Sơ cứu vết thương mạch máu
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long – Bác sĩ hồi sức cấp cứu – Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nguyên tắc điều trị các vết thương mạch máu là sơ cứu vết thương đúng cách và nhanh chóng để duy trì chức năng sống cho người bệnh. Sơ cứu vết thương mạch máu cần khẩn trương bởi càng để lâu, chậm trễ thì một khối lượng máu bị mất đi, lâu dần sẽ mất máu nhiều và dẫn đến sốc và tử vong cho người bị thương.
Mục Lục
1. Thế nào là vết thương mạch máu?
Vết thương mạch máu là những vết thương có đứt, rách, mất đoạn các mạch máu chính ở các phần khác nhau của cơ thể gây chảy máu ồ ạt, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được sơ cứu cầm máu kịp thời. Vết thương phần mềm diện rộng, dập nát tổ chức gây chảy máu, mất máu nhiều và nhanh cần được xem như một vết thương mạch máu.
Vết thương mạch máu là một cấp cứu ngoại khoa hay gặp trong cuộc sống, trong lao động, sinh hoạt,… Việc áp dụng ngay biện pháp sơ cứu vết thương mạch máu để cầm máu tạm thời là cần thiết để cứu sống tính mạng người bị thương.
Vết thương mạch máu phân loại theo các dạng sau đây:
Nguyên nhân: Gặp trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày do chấn thương, vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh thủy tinh; do đạn hay mảnh kim khí, nhiễm trùng do tiêm chích gây vỡ mạch máu,…
Vị trí: Tổn thương mạch máu ngoại vi; vết thương mạch máu vùng cổ và nền cổ; vết thương mạch máu chủ ngực – bụng; thương tổn mạch máu trong gãy xương; tổn thương mạch máu do bác sĩ gây nên (các thủ thuật chụp mạch, thông tim, do các động tác thực hiện thô bạo).
Tính chất: Vết thương mạch máu đơn thuần; vết thương mạch máu phối hợp (kèm tổn thương thần kinh, xương, cơ,…)
2. Vết thương mạch máu nguy hiểm như thế nào?
Vết thương mạch máu có thể gây tử vong nhanh chóng do những nguyên nhân như sốc mất máu do không sơ cứu kịp thời; sốc nhiễm độc do chuyển hóa yếm khí; gây nhiễm trùng đặc biệt (nhiễm khuẩn huyết, hoại thư sinh hơi; uốn ván). Do vậy việc nhận biết các triệu chứng để có biện pháp can thiệp kịp thời là rất quan trọng.
Vết thương mạch máu không phải bắt buộc chảy máu, vì có nhiều dạng vết thương mạch máu đã ngưng chảy. Do vậy việc khám lâm sàng có thể phát hiện được vết thương mạch máu nhờ vào những dấu hiệu như:
Có vết thương bạch khí hay hỏa khí vào ngay đường đi của mạch máu; khi người bệnh bị thương, qua vết thương thấy có chảy máu đỏ thành tia; tụ quanh vết thương, điển hình khi máu tụ lan rộng và đập theo nhịp tim, nghe tại chỗ có tiếng thổi và sờ có rung mưu.
Gãy xương kín hoặc hở, nhất là gãy xương phức tạp và ở những vùng gãy như: trên lồi cầu xương cánh tay, gãy trên lồi cầu xương đùi, vỡ mâm chày …
Xuất hiện các dấu hiệu thiếu máu ngoại biên (bằng cách thăm khám kỹ và so sánh với chi đối diện): Chi lạnh, giảm vận động và cảm giác; Mạch ngoại vi giảm hoặc mất; Độ bão hòa oxy ở phần ngọn chi giảm (SaO2).
3. Sơ cứu vết thương mạch máu
Theo đó, nguyên tắc điều trị các vết thương mạch máu là sơ cứu vết thương mạch máu đúng cách và nhanh chóng để duy trì chức năng sống cho người bệnh.
3.1. Nguyên tắc khi sơ cứu vết thương mạch máu
Sơ cứu vết thương mạch máu cần khẩn trương, nhanh chóng: Nguyên tắc này nhằm mục đích làm ngừng sự chảy máu, bởi càng để lâu, chậm trễ thì một khối lượng máu bị mất đi, lâu dần sẽ mất máu nhiều và dẫn đến sốc và tử vong cho người bị thương.
Sơ cứu vết thương mạch máu cần cầm máu đúng chỉ định theo tính chất của vết thương: Tùy theo tính chất chảy máu của từng vết thương mà sơ cứu các biện pháp cầm máu thích hợp như: Băng nút cho vết thương chột, đứt mạch máu ở trong sâu; băng ép cho vết thương dập nát khối cơ lớn…
3.2. Các kỹ thuật sơ cứu vết thương
- Kỹ thuật sơ cứu đặt garô:
Khi sơ cứu vết thương mạch máu theo kỹ thuật garô thì garô phải được đặt ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, gần vết thương nhất, rồi chuyển nạn nhân đến bệnh viện kèm theo phiếu ghi giờ đặt garô.
Khi đặt garô, cứ một giờ nới lỏng garô trong vài phút cho máu chảy xuống nuôi dưỡng phần dưới chỗ bị thương, sau đó lại tiếp tục thắt garô khi máu bắt đầu chảy trở lại.
Chỉ nên đặt garô trong các trường hợp: Chi bị dập nát không còn khả năng bảo tồn; đặt garô ở nơi xảy ra tai nạn, nhưng gần một bệnh viện, thời gian vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện dưới một giờ; đặt tạm thời trong một thời gian ngắn để chuẩn bị mổ.
- Đè ấn động mạch:
Phương pháp này dùng tay ép chặt động mạch đoạn trên vết thương (gần tim hơn vết thương). Có thể dùng ngón tay hoặc cả nắm tay để ấn động mạch, tùy theo mức độ tổn thương và vị trí ấn
- Băng ép cầm máu:
Phương pháp này dùng một cuộn băng hay một chiếc khăn gấp nhỏ lại thành một cục đặt lên vết thương và băng ép lên trên để cầm máu, dùng băng cuộn băng chặt quanh chi cho đến khi không thấy máu thấm băng.
Băng ép cầm máu nhất là dùng loại băng chun. Phương pháp này đơn giản dễ thực hiện, có tác dụng cầm máu tốt lại không gây hậu quả xấu đối với vùng bị tổn thương.
- Gập chi:
Đây là động tác gấp mạnh các đoạn chi lại với nhau, cánh tay với thân mình, đùi với bụng, làm cho động mạch bị gấp và bị đè ép giữa các khối cơ bao quanh, có tác dụng cầm máu.
Phương pháp này nhanh, dễ làm, cầm máu tốt. Tuy nhiên sẽ gây đau cho nạn nhân, không làm được lâu, không áp dụng được trong các trường hợp có gãy xương kèm theo.
Vết thương mạch máu là tình trạng cấp cứu ngoại khoa. Sau khi sơ cứu vết thương mạch máu đúng cách, bệnh nhân phải được nhanh chóng đưa đến trung tâm cấp cứu có đủ khả năng xử trí.
Phẫu thuật thắt các mạch máu lớn ngoại vi là một trong những chỉ định cần thiết nhằm kịp thời ngăn chặn những hậu quả do bệnh lý tổn thương mạch máu ngoại vi cấp tính gây ra, bao gồm vết thương động mạch, chấn thương mạch máu ngoại vi và tắc nghẽn động mạch chi. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các mạch máu lớn ngoại vi một cách hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.