Sở Nội vụ trả lời về miễn chế độ tập sự đối với viên chức | Sở Nội Vụ Nam Định
Sở Nội vụ trả lời về miễn chế độ tập sự đối với viên chức
Theo đó, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 29/9/2020) quy định người được tuyển dụng vào viên chức bắt buộc
phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những
công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Chế độ tập sự đối với viên chức
cụ thể như sau:
– Thời gian tập
sự đối với viên chức:
+ 12 tháng đối với
trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ
đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng;
+ 09 tháng đối với
trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ
đào tạo cao đẳng;
+ 06 tháng đối với
trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ
đào tạo trung cấp.
+ Thời gian nghỉ sinh
con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời
gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công
tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
Trường hợp người tập sự
nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị
sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế
độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.
– Nội dung tập
sự
+ Nắm vững quy định của
pháp luật viên chức về quyền, nghĩa vụ của viên chức, những việc viên chức
không được làm; nắm vững cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn
vị sự nghiệp công lập nơi công tác; nội quy, quy chế làm việc của đơn vị; chức
trách, nhiệm vụ và yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng;
+ Trau dồi kiến thức và
rèn luyện năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc
làm được tuyển dụng;
+ Tập giải quyết, thực
hiện các công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
– Trong thời gian thực hiện chế độ tập sự, đơn vị
sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng viên chức phải cử viên chức tham gia khóa
đào tạo, bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề
nghiệp trước khi bổ nhiệm. Thời gian tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng được tính
vào thời gian thực hiện chế độ tập sự.
– Không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường
hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy
định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào
tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công
tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn
thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được
tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020.
Đối với các trường hợp
không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử
viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức
danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm.
– Không bố trí, phân công công tác đối với người
được tuyển dụng đang trong thời gian thực hiện chế độ tập sự sang vị trí việc
làm khác vị trí được tuyển dụng ở trong cùng đơn vị sự nghiệp công lập hoặc
sang đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Theo quy định của Nghị định số
115/2020/NĐ-CP, Sở Nội vụ tỉnh Nam Định yêu cầu về chế độ tập sự đối với giáo viên tiểu học phải
căn cứ vào thời gian thực tế đóng bảo hiểm xã hội và hồ sơ tuyển dụng để xác
định các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự đối với người tuyển dụng.
Trường hợp người tuyển dụng không phải thực hiện chế độ tập sự thì thực hiện
xếp lương viên chức theo chức danh nghề nghiệp Giáo viên tiểu học hạng III,
đồng thời cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề
nghiệp giáo viên tiểu học hạng III và phải có Chứng chỉ trong thời gian 36 tháng
kể từ ngày được tuyển dụng, nộp cơ quan quản lý để quyết định bổ nhiệm chức
danh nghề nghiệp theo quy định.
Sở
Nội vụ trân trọng giới thiệu toàn văn 02 văn bản:
– Nghị định số 115/2020/NĐ-CP
– Văn bản số 445/SNV-CCVC