Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới – Tài liệu text

Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (13.5 MB, 140 trang )

TÀI LIỆU DÙNG CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ TRƯỜNG PHỔ THỐNG
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ
GIÁO DỤC VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ
NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Hà Nội, tháng 8 -2009
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI
1

MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU 5
LỜI GIỚI THIỆU 7
CHƯƠNG 1- SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT NAM 8
I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC – NHỮNG MỐC LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN
QUAN TRỌNG 8
II. CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM 17
III. HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN VIỆT NAM HIỆN NAY 19
VI. PHỤ LỤC 38
CHƯƠNG 2 – SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ CẢI CÁCH GIÁO DỤC CỦA
MỘT SỐ NƯỚC Ở KHU VỰC CHÂU Á 44
A. GIÁO DỤC TRUNG QUỐC 44
I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NỀN GIÁO DỤC TRUNG QUỐC 44
II. CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC 45
II. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC TRUNG QUỐC 45
IV. NHỮNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC TRONG THỜI KỲ HIỆN ĐẠI HOÁ Ở TRUNG
QUỐC 48
Tài liệu tham khảo 54
B. GIÁO DỤC SINGAPORE 55
I. SƠ LƯỢC VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC CỦA SINGAPORE 55
II. KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC SINGAPORE 56
III. CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG- SỰ THAY ĐỔI VỀ MỤC TIÊU

ĐÀO TẠO 59
IV. NHỮNG THAY ĐỔI TIÊU BIỂU TRONG GIÁO DỤC TỪ NĂM 1997 60
V. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC 63
VI. CÁC THAY ĐỔI TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY CỦA NHÀ
TRƯỜNG VÀ SẮP XẾP TRONG LỚP HỌC 64
VII. MỞ RỘNG CÁC CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP CHO GIÁO VIÊN 67
C. GIÁO DỤC MALAYSIA 71
I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC CỦA MALAYSIA TỪ
NHỮNG NĂM 1950 71
II. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC MALAYSIA 73
III. NHỮNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC GẦN ĐÂY 79
D. GIÁO DỤC NHẬT BẢN 80
I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NỀN GIÁO DỤC NHẬT BẢN 80
II. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC NHẬT BẢN 82
III. CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY 84
V. NHỮNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở NHẬT BẢN 85
CHƯƠNG 3 – QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC CỦA MỘT SỐ NƯỚC Ở KHU
VỰC CHÂU ÂU VÀ CHÂU MỸ 89
A. GIÁO DỤC ANH 89
I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC Ở ANH 89
II. CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở ANH 90
III KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC ANH 91
B. GIÁO DỤC PHÁP 96
I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NỀN GIÁO DỤC PHÁP 96
2

II. QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở PHÁP 97
III. KHÁI QUÁT HỆ THỒNG GIÁO DỤC PHÁP 98
IV. HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ TRONG GIÁO DỤC PHÁP 103
V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ NGƯỜI HỌC 104

VI. NHỮNG CẢI CÁCH CHÍNH GẦN ĐÂY 105
VII. PHỤ LỤC 107
Tài liệu tham khảo 112
C. GIÁO DỤC PHẦN LAN 113
I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC PHẦN LAN 113
II. CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC PHẦN LAN 114
III. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẦN LAN 115
IV. NHỮNG CẢI CÁCH TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC 117
V. PHỤ LỤC: Những lý giải cho thành công của Phần Lan trong PISA 118
D. GIÁO DỤC HOA KỲ 124
I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC HOA KỲ
124
II. QUẢN LÝ GIÁO DỤC 124
III. KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC HOA KỲ 127
IV. HỆ THỐNG THI CỬ VÀ ĐÁNH GIÁ: 130
V. NHỮNG KHUYNH HƯỚNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở HOA KỲ TỪ NHỮNG
NĂM 1980 131
VI. PHỤ LỤC: Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về dân chủ trong giáo dục Hoa Kỳ. 134
Tài liệu tham khảo 137
LỜI KẾT 138
3

Nhóm biên soạn:
1. ThS. Huỳnh Thị Mai Phương
2. ThS. Vũ Văn Hùng
3. Ông Nguyễn Quang Kính
4. TS. Andrea Gallina
5. ThS. Eberhard Kobler
6. ThS. Trần Phước Lĩnh
Biên dịch: Nguyễn Tiến Cương

Chủ trì biên soạn và hiệu đính: ThS. Nguyễn Thị Thái
4

LỜI NÓI ĐẦU
Dự án Hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục (Support to the Renovation of Education Management-
viết tắt là SREM) do Cộng đồng Châu Âu tài trợ. Dự án có nhiệm vụ hỗ trợ Bộ thực hiện đổi
mới quản lý giáo dục thông qua việc tăng cường khung pháp lý cho phân cấp quản lý và thực
hiện Luật Giáo dục 2005, đồng thời xây dựng Hệ thống thông tin quản lý giáo dục, thực hiện
đổi mới phương thức quản lý trên phạm vi toàn ngành.
Với mục tiêu hỗ trợ hiệu trưởng tăng cường nhận thức về tiến trình đổi mới và nâng cao năng
lực quản lý trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn, đồng thời thúc đẩy văn hóa tự học và học
suốt đời của cán bộ quản lý giáo dục, Dự án SREM biên soạn Bộ Tài liệu tăng cường năng lực
quản lý trường học. Bộ Tài liệu cung cấp nhiều kiến thức chung về những lĩnh vực khác nhau
của quản lý giáo dục và những nhiệm vụ riêng trong quản lý trường học, từ cơ bản đến nâng
cao. Ngoài ra còn giới thiệu quá trình phát triển giáo dục ở Việt Nam và một số nước trên thế
giới, tạo điều kiện cho mỗi hiệu trưởng rút ra bài học kinh nghiệm cho riêng mình, vận dụng
các kiến thức này trong hoàn cảnh thực tế của từng trường.
Khi biên soạn, Dự án SREM cố gắng để Bộ Tài liệu đáp ứng được tình hình giáo dục Việt
Nam hiện tại, đồng thời từng bước hòa nhập với các chuẩn giáo dục quốc tế. Dự án đã tham
khảo các tài liệu quản lý giáo dục trong và ngoài nước và hệ thống hóa lại các vấn đề cần thiết
đối với hiệu trưởng, dựa trên cơ sở năng lực cần có của hiệu trưởng để đáp ứng những yêu cầu
quản lý mới. Bộ Tài liệu còn là sự tổng hợp những kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn quản lý
giáo dục mà Dự án thu thập được thông qua các hội thảo và thực tiễn giúp hiệu trưởng có cái
nhìn rộng hơn về xu thế giáo dục hiện nay của nhiều nước trên thế giới.
Bộ Tài liệu gồm 6 cuốn:
1. Sơ lược lịch sử giáo dục của Việt Nam và một số nước trên thế giới;
2. Quản lý nhà nước về giáo dục;
3. Quản lý điều hành các hoạt động trong trường học;
4. Giám sát, đánh giá trong trường phổ thông;
5. Công nghệ thông tin trong quản lý trường học

6. Quản trị hiệu quả trường học.
Bộ Tài liệu được biên soạn cho hiệu trưởng các trường phổ thông (kể cả các trường ngoài
công lập) và cũng sẽ rất bổ ích đối với các phó hiệu trưởng, tổ trưởng bộ môn, những người
giúp hiệu trưởng thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường. Một số độc giả khác như giáo viên
cốt cán, với hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành hiệu trưởng, cũng có thể tham khảo tài liệu
này. Trong lúc chưa trở thành cán bộ quản lý, việc am tường các nhiệm vụ của hiệu trưởng
cũng giúp giám sát hoặc hỗ trợ hiệu trưởng tốt hơn trong quá trình quản lý đang ngày càng
được yêu cầu theo hướng công khai, minh bạch.
Dự án hy vọng các cơ sở đào tạo về quản lý giáo dục, thậm chí cả các trường sư phạm cũng
tìm thấy sự hữu dụng trong bộ tài liệu này khi thực hiện các khóa đào tạo sinh viên sư phạm.
Dự án tin rằng những người công tác trong ngành giáo dục, từ các cán bộ trong Bộ GD-ĐT,
cho tới các cán bộ công tác tại các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT và những ai tiến hành các hoạt
động nghiên cứu về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của trường học cũng sẽ tìm thấy những
nội dung bổ ích trong Bộ Tài liệu này.
Bộ Tài liệu này sẽ hỗ trợ các hiệu trưởng nói riêng và các nhà quản lý giáo dục nói chung phát
triển năng lực quản lý của mình. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, kinh tế và giáo dục tại các
vùng miền của nước ta rất khác nhau, tài liệu không thể bao quát hết và đáp ứng đầy đủ nhu
5

cầu thực tiễn quản lý cho từng địa phương. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo của mỗi cán bộ quản
lý trong việc áp dụng linh hoạt vào thực tiễn địa phương mình, phù hợp với đặc thù nhà trường
và đặc thù giáo dục của vùng miền.
Phương pháp sử dụng tài liệu
Do mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau về trình độ và kinh nghiệm chuyên môn nên
nhu cầu học tập của mỗi người là rất khác nhau. Cách sử dụng phù hợp nhất là tự học theo
những định hướng phát triển của bản thân (còn gọi là học tập theo lối mở). Có nghĩa là, người
đọc tự chọn thời gian và nội dung muốn học theo thứ tự ưu tiên của chính mình. Nếu tự học,
người đọc cần suy ngẫm về những điều vừa đọc được, so sánh, vận dụng vào thực tế đang diễn
ra. Có thể làm điều này bất cứ lúc nào, khi ở trường, ở nhà, thậm chí trên đường đi công tác.
Theo cách này, người học sẽ không phải chịu áp lực từ bên ngoài mà lại có thể tự tìm ra những

gì phù hợp nhất để áp dụng cho bản thân và đơn vị của mình. Tựu chung lại, người đọc có thể
đọc từng cuốn trong Bộ Tài liệu theo bất cứ trình tự nào.
Để có thể áp dụng vào thực tiễn trường học của mình, mỗi hiệu trưởng phải tư duy và thực
hành các công việc qua các chủ đề. Cách thực hành này có thể gồm những hoạt động như lập
ra các bảng danh mục hoạt động cần kiểm tra, trả lời các câu hỏi, tập hợp dữ liệu và thảo luận
với các đồng nghiệp, có thể là giáo viên trong trường hoặc các hiệu trưởng khác nhằm sưu tầm
thêm các tài liệu về lịch sử và quá trình phát triển ngành giáo dục ở địa phương mình hoặc các
kinh nghiệm giáo dục để cụ thể hóa các nội dung và tình huống quản lý ở trường minh, tiếp
thêm sức sống cho Bộ Tài liệu và làm giàu lý luận về quản lý giáo dục ở Việt Nam.
Quản lý giáo dục là một lĩnh vực khó, liên quan đến sự phát triển toàn diện của nhà trường
cũng như của từng cá nhân, đòi hỏi kiến thức sâu rộng, tích hợp nhiều kỹ năng và kinh nghiệm
thực tiễn của mỗi cán bộ quản lý, các nội dung được biên soạn trong tài liệu sẽ là những gợi ý
hữu ích cho những người làm công tác quản lý. Phần các văn bản qui phạm pháp luật liên
quan tới giáo dục được cập nhật tới thời điểm phát hành đĩa CD kèm theo Bộ Tài liệu này.
Dự án SREM chân thành cảm ơn sự cộng tác của hàng trăm hiệu trưởng, cán bộ quản lý các
cấp và các chuyên gia tư vấn quốc tế đã tham gia vào quá trình xây dựng Bộ tài liệu này.
Dự án đặc biệt cảm ơn vị Lãnh đạo cao nhất của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã gợi
ý Dự án xây dựng Bộ Tài liệu này.
Dự án mong rằng Bộ Tài liệu sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình đổi mới quản lý giáo dục nhằm
nâng cao chất lượng giáo dục. Hiệu quả của Bộ Tài liệu này với việc nâng cao chất lượng
trường học sẽ chỉ được nhận thấy sau một thời gian, nhưng chắc chắn Bộ Tài liệu sẽ có tác
động ngay tới các Hiệu trưởng vì tính cụ thể và thực tiễn của nó.

GIÁM ĐỐC DỰ ÁN
GS. TS PHẠM VŨ LUẬN
THỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
6

LỜI GIỚI THIỆU
Mục đích của quyển 1 trong Bộ Tài liệu dùng cho cán bộ quản lý trường phổ thông nhằm cung

cấp một số thông tin về quá trình phát triển giáo dục của Việt Nam, tình hình phát triển giáo dục và
xu hướng cải cách giáo dục của một số nước trên thế giới. Trong quản lý giáo dục, giáo dục đối chiếu
được xem là một phương thức quan trọng giúp nhà quản lý hiểu được các hệ thống giáo dục khác
nhau, nắm được các vấn đề cơ bản về cải cách giáo dục, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm
trong quá trình phát triển và cải cách. Với việc nghiên cứu giáo dục đối chiếu, chúng ta học tập được
những cách làm hay và hiệu quả, đồng thời tránh được những sai lầm trong cải cách mà các nước đã
trải qua.
Trong cuốn sách này, ngoài giáo dục Việt Nam, chúng tôi còn giới thiệu 8 hệ thống giáo dục tiêu
biểu thuộc 2 nền giáo dục phương Đông và phương Tây với đặc thù về hệ thống, trình độ phát triển
và xu hướng cải cách giáo dục do những sự khác biệt căn bản về văn hóa, lịch sử, chính trị cũng như
đặc điểm kinh tế, xã hội của từng quốc gia. Các nước châu Á mà chúng tôi giới thiệu gồm Trung
Quốc, Singapore, Malaysia và Nhật Bản. Các nước phương Tây mà chúng tôi chọn lựa gồm có Anh,
Pháp, Phần Lan và Hoa Kỳ. Đây đều là các quốc gia có sự phát triển giáo dục ở trình độ cao với việc
phân cấp phân quyền trong quản lý và việc cung cấp những cơ hội giáo dục tốt nhất cho người học.
Bài học rút ra từ thực tiễn giáo dục các nước có thể cho thấy xu hướng giáo dục hiện đại là thống nhất
sự đa dạng bằng việc chuẩn hóa trong đánh giá, đa dạng hóa các loại hình giáo dục và quản lý; tìm
các biện pháp giải quyết khó khăn giữa sự cạnh tranh vượt trội và bình đẳng trong giáo dục; phát triển
giáo dục toàn diện và giáo dục hướng đến những kỹ năng thực tiễn để giúp người học giải quyết
những vấn đề của cuộc sống trong xu thế toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ
thông tin.
Trong cuốn sách này, ngoài việc giới thiệu lịch sử phát triển giáo dục, chúng tôi còn mô tả hệ
thống giáo dục và đặc biệt là những vấn đề cải cách cụ thể gần đây của từng quốc gia với mong muốn
làm tài liệu tham khảo cho các cán bộ quản lý trong quản lý trường học cũng như trong tiến trình cải
cách giáo dục ở Việt Nam.
Do thời gian chuẩn bị tài liệu có hạn, chúng tôi chưa giới thiệu hết những hệ thống giáo dục và
những nỗ lực cải cách giáo dục của tất cả các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Nga, Đức, Úc, New
Zealand, Canada, v.v mặc dù đây là những nước có quan hệ quốc tế về giáo dục rất gần gũi với Việt
Nam. Những tài liệu mà chúng tôi sử dụng khá đa dạng và gồm nhiều thứ tiếng khác nhau, nên chắc
chắn trong quá trình biên soạn và tổng hợp không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong sự lượng thứ
của quý độc giả.

Thay mặt nhóm tác giả
Th.S Nguyễn Thị Thái
Phó Vụ trưởng, Phó GĐ dự án
7

CHƯƠNG 1- SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT NAM
I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC – NHỮNG MỐC LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN
QUAN TRỌNG
1. Giáo dục Việt Nam trong thời phong kiến và thời thuộc địa
1.1. Giáo dục Việt Nam trong thời phong kiến
Kể từ thời các vua Hùng dựng nước cho tới khi Ngô Quyền xưng vương, đánh tan quân Nam
Hán, chấm dứt hơn nghìn năm Bắc thuộc, hầu như không có tài liệu nói về giáo dục (với nghĩa hẹp là
dạy và học chữ). Tuy nhiên, căn cứ vào việc sử sách ca ngợi công lao của thái thú Sỹ Nhiếp mở mang
việc học tại Giao Chỉ và một số đoạn nói về một vài người Việt đỗ đạt và làm quan ở phương Bắc, có
thể nói trong thời Bắc thuộc đã có một tầng lớp người Việt biết chữ. [1] Hơn nữa, cùng với việc du
nhập đạo Phật, chắc chắn chùa chiền phải là nơi dạy chữ để đào tạo các nhà sư và truyền bá kinh kệ.
Bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ hai, cùng với việc xây dựng và bảo vệ đất nước, tổ tiên ta đã dành
nhiều công sức phát triển nền giáo dục dân tộc. Cơ sở giáo dục đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt
Nam (được ghi nhận trong sử sách) là Quốc Tử Giám Thăng Long, do vua Lý Nhân Tông cho thành
lập vào năm 1076. [1] Lúc đầu Quốc Tử Giám chỉ nhằm dạy con cái vua quan, sau mở rộng dần cho
những thanh thiếu niên có tư chất và đủ trình độ trong dân gian. Vào năm 1483, Quốc Tử Giám đã có
300 xá sinh (sinh viên nội trú) gồm con em gia đình quý tộc, quan lại, chưa kể số con em dân thường,
học giỏi được phép đến nghe giảng (như sinh viên ngoại trú). [2] Về lực lượng giảng dạy, ngoài những
quan chức ở Quốc Tử Giám, triều đình còn cho phép các nhà Nho uyên thâm đến giảng dạy (tương tự
giáo sư thỉnh giảng ngày nay). [1] Sau này, triều Nguyễn đóng đô tại Phú Xuân, đã mở Quốc Tử Giám
tại Huế. Ngày nay, Quốc Tử Giám Thăng Long được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Sau khi mở mang việc dạy học ở kinh đô, dần dần nhà nước phong kiến chú ý đến việc tổ chức hoạt
động giáo dục ở địa phương. Năm 1397, thời vua Trần Thuận Tông, triều đình cho đặt học quan ở các
lộ, phủ lớn (đơn vị hành chính tương đương với cấp tỉnh ngày nay) để lo việc giáo dục. [1] Đến thế kỷ

XV – XVI, nền giáo dục Việt Nam đã phát triển rực rỡ. Các phủ, lộ đều có trường công. [2]
Đồng thời với việc phát triển hệ thống giáo dục, nhà nước phong kiến rất quan tâm tổ chức các
kỳ thi, xem đây là biện pháp quan trọng nhằm chọn người tài giỏi tham gia bộ máy điều hành quốc
gia. Năm Ất Mão 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình mở kỳ thi Nho học tam trường để
tuyển Minh kinh bác học. [1] Thống kê từ chính sử, trong thời gian 84 năm (1442 đến 1526), nhà nước
phong kiến đã tổ chức 26 khoa thi Hội. [2] Theo quy định thời đó, trước thi Hội có thi Hương, như vậy
tổng số các kỳ thi lên tới 52 chưa kể, cứ sau một kỳ thi Hội còn một kỳ thi Đình để chọn 3 người đứng
đầu và xếp hạng những người trúng tuyển. [2] Năm 1471 (đời vua Lê Thánh Tông), số quan lại có
phẩm tước là 5370, riêng ở triều đình (nhà nước trung ương) là 2755, phần lớn được lựa chọn qua thi
cử. [2] Các triều đại tiếp theo, việc thi cử vẫn được duy trì và phát triển với quy mô lớn hơn, kể cả
trong thời gian Trịnh – Nguyễn phân tranh. Cũng theo thống kê như thế, có thể chưa đầy đủ, tổng số
các tiến sĩ, phó bảng và tương đương (trúng tuyển thi Hội) kể từ khoa thi đầu tiên 1075 đến khoa thi
cuối cùng 1919 là 2.848 người. [2]
Cần lưu ý là, các quy định về thi cử dưới thời phong kiến hết sức chặt chẽ, chứng tỏ năng lực
quản lý đối với hệ thống giáo dục của các triều vua từ Lý, Trần đến Lê, Nguyễn rất cao. Kỳ thi Hội
năm 1442 có 450 thí sinh, trúng tuyển 33 (chiếm 7,3%). Kỳ thi Hội năm 1448 có 750 thí sinh, trúng
tuyển 27 (chiếm 3,6%). [2] Tuy chuyện buôn quan, bán tước cũng có lúc xẩy ra nhưng việc gian lận
trong thi cử thì rất hiếm và đối với những người có hành vi gian lận trong thi cử dù ở bất kỳ cấp bậc
nào cũng đều bị trừng trị nghiêm khắc. Bằng việc tuyển chọn nhân tài thông qua thi cử, tuy hết sức
8

khắt khe nhưng lại mang yếu tố dân chủ vì đã tạo được cơ may cho con cái tầng lớp bình dân. Một
điều đặc biệt lý thú là, trong giai đoạn mới thành lập, vương triều Trần cũng đã tính đến điều kiện học
tập không đồng đều giữa các địa phương từ đó quy định một kỳ thi có hai trạng nguyên: kinh trạng
nguyên cho khu vực thuận lợi và trại trạng nguyên cho khu vực khó khăn.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân thời phong kiến, bên cạnh một số lượng không nhiều các
trường công, tại nhiều làng xã, đã có những gia đình mời thầy đến ở trong nhà, dạy con em mình và
thanh thiếu niên trong làng. Nhà chủ chịu trách nhiệm chu cấp cho thầy. Như vậy, từ xa xưa dạy học
đã là một nghề. Hơn nữa, theo Nho giáo, đối với mỗi con người, vị trí của ông thầy chỉ ở dưới vua và
trên cả cha mẹ (quân – sư – phụ). Trong xã hội Việt Nam, quan niệm phổ biến của không ít người là

“dù nghèo, cũng cố cho con học dăm ba chữ để làm người”. Còn để trở thành người lãnh đạo, theo
cách lựa chọn quan lại của hầu hết các triều đại, nhất thiết phải học giỏi và đỗ đạt trong các kỳ thi (thi
văn hoặc thi võ). Cũng nên nhớ rằng, cùng với các kỳ thi chọn tiến sỹ, nhà nước phong kiến còn tổ
chức các kỳ thi lại viên, tuyển chọn những người biết chữ, biết tính toán, để làm thuộc lại ở các sảnh,
viện, giúp việc cho các quan đầu triều. [1], [2]
Suốt cả nghìn năm, người Việt Nam học chữ Hán (đọc chữ Hán theo cách phát âm riêng của
người Việt) và sử dụng chữ Hán làm văn tự chính thức để ghi chép. Mặc dầu vậy, nhờ phát triển giáo
dục, duy trì và hun đúc ý thức độc lập dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, người Việt đã không
bị Hán hoá. Bên cạnh việc sử dụng chữ Hán, người Việt Nam còn dựa theo chữ Hán chế tác chữ nôm
để ghi chép, biểu đạt bằng tiếng Việt. Người đầu tiên, được sách sử ghi tên, có công đối với việc phát
triển chữ nôm là Nguyễn Thuyên. Ông đã dùng chữ nôm làm bài văn tế đuổi cá sấu, được vua Trần
Nhân Tông cho đổi sang họ Hàn-Hàn Thuyên, ví ông như Hàn Dũ, văn sỹ đời Hán bên Tàu cũng đã
làm văn đuổi cá sấu. [3] Bản thân vua Trần Nhân Tông cũng có bài phú Cư trần lạc đạo viết bằng chữ
nôm. Sau này, nhiều tác phẩm văn chương, lịch sử, y học, khoa học có giá trị rất lớn đã được viết bằng
chữ nôm. Tiêu biểu là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, bản dịch Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị
Điểm, Truyện Kiều của Nguyễn Du.
1.2. Giáo dục VN thời thuộc Pháp
Từ cuối thế kỷ XIX và gần nửa thế kỷ XX, trong hơn 80 năm nước ta bị thực dân Pháp xâm
lược. Dưới chế độ thuộc địa, nền giáo dục Nho học được thay thế dần bằng nền giáo dục Pháp – Việt,
chủ yếu để đào tạo người phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân. Trong năm học 1936 – 1937, ở vào
thời điểm thịnh vượng nhất của xứ Đông Dương, cả nước chỉ có 2.322 trường sơ học (3 năm), bình
quân 3 làng, chừng 3.000 dân có một trường, số học sinh bằng 2% dân số; 638 trường tiểu học (3
năm), bình quân 34 làng, chừng 30.000 dân có một trường, số học sinh bằng 0,4% dân số; 16 trường
cao đẳng tiểu học (4 năm), bình quân 1,2 triệu dân có một trường, số học sinh bằng 0,05% dân số; 3
trường trung học công và 3 trường trung học tư ở 3 thành phố (Hà Nội, Huế, Sài Gòn) số học sinh
trung học công bằng 0,0019% dân số. [4] Năm học 1941 – 1942, toàn Đông Dương có 3 trường đại
học (Luật, Y – Dược, Khoa học) đặt tại Hà Nội với tổng số 834 sinh viên (628 sinh viên người Việt).
[4] Trong hệ thống giáo dục Pháp – Việt, tiếng Pháp chiếm ưu thế và là chuyển ngữ ở bậc đại học. Với
một nền giáo dục như vậy, trên 95% dân số Việt Nam mù chữ. Nhưng, vượt ngoài mong đợi của chính
quyền thực dân, từ trong nền giáo dục đó vẫn xuất hiện một đội ngũ trí thức uyên thâm về học thuật,

nồng nàn lòng yêu nước, có những đóng góp rất to lớn vào công cuộc giành lại độc lập, bảo vệ và xây
dựng Tổ quốc.
Trong lĩnh vực giáo dục dưới thời thuộc Pháp, bên cạnh hoạt động của hệ thống trường lớp của
nhà nước thực dân – phong kiến, có hai sự kiện quan trọng: Một là, phong trào Duy Tân do một số nhà
Nho yêu nước (Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp …) khởi xướng mà nội dung
quan trọng là lập trường học, cổ xúy lòng yêu nước, phê phán chế độ quân chủ lỗi thời, khuyến khích
thực nghiệp, với mong muốn thực thi học thuyết “ Chấn dân khí- Khai dân trí- Hậu dân sinh” nhằm
nâng dân tộc ngang tầm thời đại để trên cơ sở đó giành lại độc lập. Phong trào Duy Tân diễn ra sôi nổi
ở Quảng Nam bắt đầu từ năm 1902, đến năm 1907, với việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà
Nội (do Lương Văn Can chủ xướng), phong trào Duy Tân đã tiến vượt bậc cả về tổ chức và lý luận.
9

[6] Hai là, Hội truyền bá chữ quốc ngữ do các trí thức yêu nước thành lập ngày 5/11/1938. Ban lãnh
đạo gồm các ông Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Phan Thanh, Quản Xuân Nam, Đặng Thai Mai, Võ
Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước, Trần Văn Giáp…. Trong suốt 7 năm
tồn tại, tính đến tháng 8 năm 1945, Hội đã giúp cho hơn 7 vạn ngưòi biết đọc, biết viết, biết tính toán.
Bên cạnh kết quả đó, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ còn đào tạo được nhiều cán bộ trung kiên, có
kinh nghiệm về chống nạn thất học, đã cung cấp cho cách mạng một số cán bộ và chiến sĩ để sau này,
qua rèn luyện đã trở thành những cán bộ quản lý chủ chốt của ngành giáo dục, của bộ máy chính
quyền mới. [4]
2. Từ ngày độc lập đến kháng chiến thứ nhất thắng lợi (1945-1954)
2.1. Trong năm đầu của chế độ Dân chủ – Cộng hòa
Sau khi nhân dân giành được chính quyền và tuyên bố nền độc lập của đất nước, ngay tại phiên
họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định:
“chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm” là ba nhiệm vụ trọng yếu của Chính phủ và
nhân dân ta lúc đó [5]. Ngày 6-9-1945, Người đã gửi thư cho học sinh nhân dịp khai giảng năm học
1945-1946, khẳng định sự ra đời của một nền giáo dục mới với sứ mệnh phục vụ công cuộc giữ gìn
độc lập và phục hưng đất nước, trong đó chỉ rõ mục đích học tập của thế hệ trẻ mà cũng là nhiệm vụ
chiến lược của nền giáo dục mới là làm cho “non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp”, “dân tộc Việt Nam
sánh vai với các cường quốc năm châu”. [5]

Xuất phát từ triết lý “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành
các văn kiện pháp lý quan trọng: Sắc lệnh số 17-SL: “Đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt
Nam”, Sắc lệnh số 19-SL: “Trong toàn cõi Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những
lớp học bình dân học buổi tối” và Sắc lệnh số 20-SL: “Trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng
bách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người”
1
. [5] Tiếp đó,
vào đầu tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học. [5]
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ
trong vòng chưa đầy một năm, cả nước đã có gần 75 ngàn lớp học bình dân với gần 96 ngàn giáo viên
(người biết chữ dạy người không biết chữ) giúp cho hơn 2,5 triệu người thoát khỏi nạn mù chữ. [5] Như
vậy, ngay khi nền cộng hoà dân chủ vừa được thành lập, xoá nạn mù chữ và nâng cao trình độ học vấn
của toàn dân đã trở thành một quốc sách và việc học tập để biết đọc, biết viết, biết tính toán đã được
nhân dân tiếp nhận làm một tiêu chí biểu hiện văn hoá. Từ đó, qua suốt nhiều thập kỷ, Việt Nam kiên trì
thực hiện xoá mù chữ và nâng cao trình độ học vấn của toàn dân.
Song song với việc tổ chức để các trường mở cửa, tiếp tục công việc giảng dạy, học tập, Bộ Giáo
dục cố gắng giúp Chính phủ kiến tạo cơ sở pháp lý cho chính sách giáo dục của chế độ mới. Năm
1946, trong bối cảnh phải tập trung đối phó với mưu mô gây chiến của các thế lực thực dân, Chính
phủ đã ban hành hai sắc lệnh: số 146-SL và số 147-SL. [5] Nội dung chủ yếu của hai sắc lệnh này là:
(i) Khẳng định tôn chỉ của nền giáo dục nước nhà là phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ; ba
nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục là: dân tộc, khoa học, đại chúng.
(ii) Xác định cơ cấu của nền giáo dục mới, sau giáo dục ấu trĩ (tiền học đường), có ba cấp học:
Đệ nhất cấp, là bậc học cơ bản, thực hiện trong 4 năm học.
Đệ nhị cấp, có hai ngành: (i) ngành học tổng quát gồm hai bậc: bậc phổ thông 4 năm và bậc
chuyên khoa 3 năm; (ii) ngành học chuyên môn, gồm hai bậc: bậc thực nghiệm 1 năm và bậc chuyên
nghiệp từ 1-3 năm (tuỳ theo ban).
Đệ tam cấp, có đại học (gồm các ban: văn khoa, khoa học, pháp lý ) và cao đẳng chuyên môn,
sinh viên học ít nhất 3 năm. Tiếp nối đại học là các “nghiên cứu viện”.
1
Người thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ba sắc lệnh này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Bộ trưởng bộ Nội vụ

của chính phủ lâm thời VNDCCH
10

Song song với ba cấp học là ba cấp của ngành sư phạm, gồm sư phạm sơ cấp, sư phạm trung
cấp, sư phạm cao cấp.
(iii) ấn định những điều khoản pháp lý để thực hiện bậc học cơ bản: tất cả trẻ em từ 7-13 tuổi đều
có thể đến trường, không phải trả tiền học và từ năm 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách. Đối với đại học,
từ 1950 trở đi, các môn học được dạy bằng tiếng Việt. Đây là một quyết định táo bạo, thể hiện tinh
thần dân tộc của đội ngũ trí thức Việt Nam, vì tiếng Pháp, trong một thời gian dài trước đó vốn được
dùng làm chuyển ngữ ở tất cả các nhà trường.
2
[5]
2.2. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp
Mặc dầu Chính phủ Dân chủ Cộng hòa tìm mọi cách để giữ gìn nền độc lập trong mối quan hệ
hữu nghị với nước Pháp, nhưng thực dân Pháp lại muốn duy trì ách thống trị đối với Việt Nam cũng
như toàn cõi Đông Dương. Do đó nhân dân ta buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp.
Tại vùng tự do, các trường học tiếp tục hoạt động. Để tạo nguồn đào tạo cán bộ phục vụ kháng
chiến và xây dựng đất nước sau ngày kháng chiến thắng lợi, năm 1950, chính phủ chính thức thông
qua đề án cải cách giáo dục. [5]
Mục tiêu đào tạo của nhà trường khi đó được xác định là: giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành
những người công dân lao động tương lai, trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, có đủ năng lực
phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. [5] Để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, nội dung chủ yếu
của cuộc cải cách lần này là thay đổi cơ cấu giáo dục phổ thông (rút bớt số năm học) và điều chỉnh
quan hệ giữa các bộ phận của hệ thống giáo dục để thống nhất với sự thay đổi đó. Theo đó, cơ cấu
giáo dục phổ thông gồm 3 cấp, thực hiện trong 9 năm: cấp I có 4 lớp, không kể lớp vỡ lòng (học đọc
và viết chữ Việt); cấp II có 3 lớp; cấp III có 3 lớp. [5] Về nội dung giảng dạy, tạm gác lại một số môn
học (như ngoại ngữ, âm nhạc, vẽ, nữ công gia chánh); bổ sung một số môn học mới (như thời sự,
chính sách, giáo dục công dân, tăng gia sản xuất). [4] Do chương trình phổ thông tạm rút ngắn, sau khi
tốt nghiệp lớp 9, để vào đại học, học sinh phải qua trường dự bị đại học (lúc đầu là 2 năm sau đổi

thành 1 năm). Đồng thời, hệ thống giáo dục bình dân và giáo dục chuyên nghiệp cũng thay đổi (sau
chương trình xoá mù chữ, có chương trình tiểu học bình dân và trung học bình dân ). Trường đại học
y dược, trường đại học khoa học (chủ yếu là văn khoa và toán học) vẫn tiếp tục hoạt động. [5]
Tại vùng tạm chiếm, các trường học giảng dạy, học tập theo một chương trình 12 năm, căn bản
dựa trên một chương trình được canh tân bởi một số học giả yêu nước từ đầu năm 1945 (Chương trình
Hoàng Xuân Hãn), khi Đông Dương thuộc Pháp bị người Nhật xâm chiếm
3
. Đặc trưng của nền giáo
dục ở vùng tạm chiếm là giảm bớt màu sắc của của nền giáo dục thuộc địa, tiếng Việt được thay thế
cho tiếng Pháp trong giảng dạy ở giáo dục phổ thông, nhiều nội dung có yếu tố dân tộc đã được đưa
vào chương trình. Tuy nhiên, chương trình vùng tạm chiếm vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của nền giáo
dục của Pháp.
3. Giáo dục Việt Nam trong những năm đất nước bị tạm thời chia cắt
3.1. Ở miền Bắc
Sau khi hoà bình được lập lại, trên miền Bắc, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiếp
quản giáo dục ở vùng mới giải phóng và tích cực chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục (thứ hai)
trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế, xây dựng miền Bắc vừa đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Trong cuộc cải cách giáo dục lần này, mục đích giáo dục được xác định là: đào tạo, bồi dưỡng
thế hệ thanh thiếu niên thành “những người phát triển về mọi mặt, những công dân tốt, cán bộ tốt”.
2
Để chuẩn bị cho việc dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ trong nhà trường, các nhà khoa học người Việt đã phải rất cố gắng
để xây dựng hệ thống thuật ngữ bằng tiếng Việt ở nhiều bộ môn khoa học, tiêu biểu là các công trình “Danh từ khoa học
Toán-Lý-Hoá” (Hoàng Xuân Hãn), “Danh từ Vạn vật học” (Đào Văn Tiến), “Danh từ Y học” (Lê Khắc Thiền) “Nông học”
(Lê Văn Can, Nguyễn Hữu Quân)
3
Chương trình của học giả yêu nước Hoàng Xuân Hãn
11

Nhằm mục đích đó, nội dung giáo dục mang tính toàn diện (coi trọng 4 mặt: đức, trí, thể, mỹ) với
phương châm: “Liên hệ lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với đời sống xã hội”. [5]

Về mặt phương pháp, cuộc cải cách lần này đã xoá bỏ nền sư phạm quyền uy, khai mở quan hệ
thầy – trò dân chủ, phát huy tác dụng của các hoạt động ngoại khoá và từng bước đưa hoạt động lao
động công ích, lao động sản xuất vào nhà trường, xem đó như là phương thức quan trọng để hình
thành nhân cách.
Thông qua cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm tại vùng mới
được giải phóng và hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm ở vùng tự do đã được thống nhất thành hệ
thống giáo dục phổ thông 10 năm (cấp I có 4 lớp, cấp II có 3 lớp, cấp III có 3 lớp)
4
. Hệ thống này ít
nhiều mô phỏng theo hệ thống giáo dục của Liên Xô lúc đó.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, Chính phủ chủ trương “Tận lực phát triển giáo dục
phổ thông”. Đến cuối kỳ kế hoạch 5 năm (1961-1965), mạng lưới trường lớp được mở rộng: phần lớn
các xã có trường cấp I; hai hoặc ba xã có một trường cấp II; phần lớn các huyện có trường cấp III.
Loại trường vừa dạy tri thức phổ thông, vừa dạy kỹ thuật sản xuất ra đời như trường phổ thông công
nghiệp ở thành phố, trường phổ thông nông nghiệp ở nông thôn, trường thanh niên dân tộc vừa học
vừa làm ở các tỉnh miền núi. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ở hầu hết các xã trên miền Bắc,
nhân dân thành lập “Ban bảo trợ học đường”, huy động sức người, sức của xây dựng các trường cấp I,
cấp II, đề cử người ở địa phương làm giáo viên, tự định mức đóng góp để trả lương thầy, từ đó xuất
hiện hình thức trường dân lập. Chính phủ quy định: giáo viên dân lập và giáo viên quốc lập hưởng mọi
chính sách, chế độ như nhau, chỉ khác tiền lương của giáo viên dân lập do ngân sách địa phương đài
thọ, có sự hỗ trợ thích đáng của nhà nước. [5]
Cũng trong thời gian này, bên cạnh các trường đại học Y-Dược, Sư phạm, Tổng hợp, có thêm
các trường đại học mới: Nông Lâm, Bách khoa, Kinh tế , hệ thống giáo dục đại học được củng cố,
hoàn chỉnh một bước nhằm đào tạo đội ngũ trí thức mới. Các trường trung học chuyên nghiệp, dạy
nghề được thành lập, trong đó đặc biệt quan trọng là những lớp dạy nghề bên cạnh xí nghiệp đã góp
phần cung cấp nhân lực cho công cuộc xây dựng miền Bắc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.
Điều đáng lưu ý là, các trường phổ thông công nghiệp và trường phổ thông nông nghiệp đã có
chương trình giảng dạy, học tập giàu tính thực hành, tiếc rằng khi quân đội Mỹ mở rộng chiến tranh
bằng không quân ra miền Bắc, các loại trường này không có điều kiện để duy trì.
Song song với việc triển khai cải cách giáo dục ở phổ thông, Chính phủ thành lập Ban lãnh đạo

trung ương thanh toán nạn mù chữ, xác định giáo dục bình dân là một bộ phận không thể thiếu trong
kế hoạch nhà nước
5
và phát động thực hiện kế hoạch 3 năm thanh toán nạn mù chữ (1956-1958). Kết
quả, đến năm 1959 đã có 2.161.362 người đã thoát nạn mù chữ, hầu hết dân cư trong các tỉnh đồng
bằng biết đọc, biết viết; đưa tỷ lệ dân số biết chữ trong độ tuổi 12-50 lên 93,4%. [5] Tuy vậy, kết quả
xoá mù chữ lần này, cũng như về sau này, không bền vững, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên
nhân chủ yếu là do chưa thực hiện phổ cập giáo dục cấp I.
Trên cơ sở kết quả xoá mù chữ đã đạt được, hệ thống giáo dục bình dân chuyển trọng tâm sang
nâng cao trình độ học vấn của người lớn – người lao động và được gọi là hệ thống bổ túc văn hoá,
song hành với hệ thống giáo dục phổ thông. Với phương châm “cần gì học nấy”, hệ thống bổ túc văn
hóa rất đa dạng về hình thức tổ chức cũng như về chương trình học. Hình thức học tập tại chức có loại
trường/ lớp dành cho đối tượng công tác tại cơ quan, xí nghiệp, có loại trường/ lớp dành cho đối tượng
là nông dân. Hình thức học tập tập trung có trường phổ thông lao động (dành cho cán bộ quản lý),
trường bổ túc văn hóa công nông dành cho những người lao động trẻ tuổi để đưa vào đại học nhằm
đào tạo cán bộ khoa học – kỹ thuật xuất thân từ công nông. Mỗi loại hình trường/ lớp lại có chương
trình và sách giáo khoa (hoặc tài liệu học tập riêng) nhằm “phù hợp với đối tượng và mục tiêu đào
tạo”. [5]
4
Thực chất, chương trình giáo dục phổ thông còn có lớp vỡ lòng, dạy học sinh tập đọc, tập viết trước khi vào lớp 1.
5
Chỉ thị 114/TTg ngày 27-3-1957
12

Song song với việc mở các trường bổ túc văn hóa tập trung, ở miền Bắc còn có các trường học
sinh miền Nam để nuôi, dạy con em các cán bộ miền Nam. Nhiều học sinh tốt nghiệp các trường bổ
túc công nông và trường học sinh miền Nam đã được tuyển vào đại học trong và ngoài nước, về sau
trở thành nguồn cán bộ quản lý ở miền Nam sau ngày giải phóng, trong đó có một số trở thành những
trí thức có tên tuổi hoặc nhà lãnh đạo của địa phương hoặc của cả nước.
Trong thời gian không quân Mỹ tấn công miền Bắc (1965-1972), nhà trường cũng trở thành mục

tiêu bắn phá. Chỉ trong 4 năm đầu của cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ, đã có 1.558 ngôi
trường bị phá huỷ. Trong đó có: 1.334 trường cấp I, 179 trường cấp II, 38 trường cấp III, 7 trường đại
học.
6
[5] Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, phương hướng hoạt động giáo dục đã được Chính phủ
xác định là: tiếp tục phát triển, bảo đảm an toàn cho học sinh, gắn hơn nữa hoạt động của nhà trường
với đời sống, sản xuất và chiến đấu. Trường, lớp từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến
giáo dục đại học được sơ tán ra khỏi thành phố, thị xã, các đầu mối giao thông và những điểm tập
trung dân cư lớn, tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học. Thành công lớn nhất trong thời gian này là,
nhà trường ở tất cả các cấp đã giáo dục, rèn luyện được một thế hệ thanh thiếu niên sẵn sàng thực hiện
nghĩa vụ công dân trong thời chiến, góp phần tạo ra một hệ thống giá trị về tinh thần yêu nước, lòng tự
hào dân tộc và niềm tin vào lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
3.2. Ở miền Nam
Trong thời kỳ 1954-1975, ở vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, cũng như về sau này ở
vùng giải phóng, hoạt động giáo dục vẫn diễn ra để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và đảm
nhiệm chức năng đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục ở hai vùng có đặc điểm riêng, thậm
chí đối nghịch nhau.
Ở vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, nền giáo dục chuyển dần từ chỗ chịu tác động và ảnh
hưởng của nền giáo dục Âu Pháp sang chịu tác động và ảnh hưởng của nền giáo dục Bắc Mỹ. Hệ
thống giáo dục phổ thông trải qua một vài lần thay đổi, song vẫn theo cơ cấu khung: tiểu học (5 năm),
trung học cấp thấp (4 năm), trung học cấp cao (3 năm) gồm nhiều ban. Giáo dục đại học vẫn có thiên
hướng hàn lâm nhiều hơn thực hành, tập trung vào vào các ngành khoa học cơ bản, luật, kinh tế, hành
chính. Các trường đại học thuộc các ngành này phát triển nhanh hơn các trường kỹ thuật, công nghệ,
nông – lâm – súc. Mặt khác, tiếp xúc với nền giáo dục Bắc Mỹ, một số nhà giáo dục cũng đã học tập,
tiếp thu được một số kinh nghiệm giáo dục Hoa Kỳ, trên cơ sở đó đề xuất một số sáng kiến góp phần
canh tân giáo dục nhất là về xây dựng chương trình và phương pháp dạy học. Điều đặc biệt là, suốt
trong thời gian đô thị miền Nam nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, mặc dù chịu tác
động và ảnh hưởng của nền giáo dục Bắc Mỹ, tuổi trẻ học đường vẫn duy trì tinh thần phản kháng và
đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc. [5]
Ở vùng giải phóng, Bộ Giáo dục trong Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã

ban hành chương trình phổ thông 12 năm, với loại sách giáo khoa khác hẳn sách giáo khoa dùng trong
vùng tạm chiếm, thể hiện rõ rệt tinh thần yêu nước, chống xâm lược và tay sai. Bộ chương trình và
sách giáo khoa này có nhiều cải tiến cả về nội dung và phương pháp so với chương trình và sách giáo
khoa 10 năm ở miền Bắc. [5]
4. Giáo dục Việt Nam từ 1975 đến 1986
4.1. Trong những năm đầu thống nhất đất nước
Tháng 4-1975, cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam
giành thắng lợi hoàn toàn. Sau ngày chiến thắng, đối với lĩnh vực giáo dục ở các tỉnh miền Nam,
Chính phủ tập trung vào hai nhiệm vụ: (i) Xoá bỏ tàn dư của nền giáo dục cũ; (ii) Thực hiện xoá mù
chữ cho nhân dân trong độ tuổi 12-50.
6
Theo cuốn “Escalade de guerre et du crime par Nixon au Việt Nam” (Cuộc leo thang chiến tranh và tội ác do Nixon gây
ra ở Việt Nam):
13

Về nhiệm vụ thứ nhất, Bộ Giáo dục đã khẩn trương xây dựng và ban hành hành chương trình 12
năm mới, biên soạn và in 20 triệu bản sách giáo khoa theo chương trình đó để thay thế sách giáo khoa
cũ ở miền Nam. Hầu hết giáo viên của chế độ cũ được tuyển dụng lại; đồng thời, thực hiện công lập
hoá trường tư thục
7
, tách nhà trường ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, đưa dần toàn bộ trường tư vào sự
quản lý của nhà nước. [5]
Về nhiệm vụ thứ hai, Chính phủ chủ trương nhanh chóng xoá nạn mù chữ và đẩy mạnh bổ túc
văn hoá, xem đó là nhiệm vụ cấp bách số một. Một lần nữa, hoạt động xoá nạn mù chữ trở thành một
biểu hiện của lòng yêu nước, thu hút hàng triệu người tham gia giảng dạy, học tập hoặc giúp đỡ người
học. Đầu năm 1978, tất cả các tỉnh và thành phố miền Nam đã căn bản xoá nạn mù chữ. Trong tổng số
1.405.870 người đã được xác định không biết chữ, đã có 1.323.670 người thoát nạn mù chữ, đạt
94,14% kế hoạch. [5]
4.2. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba
Trong khi thực hiện những nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt đối với giáo dục miền Nam và tiếp tục

phát triển giáo dục ở miền Bắc, Đảng và Chính phủ cũng khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc cải cách
giáo dục nhằm tiến tới một nền giáo dục quốc dân thống nhất phù hợp với chiến lược tái thiết và phát
triển đất nước.
Ngày 11-1-1979, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về
cải cách giáo dục, [5] [7] theo đó, những định hướng có tính nguyên tắc cho cuộc cải cách giáo dục lần
thứ ba này là:
– Về mục tiêu giáo dục: Chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành
nhằm tạo cơ sở ban đầu cho con người phát triển toàn diện; thực hiện phổ cập giáo dục toàn dân nhằm
tạo điều kiện thực hiện 3 cuộc cách mạng (về quan hệ sản xuất, về khoa học – kỹ thuật và về văn hoá –
tư tưởng); đào tạo và bồi dưỡng với quy mô ngày càng lớn đội ngũ lao động phù hợp yêu cầu phân
công lao động xã hội. [5] [7]
– Về nội dung giáo dục, hướng vào việc “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện [đức, trí, thể,
mỹ], tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ
nghĩa xã hội của nhân dân …” [5] [7]
– Về nguyên lý giáo dục, yêu cầu học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường
gắn liền với xã hội. [5] [7]
– Về hệ thống giáo dục, thay thế hệ thống phổ thông 12 năm ở miền Nam và hệ thống 10 năm ở
miền Bắc bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới, trong đó, trường cấp I và trường cấp II
được sáp nhập thành trường phổ thông cơ sở (chín năm), đồng thời chuẩn bị phân ban ở trung học phổ
thông. Nhiều trường đại học chuyên ngành được xây dựng và phát triển. [5] [7]
Đồng thời với việc ra nghị quyết xác định phương hướng cải cách giáo dục, Bộ Chính trị cũng đã
quyết định thành lập Uỷ ban Cải cách giáo dục của Trung ương và Chính phủ. [7] Tổ chức này có ba
nhiệm vụ:
– Chỉ đạo nghiên cứu và xây dựng các đề án về chủ trương, kế hoạch và biện pháp thực hiện;
– Kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương; –
Chuẩn bị dự luật cải cách để trình Quốc hội. [7]
Cuộc cải cách giáo dục lần này được triển khai bắt đầu từ năm học 1981-1982. Việc thay sách
giáo khoa ở các cấp học phổ thông, một nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc cải cách giáo dục lần thứ
ba, đã hoàn thành vào năm 1996, tạo ra sự thống nhất về giáo dục phổ thông trong cả nước. [4] Riêng
về nội dung giáo dục, so với các chương trình giảng dạy và học tập trước đó, chương trình cải cách

mang nhiều yếu tố hiện đại hơn, do đó tạo ra tiền đề chất lượng giáo dục có thể đạt tới trình độ cao
hơn trước.
7
Trong chế độ cũ có tới 2500 trường tư thục, trong đó một nửa do các tổ chức tôn giáo mở.
14

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cuộc cải cách lần này đã gặp rất nhiều khó khăn và bộc lộ
một số hạn chế. Hạn chế lớn nhất là, mục tiêu và giải pháp thiếu tính khả thi, như muốn phát triển quy
mô lớn, muốn bao cấp về giáo dục cho mọi đối tượng, muốn phổ cập giáo dục toàn dân, Trong khi
đó lại thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực và sự thực không thể bảo đảm về nguồn lực do chiến tranh biên
giới và kinh tế suy thoái. Một ví dụ cụ thể về giải pháp thiếu tính khả thi của cuộc cải cách giáo dục
lần thứ ba, biểu hiện của cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, là việc sáp nhập trường cấp I và cấp
II thành trường phổ thông cơ sở (chín năm). Vì các điều kiện thực tế không cho phép (đội ngũ giáo
viên và cán bộ quản lý không đủ năng lực; trường sở, thiết bị thiếu thốn ) nên những trường đã sáp
nhập sau một thời gian đều phải tách trở lại. [5] [9] Về mặt quan niệm, tư tưởng bao cấp nặng nề, nhấn
mạnh giáo dục là “phúc lợi xã hội” đã cản trở sự phát triển giáo dục. Với quan niệm đó, khi xây dựng
dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí giáo dục chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ sau khi đã ưu tiên bố trí cho
các khu vực khác. Đối với người dân, từ đó sinh ra tư tưởng ỷ lại, xem chi phí học hành của con em,
ngay cả học nghề hay học đại học, cũng dựa vào sự bao cấp của nhà nước. Tư tưởng này hoàn toàn
không phù hợp với một nước nghèo và chậm phát triển như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sau một
cuộc chiến tranh kéo dài, kinh tế khủng hoảng. [9]
5. Giáo dục Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX
5.1. Chặng đầu đổi mới
Thách thức lớn nhất trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước mà giáo dục Việt Nam phải đối diện là:
Nhà nước không đủ điều kiện cung ứng tài chính, lại mất đi một chỗ dựa quan trọng là nền kinh tế tập
thể, giáo dục lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn lực nghiêm trọng. Các trường phổ thông thiếu kinh
phí hoạt động, chính quyền địa phương nợ lương giáo viên, thầy bỏ dạy, trò bỏ học, qui mô và chất
lượng giáo dục đều giảm sút. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cũng không đủ
ngân sách tối thiểu cần thiết để duy trì các hoạt động bình thường. Học sinh trung học chuyên nghiệp
và sinh viên đại học ra trường không có việc làm, giảng viên theo đuổi những công việc xa lạ với nghề

nghiệp để có thêm thu nhập. Bị trói buộc trong cơ chế cũ, các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp thiếu hẳn điều kiện về nguồn lực và khả năng tự quản. [9]
Để đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng, Đại hội lần thứ VI của Đảng CSVN (tháng 12-1986)
đã chủ trương đổi mới kinh tế- xã hội, chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, đối với lĩnh
vực giáo dục, điều căn bản là phải điều chỉnh những quan niệm và giải pháp không còn thích hợp,
mạnh dạn đề xuất và thực hiện những giải pháp mới nhằm chặn đà suy thoái, ổn định tình hình, củng
cố hệ thống, tạo thế và lực để tiếp tục phát triển. Phương hương và giải pháp đổi mới giáo dục lúc đó
là: xã hội hoá, dân chủ hoá, đa dạng hoá, hiện đại hoá; vận động xã hội, gia đình và nhà trường cùng
chăm sóc thế hệ trẻ. [5] [9] Theo phương hướng đó, ngành giáo dục đã nỗ lực duy trì, củng cố, tiếp tục
phát triển nền giáo dục quốc dân, tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo
viên và cán bộ quản lý giáo dục, xem đội ngũ là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thực hiện chất
lượng và hiệu quả giáo dục.
Đối với giáo dục phổ thông, định hướng đổi mới là: Tiếp tục triển khai đồng thời điều chỉnh cải
cách giáo dục về mục tiêu, nội dung chương trình, sách giáo khoa và cả về quan niệm, cách làm giáo
dục. Từng bước thực hiện chất lượng toàn diện theo cách làm và mức độ phù hợp từng loại đối tượng,
từng loại trường và từng địa phương; gắn giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục
khẳng định mạnh mẽ trách nhiệm của nhà nước, đồng thời thực hiện xã hội hoá giáo dục. Trong khi xã
hội hóa nguồn lực, điều quan trọng là khắc phục tâm lý ỷ lại và thái độ khoán trắng cho nhà nước. [5]
[9]
Một số giải pháp được triển khai nhằm thực hiện định hướng đổi mới giáo dục phổ thông lúc đó
là: Chính phủ cho phép thu học phí ở tất cả các cấp học, trừ tiểu học vì là cấp phổ cập; cho phép tổ
chức trường/lớp tư thục ở giáo dục tiền học đường; các trường/lớp bán công, dân lập ở tất cả các bậc
học phổ thông. Ngành giáo dục tiến hành phân hoá việc giáo dục theo trình độ của đối tượng, phát
triển các trường chuyên cấp II, cấp III dành cho học sinh có năng khiếu, lớp chọn trong các trường cấp
15

II, cấp III bình thường dành cho học sinh học giỏi (trường chuyên, lớp chọn không tổ chức ở bậc tiểu
học vì phòng ngừa chặn tình trạng quá tải, tránh nguy cơ dẫn trẻ đến chỗ phát triển phiến diện). Đẩy
mạnh thí điểm chương trình trung học chuyên ban, chuẩn bị triển khai đại trà nhằm thực hiện phân hóa

quá trình giáo dục theo trình độ, năng lực và nguyện vọng của học sinh và để phân luồng trong giáo
dục. Thực hiện giáo dục kỹ năng lao động và hướng nghiệp bằng cách liên kết giáo dục phổ thông với
giáo dục nghề nghiệp. Đối với bậc tiểu học, cùng với việc hoàn thiện từng bước chương trình cải cách
hiện hành, đã thêm chương trình dành riêng cho con em các dân tộc ít người, chương trình tối thiểu áp
dụng trong các lớp học linh hoạt dành cho những trẻ em vì điều kiện kinh tế không thể đến trường
chính qui. [5] [9] Rút kinh nghiệm của các chiến dịch xoá mù chữ trước đây, Chính phủ lập Uỷ ban
quốc gia chống nạn mù chữ, gắn nhiệm vụ chống nạn mù chữ với phổ cập giáo dục tiểu học.
Đối với giáo dục đại học và dạy nghề, chuyển từ đào tạo cho kinh tế quốc doanh và tập thể sang
đào tạo cho xã hội nhiều thành phần kinh tế và đáp ứng nhu cầu học tập của thanh niên; khai thác và
sử dụng mọi nguồn tài chính; tự lực xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu ngoài kế hoạch nhà nước; đào
tạo theo nhiều loại chương trình. Một số giải pháp: yêu cầu người học đóng học phí và tự túc trong
thời gian học tập; cho phép và khuyến khích mở trường/lớp dạy nghề tư thục và mở trường đại học
dân lập; cấu trúc lại chương trình đào tạo (theo mô đun kỹ năng – MES ở dạy nghề, theo ngành rộng
và chia thành hai giai đoạn ở đại học); từ đào tạo theo niên chế chuyển sang đào tạo theo học phần; cải
tiến quy trình kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào
tạo, kiểm soát chặt chẽ ở đầu ra”; trao quyền tổ chức kỳ thi cho các trường và cho thí sinh dự thi ở
nhiều trường; thí điểm đào tạo kỹ thuật viên bậc cao; đổi mới mô hình tổ chức và sắp xếp lại mạng
lưới, thí điểm các hình thức trung học nghề và trung học kỹ thuật; hình thành đại học, cao đẳng kiểu
mới (đại học gồm nhiều trường thành viên, đại học mở, cao đẳng cộng đồng, đại học bán công/tư
thục/dân lập ); tăng chức năng quản lý nhà nước bằng luật pháp, giảm hoạt động tác nghiệp về
chuyên môn đào tạo ở Bộ; coi trọng quyền tự chủ của nhà trường; cho phép các trường liên kết đào tạo
và liên kết với các cơ sở nghiên cứu/ các doanh nghiệp. [5] [9]
Nhờ định hướng đúng đắn, sau mười năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục đã phát triển và đạt kết
quả đáng kể. Vào năm học 1993-1994, qui mô giáo dục ở tất cả các bậc học từ giáo dục mầm non,
giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học đã được mở rộng, vượt năm cao nhất
của thời kỳ trước đổi mới.
Riêng ở bậc tiểu học, tỷ lệ bỏ học giảm từ 12,7% vào năm 1989-1990 xuống 6,58%
8
và tỷ lệ lưu
ban giảm từ 10,6% vào năm 1989-1990 xuống 6,18%. Đến giữa những năm 90 (của thế kỷ trước),

tổng số học sinh tiểu học là trên 10 triệu, số học sinh trung học cơ sở là 3,7 triệu, số học sinh trung học
phổ thông là 86 vạn. [9] [19] Sau 5 năm, các địa phương đã vận động hơn 1,7 triệu trẻ em thất học đến
lớp trong đó có 200 nghìn em đã đạt được chuẩn phổ cập, hàng trăm nghìn trẻ em bỏ học đã quay trở
lại nhà trường; hơn 1,2 triệu người lớn đi học xoá mù chữ trong đó gần nửa triệu đã biết chữ ở trình độ
tương đương lớp 3.
9
[9] [19]
Về giáo dục nghề nghiệp, lưu lượng học sinh học nghề ngắn hạn đã tăng từ 95.500 (1993) lên
128.700 (1994). [9] [19] Chương trình trung học nghề đã được 50 trường tổ chức thực hiện, nhiều học
sinh tốt nghiệp đã ra làm việc tại các cơ sở kinh tế
10
. Việc thí điểm đào tạo kỹ thuật viên cấp cao đã
thực hiện ở 6 trường trung học chuyên nghiệp thuộc các ngành bưu chính viễn thông, kỹ thuật công
nghiệp nhẹ, giao thông vận tải, kỹ thuật mỏ, hoá chất và văn hoá nghệ thuật. Khó khăn lớn là về tổ
chức quá trình đào tạo (thiếu giáo viên nên phải dạy dồn, một giáo viên dạy nhiều môn ), lại thiếu
cơ sở thực nghiệm cho các môn học nên không đảm bảo chất lượng đào tạo cao đẳng Việc đào tạo
theo mô đun kỹ năng hành nghề (MES) đã được triển khai ở 15 nghề, trong đó đã biên soạn theo và
8
Năm 2004, tỷ lệ lưu ban ở TH là 1,01%; ở THCS là 0,83%; ở THPT là 1,34%
9
Đầu năm 1990 cả nước có khoảng 2,1 triệu trẻ em 6-14 tuổi thất học, 2 triệu người lớn ở độ tuổi 15-35 bị mù chữ.
10
Khó khăn lớn nhất đối với loại hình này là, chỉ phát huy tính ưu việt khi các kiến thức, kỹ năng phổ thông và kỹ thuật
được dạy song song; lý thuyết chuyên môn và thực hành nghề được cấu trúc theo hướng tích hợp chứ không theo một phép
cộng giản đơn chương trình giáo dục bổ túc với đào tạo nghề. Vì không vượt qua được khó khăn này và vì thiếu điều kiện
về cơ sở vật chất, thiết bị chương trình trung học nghề đã không được duy trì.
16

xuất bản 5 bộ tài liệu dạy và học theo MES cho 5 nghề để áp dụng rộng rãi. Một số trường dạy nghề
đào tạo dài hạn thuộc lĩnh vực xây dựng, bưu chính viễn thông cũng đang bắt đầu áp dụng phương

thức đào tạo theo mô đun. [9] [19]
Về giáo dục đại học, các trường đi dần đến chỗ ổn định, từng bước tăng quy mô, giảng viên có
thêm thu nhập bằng các hoạt động nghề nghiệp của mình. Trong mạng lưới trường đại học, cao đẳng,
đã 5 đại học đa lĩnh vực lớn được xây dựng ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng;
có thêm một số nhiều đại học ngoài công lập. Quan hệ quốc tế được mở rộng, đội ngũ lãnh đạo, giáo
sư, giảng viên có điều kiện học hỏi, trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài về những vấn đề học
thuật.
Mặc dù đã vượt qua những thách thức gay gắt ở giai đoạn đầu đổi mới, nhưng có một số giải
pháp nêu ở trên gặp khó khăn trong thực hiện, không phát huy được tác dụng tích cực hoặc bị biến
dạng trong thực tế, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh. Tháng 12-1996, Hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương
khoá VIII Đảng CSVN đã đánh giá kết quả mười năm đổi mới giáo dục, đề ra định hướng chiến lược
phát triển giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xác định nhiệm vụ giáo dục trong
những năm cuối cùng của thế kỷ XX. [7] Một số giải pháp ở giai đoạn đầu đã được điều chỉnh như:
không mở lớp chọn ở các cấp giáo dục phổ thông và không mở trường chuyên ở trung học cơ sở;
không quy định cứng nhắc, đồng loạt về hai giai đoạn và bỏ kỳ thi chuyển giai đoạn ở đại học; chuẩn
bị kỹ hơn cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở phổ thông đặc biệt là vấn đề phân ban ở
trung học phổ thông; không tiếp tục phát triển trung học nghề v.v [7] [19]
Trong hơn mười năm (1996-2005), quy mô giáo dục tiếp tục tăng, tổng số học sinh, sinh viên từ
20 triệu (năm 1996), đã tăng lên 23 triệu (năm 2005). Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
và phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiến triển tốt. Năm học 2004-2005, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tham
gia tiểu học là 98,0%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học học tiếp lên lớp 6 là 98,5%; tỷ lệ trẻ em trong
độ tuổi tham gia trung học cơ sở là 84,0%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10 là
77,1%. [9] [19] Mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu học tập tiểu
học và trung học cơ sở cho trẻ em. Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được triển
khai từ năm học 2002-2003, đã hoàn tất vào năm học 2008-2009, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất
lượng giáo dục. Chỉ tính trong năm năm gần đây, đã có hơn 5,3 triệu người đã được đào tạo tại các cơ
sở dạy nghề trong đó 2/3 là đào tạo dài hạn. Tốc độ tăng quy mô ở trung học chuyên nghiệp tăng bình
quân 14,7%/năm. [9] [19] Về giáo dục đại học, từ 1998 đến 2004, quy mô đại học, cao đẳng tăng từ
760 nghìn sinh viên lên hơn 1,3 triệu, tốc độ tăng bình quân 6,4%/năm. [9] [19] Giáo dục không chính
quy được đẩy mạnh, mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên phủ khắp các quận huyện trong cả

nước, số lượng trung tâm học tập cộng đồng đã được phát triển ở quá nửa số xã phường. Cùng với sự
phát triển đáng kể về quy mô, việc cung ứng một cách công bằng về cơ hội giáo dục đã có bước tiến
bộ quan trọng. Khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục giữa các nhóm dân tộc được thu hẹp. Số
lượng học sinh con em dân tộc thiểu số ở trung học cơ sở tăng bình quân 7,3%/năm, ở trung học phổ
thông tăng bình quân 26,1%/năm. [9] [19]
II. CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM
Khái niệm quản lý được đề cập ở đây bao gồm cả quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn.
Quản lý nhà nước, ở cấp vĩ mô, gồm: xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,
chính sách giáo dục; ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; thanh tra,
kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục [12]
Theo Luật Tổ chức chính phủ, Luật Giáo dục và sự phân công của Chính phủ, Bộ Giáo dục và
Đào tạo quản lý nhà nước về giáo dục tiền học đường, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và một
phần giáo dục nghề nghiệp (trung cấp chuyên nghiệp); Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý
giáo dục nghề nghiệp (trừ trung cấp chuyên nghiệp).
Theo Luật Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Giáo dục và theo sự phân cấp của chính
phủ, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước, bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo,
17

tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu
cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương; đồng thời, kiểm soát các trường ngoài
công lập trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Phạm vi quản lý trong lĩnh vực giáo dục của
uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và uỷ ban nhân dân cấp huyện được phân định như sau: cấp tỉnh quản lý các
trường trung học phổ thông, các trường trung cấp và trường dạy nghề, các trường cao đẳng của tỉnh,
các trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh ; cấp huyện quản lý các trường tiểu học, trung học cơ
sở, trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy
nghề của huyện, Cơ quan chuyên môn giúp uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý về giáo dục là sở giáo
dục và đào tạo; cơ quan chuyên môn giúp uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý về giáo dục là phòng
giáo dục và đào tạo.
Sơ đồ cơ cấu quản lý giáo dục Việt Nam
18

III. HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN VIỆT NAM HIỆN NAY
1. Cơ cấu hệ thống – Mạng lưới nhà trường
Đối với cơ cấu hệ thống giáo dục, có nhiều cách xác định khác nhau. Ở đây, khái niệm cơ cấu hệ
thống chỉ giới hạn trong phạm vi phân chia cấp lớp/ trình độ đào tạo kèm theo đó là một số chú ý về
phương thức giáo dục, loại hình trường và việc phân bố trường/ lớp trên các địa bàn (thường được gọi
là mạng lưới trường/ lớp).
* Về cơ cấu hệ thống giáo dục. Luật giáo dục 2005 quy định tại Điều 4
– “Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”. Như vậy,
giáo dục thường xuyên vừa có thể hiểu như một phương thức giáo dục, vừa có thể xem là một tiểu hệ
thống/ phân hệ của hệ thống giáo dục quốc dân.
– Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non, có nhà trẻ và mẫu giáo;
b) Giáo dục phổ thông, có 3 cấp học: tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), trung học cơ sở (từ lớp 6 đến
lớp 9), trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12);
c) Giáo dục nghề nghiệp, gồm 3 trình độ đào tạo: sơ cấp, trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và
trung cấp nghề), cao đẳng;
d) Giáo dục đại học, gồm 4 trình độ đào tạo: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
* Về mạng lưới trường/ lớp, theo nguyên tắc phân bố trường gần dân, đến nay trên các địa bàn
dân cư đều có các cơ sở giáo dục. Cụ thể là:
– Mỗi xã, phường hoặc thị trấn đều có ít nhất một cơ sở giáo dục mầm non, một trường tiểu học,
một trường trung học cơ sở hoặc một trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở (hình thức này chỉ có
ở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn); phần lớn các xã có trung tâm học tập cộng đồng.
– Mỗi quận, huyện, thị xã hoặc thành phố thuộc tỉnh đã có một hoặc một số trường trung học phổ
thông, có một trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Các thị xã, các quận và nhiều huyện đã có
trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp. Các huyện miền núi, hải đảo đều có một trường trung học
cơ sở nội trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số
11
và trường phổ thông có nhiều cấp học.
– Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có một trường trung học phổ thông chuyên

dành cho học sinh xuất sắc trong việc học tập một trong các các môn học, có trường trung cấp hoặc/và
một trường cao đẳng (junior college), một trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh. Các tỉnh miền
núi và các tỉnh có nhiều huyện miền núi đều có trường trung học phổ thông nội trú dành cho học sinh
dân tộc thiểu số. Một số tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương còn có trường năng khiếu nghệ thuật,
trường năng khiếu thể dục-thể thao và trường dành cho người khuyết tật, tàn tật.
– Các trường đại học tập trung ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố như Hải
Phòng, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ Ngoài ra, hầu như mỗi tỉnh đều có trường cao đẳng
hoặc trường đại học.
2. Giáo dục mầm non và việc thực hiện quyền trẻ em:
Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ mười hai tháng tuổi
đến sáu tuổi. Mục tiêu giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, ngôn
ngữ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1. [12]
Cơ sở giáo dục mầm non gồm nhà trẻ (tiếp nhận trẻ từ ba tháng tuổi đến ba tuổi) và trường mẫu giáo
(tiếp nhận trẻ từ ba tuổi đến năm tuổi).
Chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước là bảo đảm các quyền của trẻ em được quy định trong
Luật Giáo dục và Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Cụ thể là:
11
Cấp trung học cơ sở
19

– Trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục để phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí
tuệ, ngôn ngữ, thẩm mỹ phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
– Trẻ em được chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các
cơ sở y tế công lập.
– Trẻ em được giảm phí đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí.
Việc thành lập các nhà trẻ nhằm mục đích giúp các bà mẹ có nơi gửi con để đi làm và tham gia
hoạt động xã hội, góp phần tạo điều kiện thực hiện sự bình đẳng về giới.
Về mặt quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục mầm non hoặc do Uỷ ban nhân dân cấp huyện
thành lập (cơ sở công lập), hoặc do cộng đồng xã, phường thành lập (cơ sở dân lập), hoặc do tư nhân
thành lập (cơ sở tư thục).

– Các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ được thành lập tại các xã thuộc địa bàn kinh tế – xã
hội đặc biệt khó khăn, vùng cư trú của các dân tộc thiểu số.
– Các cơ sở giáo dục mầm non dân lập chủ yếu được thành lập tại nông thôn. Dân cư trong cộng
đồng đóng góp xây dựng trường sở, mua sắm thiết bị và bảo đảm kinh phí hoạt động, chính quyền địa
phương có trách nhiệm hỗ trợ về nguồn lực.
– Chính phủ khuyến khích tư nhân thành lập các cơ sở giáo dục tiền học đường tư thục. Các
trường này được hưởng các chính sách ưu đãi như được giao hoặc cho thuê đất, được giao hoặc cho
thuê cơ sở vật chất, được hưởng ưu đãi về thuế và tín dụng.
Về quy mô giáo dục mầm non, trong năm học 2007-2008, cả nước có 3.057.718 trẻ em được bố
mẹ gửi vào 11.620 cơ sở giáo dục mầm non; trong đó có 5.678 cơ sở giáo dục mầm non công lập tiếp
nhận 1.336.824 trẻ em, 5.942 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tiếp nhận 1.720.894 trẻ em. [13]
[19]
* Mục tiêu phát triển của giáo dục mầm non đến 2010 là:
– Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em trước 6 tuổi. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ
em trong các cơ sở giáo dục tiền học đường xuống dưới 15%
12
.
– Mở rộng hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư, đặc biệt ở nông thôn và
vùng khó khăn để hệ thống này có thể thu hút 18% trẻ em dưới 3 tuổi, 67% trẻ em trẻ em từ 3 đến 5
tuổi. Phổ cập trẻ 5 tuổi, tích cực thu hút 95% – 100%
13
trẻ 5 tuổi đến trường để chuẩn bị cho các em
có kỹ năng vào học lớp một.
– Tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức, tuyên truyền và tư vấn cho các bậc ông bà, cha
mẹ về nuôi dạy trẻ em theo khoa học. [15]
3. Giáo dục tiểu học
Cấp tiểu học gồm 5 lớp, thu nhận trẻ em từ 6 tuổi. Như vậy, nếu trẻ không lưu ban, bỏ học thì
đến 11 tuổi sẽ tốt nghiệp tiểu học.
Mục tiêu giáo dục của cấp tiểu học là giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát
triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp

tục học lên cấp trung học cơ sở. [12] Trong chương trình tiểu học hiện hành, ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có
6 môn học là : Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Thể dục, Nghệ thuật ( Mỹ thuật, Âm
Nhạc); trong đó, chỉ có Tiếng Việt và Toán có sách giáo khoa (để học sinh sử dụng), bốn môn còn lại
có tài liệu hướng dẫn giảng dạy (để giáo viên sử dụng); ở lớp 4 và lớp 5 có 7 môn học là: Tiếng Việt,
Toán, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Đạo đức, Thể dục, Nghệ thuật; trong đó, bốn môn có sách giáo
khoa là Tiếng Việt, Toán, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, các môn học còn lại có tài liệu hướng dẫn
12
Năm 2005 là 20%
13
Năm 2005 các chỉ tiêu này là15%, 58% và 85%.
20

giảng dạy. [14] Ngoài ra, cần đưa dần chương trình tin học vào tiểu học để bổ sung các kỹ năng cơ bản
cho học sinh lên cấp học cao hơn.
Năm học 2007-2008, cả nước có 14.939 trường tiểu học với 6.832.567 học sinh. Số trường công
lập là 14.844 với 6.832.218 học sinh. Số trường ngoài công lập là 95 với 18.349 học sinh. [13] [19]
Trong những năm gần đây, số học sinh tiểu học giảm liên tục.
17
Bên cạnh tình trạng học sinh bỏ học,
nhiều nhà phân tích cho rằng hiện tượng này là kết quả của việc giảm tỷ lệ tăng dân số (nhân khẩu
trong độ tuổi 6-11 giảm) và việc trẻ em đi học đúng độ tuổi (trước đây quy mô cấp tiểu học lớn hơn
dân số trong độ tuổi 6-11).
Thực hiện quy định của Luật phổ cập giáo dục tiểu học 1991, mọi trẻ em chậm chất là đến 14
tuổi đều phải tốt nghiệp tiểu học, hơn chục năm trở lại đây, ngày 5-9 được lấy làm ngày toàn dân đưa
trẻ em đến trường với mục tiêu vận động tất cả các gia đình có con lên 6 đều đưa vào học lớp một.
Năm 2000, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi 6-11 đi học là 95%; năm học 2004-2005 tỷ lệ đó là hơn 98%.
[19]
Mục tiêu phát triển của giáo dục tiểu học đến 2010 là: Thực hiện phổ cập giáo dục đúng độ
tuổi (thu hút 99% trẻ em trong độ tuổi đi học, giảm thiểu tỷ lệ lưu ban, bỏ học), nâng cao chất lượng
và hiệu quả, tiến tới thực hiện dạy và học 2 buổi/ ngày, đưa ngoại ngữ vào học từ lớp 3, giảm tỷ lệ

hs/gv và quy mô các lớp học. [13]
Sơ đồ hệ thống giáo dục Việt Nam
4. Giáo dục trung học:
Giáo dục trung học có hai cấp: cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.
1
7
Năm học 2001-2002, số học sinh mtiểu học là 9.311.010. Như vậy, mỗi giảm trung bình gần 400-500 nghìn học sinh.
21

Trung học cơ sở gồm 4 lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Mục tiêu giáo dục của cấp trung học cơ sở là
củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và
những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, hoặc học
nghề (trung cấp chuyên nghiệp/ trung cấp nghề), hoặc đi vào cuộc sống lao động. [12]
Trung học phổ thông gồm 3 lớp (từ lớp 10 đến lớp 12). Mục tiêu giáo dục của cấp trung học phổ
thông là giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện
học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát
huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, hoặc học lên đại học, cao đẳng, hoặc học nghề
hoặc đi vào cuộc sống lao động. [12]
Năm học 2007-2008, cả nước có 10.491 trường trung học cơ sở với 5.791.229 học sinh; trong
đó, số trường công lập là 10.458 với 5.791.229 học sinh và số trường ngoài công lập là 33 với 68.297
học sinh. Cũng trong năm học này, số trường trung học phổ thông là 2.476 với 3.070.023 học sinh;
trong đó, số trường công lập là 1.826 với 2.238.141 học sinh và số trường ngoài công lập là 831.882
học sinh. [13] [19]
Tại các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số (tỉnh miền núi và tỉnh có huyện miền núi) trong các
trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có một số trường nội trú. Theo thống kê năm 2005,
tổng số trường nội trú dành cho con em dân tộc thiểu số là 325; trong đó có 11 trường dân tộc nội trú
trung ương với 4.400 học sinh; 48 trường tỉnh (trung học phổ thông) với khoảng 20 nghìn học sinh; và
266 trường huyện (trung học cơ sở) với khoảng 60 nghìn học sinh. [9] [19]
Triển khai chương trình phân ban ở trung học phổ thông là một nội dung đổi mới quan trọng ở
giáo dục phổ thông. Từ năm học 2006-2007, cấp trung học phổ thông có ba ban: (i) Ban cơ bản, (ii)

Ban khoa học tự nhiên, (iii) Ban khoa học xã hội và nhân văn. Chương trình của cả ba ban đều gồm
các môn học: Văn học, Lịch sử, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hoá học, Ngoại ngữ, Chính trị và Giáo dục
công dân, Thể dục thể thao Yêu cầu của ban cơ bản chính là chuẩn kiến thức và kỹ năng (nghĩa là
yêu cầu tối thiểu cần thiết) đối với tất cả các môn học thuộc chương trình của cấp học. Yêu cầu của
Ban khoa học tự nhiên là nâng cao đối với bốn bộ môn: Toán, Vật lý, Hoá học và Sinh học. Yêu cầu
của ban khoa học xã hội và nhân văn là nâng cao đối với bốn bộ môn: Văn học, Lịch sử, Địa lý và
Ngoại ngữ. [14]
Đối với một trường, việc giảng dạy, học tập theo mấy ban, là ban nào tuỳ thuộc sự lựa chọn của
hiệu trưởng/ hội đồng nhà trường sau khi báo cáo và được giám đốc sở giáo dục và đào tạo đồng ý.
Đối với những trường chọn ban cơ bản thì để tăng cường khả năng lựa chọn của học sinh, nhà trường
có thể có tổ chức thực hiện các chương trình tự chọn đối với các môn học được nâng cao ở hai ban:
Ban khoa học tự nhiên (và toán), Ban khoa học xã hội và ngoại ngữ.
* Mục tiêu của giáo dục trung học phổ thông đến năm 2010 là: Thực hiện phổ cập giáo dục
trung học cơ sở; thu hút 99% trẻ em trong độ tuổi 11-15 đi học trung học cơ sở, 50% trẻ em trong độ
tuổi 15-18 đi học trung học phổ thông; giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học; bảo đảm tất cả học sinh đều được
học một ngoại ngữ liên tục từ lớp 6 đến lớp 12. [15]
5. Giáo dục nghề nghiệp – trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề
Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp là đào tạo người lao động có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp,
có đạo đức và lương tâm, có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người
lao động có thể tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
[12]
Giáo dục nghề nghiệp có ba trình độ đào tạo: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Đào tạo trình độ sơ
cấp thực hiện trong thời gian dưới một năm; đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng thực hiện trong
thời gian từ một đến ba năm tuỳ theo đặc điểm, yêu cầu nghề nghiệp và trình độ của người học ở đầu
vào. [12]
22

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm các trường trung cấp chuyên nghiệp thuộc quyền quản lý
của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường dạy nghề và các trung tâm dạy nghề thuộc quyền quản lý của
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo thống kê năm 2006, trong cả nước có 1.688 cơ sở dạy

nghề phân bố ở tất cả các tỉnh, bao gồm 236 trường dạy nghề (tăng gấp đôi so với năm 1998), 404
trung tâm dạy nghề và trên 1.000 các lớp dạy nghề
18
. [19] [20] Trong hệ thống các trường dạy nghề,
ngoài các trường công lập, có trường tư thục, trường có vốn đầu tư của nước ngoài và trường của quân
đội để thực hiện việc dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ. Về các trường trung học chuyên nghiệp (thuộc
quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo), mặc dầu nhiều trường mạnh lần lượt chuyển thành trường
cao đẳng nhưng trong 5 năm (từ 2001 đến 2005) tổng số các trường trung học chuyên nghiệp vẫn tăng.
Cụ thể, năm học 2001 có 253 trường đến năm học 2005 có 285 trường, với 283.335 học sinh. Trong
đó, có 238 trường công lập và 47 trường tư thục; có trường thuộc các bộ và có trường thuộc địa
phương, mỗi tỉnh trung bình có từ 3 đến 5 trường (trừ 3 tỉnh mới thành lập)
19
. [19] [20]
* Mục tiêu phát triển của giáo dục nghề nghiệp đến năm 2010 là:
– Thiết lập hệ thống đào tạo nghề nghiệp thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội,
chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn và đào tạo công nhân lành nghề, đội ngũ kỹ thuật viên và cán bộ
chuyên môn ở trình độ cao đẳng từ những người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp
nghề.
– Thu hút 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường trung cấp
14
và 10% học
sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học các cao đẳng nghề. [15]
6. Giáo dục đại học
Giáo dục đại học đào tạo bốn trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Cụ thể:
– Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ 2-3 năm, đối với người tốt nghiệp trung học phổ
thông hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; 1-2 năm đối với người tốt nghiệp trung cấp cùng
chuyên ngành; [12]
– Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ 4-6 năm đối với người tốt nghiệp trung học phổ
thông hoặc trung cấp; từ 2
1

/
2
– 4 năm đối với người tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ 1
1
/
2
– 2
năm đối với người tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành; [12]
– Đào tạo trình độ thạc sĩ thực hiện từ 1-2 năm đối với người tốt nghiệp đại học; [12]
– Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện trong 4 năm đối với người tốt nghiệp đại học; từ 2-3
năm đối với người có bằng thạc sĩ. [12]
Mục tiêu giáo dục của cấp đại học là đào tạo sinh viên thành những người có phẩm chất chính
trị, có đạo đức và ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương
xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. [12]
Các cơ sở giáo dục đại học của nước ta gồm:
– Các trường cao đẳng (junior college);
– Các trường đại học (university), trong đó có đại học gồm nhiều trường thành viên (colleges), có
đại học chỉ có các khoa;
– Các học viện;
1
8
Nguồn: Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện giai đoạn một (2001-2005) chiến lược phát triển Giáo dục 2001-2010, viện
CL&CTGD
1
9
Năm 2004, trong số 286 trường có 246 trường công lập, 40 trường ngoài công lập. Nếu chia theo chủ thể quản lý thì, địa
phương quản lý 211 trường, các bộ, ngành TW quản lý 75 trường.
14
Trong Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 quy định: Thu hút 15% học sinh tốt nghiệp THCS vào THCN (theo
Luật giáo dục 2005 là TCCN) và 15% vào học trường dạy nghề dài hạn, ở đây xin gộp chung thành 30% vào học trung cấp

(TCCN và TC nghề)
23

Theo thống kê năm 2006, cả nước có 322 trường đại học, cao đẳng với 1.53.846 sinh viên; trong
đó có 275 trường công lập với 1.310.375 sinh viên và 193.471 sinh viên. Về đào tạo sau đại học có
gần 150 cơ sở với 38.461 học viên cao học
20
và 4.518 nghiên cứu sinh
21
. Tỷ lệ sinh viên trên một vạn
dân là 179. [19]
* Mục tiêu phát triển của giáo dục đại học đến 2010 và 2020 là:
– Mở rộng quy mô đào tạo, đạt tỷ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/1
vạn dân vào năm 2020, trong đó có 70-80% sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp – ứng
dụng và khoảng 40% sinh viên thuộc các trường ngoài công lập. [17]
– Bảo đảm đến năm 2010 đạt 40% giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ thạc sĩ và 25% có
trình độ tiến sĩ; tỉ lệ sinh viên/giảng viên của cả hệ thống giáo dục đại học không quá 20. [17]
– Áp dụng các phương thức và công nghệ quản lý hiện đại trong các cơ sở giáo dục đại học, đặc
biệt là áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về đào tạo
và nghiên cứu khoa học, và hệ thống thư viện điện tử. [17]
– Nâng cao rõ rệt quy mô và hiệu quả của các hoạt động khoa học công nghệ trong các trường
đại học. Các trường đại học lớn phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước. Nguồn
thu từ các hoạt động khoa học – công nghệ, sản xuất và dịch vụ đạt khoảng 15% tổng nguồn thu của
các trường. Nhà nước dành hơn 1% ngân sách để các trường đại học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu
khoa học. [17]
– Bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường về tất cả các mặt. Bảo đảm vai trò
quản lý của nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với các hoạt động của nhà trường.
[17]
7. Giáo dục thường xuyên
Trong suốt một thời gian dài, nhân dân ta kiên trì tiến hành công cuộc chống nạn mù chữ, phát

triển giáo dục người lớn (lúc đầu là giáo dục bình dân, rồi giáo dục bổ túc và ngày nay là giáo dục
thường xuyên). Kết quả là hàng chục triệu người đã thoát khỏi nạn mù chữ. Hàng triệu người, thông
qua các lớp bổ túc văn hoá và các khoá đào tạo tại chức mà tiếp tục mở mang sự hiểu biết, vươn tới
ánh sáng của tri thức.
Ngày nay, giáo dục thường xuyên có chức năng giúp mọi người vừa làm vừa học, học suốt đời
nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để
cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm và tự tạo việc làm, thích nghi với đời sống xã hội. [12]
Trong phạm vi chức năng, giáo dục thường xuyên có các chương trình sau:
– Chương trình xoá mù chữ và sau xoá mù chữ;
– Chương trình giáo dục cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của
người học;
– Chương trình đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
– Chương trình giáo dục để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. [11]
Hệ thống tổ chức thực hiện giáo dục thường xuyên gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên
cấp tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và các trung tâm học tập cộng đồng. Đồng
thời các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học cũng tham gia thực hiện
chương trình giáo dục thường xuyên. [12]
Trong năm học 2008-2009, tính chung cả nước có 66 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh,
583 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, 24 trường bổ túc văn hoá, 1.300 trung tâm tin học,
2
0
Người được đào tạo thành thạc sĩ
2
1
Người được đào tạo thành tiến sĩ
24

ngoại ngữ và 10.997 trung tâm học tập cộng đồng ở xã (thuộc địa bàn nông thôn). [13] [19]
* Mục tiêu của giáo dục thường xuyên đến 2010 và 2015 là:
– Nâng cao kết quả xoá nạn mù chữ, tăng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-35;

– Mở rộng cơ hội học tập cho người lớn, người lao động, giúp mọi người tiếp cận và thụ hưởng
các chương trình bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết, khả năng lao động và chất lượng cuộc sống
– Phấn đấu để mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên phủ kín các địa bàn trong cả nước. [13]
IV. NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC VIỆT NAM
1. Chất lượng giáo dục và việc đổi mới chương trình giáo dục
1.1. Đổi mới giáo dục phổ thông
Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được chính thức bắt đầu từ năm 2000
15
. Đến nay,
chương trình đã được ban hành và sách giáo khoa mới đã được sử dụng để giảng dạy và học tập ở tất
cả các khối lớp ở tiểu học và trung học cơ sở; chương trình trung học phổ thông (phân ban) và sách
giáo khoa đi kèm đã được áp dụng từ năm học 2006-2007.
Để có bộ chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, tập thể các nhà giáo, nhà khoa học có uy
tín đã phải nghiên cứu, biên soạn theo một quy trình chặt chẽ, trải qua 2 đến 5 năm thí điểm trước khi
triển khai chính thức. Số lượng trường tham gia thí điểm là 450 trường tiểu học, 158 trường trung học
cơ sở, 48 trường trung học phổ thông ở các địa bàn khác nhau thuộc hơn mười tỉnh. Đối với sách giáo
khoa, bản thảo được thẩm định hai vòng (trước khi in làm sách thí điểm và trước khi in làm sách sử
dụng chính thức) và tổ chức in thử để xin ý kiến thêm một lần nữa trước khi phát hành.
Theo nhận định chung, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quán triệt mục tiêu và
các yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các cấp học quy định trong Luật Giáo dục; làm
tăng tính thống nhất, kế thừa, phát triển giữa các cấp học; làm tăng tính liên thông giữa giáo dục phổ
thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; tạo cơ sở cho việc phân luồng trong hệ thống giáo
dục quốc dân; bảo đảm yêu cầu đồng bộ giữa nội dung và phương pháp, giữa chương trình, sách giáo
khoa và thiết bị dạy học; tăng tính thực hành, thực tiễn, giảm tính hàn lâm, kinh viện; coi trọng khoa
học xã hội – nhân văn, phản ánh các thành tựu khoa học – công nghệ phù hợp khả năng tiếp thu của
học sinh.
Tuy việc phân ban ở trung học phổ thông không phải là mới mẻ và chưa đạt tới mức cao nhất
trong bậc thang tiến hoá về chương trình trung học, nhưng để đi đến quyết định cuối cùng cũng đã
phải trải qua một thời gian dài hơn chục năm thử nghiệm, tranh luận và điều chỉnh. Trở ngại chính ở
đây là, sự phân vân giữa hai xu hướng: ở cực này, muốn duy trì việc thực hiện một chương trình duy

nhất và ở cực kia, muốn có nhiều hơn nữa cơ hội tự chọn cho học sinh.
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ, cho đến hiện nay, chương trình giáo dục
phổ thông của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi quỹ đạo truyền thống với những môn học được phân
chia theo kiểu cũ: văn, sử, địa, toán, lý, hoá, và những mong muốn tích hợp các môn học vẫn chưa
có điều kiện thực hiện.
Khó khăn lớn nhất trong việc đổi mới chương trình giáo dục là, về mặt chủ quan, các tác giả
luôn luôn muốn học sinh phải đi theo con đường mà mình đã trải qua và không vượt qua được những
quan niệm vốn có về môn học cũng như tập quán tư duy do cách phân chia các môn học như hiện nay
tạo ra. Về mặt khách quan, là khó khăn do năng lực quản lý nhà trường và trình độ của đội ngũ giáo
viên chưa thể đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Trong khi đó, nội dung học tập của nhà trường
phổ thông không thể cứ tiếp tục rượt đuổi những thành tựu khoa học-công nghệ đang xuất hiện hằng
15
Cũng có người xem đây là cuộc cải cách giáo dục lần thứ tư.
25

ĐÀO TẠO 59IV. NHỮNG THAY ĐỔI TIÊU BIỂU TRONG GIÁO DỤC TỪ NĂM 1997 60V. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC 63VI. CÁC THAY ĐỔI TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY CỦA NHÀTRƯỜNG VÀ SẮP XẾP TRONG LỚP HỌC 64VII. MỞ RỘNG CÁC CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP CHO GIÁO VIÊN 67C. GIÁO DỤC MALAYSIA 71I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC CỦA MALAYSIA TỪNHỮNG NĂM 1950 71II. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC MALAYSIA 73III. NHỮNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC GẦN ĐÂY 79D. GIÁO DỤC NHẬT BẢN 80I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NỀN GIÁO DỤC NHẬT BẢN 80II. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC NHẬT BẢN 82III. CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY 84V. NHỮNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở NHẬT BẢN 85CHƯƠNG 3 – QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC CỦA MỘT SỐ NƯỚC Ở KHUVỰC CHÂU ÂU VÀ CHÂU MỸ 89A. GIÁO DỤC ANH 89I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC Ở ANH 89II. CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở ANH 90III KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC ANH 91B. GIÁO DỤC PHÁP 96I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NỀN GIÁO DỤC PHÁP 96II. QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở PHÁP 97III. KHÁI QUÁT HỆ THỒNG GIÁO DỤC PHÁP 98IV. HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ TRONG GIÁO DỤC PHÁP 103V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ NGƯỜI HỌC 104VI. NHỮNG CẢI CÁCH CHÍNH GẦN ĐÂY 105VII. PHỤ LỤC 107Tài liệu tham khảo 112C. GIÁO DỤC PHẦN LAN 113I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC PHẦN LAN 113II. CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC PHẦN LAN 114III. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẦN LAN 115IV. NHỮNG CẢI CÁCH TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC 117V. PHỤ LỤC: Những lý giải cho thành công của Phần Lan trong PISA 118D. GIÁO DỤC HOA KỲ 124I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC HOA KỲ124II. QUẢN LÝ GIÁO DỤC 124III. KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC HOA KỲ 127IV. HỆ THỐNG THI CỬ VÀ ĐÁNH GIÁ: 130V. NHỮNG KHUYNH HƯỚNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở HOA KỲ TỪ NHỮNGNĂM 1980 131VI. PHỤ LỤC: Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về dân chủ trong giáo dục Hoa Kỳ. 134Tài liệu tham khảo 137LỜI KẾT 138Nhóm biên soạn:1. ThS. Huỳnh Thị Mai Phương2. ThS. Vũ Văn Hùng3. Ông Nguyễn Quang Kính4. TS. Andrea Gallina5. ThS. Eberhard Kobler6. ThS. Trần Phước LĩnhBiên dịch: Nguyễn Tiến CươngChủ trì biên soạn và hiệu đính: ThS. Nguyễn Thị TháiLỜI NÓI ĐẦUDự án Hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục (Support to the Renovation of Education Management-viết tắt là SREM) do Cộng đồng Châu Âu tài trợ. Dự án có nhiệm vụ hỗ trợ Bộ thực hiện đổimới quản lý giáo dục thông qua việc tăng cường khung pháp lý cho phân cấp quản lý và thựchiện Luật Giáo dục 2005, đồng thời xây dựng Hệ thống thông tin quản lý giáo dục, thực hiệnđổi mới phương thức quản lý trên phạm vi toàn ngành.Với mục tiêu hỗ trợ hiệu trưởng tăng cường nhận thức về tiến trình đổi mới và nâng cao nănglực quản lý trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn, đồng thời thúc đẩy văn hóa tự học và họcsuốt đời của cán bộ quản lý giáo dục, Dự án SREM biên soạn Bộ Tài liệu tăng cường năng lựcquản lý trường học. Bộ Tài liệu cung cấp nhiều kiến thức chung về những lĩnh vực khác nhaucủa quản lý giáo dục và những nhiệm vụ riêng trong quản lý trường học, từ cơ bản đến nângcao. Ngoài ra còn giới thiệu quá trình phát triển giáo dục ở Việt Nam và một số nước trên thếgiới, tạo điều kiện cho mỗi hiệu trưởng rút ra bài học kinh nghiệm cho riêng mình, vận dụngcác kiến thức này trong hoàn cảnh thực tế của từng trường.Khi biên soạn, Dự án SREM cố gắng để Bộ Tài liệu đáp ứng được tình hình giáo dục ViệtNam hiện tại, đồng thời từng bước hòa nhập với các chuẩn giáo dục quốc tế. Dự án đã thamkhảo các tài liệu quản lý giáo dục trong và ngoài nước và hệ thống hóa lại các vấn đề cần thiếtđối với hiệu trưởng, dựa trên cơ sở năng lực cần có của hiệu trưởng để đáp ứng những yêu cầuquản lý mới. Bộ Tài liệu còn là sự tổng hợp những kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn quản lýgiáo dục mà Dự án thu thập được thông qua các hội thảo và thực tiễn giúp hiệu trưởng có cáinhìn rộng hơn về xu thế giáo dục hiện nay của nhiều nước trên thế giới.Bộ Tài liệu gồm 6 cuốn:1. Sơ lược lịch sử giáo dục của Việt Nam và một số nước trên thế giới;2. Quản lý nhà nước về giáo dục;3. Quản lý điều hành các hoạt động trong trường học;4. Giám sát, đánh giá trong trường phổ thông;5. Công nghệ thông tin trong quản lý trường học6. Quản trị hiệu quả trường học.Bộ Tài liệu được biên soạn cho hiệu trưởng các trường phổ thông (kể cả các trường ngoàicông lập) và cũng sẽ rất bổ ích đối với các phó hiệu trưởng, tổ trưởng bộ môn, những ngườigiúp hiệu trưởng thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường. Một số độc giả khác như giáo viêncốt cán, với hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành hiệu trưởng, cũng có thể tham khảo tài liệunày. Trong lúc chưa trở thành cán bộ quản lý, việc am tường các nhiệm vụ của hiệu trưởngcũng giúp giám sát hoặc hỗ trợ hiệu trưởng tốt hơn trong quá trình quản lý đang ngày càngđược yêu cầu theo hướng công khai, minh bạch.Dự án hy vọng các cơ sở đào tạo về quản lý giáo dục, thậm chí cả các trường sư phạm cũngtìm thấy sự hữu dụng trong bộ tài liệu này khi thực hiện các khóa đào tạo sinh viên sư phạm.Dự án tin rằng những người công tác trong ngành giáo dục, từ các cán bộ trong Bộ GD-ĐT,cho tới các cán bộ công tác tại các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT và những ai tiến hành các hoạtđộng nghiên cứu về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của trường học cũng sẽ tìm thấy nhữngnội dung bổ ích trong Bộ Tài liệu này.Bộ Tài liệu này sẽ hỗ trợ các hiệu trưởng nói riêng và các nhà quản lý giáo dục nói chung pháttriển năng lực quản lý của mình. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, kinh tế và giáo dục tại cácvùng miền của nước ta rất khác nhau, tài liệu không thể bao quát hết và đáp ứng đầy đủ nhucầu thực tiễn quản lý cho từng địa phương. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo của mỗi cán bộ quảnlý trong việc áp dụng linh hoạt vào thực tiễn địa phương mình, phù hợp với đặc thù nhà trườngvà đặc thù giáo dục của vùng miền.Phương pháp sử dụng tài liệuDo mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau về trình độ và kinh nghiệm chuyên môn nênnhu cầu học tập của mỗi người là rất khác nhau. Cách sử dụng phù hợp nhất là tự học theonhững định hướng phát triển của bản thân (còn gọi là học tập theo lối mở). Có nghĩa là, ngườiđọc tự chọn thời gian và nội dung muốn học theo thứ tự ưu tiên của chính mình. Nếu tự học,người đọc cần suy ngẫm về những điều vừa đọc được, so sánh, vận dụng vào thực tế đang diễnra. Có thể làm điều này bất cứ lúc nào, khi ở trường, ở nhà, thậm chí trên đường đi công tác.Theo cách này, người học sẽ không phải chịu áp lực từ bên ngoài mà lại có thể tự tìm ra nhữnggì phù hợp nhất để áp dụng cho bản thân và đơn vị của mình. Tựu chung lại, người đọc có thểđọc từng cuốn trong Bộ Tài liệu theo bất cứ trình tự nào.Để có thể áp dụng vào thực tiễn trường học của mình, mỗi hiệu trưởng phải tư duy và thựchành các công việc qua các chủ đề. Cách thực hành này có thể gồm những hoạt động như lậpra các bảng danh mục hoạt động cần kiểm tra, trả lời các câu hỏi, tập hợp dữ liệu và thảo luậnvới các đồng nghiệp, có thể là giáo viên trong trường hoặc các hiệu trưởng khác nhằm sưu tầmthêm các tài liệu về lịch sử và quá trình phát triển ngành giáo dục ở địa phương mình hoặc cáckinh nghiệm giáo dục để cụ thể hóa các nội dung và tình huống quản lý ở trường minh, tiếpthêm sức sống cho Bộ Tài liệu và làm giàu lý luận về quản lý giáo dục ở Việt Nam.Quản lý giáo dục là một lĩnh vực khó, liên quan đến sự phát triển toàn diện của nhà trườngcũng như của từng cá nhân, đòi hỏi kiến thức sâu rộng, tích hợp nhiều kỹ năng và kinh nghiệmthực tiễn của mỗi cán bộ quản lý, các nội dung được biên soạn trong tài liệu sẽ là những gợi ýhữu ích cho những người làm công tác quản lý. Phần các văn bản qui phạm pháp luật liênquan tới giáo dục được cập nhật tới thời điểm phát hành đĩa CD kèm theo Bộ Tài liệu này.Dự án SREM chân thành cảm ơn sự cộng tác của hàng trăm hiệu trưởng, cán bộ quản lý cáccấp và các chuyên gia tư vấn quốc tế đã tham gia vào quá trình xây dựng Bộ tài liệu này.Dự án đặc biệt cảm ơn vị Lãnh đạo cao nhất của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã gợiý Dự án xây dựng Bộ Tài liệu này.Dự án mong rằng Bộ Tài liệu sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình đổi mới quản lý giáo dục nhằmnâng cao chất lượng giáo dục. Hiệu quả của Bộ Tài liệu này với việc nâng cao chất lượngtrường học sẽ chỉ được nhận thấy sau một thời gian, nhưng chắc chắn Bộ Tài liệu sẽ có tácđộng ngay tới các Hiệu trưởng vì tính cụ thể và thực tiễn của nó.GIÁM ĐỐC DỰ ÁNGS. TS PHẠM VŨ LUẬNTHỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠOLỜI GIỚI THIỆUMục đích của quyển 1 trong Bộ Tài liệu dùng cho cán bộ quản lý trường phổ thông nhằm cungcấp một số thông tin về quá trình phát triển giáo dục của Việt Nam, tình hình phát triển giáo dục vàxu hướng cải cách giáo dục của một số nước trên thế giới. Trong quản lý giáo dục, giáo dục đối chiếuđược xem là một phương thức quan trọng giúp nhà quản lý hiểu được các hệ thống giáo dục khácnhau, nắm được các vấn đề cơ bản về cải cách giáo dục, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệmtrong quá trình phát triển và cải cách. Với việc nghiên cứu giáo dục đối chiếu, chúng ta học tập đượcnhững cách làm hay và hiệu quả, đồng thời tránh được những sai lầm trong cải cách mà các nước đãtrải qua.Trong cuốn sách này, ngoài giáo dục Việt Nam, chúng tôi còn giới thiệu 8 hệ thống giáo dục tiêubiểu thuộc 2 nền giáo dục phương Đông và phương Tây với đặc thù về hệ thống, trình độ phát triểnvà xu hướng cải cách giáo dục do những sự khác biệt căn bản về văn hóa, lịch sử, chính trị cũng nhưđặc điểm kinh tế, xã hội của từng quốc gia. Các nước châu Á mà chúng tôi giới thiệu gồm TrungQuốc, Singapore, Malaysia và Nhật Bản. Các nước phương Tây mà chúng tôi chọn lựa gồm có Anh,Pháp, Phần Lan và Hoa Kỳ. Đây đều là các quốc gia có sự phát triển giáo dục ở trình độ cao với việcphân cấp phân quyền trong quản lý và việc cung cấp những cơ hội giáo dục tốt nhất cho người học.Bài học rút ra từ thực tiễn giáo dục các nước có thể cho thấy xu hướng giáo dục hiện đại là thống nhấtsự đa dạng bằng việc chuẩn hóa trong đánh giá, đa dạng hóa các loại hình giáo dục và quản lý; tìmcác biện pháp giải quyết khó khăn giữa sự cạnh tranh vượt trội và bình đẳng trong giáo dục; phát triểngiáo dục toàn diện và giáo dục hướng đến những kỹ năng thực tiễn để giúp người học giải quyếtnhững vấn đề của cuộc sống trong xu thế toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệthông tin.Trong cuốn sách này, ngoài việc giới thiệu lịch sử phát triển giáo dục, chúng tôi còn mô tả hệthống giáo dục và đặc biệt là những vấn đề cải cách cụ thể gần đây của từng quốc gia với mong muốnlàm tài liệu tham khảo cho các cán bộ quản lý trong quản lý trường học cũng như trong tiến trình cảicách giáo dục ở Việt Nam.Do thời gian chuẩn bị tài liệu có hạn, chúng tôi chưa giới thiệu hết những hệ thống giáo dục vànhững nỗ lực cải cách giáo dục của tất cả các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Nga, Đức, Úc, NewZealand, Canada, v.v mặc dù đây là những nước có quan hệ quốc tế về giáo dục rất gần gũi với ViệtNam. Những tài liệu mà chúng tôi sử dụng khá đa dạng và gồm nhiều thứ tiếng khác nhau, nên chắcchắn trong quá trình biên soạn và tổng hợp không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong sự lượng thứcủa quý độc giả.Thay mặt nhóm tác giảTh.S Nguyễn Thị TháiPhó Vụ trưởng, Phó GĐ dự ánCHƯƠNG 1- SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT NAMI. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC – NHỮNG MỐC LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆNQUAN TRỌNG1. Giáo dục Việt Nam trong thời phong kiến và thời thuộc địa1.1. Giáo dục Việt Nam trong thời phong kiếnKể từ thời các vua Hùng dựng nước cho tới khi Ngô Quyền xưng vương, đánh tan quân NamHán, chấm dứt hơn nghìn năm Bắc thuộc, hầu như không có tài liệu nói về giáo dục (với nghĩa hẹp làdạy và học chữ). Tuy nhiên, căn cứ vào việc sử sách ca ngợi công lao của thái thú Sỹ Nhiếp mở mangviệc học tại Giao Chỉ và một số đoạn nói về một vài người Việt đỗ đạt và làm quan ở phương Bắc, cóthể nói trong thời Bắc thuộc đã có một tầng lớp người Việt biết chữ. [1] Hơn nữa, cùng với việc dunhập đạo Phật, chắc chắn chùa chiền phải là nơi dạy chữ để đào tạo các nhà sư và truyền bá kinh kệ.Bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ hai, cùng với việc xây dựng và bảo vệ đất nước, tổ tiên ta đã dànhnhiều công sức phát triển nền giáo dục dân tộc. Cơ sở giáo dục đầu tiên của nhà nước phong kiến ViệtNam (được ghi nhận trong sử sách) là Quốc Tử Giám Thăng Long, do vua Lý Nhân Tông cho thànhlập vào năm 1076. [1] Lúc đầu Quốc Tử Giám chỉ nhằm dạy con cái vua quan, sau mở rộng dần chonhững thanh thiếu niên có tư chất và đủ trình độ trong dân gian. Vào năm 1483, Quốc Tử Giám đã có300 xá sinh (sinh viên nội trú) gồm con em gia đình quý tộc, quan lại, chưa kể số con em dân thường,học giỏi được phép đến nghe giảng (như sinh viên ngoại trú). [2] Về lực lượng giảng dạy, ngoài nhữngquan chức ở Quốc Tử Giám, triều đình còn cho phép các nhà Nho uyên thâm đến giảng dạy (tương tựgiáo sư thỉnh giảng ngày nay). [1] Sau này, triều Nguyễn đóng đô tại Phú Xuân, đã mở Quốc Tử Giámtại Huế. Ngày nay, Quốc Tử Giám Thăng Long được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.Sau khi mở mang việc dạy học ở kinh đô, dần dần nhà nước phong kiến chú ý đến việc tổ chức hoạtđộng giáo dục ở địa phương. Năm 1397, thời vua Trần Thuận Tông, triều đình cho đặt học quan ở cáclộ, phủ lớn (đơn vị hành chính tương đương với cấp tỉnh ngày nay) để lo việc giáo dục. [1] Đến thế kỷXV – XVI, nền giáo dục Việt Nam đã phát triển rực rỡ. Các phủ, lộ đều có trường công. [2]Đồng thời với việc phát triển hệ thống giáo dục, nhà nước phong kiến rất quan tâm tổ chức cáckỳ thi, xem đây là biện pháp quan trọng nhằm chọn người tài giỏi tham gia bộ máy điều hành quốcgia. Năm Ất Mão 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình mở kỳ thi Nho học tam trường đểtuyển Minh kinh bác học. [1] Thống kê từ chính sử, trong thời gian 84 năm (1442 đến 1526), nhà nướcphong kiến đã tổ chức 26 khoa thi Hội. [2] Theo quy định thời đó, trước thi Hội có thi Hương, như vậytổng số các kỳ thi lên tới 52 chưa kể, cứ sau một kỳ thi Hội còn một kỳ thi Đình để chọn 3 người đứngđầu và xếp hạng những người trúng tuyển. [2] Năm 1471 (đời vua Lê Thánh Tông), số quan lại cóphẩm tước là 5370, riêng ở triều đình (nhà nước trung ương) là 2755, phần lớn được lựa chọn qua thicử. [2] Các triều đại tiếp theo, việc thi cử vẫn được duy trì và phát triển với quy mô lớn hơn, kể cảtrong thời gian Trịnh – Nguyễn phân tranh. Cũng theo thống kê như thế, có thể chưa đầy đủ, tổng sốcác tiến sĩ, phó bảng và tương đương (trúng tuyển thi Hội) kể từ khoa thi đầu tiên 1075 đến khoa thicuối cùng 1919 là 2.848 người. [2]Cần lưu ý là, các quy định về thi cử dưới thời phong kiến hết sức chặt chẽ, chứng tỏ năng lựcquản lý đối với hệ thống giáo dục của các triều vua từ Lý, Trần đến Lê, Nguyễn rất cao. Kỳ thi Hộinăm 1442 có 450 thí sinh, trúng tuyển 33 (chiếm 7,3%). Kỳ thi Hội năm 1448 có 750 thí sinh, trúngtuyển 27 (chiếm 3,6%). [2] Tuy chuyện buôn quan, bán tước cũng có lúc xẩy ra nhưng việc gian lậntrong thi cử thì rất hiếm và đối với những người có hành vi gian lận trong thi cử dù ở bất kỳ cấp bậcnào cũng đều bị trừng trị nghiêm khắc. Bằng việc tuyển chọn nhân tài thông qua thi cử, tuy hết sứckhắt khe nhưng lại mang yếu tố dân chủ vì đã tạo được cơ may cho con cái tầng lớp bình dân. Mộtđiều đặc biệt lý thú là, trong giai đoạn mới thành lập, vương triều Trần cũng đã tính đến điều kiện họctập không đồng đều giữa các địa phương từ đó quy định một kỳ thi có hai trạng nguyên: kinh trạngnguyên cho khu vực thuận lợi và trại trạng nguyên cho khu vực khó khăn.Trong hệ thống giáo dục quốc dân thời phong kiến, bên cạnh một số lượng không nhiều cáctrường công, tại nhiều làng xã, đã có những gia đình mời thầy đến ở trong nhà, dạy con em mình vàthanh thiếu niên trong làng. Nhà chủ chịu trách nhiệm chu cấp cho thầy. Như vậy, từ xa xưa dạy họcđã là một nghề. Hơn nữa, theo Nho giáo, đối với mỗi con người, vị trí của ông thầy chỉ ở dưới vua vàtrên cả cha mẹ (quân – sư – phụ). Trong xã hội Việt Nam, quan niệm phổ biến của không ít người là“dù nghèo, cũng cố cho con học dăm ba chữ để làm người”. Còn để trở thành người lãnh đạo, theocách lựa chọn quan lại của hầu hết các triều đại, nhất thiết phải học giỏi và đỗ đạt trong các kỳ thi (thivăn hoặc thi võ). Cũng nên nhớ rằng, cùng với các kỳ thi chọn tiến sỹ, nhà nước phong kiến còn tổchức các kỳ thi lại viên, tuyển chọn những người biết chữ, biết tính toán, để làm thuộc lại ở các sảnh,viện, giúp việc cho các quan đầu triều. [1], [2]Suốt cả nghìn năm, người Việt Nam học chữ Hán (đọc chữ Hán theo cách phát âm riêng củangười Việt) và sử dụng chữ Hán làm văn tự chính thức để ghi chép. Mặc dầu vậy, nhờ phát triển giáodục, duy trì và hun đúc ý thức độc lập dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, người Việt đã khôngbị Hán hoá. Bên cạnh việc sử dụng chữ Hán, người Việt Nam còn dựa theo chữ Hán chế tác chữ nômđể ghi chép, biểu đạt bằng tiếng Việt. Người đầu tiên, được sách sử ghi tên, có công đối với việc pháttriển chữ nôm là Nguyễn Thuyên. Ông đã dùng chữ nôm làm bài văn tế đuổi cá sấu, được vua TrầnNhân Tông cho đổi sang họ Hàn-Hàn Thuyên, ví ông như Hàn Dũ, văn sỹ đời Hán bên Tàu cũng đãlàm văn đuổi cá sấu. [3] Bản thân vua Trần Nhân Tông cũng có bài phú Cư trần lạc đạo viết bằng chữnôm. Sau này, nhiều tác phẩm văn chương, lịch sử, y học, khoa học có giá trị rất lớn đã được viết bằngchữ nôm. Tiêu biểu là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, bản dịch Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn ThịĐiểm, Truyện Kiều của Nguyễn Du.1.2. Giáo dục VN thời thuộc PhápTừ cuối thế kỷ XIX và gần nửa thế kỷ XX, trong hơn 80 năm nước ta bị thực dân Pháp xâmlược. Dưới chế độ thuộc địa, nền giáo dục Nho học được thay thế dần bằng nền giáo dục Pháp – Việt,chủ yếu để đào tạo người phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân. Trong năm học 1936 – 1937, ở vàothời điểm thịnh vượng nhất của xứ Đông Dương, cả nước chỉ có 2.322 trường sơ học (3 năm), bìnhquân 3 làng, chừng 3.000 dân có một trường, số học sinh bằng 2% dân số; 638 trường tiểu học (3năm), bình quân 34 làng, chừng 30.000 dân có một trường, số học sinh bằng 0,4% dân số; 16 trườngcao đẳng tiểu học (4 năm), bình quân 1,2 triệu dân có một trường, số học sinh bằng 0,05% dân số; 3trường trung học công và 3 trường trung học tư ở 3 thành phố (Hà Nội, Huế, Sài Gòn) số học sinhtrung học công bằng 0,0019% dân số. [4] Năm học 1941 – 1942, toàn Đông Dương có 3 trường đạihọc (Luật, Y – Dược, Khoa học) đặt tại Hà Nội với tổng số 834 sinh viên (628 sinh viên người Việt).[4] Trong hệ thống giáo dục Pháp – Việt, tiếng Pháp chiếm ưu thế và là chuyển ngữ ở bậc đại học. Vớimột nền giáo dục như vậy, trên 95% dân số Việt Nam mù chữ. Nhưng, vượt ngoài mong đợi của chínhquyền thực dân, từ trong nền giáo dục đó vẫn xuất hiện một đội ngũ trí thức uyên thâm về học thuật,nồng nàn lòng yêu nước, có những đóng góp rất to lớn vào công cuộc giành lại độc lập, bảo vệ và xâydựng Tổ quốc.Trong lĩnh vực giáo dục dưới thời thuộc Pháp, bên cạnh hoạt động của hệ thống trường lớp củanhà nước thực dân – phong kiến, có hai sự kiện quan trọng: Một là, phong trào Duy Tân do một số nhàNho yêu nước (Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp …) khởi xướng mà nội dungquan trọng là lập trường học, cổ xúy lòng yêu nước, phê phán chế độ quân chủ lỗi thời, khuyến khíchthực nghiệp, với mong muốn thực thi học thuyết “ Chấn dân khí- Khai dân trí- Hậu dân sinh” nhằmnâng dân tộc ngang tầm thời đại để trên cơ sở đó giành lại độc lập. Phong trào Duy Tân diễn ra sôi nổiở Quảng Nam bắt đầu từ năm 1902, đến năm 1907, với việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục ở HàNội (do Lương Văn Can chủ xướng), phong trào Duy Tân đã tiến vượt bậc cả về tổ chức và lý luận.[6] Hai là, Hội truyền bá chữ quốc ngữ do các trí thức yêu nước thành lập ngày 5/11/1938. Ban lãnhđạo gồm các ông Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Phan Thanh, Quản Xuân Nam, Đặng Thai Mai, VõNguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước, Trần Văn Giáp…. Trong suốt 7 nămtồn tại, tính đến tháng 8 năm 1945, Hội đã giúp cho hơn 7 vạn ngưòi biết đọc, biết viết, biết tính toán.Bên cạnh kết quả đó, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ còn đào tạo được nhiều cán bộ trung kiên, cókinh nghiệm về chống nạn thất học, đã cung cấp cho cách mạng một số cán bộ và chiến sĩ để sau này,qua rèn luyện đã trở thành những cán bộ quản lý chủ chốt của ngành giáo dục, của bộ máy chínhquyền mới. [4]2. Từ ngày độc lập đến kháng chiến thứ nhất thắng lợi (1945-1954)2.1. Trong năm đầu của chế độ Dân chủ – Cộng hòaSau khi nhân dân giành được chính quyền và tuyên bố nền độc lập của đất nước, ngay tại phiênhọp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định:“chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm” là ba nhiệm vụ trọng yếu của Chính phủ vànhân dân ta lúc đó [5]. Ngày 6-9-1945, Người đã gửi thư cho học sinh nhân dịp khai giảng năm học1945-1946, khẳng định sự ra đời của một nền giáo dục mới với sứ mệnh phục vụ công cuộc giữ gìnđộc lập và phục hưng đất nước, trong đó chỉ rõ mục đích học tập của thế hệ trẻ mà cũng là nhiệm vụchiến lược của nền giáo dục mới là làm cho “non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp”, “dân tộc Việt Namsánh vai với các cường quốc năm châu”. [5]Xuất phát từ triết lý “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hànhcác văn kiện pháp lý quan trọng: Sắc lệnh số 17-SL: “Đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi ViệtNam”, Sắc lệnh số 19-SL: “Trong toàn cõi Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền nhữnglớp học bình dân học buổi tối” và Sắc lệnh số 20-SL: “Trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡngbách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người”. [5] Tiếp đó,vào đầu tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học. [5]Thực hiện chủ trương của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉtrong vòng chưa đầy một năm, cả nước đã có gần 75 ngàn lớp học bình dân với gần 96 ngàn giáo viên(người biết chữ dạy người không biết chữ) giúp cho hơn 2,5 triệu người thoát khỏi nạn mù chữ. [5] Nhưvậy, ngay khi nền cộng hoà dân chủ vừa được thành lập, xoá nạn mù chữ và nâng cao trình độ học vấncủa toàn dân đã trở thành một quốc sách và việc học tập để biết đọc, biết viết, biết tính toán đã đượcnhân dân tiếp nhận làm một tiêu chí biểu hiện văn hoá. Từ đó, qua suốt nhiều thập kỷ, Việt Nam kiên trìthực hiện xoá mù chữ và nâng cao trình độ học vấn của toàn dân.Song song với việc tổ chức để các trường mở cửa, tiếp tục công việc giảng dạy, học tập, Bộ Giáodục cố gắng giúp Chính phủ kiến tạo cơ sở pháp lý cho chính sách giáo dục của chế độ mới. Năm1946, trong bối cảnh phải tập trung đối phó với mưu mô gây chiến của các thế lực thực dân, Chínhphủ đã ban hành hai sắc lệnh: số 146-SL và số 147-SL. [5] Nội dung chủ yếu của hai sắc lệnh này là:(i) Khẳng định tôn chỉ của nền giáo dục nước nhà là phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ; banguyên tắc cơ bản của nền giáo dục là: dân tộc, khoa học, đại chúng.(ii) Xác định cơ cấu của nền giáo dục mới, sau giáo dục ấu trĩ (tiền học đường), có ba cấp học:Đệ nhất cấp, là bậc học cơ bản, thực hiện trong 4 năm học.Đệ nhị cấp, có hai ngành: (i) ngành học tổng quát gồm hai bậc: bậc phổ thông 4 năm và bậcchuyên khoa 3 năm; (ii) ngành học chuyên môn, gồm hai bậc: bậc thực nghiệm 1 năm và bậc chuyênnghiệp từ 1-3 năm (tuỳ theo ban).Đệ tam cấp, có đại học (gồm các ban: văn khoa, khoa học, pháp lý ) và cao đẳng chuyên môn,sinh viên học ít nhất 3 năm. Tiếp nối đại học là các “nghiên cứu viện”.Người thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ba sắc lệnh này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Bộ trưởng bộ Nội vụcủa chính phủ lâm thời VNDCCH10Song song với ba cấp học là ba cấp của ngành sư phạm, gồm sư phạm sơ cấp, sư phạm trungcấp, sư phạm cao cấp.(iii) ấn định những điều khoản pháp lý để thực hiện bậc học cơ bản: tất cả trẻ em từ 7-13 tuổi đềucó thể đến trường, không phải trả tiền học và từ năm 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách. Đối với đại học,từ 1950 trở đi, các môn học được dạy bằng tiếng Việt. Đây là một quyết định táo bạo, thể hiện tinhthần dân tộc của đội ngũ trí thức Việt Nam, vì tiếng Pháp, trong một thời gian dài trước đó vốn đượcdùng làm chuyển ngữ ở tất cả các nhà trường.[5]2.2. Trong những năm kháng chiến chống thực dân PhápMặc dầu Chính phủ Dân chủ Cộng hòa tìm mọi cách để giữ gìn nền độc lập trong mối quan hệhữu nghị với nước Pháp, nhưng thực dân Pháp lại muốn duy trì ách thống trị đối với Việt Nam cũngnhư toàn cõi Đông Dương. Do đó nhân dân ta buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dânPháp.Tại vùng tự do, các trường học tiếp tục hoạt động. Để tạo nguồn đào tạo cán bộ phục vụ khángchiến và xây dựng đất nước sau ngày kháng chiến thắng lợi, năm 1950, chính phủ chính thức thôngqua đề án cải cách giáo dục. [5]Mục tiêu đào tạo của nhà trường khi đó được xác định là: giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ thànhnhững người công dân lao động tương lai, trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, có đủ năng lựcphục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. [5] Để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, nội dung chủ yếucủa cuộc cải cách lần này là thay đổi cơ cấu giáo dục phổ thông (rút bớt số năm học) và điều chỉnhquan hệ giữa các bộ phận của hệ thống giáo dục để thống nhất với sự thay đổi đó. Theo đó, cơ cấugiáo dục phổ thông gồm 3 cấp, thực hiện trong 9 năm: cấp I có 4 lớp, không kể lớp vỡ lòng (học đọcvà viết chữ Việt); cấp II có 3 lớp; cấp III có 3 lớp. [5] Về nội dung giảng dạy, tạm gác lại một số mônhọc (như ngoại ngữ, âm nhạc, vẽ, nữ công gia chánh); bổ sung một số môn học mới (như thời sự,chính sách, giáo dục công dân, tăng gia sản xuất). [4] Do chương trình phổ thông tạm rút ngắn, sau khitốt nghiệp lớp 9, để vào đại học, học sinh phải qua trường dự bị đại học (lúc đầu là 2 năm sau đổithành 1 năm). Đồng thời, hệ thống giáo dục bình dân và giáo dục chuyên nghiệp cũng thay đổi (sauchương trình xoá mù chữ, có chương trình tiểu học bình dân và trung học bình dân ). Trường đại họcy dược, trường đại học khoa học (chủ yếu là văn khoa và toán học) vẫn tiếp tục hoạt động. [5]Tại vùng tạm chiếm, các trường học giảng dạy, học tập theo một chương trình 12 năm, căn bảndựa trên một chương trình được canh tân bởi một số học giả yêu nước từ đầu năm 1945 (Chương trìnhHoàng Xuân Hãn), khi Đông Dương thuộc Pháp bị người Nhật xâm chiếm. Đặc trưng của nền giáodục ở vùng tạm chiếm là giảm bớt màu sắc của của nền giáo dục thuộc địa, tiếng Việt được thay thếcho tiếng Pháp trong giảng dạy ở giáo dục phổ thông, nhiều nội dung có yếu tố dân tộc đã được đưavào chương trình. Tuy nhiên, chương trình vùng tạm chiếm vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của nền giáodục của Pháp.3. Giáo dục Việt Nam trong những năm đất nước bị tạm thời chia cắt3.1. Ở miền BắcSau khi hoà bình được lập lại, trên miền Bắc, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiếpquản giáo dục ở vùng mới giải phóng và tích cực chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục (thứ hai)trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế, xây dựng miền Bắc vừa đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.Trong cuộc cải cách giáo dục lần này, mục đích giáo dục được xác định là: đào tạo, bồi dưỡngthế hệ thanh thiếu niên thành “những người phát triển về mọi mặt, những công dân tốt, cán bộ tốt”.Để chuẩn bị cho việc dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ trong nhà trường, các nhà khoa học người Việt đã phải rất cố gắngđể xây dựng hệ thống thuật ngữ bằng tiếng Việt ở nhiều bộ môn khoa học, tiêu biểu là các công trình “Danh từ khoa họcToán-Lý-Hoá” (Hoàng Xuân Hãn), “Danh từ Vạn vật học” (Đào Văn Tiến), “Danh từ Y học” (Lê Khắc Thiền) “Nông học”(Lê Văn Can, Nguyễn Hữu Quân)Chương trình của học giả yêu nước Hoàng Xuân Hãn11Nhằm mục đích đó, nội dung giáo dục mang tính toàn diện (coi trọng 4 mặt: đức, trí, thể, mỹ) vớiphương châm: “Liên hệ lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với đời sống xã hội”. [5]Về mặt phương pháp, cuộc cải cách lần này đã xoá bỏ nền sư phạm quyền uy, khai mở quan hệthầy – trò dân chủ, phát huy tác dụng của các hoạt động ngoại khoá và từng bước đưa hoạt động laođộng công ích, lao động sản xuất vào nhà trường, xem đó như là phương thức quan trọng để hìnhthành nhân cách.Thông qua cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm tại vùng mớiđược giải phóng và hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm ở vùng tự do đã được thống nhất thành hệthống giáo dục phổ thông 10 năm (cấp I có 4 lớp, cấp II có 3 lớp, cấp III có 3 lớp). Hệ thống này ítnhiều mô phỏng theo hệ thống giáo dục của Liên Xô lúc đó.Để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, Chính phủ chủ trương “Tận lực phát triển giáo dụcphổ thông”. Đến cuối kỳ kế hoạch 5 năm (1961-1965), mạng lưới trường lớp được mở rộng: phần lớncác xã có trường cấp I; hai hoặc ba xã có một trường cấp II; phần lớn các huyện có trường cấp III.Loại trường vừa dạy tri thức phổ thông, vừa dạy kỹ thuật sản xuất ra đời như trường phổ thông côngnghiệp ở thành phố, trường phổ thông nông nghiệp ở nông thôn, trường thanh niên dân tộc vừa họcvừa làm ở các tỉnh miền núi. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ở hầu hết các xã trên miền Bắc,nhân dân thành lập “Ban bảo trợ học đường”, huy động sức người, sức của xây dựng các trường cấp I,cấp II, đề cử người ở địa phương làm giáo viên, tự định mức đóng góp để trả lương thầy, từ đó xuấthiện hình thức trường dân lập. Chính phủ quy định: giáo viên dân lập và giáo viên quốc lập hưởng mọichính sách, chế độ như nhau, chỉ khác tiền lương của giáo viên dân lập do ngân sách địa phương đàithọ, có sự hỗ trợ thích đáng của nhà nước. [5]Cũng trong thời gian này, bên cạnh các trường đại học Y-Dược, Sư phạm, Tổng hợp, có thêmcác trường đại học mới: Nông Lâm, Bách khoa, Kinh tế , hệ thống giáo dục đại học được củng cố,hoàn chỉnh một bước nhằm đào tạo đội ngũ trí thức mới. Các trường trung học chuyên nghiệp, dạynghề được thành lập, trong đó đặc biệt quan trọng là những lớp dạy nghề bên cạnh xí nghiệp đã gópphần cung cấp nhân lực cho công cuộc xây dựng miền Bắc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.Điều đáng lưu ý là, các trường phổ thông công nghiệp và trường phổ thông nông nghiệp đã cóchương trình giảng dạy, học tập giàu tính thực hành, tiếc rằng khi quân đội Mỹ mở rộng chiến tranhbằng không quân ra miền Bắc, các loại trường này không có điều kiện để duy trì.Song song với việc triển khai cải cách giáo dục ở phổ thông, Chính phủ thành lập Ban lãnh đạotrung ương thanh toán nạn mù chữ, xác định giáo dục bình dân là một bộ phận không thể thiếu trongkế hoạch nhà nướcvà phát động thực hiện kế hoạch 3 năm thanh toán nạn mù chữ (1956-1958). Kếtquả, đến năm 1959 đã có 2.161.362 người đã thoát nạn mù chữ, hầu hết dân cư trong các tỉnh đồngbằng biết đọc, biết viết; đưa tỷ lệ dân số biết chữ trong độ tuổi 12-50 lên 93,4%. [5] Tuy vậy, kết quảxoá mù chữ lần này, cũng như về sau này, không bền vững, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyênnhân chủ yếu là do chưa thực hiện phổ cập giáo dục cấp I.Trên cơ sở kết quả xoá mù chữ đã đạt được, hệ thống giáo dục bình dân chuyển trọng tâm sangnâng cao trình độ học vấn của người lớn – người lao động và được gọi là hệ thống bổ túc văn hoá,song hành với hệ thống giáo dục phổ thông. Với phương châm “cần gì học nấy”, hệ thống bổ túc vănhóa rất đa dạng về hình thức tổ chức cũng như về chương trình học. Hình thức học tập tại chức có loạitrường/ lớp dành cho đối tượng công tác tại cơ quan, xí nghiệp, có loại trường/ lớp dành cho đối tượnglà nông dân. Hình thức học tập tập trung có trường phổ thông lao động (dành cho cán bộ quản lý),trường bổ túc văn hóa công nông dành cho những người lao động trẻ tuổi để đưa vào đại học nhằmđào tạo cán bộ khoa học – kỹ thuật xuất thân từ công nông. Mỗi loại hình trường/ lớp lại có chươngtrình và sách giáo khoa (hoặc tài liệu học tập riêng) nhằm “phù hợp với đối tượng và mục tiêu đàotạo”. [5]Thực chất, chương trình giáo dục phổ thông còn có lớp vỡ lòng, dạy học sinh tập đọc, tập viết trước khi vào lớp 1.Chỉ thị 114/TTg ngày 27-3-195712Song song với việc mở các trường bổ túc văn hóa tập trung, ở miền Bắc còn có các trường họcsinh miền Nam để nuôi, dạy con em các cán bộ miền Nam. Nhiều học sinh tốt nghiệp các trường bổtúc công nông và trường học sinh miền Nam đã được tuyển vào đại học trong và ngoài nước, về sautrở thành nguồn cán bộ quản lý ở miền Nam sau ngày giải phóng, trong đó có một số trở thành nhữngtrí thức có tên tuổi hoặc nhà lãnh đạo của địa phương hoặc của cả nước.Trong thời gian không quân Mỹ tấn công miền Bắc (1965-1972), nhà trường cũng trở thành mụctiêu bắn phá. Chỉ trong 4 năm đầu của cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ, đã có 1.558 ngôitrường bị phá huỷ. Trong đó có: 1.334 trường cấp I, 179 trường cấp II, 38 trường cấp III, 7 trường đạihọc.[5] Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, phương hướng hoạt động giáo dục đã được Chính phủxác định là: tiếp tục phát triển, bảo đảm an toàn cho học sinh, gắn hơn nữa hoạt động của nhà trườngvới đời sống, sản xuất và chiến đấu. Trường, lớp từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đếngiáo dục đại học được sơ tán ra khỏi thành phố, thị xã, các đầu mối giao thông và những điểm tậptrung dân cư lớn, tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học. Thành công lớn nhất trong thời gian này là,nhà trường ở tất cả các cấp đã giáo dục, rèn luyện được một thế hệ thanh thiếu niên sẵn sàng thực hiệnnghĩa vụ công dân trong thời chiến, góp phần tạo ra một hệ thống giá trị về tinh thần yêu nước, lòng tựhào dân tộc và niềm tin vào lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.3.2. Ở miền NamTrong thời kỳ 1954-1975, ở vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, cũng như về sau này ởvùng giải phóng, hoạt động giáo dục vẫn diễn ra để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và đảmnhiệm chức năng đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục ở hai vùng có đặc điểm riêng, thậmchí đối nghịch nhau.Ở vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, nền giáo dục chuyển dần từ chỗ chịu tác động và ảnhhưởng của nền giáo dục Âu Pháp sang chịu tác động và ảnh hưởng của nền giáo dục Bắc Mỹ. Hệthống giáo dục phổ thông trải qua một vài lần thay đổi, song vẫn theo cơ cấu khung: tiểu học (5 năm),trung học cấp thấp (4 năm), trung học cấp cao (3 năm) gồm nhiều ban. Giáo dục đại học vẫn có thiênhướng hàn lâm nhiều hơn thực hành, tập trung vào vào các ngành khoa học cơ bản, luật, kinh tế, hànhchính. Các trường đại học thuộc các ngành này phát triển nhanh hơn các trường kỹ thuật, công nghệ,nông – lâm – súc. Mặt khác, tiếp xúc với nền giáo dục Bắc Mỹ, một số nhà giáo dục cũng đã học tập,tiếp thu được một số kinh nghiệm giáo dục Hoa Kỳ, trên cơ sở đó đề xuất một số sáng kiến góp phầncanh tân giáo dục nhất là về xây dựng chương trình và phương pháp dạy học. Điều đặc biệt là, suốttrong thời gian đô thị miền Nam nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, mặc dù chịu tácđộng và ảnh hưởng của nền giáo dục Bắc Mỹ, tuổi trẻ học đường vẫn duy trì tinh thần phản kháng vàđã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc. [5]Ở vùng giải phóng, Bộ Giáo dục trong Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đãban hành chương trình phổ thông 12 năm, với loại sách giáo khoa khác hẳn sách giáo khoa dùng trongvùng tạm chiếm, thể hiện rõ rệt tinh thần yêu nước, chống xâm lược và tay sai. Bộ chương trình vàsách giáo khoa này có nhiều cải tiến cả về nội dung và phương pháp so với chương trình và sách giáokhoa 10 năm ở miền Bắc. [5]4. Giáo dục Việt Nam từ 1975 đến 19864.1. Trong những năm đầu thống nhất đất nướcTháng 4-1975, cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Namgiành thắng lợi hoàn toàn. Sau ngày chiến thắng, đối với lĩnh vực giáo dục ở các tỉnh miền Nam,Chính phủ tập trung vào hai nhiệm vụ: (i) Xoá bỏ tàn dư của nền giáo dục cũ; (ii) Thực hiện xoá mùchữ cho nhân dân trong độ tuổi 12-50.Theo cuốn “Escalade de guerre et du crime par Nixon au Việt Nam” (Cuộc leo thang chiến tranh và tội ác do Nixon gâyra ở Việt Nam):13Về nhiệm vụ thứ nhất, Bộ Giáo dục đã khẩn trương xây dựng và ban hành hành chương trình 12năm mới, biên soạn và in 20 triệu bản sách giáo khoa theo chương trình đó để thay thế sách giáo khoacũ ở miền Nam. Hầu hết giáo viên của chế độ cũ được tuyển dụng lại; đồng thời, thực hiện công lậphoá trường tư thục, tách nhà trường ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, đưa dần toàn bộ trường tư vào sựquản lý của nhà nước. [5]Về nhiệm vụ thứ hai, Chính phủ chủ trương nhanh chóng xoá nạn mù chữ và đẩy mạnh bổ túcvăn hoá, xem đó là nhiệm vụ cấp bách số một. Một lần nữa, hoạt động xoá nạn mù chữ trở thành mộtbiểu hiện của lòng yêu nước, thu hút hàng triệu người tham gia giảng dạy, học tập hoặc giúp đỡ ngườihọc. Đầu năm 1978, tất cả các tỉnh và thành phố miền Nam đã căn bản xoá nạn mù chữ. Trong tổng số1.405.870 người đã được xác định không biết chữ, đã có 1.323.670 người thoát nạn mù chữ, đạt94,14% kế hoạch. [5]4.2. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ baTrong khi thực hiện những nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt đối với giáo dục miền Nam và tiếp tụcphát triển giáo dục ở miền Bắc, Đảng và Chính phủ cũng khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc cải cáchgiáo dục nhằm tiến tới một nền giáo dục quốc dân thống nhất phù hợp với chiến lược tái thiết và pháttriển đất nước.Ngày 11-1-1979, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW vềcải cách giáo dục, [5] [7] theo đó, những định hướng có tính nguyên tắc cho cuộc cải cách giáo dục lầnthứ ba này là:- Về mục tiêu giáo dục: Chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thànhnhằm tạo cơ sở ban đầu cho con người phát triển toàn diện; thực hiện phổ cập giáo dục toàn dân nhằmtạo điều kiện thực hiện 3 cuộc cách mạng (về quan hệ sản xuất, về khoa học – kỹ thuật và về văn hoá -tư tưởng); đào tạo và bồi dưỡng với quy mô ngày càng lớn đội ngũ lao động phù hợp yêu cầu phâncông lao động xã hội. [5] [7]- Về nội dung giáo dục, hướng vào việc “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện [đức, trí, thể,mỹ], tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủnghĩa xã hội của nhân dân …” [5] [7]- Về nguyên lý giáo dục, yêu cầu học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trườnggắn liền với xã hội. [5] [7]- Về hệ thống giáo dục, thay thế hệ thống phổ thông 12 năm ở miền Nam và hệ thống 10 năm ởmiền Bắc bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới, trong đó, trường cấp I và trường cấp IIđược sáp nhập thành trường phổ thông cơ sở (chín năm), đồng thời chuẩn bị phân ban ở trung học phổthông. Nhiều trường đại học chuyên ngành được xây dựng và phát triển. [5] [7]Đồng thời với việc ra nghị quyết xác định phương hướng cải cách giáo dục, Bộ Chính trị cũng đãquyết định thành lập Uỷ ban Cải cách giáo dục của Trung ương và Chính phủ. [7] Tổ chức này có banhiệm vụ:- Chỉ đạo nghiên cứu và xây dựng các đề án về chủ trương, kế hoạch và biện pháp thực hiện;- Kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương; -Chuẩn bị dự luật cải cách để trình Quốc hội. [7]Cuộc cải cách giáo dục lần này được triển khai bắt đầu từ năm học 1981-1982. Việc thay sáchgiáo khoa ở các cấp học phổ thông, một nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc cải cách giáo dục lần thứba, đã hoàn thành vào năm 1996, tạo ra sự thống nhất về giáo dục phổ thông trong cả nước. [4] Riêngvề nội dung giáo dục, so với các chương trình giảng dạy và học tập trước đó, chương trình cải cáchmang nhiều yếu tố hiện đại hơn, do đó tạo ra tiền đề chất lượng giáo dục có thể đạt tới trình độ caohơn trước.Trong chế độ cũ có tới 2500 trường tư thục, trong đó một nửa do các tổ chức tôn giáo mở.14Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cuộc cải cách lần này đã gặp rất nhiều khó khăn và bộc lộmột số hạn chế. Hạn chế lớn nhất là, mục tiêu và giải pháp thiếu tính khả thi, như muốn phát triển quymô lớn, muốn bao cấp về giáo dục cho mọi đối tượng, muốn phổ cập giáo dục toàn dân, Trong khiđó lại thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực và sự thực không thể bảo đảm về nguồn lực do chiến tranh biêngiới và kinh tế suy thoái. Một ví dụ cụ thể về giải pháp thiếu tính khả thi của cuộc cải cách giáo dụclần thứ ba, biểu hiện của cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, là việc sáp nhập trường cấp I và cấpII thành trường phổ thông cơ sở (chín năm). Vì các điều kiện thực tế không cho phép (đội ngũ giáoviên và cán bộ quản lý không đủ năng lực; trường sở, thiết bị thiếu thốn ) nên những trường đã sápnhập sau một thời gian đều phải tách trở lại. [5] [9] Về mặt quan niệm, tư tưởng bao cấp nặng nề, nhấnmạnh giáo dục là “phúc lợi xã hội” đã cản trở sự phát triển giáo dục. Với quan niệm đó, khi xây dựngdự toán ngân sách nhà nước, kinh phí giáo dục chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ sau khi đã ưu tiên bố trí chocác khu vực khác. Đối với người dân, từ đó sinh ra tư tưởng ỷ lại, xem chi phí học hành của con em,ngay cả học nghề hay học đại học, cũng dựa vào sự bao cấp của nhà nước. Tư tưởng này hoàn toànkhông phù hợp với một nước nghèo và chậm phát triển như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sau mộtcuộc chiến tranh kéo dài, kinh tế khủng hoảng. [9]5. Giáo dục Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX5.1. Chặng đầu đổi mớiThách thức lớn nhất trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước mà giáo dục Việt Nam phải đối diện là:Nhà nước không đủ điều kiện cung ứng tài chính, lại mất đi một chỗ dựa quan trọng là nền kinh tế tậpthể, giáo dục lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn lực nghiêm trọng. Các trường phổ thông thiếu kinhphí hoạt động, chính quyền địa phương nợ lương giáo viên, thầy bỏ dạy, trò bỏ học, qui mô và chấtlượng giáo dục đều giảm sút. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cũng không đủngân sách tối thiểu cần thiết để duy trì các hoạt động bình thường. Học sinh trung học chuyên nghiệpvà sinh viên đại học ra trường không có việc làm, giảng viên theo đuổi những công việc xa lạ với nghềnghiệp để có thêm thu nhập. Bị trói buộc trong cơ chế cũ, các trường đại học, cao đẳng, trung họcchuyên nghiệp thiếu hẳn điều kiện về nguồn lực và khả năng tự quản. [9]Để đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng, Đại hội lần thứ VI của Đảng CSVN (tháng 12-1986)đã chủ trương đổi mới kinh tế- xã hội, chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, đối với lĩnhvực giáo dục, điều căn bản là phải điều chỉnh những quan niệm và giải pháp không còn thích hợp,mạnh dạn đề xuất và thực hiện những giải pháp mới nhằm chặn đà suy thoái, ổn định tình hình, củngcố hệ thống, tạo thế và lực để tiếp tục phát triển. Phương hương và giải pháp đổi mới giáo dục lúc đólà: xã hội hoá, dân chủ hoá, đa dạng hoá, hiện đại hoá; vận động xã hội, gia đình và nhà trường cùngchăm sóc thế hệ trẻ. [5] [9] Theo phương hướng đó, ngành giáo dục đã nỗ lực duy trì, củng cố, tiếp tụcphát triển nền giáo dục quốc dân, tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáoviên và cán bộ quản lý giáo dục, xem đội ngũ là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thực hiện chấtlượng và hiệu quả giáo dục.Đối với giáo dục phổ thông, định hướng đổi mới là: Tiếp tục triển khai đồng thời điều chỉnh cảicách giáo dục về mục tiêu, nội dung chương trình, sách giáo khoa và cả về quan niệm, cách làm giáodục. Từng bước thực hiện chất lượng toàn diện theo cách làm và mức độ phù hợp từng loại đối tượng,từng loại trường và từng địa phương; gắn giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tụckhẳng định mạnh mẽ trách nhiệm của nhà nước, đồng thời thực hiện xã hội hoá giáo dục. Trong khi xãhội hóa nguồn lực, điều quan trọng là khắc phục tâm lý ỷ lại và thái độ khoán trắng cho nhà nước. [5][9]Một số giải pháp được triển khai nhằm thực hiện định hướng đổi mới giáo dục phổ thông lúc đólà: Chính phủ cho phép thu học phí ở tất cả các cấp học, trừ tiểu học vì là cấp phổ cập; cho phép tổchức trường/lớp tư thục ở giáo dục tiền học đường; các trường/lớp bán công, dân lập ở tất cả các bậchọc phổ thông. Ngành giáo dục tiến hành phân hoá việc giáo dục theo trình độ của đối tượng, pháttriển các trường chuyên cấp II, cấp III dành cho học sinh có năng khiếu, lớp chọn trong các trường cấp15II, cấp III bình thường dành cho học sinh học giỏi (trường chuyên, lớp chọn không tổ chức ở bậc tiểuhọc vì phòng ngừa chặn tình trạng quá tải, tránh nguy cơ dẫn trẻ đến chỗ phát triển phiến diện). Đẩymạnh thí điểm chương trình trung học chuyên ban, chuẩn bị triển khai đại trà nhằm thực hiện phân hóaquá trình giáo dục theo trình độ, năng lực và nguyện vọng của học sinh và để phân luồng trong giáodục. Thực hiện giáo dục kỹ năng lao động và hướng nghiệp bằng cách liên kết giáo dục phổ thông vớigiáo dục nghề nghiệp. Đối với bậc tiểu học, cùng với việc hoàn thiện từng bước chương trình cải cáchhiện hành, đã thêm chương trình dành riêng cho con em các dân tộc ít người, chương trình tối thiểu ápdụng trong các lớp học linh hoạt dành cho những trẻ em vì điều kiện kinh tế không thể đến trườngchính qui. [5] [9] Rút kinh nghiệm của các chiến dịch xoá mù chữ trước đây, Chính phủ lập Uỷ banquốc gia chống nạn mù chữ, gắn nhiệm vụ chống nạn mù chữ với phổ cập giáo dục tiểu học.Đối với giáo dục đại học và dạy nghề, chuyển từ đào tạo cho kinh tế quốc doanh và tập thể sangđào tạo cho xã hội nhiều thành phần kinh tế và đáp ứng nhu cầu học tập của thanh niên; khai thác vàsử dụng mọi nguồn tài chính; tự lực xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu ngoài kế hoạch nhà nước; đàotạo theo nhiều loại chương trình. Một số giải pháp: yêu cầu người học đóng học phí và tự túc trongthời gian học tập; cho phép và khuyến khích mở trường/lớp dạy nghề tư thục và mở trường đại họcdân lập; cấu trúc lại chương trình đào tạo (theo mô đun kỹ năng – MES ở dạy nghề, theo ngành rộngvà chia thành hai giai đoạn ở đại học); từ đào tạo theo niên chế chuyển sang đào tạo theo học phần; cảitiến quy trình kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đàotạo, kiểm soát chặt chẽ ở đầu ra”; trao quyền tổ chức kỳ thi cho các trường và cho thí sinh dự thi ởnhiều trường; thí điểm đào tạo kỹ thuật viên bậc cao; đổi mới mô hình tổ chức và sắp xếp lại mạnglưới, thí điểm các hình thức trung học nghề và trung học kỹ thuật; hình thành đại học, cao đẳng kiểumới (đại học gồm nhiều trường thành viên, đại học mở, cao đẳng cộng đồng, đại học bán công/tưthục/dân lập ); tăng chức năng quản lý nhà nước bằng luật pháp, giảm hoạt động tác nghiệp vềchuyên môn đào tạo ở Bộ; coi trọng quyền tự chủ của nhà trường; cho phép các trường liên kết đào tạovà liên kết với các cơ sở nghiên cứu/ các doanh nghiệp. [5] [9]Nhờ định hướng đúng đắn, sau mười năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục đã phát triển và đạt kếtquả đáng kể. Vào năm học 1993-1994, qui mô giáo dục ở tất cả các bậc học từ giáo dục mầm non,giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học đã được mở rộng, vượt năm cao nhấtcủa thời kỳ trước đổi mới.Riêng ở bậc tiểu học, tỷ lệ bỏ học giảm từ 12,7% vào năm 1989-1990 xuống 6,58%và tỷ lệ lưuban giảm từ 10,6% vào năm 1989-1990 xuống 6,18%. Đến giữa những năm 90 (của thế kỷ trước),tổng số học sinh tiểu học là trên 10 triệu, số học sinh trung học cơ sở là 3,7 triệu, số học sinh trung họcphổ thông là 86 vạn. [9] [19] Sau 5 năm, các địa phương đã vận động hơn 1,7 triệu trẻ em thất học đếnlớp trong đó có 200 nghìn em đã đạt được chuẩn phổ cập, hàng trăm nghìn trẻ em bỏ học đã quay trởlại nhà trường; hơn 1,2 triệu người lớn đi học xoá mù chữ trong đó gần nửa triệu đã biết chữ ở trình độtương đương lớp 3.[9] [19]Về giáo dục nghề nghiệp, lưu lượng học sinh học nghề ngắn hạn đã tăng từ 95.500 (1993) lên128.700 (1994). [9] [19] Chương trình trung học nghề đã được 50 trường tổ chức thực hiện, nhiều họcsinh tốt nghiệp đã ra làm việc tại các cơ sở kinh tế10. Việc thí điểm đào tạo kỹ thuật viên cấp cao đãthực hiện ở 6 trường trung học chuyên nghiệp thuộc các ngành bưu chính viễn thông, kỹ thuật côngnghiệp nhẹ, giao thông vận tải, kỹ thuật mỏ, hoá chất và văn hoá nghệ thuật. Khó khăn lớn là về tổchức quá trình đào tạo (thiếu giáo viên nên phải dạy dồn, một giáo viên dạy nhiều môn ), lại thiếucơ sở thực nghiệm cho các môn học nên không đảm bảo chất lượng đào tạo cao đẳng Việc đào tạotheo mô đun kỹ năng hành nghề (MES) đã được triển khai ở 15 nghề, trong đó đã biên soạn theo vàNăm 2004, tỷ lệ lưu ban ở TH là 1,01%; ở THCS là 0,83%; ở THPT là 1,34%Đầu năm 1990 cả nước có khoảng 2,1 triệu trẻ em 6-14 tuổi thất học, 2 triệu người lớn ở độ tuổi 15-35 bị mù chữ.10Khó khăn lớn nhất đối với loại hình này là, chỉ phát huy tính ưu việt khi các kiến thức, kỹ năng phổ thông và kỹ thuậtđược dạy song song; lý thuyết chuyên môn và thực hành nghề được cấu trúc theo hướng tích hợp chứ không theo một phépcộng giản đơn chương trình giáo dục bổ túc với đào tạo nghề. Vì không vượt qua được khó khăn này và vì thiếu điều kiệnvề cơ sở vật chất, thiết bị chương trình trung học nghề đã không được duy trì.16xuất bản 5 bộ tài liệu dạy và học theo MES cho 5 nghề để áp dụng rộng rãi. Một số trường dạy nghềđào tạo dài hạn thuộc lĩnh vực xây dựng, bưu chính viễn thông cũng đang bắt đầu áp dụng phươngthức đào tạo theo mô đun. [9] [19]Về giáo dục đại học, các trường đi dần đến chỗ ổn định, từng bước tăng quy mô, giảng viên cóthêm thu nhập bằng các hoạt động nghề nghiệp của mình. Trong mạng lưới trường đại học, cao đẳng,đã 5 đại học đa lĩnh vực lớn được xây dựng ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng;có thêm một số nhiều đại học ngoài công lập. Quan hệ quốc tế được mở rộng, đội ngũ lãnh đạo, giáosư, giảng viên có điều kiện học hỏi, trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài về những vấn đề họcthuật.Mặc dù đã vượt qua những thách thức gay gắt ở giai đoạn đầu đổi mới, nhưng có một số giảipháp nêu ở trên gặp khó khăn trong thực hiện, không phát huy được tác dụng tích cực hoặc bị biếndạng trong thực tế, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh. Tháng 12-1996, Hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ươngkhoá VIII Đảng CSVN đã đánh giá kết quả mười năm đổi mới giáo dục, đề ra định hướng chiến lượcphát triển giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xác định nhiệm vụ giáo dục trongnhững năm cuối cùng của thế kỷ XX. [7] Một số giải pháp ở giai đoạn đầu đã được điều chỉnh như:không mở lớp chọn ở các cấp giáo dục phổ thông và không mở trường chuyên ở trung học cơ sở;không quy định cứng nhắc, đồng loạt về hai giai đoạn và bỏ kỳ thi chuyển giai đoạn ở đại học; chuẩnbị kỹ hơn cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở phổ thông đặc biệt là vấn đề phân ban ởtrung học phổ thông; không tiếp tục phát triển trung học nghề v.v [7] [19]Trong hơn mười năm (1996-2005), quy mô giáo dục tiếp tục tăng, tổng số học sinh, sinh viên từ20 triệu (năm 1996), đã tăng lên 23 triệu (năm 2005). Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổivà phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiến triển tốt. Năm học 2004-2005, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi thamgia tiểu học là 98,0%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học học tiếp lên lớp 6 là 98,5%; tỷ lệ trẻ em trongđộ tuổi tham gia trung học cơ sở là 84,0%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10 là77,1%. [9] [19] Mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu học tập tiểuhọc và trung học cơ sở cho trẻ em. Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được triểnkhai từ năm học 2002-2003, đã hoàn tất vào năm học 2008-2009, tạo tiền đề cho việc nâng cao chấtlượng giáo dục. Chỉ tính trong năm năm gần đây, đã có hơn 5,3 triệu người đã được đào tạo tại các cơsở dạy nghề trong đó 2/3 là đào tạo dài hạn. Tốc độ tăng quy mô ở trung học chuyên nghiệp tăng bìnhquân 14,7%/năm. [9] [19] Về giáo dục đại học, từ 1998 đến 2004, quy mô đại học, cao đẳng tăng từ760 nghìn sinh viên lên hơn 1,3 triệu, tốc độ tăng bình quân 6,4%/năm. [9] [19] Giáo dục không chínhquy được đẩy mạnh, mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên phủ khắp các quận huyện trong cảnước, số lượng trung tâm học tập cộng đồng đã được phát triển ở quá nửa số xã phường. Cùng với sựphát triển đáng kể về quy mô, việc cung ứng một cách công bằng về cơ hội giáo dục đã có bước tiếnbộ quan trọng. Khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục giữa các nhóm dân tộc được thu hẹp. Sốlượng học sinh con em dân tộc thiểu số ở trung học cơ sở tăng bình quân 7,3%/năm, ở trung học phổthông tăng bình quân 26,1%/năm. [9] [19]II. CƠ CẤU QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở VIỆT NAMKhái niệm quản lý được đề cập ở đây bao gồm cả quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn.Quản lý nhà nước, ở cấp vĩ mô, gồm: xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,chính sách giáo dục; ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; thanh tra,kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục [12]Theo Luật Tổ chức chính phủ, Luật Giáo dục và sự phân công của Chính phủ, Bộ Giáo dục vàĐào tạo quản lý nhà nước về giáo dục tiền học đường, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và mộtphần giáo dục nghề nghiệp (trung cấp chuyên nghiệp); Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lýgiáo dục nghề nghiệp (trừ trung cấp chuyên nghiệp).Theo Luật Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Giáo dục và theo sự phân cấp của chínhphủ, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước, bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo,17tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêucầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương; đồng thời, kiểm soát các trường ngoàicông lập trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Phạm vi quản lý trong lĩnh vực giáo dục củauỷ ban nhân dân cấp tỉnh và uỷ ban nhân dân cấp huyện được phân định như sau: cấp tỉnh quản lý cáctrường trung học phổ thông, các trường trung cấp và trường dạy nghề, các trường cao đẳng của tỉnh,các trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh ; cấp huyện quản lý các trường tiểu học, trung học cơsở, trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạynghề của huyện, Cơ quan chuyên môn giúp uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý về giáo dục là sở giáodục và đào tạo; cơ quan chuyên môn giúp uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý về giáo dục là phònggiáo dục và đào tạo.Sơ đồ cơ cấu quản lý giáo dục Việt Nam18III. HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN VIỆT NAM HIỆN NAY1. Cơ cấu hệ thống – Mạng lưới nhà trườngĐối với cơ cấu hệ thống giáo dục, có nhiều cách xác định khác nhau. Ở đây, khái niệm cơ cấu hệthống chỉ giới hạn trong phạm vi phân chia cấp lớp/ trình độ đào tạo kèm theo đó là một số chú ý vềphương thức giáo dục, loại hình trường và việc phân bố trường/ lớp trên các địa bàn (thường được gọilà mạng lưới trường/ lớp).* Về cơ cấu hệ thống giáo dục. Luật giáo dục 2005 quy định tại Điều 4- “Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”. Như vậy,giáo dục thường xuyên vừa có thể hiểu như một phương thức giáo dục, vừa có thể xem là một tiểu hệthống/ phân hệ của hệ thống giáo dục quốc dân.- Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:a) Giáo dục mầm non, có nhà trẻ và mẫu giáo;b) Giáo dục phổ thông, có 3 cấp học: tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), trung học cơ sở (từ lớp 6 đếnlớp 9), trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12);c) Giáo dục nghề nghiệp, gồm 3 trình độ đào tạo: sơ cấp, trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp vàtrung cấp nghề), cao đẳng;d) Giáo dục đại học, gồm 4 trình độ đào tạo: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.* Về mạng lưới trường/ lớp, theo nguyên tắc phân bố trường gần dân, đến nay trên các địa bàndân cư đều có các cơ sở giáo dục. Cụ thể là:- Mỗi xã, phường hoặc thị trấn đều có ít nhất một cơ sở giáo dục mầm non, một trường tiểu học,một trường trung học cơ sở hoặc một trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở (hình thức này chỉ cóở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn); phần lớn các xã có trung tâm học tập cộng đồng.- Mỗi quận, huyện, thị xã hoặc thành phố thuộc tỉnh đã có một hoặc một số trường trung học phổthông, có một trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Các thị xã, các quận và nhiều huyện đã cótrung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp. Các huyện miền núi, hải đảo đều có một trường trung họccơ sở nội trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số11và trường phổ thông có nhiều cấp học.- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có một trường trung học phổ thông chuyêndành cho học sinh xuất sắc trong việc học tập một trong các các môn học, có trường trung cấp hoặc/vàmột trường cao đẳng (junior college), một trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh. Các tỉnh miềnnúi và các tỉnh có nhiều huyện miền núi đều có trường trung học phổ thông nội trú dành cho học sinhdân tộc thiểu số. Một số tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương còn có trường năng khiếu nghệ thuật,trường năng khiếu thể dục-thể thao và trường dành cho người khuyết tật, tàn tật.- Các trường đại học tập trung ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố như HảiPhòng, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ Ngoài ra, hầu như mỗi tỉnh đều có trường cao đẳnghoặc trường đại học.2. Giáo dục mầm non và việc thực hiện quyền trẻ em:Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ mười hai tháng tuổiđến sáu tuổi. Mục tiêu giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, ngônngữ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1. [12]Cơ sở giáo dục mầm non gồm nhà trẻ (tiếp nhận trẻ từ ba tháng tuổi đến ba tuổi) và trường mẫu giáo(tiếp nhận trẻ từ ba tuổi đến năm tuổi).Chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước là bảo đảm các quyền của trẻ em được quy định trongLuật Giáo dục và Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Cụ thể là:11Cấp trung học cơ sở19- Trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục để phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trítuệ, ngôn ngữ, thẩm mỹ phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.- Trẻ em được chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại cáccơ sở y tế công lập.- Trẻ em được giảm phí đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí.Việc thành lập các nhà trẻ nhằm mục đích giúp các bà mẹ có nơi gửi con để đi làm và tham giahoạt động xã hội, góp phần tạo điều kiện thực hiện sự bình đẳng về giới.Về mặt quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục mầm non hoặc do Uỷ ban nhân dân cấp huyệnthành lập (cơ sở công lập), hoặc do cộng đồng xã, phường thành lập (cơ sở dân lập), hoặc do tư nhânthành lập (cơ sở tư thục).- Các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ được thành lập tại các xã thuộc địa bàn kinh tế – xãhội đặc biệt khó khăn, vùng cư trú của các dân tộc thiểu số.- Các cơ sở giáo dục mầm non dân lập chủ yếu được thành lập tại nông thôn. Dân cư trong cộngđồng đóng góp xây dựng trường sở, mua sắm thiết bị và bảo đảm kinh phí hoạt động, chính quyền địaphương có trách nhiệm hỗ trợ về nguồn lực.- Chính phủ khuyến khích tư nhân thành lập các cơ sở giáo dục tiền học đường tư thục. Cáctrường này được hưởng các chính sách ưu đãi như được giao hoặc cho thuê đất, được giao hoặc chothuê cơ sở vật chất, được hưởng ưu đãi về thuế và tín dụng.Về quy mô giáo dục mầm non, trong năm học 2007-2008, cả nước có 3.057.718 trẻ em được bốmẹ gửi vào 11.620 cơ sở giáo dục mầm non; trong đó có 5.678 cơ sở giáo dục mầm non công lập tiếpnhận 1.336.824 trẻ em, 5.942 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tiếp nhận 1.720.894 trẻ em. [13][19]* Mục tiêu phát triển của giáo dục mầm non đến 2010 là:- Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em trước 6 tuổi. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻem trong các cơ sở giáo dục tiền học đường xuống dưới 15%12- Mở rộng hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư, đặc biệt ở nông thôn vàvùng khó khăn để hệ thống này có thể thu hút 18% trẻ em dưới 3 tuổi, 67% trẻ em trẻ em từ 3 đến 5tuổi. Phổ cập trẻ 5 tuổi, tích cực thu hút 95% – 100%13trẻ 5 tuổi đến trường để chuẩn bị cho các emcó kỹ năng vào học lớp một.- Tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức, tuyên truyền và tư vấn cho các bậc ông bà, chamẹ về nuôi dạy trẻ em theo khoa học. [15]3. Giáo dục tiểu họcCấp tiểu học gồm 5 lớp, thu nhận trẻ em từ 6 tuổi. Như vậy, nếu trẻ không lưu ban, bỏ học thìđến 11 tuổi sẽ tốt nghiệp tiểu học.Mục tiêu giáo dục của cấp tiểu học là giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự pháttriển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếptục học lên cấp trung học cơ sở. [12] Trong chương trình tiểu học hiện hành, ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có6 môn học là : Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Thể dục, Nghệ thuật ( Mỹ thuật, ÂmNhạc); trong đó, chỉ có Tiếng Việt và Toán có sách giáo khoa (để học sinh sử dụng), bốn môn còn lạicó tài liệu hướng dẫn giảng dạy (để giáo viên sử dụng); ở lớp 4 và lớp 5 có 7 môn học là: Tiếng Việt,Toán, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Đạo đức, Thể dục, Nghệ thuật; trong đó, bốn môn có sách giáokhoa là Tiếng Việt, Toán, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, các môn học còn lại có tài liệu hướng dẫn12Năm 2005 là 20%13Năm 2005 các chỉ tiêu này là15%, 58% và 85%.20giảng dạy. [14] Ngoài ra, cần đưa dần chương trình tin học vào tiểu học để bổ sung các kỹ năng cơ bảncho học sinh lên cấp học cao hơn.Năm học 2007-2008, cả nước có 14.939 trường tiểu học với 6.832.567 học sinh. Số trường cônglập là 14.844 với 6.832.218 học sinh. Số trường ngoài công lập là 95 với 18.349 học sinh. [13] [19]Trong những năm gần đây, số học sinh tiểu học giảm liên tục.17Bên cạnh tình trạng học sinh bỏ học,nhiều nhà phân tích cho rằng hiện tượng này là kết quả của việc giảm tỷ lệ tăng dân số (nhân khẩutrong độ tuổi 6-11 giảm) và việc trẻ em đi học đúng độ tuổi (trước đây quy mô cấp tiểu học lớn hơndân số trong độ tuổi 6-11).Thực hiện quy định của Luật phổ cập giáo dục tiểu học 1991, mọi trẻ em chậm chất là đến 14tuổi đều phải tốt nghiệp tiểu học, hơn chục năm trở lại đây, ngày 5-9 được lấy làm ngày toàn dân đưatrẻ em đến trường với mục tiêu vận động tất cả các gia đình có con lên 6 đều đưa vào học lớp một.Năm 2000, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi 6-11 đi học là 95%; năm học 2004-2005 tỷ lệ đó là hơn 98%.[19]Mục tiêu phát triển của giáo dục tiểu học đến 2010 là: Thực hiện phổ cập giáo dục đúng độtuổi (thu hút 99% trẻ em trong độ tuổi đi học, giảm thiểu tỷ lệ lưu ban, bỏ học), nâng cao chất lượngvà hiệu quả, tiến tới thực hiện dạy và học 2 buổi/ ngày, đưa ngoại ngữ vào học từ lớp 3, giảm tỷ lệhs/gv và quy mô các lớp học. [13]Sơ đồ hệ thống giáo dục Việt Nam4. Giáo dục trung học:Giáo dục trung học có hai cấp: cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.Năm học 2001-2002, số học sinh mtiểu học là 9.311.010. Như vậy, mỗi giảm trung bình gần 400-500 nghìn học sinh.21Trung học cơ sở gồm 4 lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Mục tiêu giáo dục của cấp trung học cơ sở làcủng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở vànhững hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, hoặc họcnghề (trung cấp chuyên nghiệp/ trung cấp nghề), hoặc đi vào cuộc sống lao động. [12]Trung học phổ thông gồm 3 lớp (từ lớp 10 đến lớp 12). Mục tiêu giáo dục của cấp trung học phổthông là giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiệnhọc vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện pháthuy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, hoặc học lên đại học, cao đẳng, hoặc học nghềhoặc đi vào cuộc sống lao động. [12]Năm học 2007-2008, cả nước có 10.491 trường trung học cơ sở với 5.791.229 học sinh; trongđó, số trường công lập là 10.458 với 5.791.229 học sinh và số trường ngoài công lập là 33 với 68.297học sinh. Cũng trong năm học này, số trường trung học phổ thông là 2.476 với 3.070.023 học sinh;trong đó, số trường công lập là 1.826 với 2.238.141 học sinh và số trường ngoài công lập là 831.882học sinh. [13] [19]Tại các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số (tỉnh miền núi và tỉnh có huyện miền núi) trong cáctrường trung học cơ sở và trung học phổ thông có một số trường nội trú. Theo thống kê năm 2005,tổng số trường nội trú dành cho con em dân tộc thiểu số là 325; trong đó có 11 trường dân tộc nội trútrung ương với 4.400 học sinh; 48 trường tỉnh (trung học phổ thông) với khoảng 20 nghìn học sinh; và266 trường huyện (trung học cơ sở) với khoảng 60 nghìn học sinh. [9] [19]Triển khai chương trình phân ban ở trung học phổ thông là một nội dung đổi mới quan trọng ởgiáo dục phổ thông. Từ năm học 2006-2007, cấp trung học phổ thông có ba ban: (i) Ban cơ bản, (ii)Ban khoa học tự nhiên, (iii) Ban khoa học xã hội và nhân văn. Chương trình của cả ba ban đều gồmcác môn học: Văn học, Lịch sử, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hoá học, Ngoại ngữ, Chính trị và Giáo dụccông dân, Thể dục thể thao Yêu cầu của ban cơ bản chính là chuẩn kiến thức và kỹ năng (nghĩa làyêu cầu tối thiểu cần thiết) đối với tất cả các môn học thuộc chương trình của cấp học. Yêu cầu củaBan khoa học tự nhiên là nâng cao đối với bốn bộ môn: Toán, Vật lý, Hoá học và Sinh học. Yêu cầucủa ban khoa học xã hội và nhân văn là nâng cao đối với bốn bộ môn: Văn học, Lịch sử, Địa lý vàNgoại ngữ. [14]Đối với một trường, việc giảng dạy, học tập theo mấy ban, là ban nào tuỳ thuộc sự lựa chọn củahiệu trưởng/ hội đồng nhà trường sau khi báo cáo và được giám đốc sở giáo dục và đào tạo đồng ý.Đối với những trường chọn ban cơ bản thì để tăng cường khả năng lựa chọn của học sinh, nhà trườngcó thể có tổ chức thực hiện các chương trình tự chọn đối với các môn học được nâng cao ở hai ban:Ban khoa học tự nhiên (và toán), Ban khoa học xã hội và ngoại ngữ.* Mục tiêu của giáo dục trung học phổ thông đến năm 2010 là: Thực hiện phổ cập giáo dụctrung học cơ sở; thu hút 99% trẻ em trong độ tuổi 11-15 đi học trung học cơ sở, 50% trẻ em trong độtuổi 15-18 đi học trung học phổ thông; giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học; bảo đảm tất cả học sinh đều đượchọc một ngoại ngữ liên tục từ lớp 6 đến lớp 12. [15]5. Giáo dục nghề nghiệp – trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghềMục tiêu giáo dục nghề nghiệp là đào tạo người lao động có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp,có đạo đức và lương tâm, có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho ngườilao động có thể tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.[12]Giáo dục nghề nghiệp có ba trình độ đào tạo: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Đào tạo trình độ sơcấp thực hiện trong thời gian dưới một năm; đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng thực hiện trongthời gian từ một đến ba năm tuỳ theo đặc điểm, yêu cầu nghề nghiệp và trình độ của người học ở đầuvào. [12]22Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm các trường trung cấp chuyên nghiệp thuộc quyền quản lýcủa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường dạy nghề và các trung tâm dạy nghề thuộc quyền quản lý củaBộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo thống kê năm 2006, trong cả nước có 1.688 cơ sở dạynghề phân bố ở tất cả các tỉnh, bao gồm 236 trường dạy nghề (tăng gấp đôi so với năm 1998), 404trung tâm dạy nghề và trên 1.000 các lớp dạy nghề18. [19] [20] Trong hệ thống các trường dạy nghề,ngoài các trường công lập, có trường tư thục, trường có vốn đầu tư của nước ngoài và trường của quânđội để thực hiện việc dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ. Về các trường trung học chuyên nghiệp (thuộcquyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo), mặc dầu nhiều trường mạnh lần lượt chuyển thành trườngcao đẳng nhưng trong 5 năm (từ 2001 đến 2005) tổng số các trường trung học chuyên nghiệp vẫn tăng.Cụ thể, năm học 2001 có 253 trường đến năm học 2005 có 285 trường, với 283.335 học sinh. Trongđó, có 238 trường công lập và 47 trường tư thục; có trường thuộc các bộ và có trường thuộc địaphương, mỗi tỉnh trung bình có từ 3 đến 5 trường (trừ 3 tỉnh mới thành lập)19. [19] [20]* Mục tiêu phát triển của giáo dục nghề nghiệp đến năm 2010 là:- Thiết lập hệ thống đào tạo nghề nghiệp thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội,chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn và đào tạo công nhân lành nghề, đội ngũ kỹ thuật viên và cán bộchuyên môn ở trình độ cao đẳng từ những người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và trung cấpnghề.- Thu hút 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường trung cấp14và 10% họcsinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học các cao đẳng nghề. [15]6. Giáo dục đại họcGiáo dục đại học đào tạo bốn trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Cụ thể:- Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ 2-3 năm, đối với người tốt nghiệp trung học phổthông hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; 1-2 năm đối với người tốt nghiệp trung cấp cùngchuyên ngành; [12]- Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ 4-6 năm đối với người tốt nghiệp trung học phổthông hoặc trung cấp; từ 2- 4 năm đối với người tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ 1- 2năm đối với người tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành; [12]- Đào tạo trình độ thạc sĩ thực hiện từ 1-2 năm đối với người tốt nghiệp đại học; [12]- Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện trong 4 năm đối với người tốt nghiệp đại học; từ 2-3năm đối với người có bằng thạc sĩ. [12]Mục tiêu giáo dục của cấp đại học là đào tạo sinh viên thành những người có phẩm chất chínhtrị, có đạo đức và ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tươngxứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. [12]Các cơ sở giáo dục đại học của nước ta gồm:- Các trường cao đẳng (junior college);- Các trường đại học (university), trong đó có đại học gồm nhiều trường thành viên (colleges), cóđại học chỉ có các khoa;- Các học viện;Nguồn: Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện giai đoạn một (2001-2005) chiến lược phát triển Giáo dục 2001-2010, việnCL&CTGDNăm 2004, trong số 286 trường có 246 trường công lập, 40 trường ngoài công lập. Nếu chia theo chủ thể quản lý thì, địaphương quản lý 211 trường, các bộ, ngành TW quản lý 75 trường.14Trong Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 quy định: Thu hút 15% học sinh tốt nghiệp THCS vào THCN (theoLuật giáo dục 2005 là TCCN) và 15% vào học trường dạy nghề dài hạn, ở đây xin gộp chung thành 30% vào học trung cấp(TCCN và TC nghề)23Theo thống kê năm 2006, cả nước có 322 trường đại học, cao đẳng với 1.53.846 sinh viên; trongđó có 275 trường công lập với 1.310.375 sinh viên và 193.471 sinh viên. Về đào tạo sau đại học cógần 150 cơ sở với 38.461 học viên cao học20và 4.518 nghiên cứu sinh21. Tỷ lệ sinh viên trên một vạndân là 179. [19]* Mục tiêu phát triển của giáo dục đại học đến 2010 và 2020 là:- Mở rộng quy mô đào tạo, đạt tỷ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/1vạn dân vào năm 2020, trong đó có 70-80% sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp – ứngdụng và khoảng 40% sinh viên thuộc các trường ngoài công lập. [17]- Bảo đảm đến năm 2010 đạt 40% giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ thạc sĩ và 25% cótrình độ tiến sĩ; tỉ lệ sinh viên/giảng viên của cả hệ thống giáo dục đại học không quá 20. [17]- Áp dụng các phương thức và công nghệ quản lý hiện đại trong các cơ sở giáo dục đại học, đặcbiệt là áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về đào tạovà nghiên cứu khoa học, và hệ thống thư viện điện tử. [17]- Nâng cao rõ rệt quy mô và hiệu quả của các hoạt động khoa học công nghệ trong các trườngđại học. Các trường đại học lớn phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước. Nguồnthu từ các hoạt động khoa học – công nghệ, sản xuất và dịch vụ đạt khoảng 15% tổng nguồn thu củacác trường. Nhà nước dành hơn 1% ngân sách để các trường đại học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứukhoa học. [17]- Bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường về tất cả các mặt. Bảo đảm vai tròquản lý của nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với các hoạt động của nhà trường.[17]7. Giáo dục thường xuyênTrong suốt một thời gian dài, nhân dân ta kiên trì tiến hành công cuộc chống nạn mù chữ, pháttriển giáo dục người lớn (lúc đầu là giáo dục bình dân, rồi giáo dục bổ túc và ngày nay là giáo dụcthường xuyên). Kết quả là hàng chục triệu người đã thoát khỏi nạn mù chữ. Hàng triệu người, thôngqua các lớp bổ túc văn hoá và các khoá đào tạo tại chức mà tiếp tục mở mang sự hiểu biết, vươn tớiánh sáng của tri thức.Ngày nay, giáo dục thường xuyên có chức năng giúp mọi người vừa làm vừa học, học suốt đờinhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đểcải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm và tự tạo việc làm, thích nghi với đời sống xã hội. [12]Trong phạm vi chức năng, giáo dục thường xuyên có các chương trình sau:- Chương trình xoá mù chữ và sau xoá mù chữ;- Chương trình giáo dục cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ theo yêu cầu củangười học;- Chương trình đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;- Chương trình giáo dục để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. [11]Hệ thống tổ chức thực hiện giáo dục thường xuyên gồm các trung tâm giáo dục thường xuyêncấp tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và các trung tâm học tập cộng đồng. Đồngthời các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học cũng tham gia thực hiệnchương trình giáo dục thường xuyên. [12]Trong năm học 2008-2009, tính chung cả nước có 66 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh,583 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, 24 trường bổ túc văn hoá, 1.300 trung tâm tin học,Người được đào tạo thành thạc sĩNgười được đào tạo thành tiến sĩ24ngoại ngữ và 10.997 trung tâm học tập cộng đồng ở xã (thuộc địa bàn nông thôn). [13] [19]* Mục tiêu của giáo dục thường xuyên đến 2010 và 2015 là:- Nâng cao kết quả xoá nạn mù chữ, tăng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-35;- Mở rộng cơ hội học tập cho người lớn, người lao động, giúp mọi người tiếp cận và thụ hưởngcác chương trình bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết, khả năng lao động và chất lượng cuộc sống- Phấn đấu để mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên phủ kín các địa bàn trong cả nước. [13]IV. NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC VIỆT NAM1. Chất lượng giáo dục và việc đổi mới chương trình giáo dục1.1. Đổi mới giáo dục phổ thôngViệc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được chính thức bắt đầu từ năm 200015. Đến nay,chương trình đã được ban hành và sách giáo khoa mới đã được sử dụng để giảng dạy và học tập ở tấtcả các khối lớp ở tiểu học và trung học cơ sở; chương trình trung học phổ thông (phân ban) và sáchgiáo khoa đi kèm đã được áp dụng từ năm học 2006-2007.Để có bộ chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, tập thể các nhà giáo, nhà khoa học có uytín đã phải nghiên cứu, biên soạn theo một quy trình chặt chẽ, trải qua 2 đến 5 năm thí điểm trước khitriển khai chính thức. Số lượng trường tham gia thí điểm là 450 trường tiểu học, 158 trường trung họccơ sở, 48 trường trung học phổ thông ở các địa bàn khác nhau thuộc hơn mười tỉnh. Đối với sách giáokhoa, bản thảo được thẩm định hai vòng (trước khi in làm sách thí điểm và trước khi in làm sách sửdụng chính thức) và tổ chức in thử để xin ý kiến thêm một lần nữa trước khi phát hành.Theo nhận định chung, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quán triệt mục tiêu vàcác yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các cấp học quy định trong Luật Giáo dục; làmtăng tính thống nhất, kế thừa, phát triển giữa các cấp học; làm tăng tính liên thông giữa giáo dục phổthông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; tạo cơ sở cho việc phân luồng trong hệ thống giáodục quốc dân; bảo đảm yêu cầu đồng bộ giữa nội dung và phương pháp, giữa chương trình, sách giáokhoa và thiết bị dạy học; tăng tính thực hành, thực tiễn, giảm tính hàn lâm, kinh viện; coi trọng khoahọc xã hội – nhân văn, phản ánh các thành tựu khoa học – công nghệ phù hợp khả năng tiếp thu củahọc sinh.Tuy việc phân ban ở trung học phổ thông không phải là mới mẻ và chưa đạt tới mức cao nhấttrong bậc thang tiến hoá về chương trình trung học, nhưng để đi đến quyết định cuối cùng cũng đãphải trải qua một thời gian dài hơn chục năm thử nghiệm, tranh luận và điều chỉnh. Trở ngại chính ởđây là, sự phân vân giữa hai xu hướng: ở cực này, muốn duy trì việc thực hiện một chương trình duynhất và ở cực kia, muốn có nhiều hơn nữa cơ hội tự chọn cho học sinh.Mặc dù đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ, cho đến hiện nay, chương trình giáo dụcphổ thông của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi quỹ đạo truyền thống với những môn học được phânchia theo kiểu cũ: văn, sử, địa, toán, lý, hoá, và những mong muốn tích hợp các môn học vẫn chưacó điều kiện thực hiện.Khó khăn lớn nhất trong việc đổi mới chương trình giáo dục là, về mặt chủ quan, các tác giảluôn luôn muốn học sinh phải đi theo con đường mà mình đã trải qua và không vượt qua được nhữngquan niệm vốn có về môn học cũng như tập quán tư duy do cách phân chia các môn học như hiện naytạo ra. Về mặt khách quan, là khó khăn do năng lực quản lý nhà trường và trình độ của đội ngũ giáoviên chưa thể đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Trong khi đó, nội dung học tập của nhà trườngphổ thông không thể cứ tiếp tục rượt đuổi những thành tựu khoa học-công nghệ đang xuất hiện hằng15Cũng có người xem đây là cuộc cải cách giáo dục lần thứ tư.25