệt là công tác xác định giá khởi điểm còn chậm, gặp khó khăn về phương pháp xác định giá đất cụ thể…

“Thời gian qua, có vụ việc đấu giá đất có tồn tại nên các đơn vị tham gia thực hiện có tâm lý e ngại dẫn đến việc chậm thực hiện các thủ tục. Cụ thể như các đơn vị tư vấn lập chứng thư xác định giá khởi điểm chậm; chậm thẩm định phê duyệt giá khởi điểm; các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá thận trọng cầu toàn nên chậm tiến độ thực hiện” – báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết, hiện trên địa bàn TP các Công ty tư vấn thẩm định giá đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.

Để tháo gỡ các vướng mắc này, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thủ tục hành chính về đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Trong đó tập trung hoàn thành nhanh thủ tục xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất…

Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị với Trung ương một số chính sách để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có nội dung cho phép Hà Nội được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (K) để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất mà không phải thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể.