Sơ lược về trang phục casual và formal theo chuẩn dress code (Kỳ 2)

Chào các bạn đã trở lại với series về khái niệm casual và formal; như tôi đã khái quát trong phần 1 về trang phục formal (trang trọng, lịch sự, nghiêm chỉnh, có tính quy chuẩn) và casual (đời thường, giản dị, tự do, thoải mái).

Độ trang trọng (formality level) của trang phục là một khái niệm nền tảng trong classic menswear; tất nhiên, đã xa lắm rồi cái thời chúng ta lựa chọn quần áo theo độ formal, cũng như sử dụng quần áo để thể hiện vị trí trong xã hội, nhưng kiến thức về formality level vẫn mang những giá trị không thể thay thế.

Thứ nhất, formality level giúp chúng ta trả lời những câu hỏi như: đi phỏng vấn/thuyết trình/cưới xin… thì mặc gì? Hay item/họa tiết/màu này có hợp để mặc đi tiệc/đi làm/đi sự kiện không? Việc không trang bị cho bản thân kiến thức nền tảng về thời trang có thể khiến cho bạn gặp phải những trường hợp oái oăm dở khóc dở cười khi diện những bộ đồ không hề liên quan tới hoàn cảnh. Ví dụ: khi tham gia một buổi phỏng vấn thay vì lựa chọn chiếc áo sơ mi màu trắng cùng với bộ suit màu charcoal hoặc navy thì bạn lại kết hợp trang phục mang tính casual: áo phông mix với quần jean và giày thể thao.

Một diện mạo phù hợp thể hiện rằng bạn để tâm và hiểu rõ về môi trường, sự kiện bạn sẽ tham gia, cũng như quan tâm tới cảm giác của những người mà mình sẽ tiếp xúc. Để làm tốt việc này, kiến thức về tính chất của từng loại trang phục, phụ kiện là yếu tố bắt buộc. Khả năng ăn mặc hợp quy chuẩn trang trọng không chỉ là một kỹ năng cần thiết mà còn là một vũ khí hữu hiệu trong môi trường chuyên nghiệp; mặt khác, khả năng dress down các loại trang phục theo hướng đời thường hơn cũng là một nền tảng vững chắc để theo đuổi phong cách cổ điển, hay nói cách khác là để phong cách này thực sự “sống” trong các hoạt động hằng ngày.

Thứ hai, khả năng đánh giá formality level là một kỹ năng cơ bản để mix đồ cho phù hợp và để dress up – dress down outfit theo hướng mình muốn. Ví dụ một bộ unstructed suit với chất liệu cotton seersucker, kẻ xanh trắng với các chi tiết patch pocket, quần no break đến maximum casual suit; bộ suit này sẽ phù hợp để mặc cùng suede loafers; loafer da bóng đã là lệch pha chứ bạn mà phang đôi Wholecut Oxford thì chả khác gì bò tót đeo nơ. Ngược lại với một bộ business suit mà bạn mix cùng 1 đôi Wingtip Derby chất liệu Grain leather màu Tan thì cũng thảm họa không kém (nhưng mà lỗi này thì vô khối thanh niên cả Tây lẫn Ta mắc).

Những yếu tố để đánh giá Formality level của trang phục bao gồm: loại trang phục, thiết kế, chất liệu, màu sắc, họa tiết. Bên cạnh những yếu tố về việc phân loại trang phục, thiết kế theo các mức độ trang trọng, cũng như việc sử dụng trong các sự kiện khác nhau đã được tôi giới thiệu với mọi người ở phần trước.

Lựa chọn chất liệu được coi là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá formality level của bất kì trang phục nào bạn mặc, hãy tuân thủ nguyên tắc chung càng tối giản, trơn tru, liền mạch, thon gọn thì càng formal; nói cách khác, trang phục càng gần với dress code formal thì càng formal, và ngược lại, trang phục càng gần các dress code casual thì càng casual. Sau đây tôi sẽ đưa ra một số ví dụ trực quan cho các bạn.

Hình minh họa: anh Hoàng Đình Đức

Cơ bản nhất là phân biệt độ formal thông qua item, bộ trang phục trong hình minh họa bên trái bao gồm suit, sơ mi, cà vạt và giày Tây buộc dây; đây đều là nhưng item có độ formal cao hơn hẳn so với bộ trang phục trong hình bên phải, với áo polo, field jacket và giày loafer, vậy nên có thể thấy rõ ràng rằng outfit bên trái có độ formal cao hơn hẳn outfit bên phải.

Hình minh họa: anh Trần Khôi Nguyên (từ Ethan M. Wong)

Một ví dụ khác: Bộ suit trong hình bên trái với chất liệu wool, trơn tru phẳng phiu, cơ bản cho formal suit. Ngược lại, bộ suit trong hình bên phải làm bằng coton với các nếp nhăn tự nhiên hoàn toàn mang tính chất casual suit nên bộ suit bên trái được coi là formal hơn bộ bên phải (sử dụng chất liệu formal hơn).

Hình minh họa: anh Nguyễn Đức Duy

Ngoài ra việc đánh giá formality level bộ đồ bạn mặc cũng phụ thuộc rất nhiều vào màu sắc và họa tiết được thiết kế trên bộ đồ. Ví dụ với hai outfit trên đây, bạn có thể dễ dàng nhận thấy, cùng là suit trơn màu, bộ suit bên trái màu navy, tối hơn màu royal blue của outfit bên phải khiến outfit bên trái được coi là formal hơn hẳn do việc sử dụng màu sắc formal hơn.

Hình minh họa: anh Nguyễn Minh Anh

Hay một ví dụ khác làm rõ vai trò của họa tiết đối với outfit: cả 2 bộ suit trong hình minh họa đều là suit 3 mảnh, nhưng hình bên trái bộ suit có họa tiết pinstripe, chìm và được coi là formal hơn bộ checked suit trong hình bên phải (sử dụng họa tiết formal hơn).

Xem Kỳ 1

Bài: Dexter Dinh – Style Columnist