Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM nói gì về thiếu sót trong thi học sinh giỏi quốc gia?
Học sinh TP.HCM tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 – 2022 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Vị cán bộ trên cho biết: Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 – 2022 do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức. Để tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi, các hội đồng thi được thành lập tại địa phương. Cán bộ coi thi chủ yếu được Bộ Giáo dục và đào tạo phân công đến từ các địa phương khác nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan cho kỳ thi.
Để tổ chức thi, Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và đào tạo đã triển khai các khâu đăng ký, cấp số báo danh và sắp xếp phòng thi để các địa phương gửi dữ liệu và tổ chức thực hiện trên phần mềm của Cục Quản lý chất lượng.
Vượt số thí sinh dự thi
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo, một số đội tuyển của đơn vị dự thi Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM có số lượng thí sinh vượt quy định.
Về việc này, theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, số lượng các đội tuyển một số môn thi của TP.HCM vượt quá 6 thí sinh là do hai năm liên tiếp môn đó có kết quả trên 80% thí sinh đoạt giải. “Việc này được Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép bằng văn bản” – một lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM khẳng định.
Không xếp số báo danh theo A-B-C
Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo cũng nêu vấn đề Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM không xếp số báo danh theo thứ tự A-B-C của tất cả thí sinh mà xếp thí sinh của ba đơn vị dự thi tại các phòng thi riêng biệt đối với môn tin học và tiếng Anh.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM nói: “Thiếu sót lớn nhất của sở trong việc này là không báo cáo bằng văn bản với Bộ Giáo dục và đào tạo. Trên thực tế, hội đồng coi thi học sinh giỏi quốc gia tại TP.HCM là hội đồng ghép từ ba đơn vị dự thi (Sở Giáo dục và đào tạo TP, Trường phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường trung học Thực hành, Đại học Sư phạm TP.HCM)”.
Cũng theo lãnh đạo này, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM là đơn vị đại diện cho ba đơn vị trên, thực hiện khai báo dữ liệu trên phần mềm của Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và đào tạo. Thực tế là cục đã cấp ba mã số báo danh cho ba đơn vị là: Sở Giáo dục và đào tạo là 58, Phổ thông Năng khiếu là 66, và Trung học Thực hành là 70.
Do mã số của các đơn vị khác nhau nên phần mềm sắp xếp theo thứ tự A, B, C… của thí sinh ở mỗi môn thi theo từng đơn vị dự thi. Sở đã xếp thí sinh thi môn tiếng Anh và tin học theo từng đơn vị dự thi (tức là thí sinh thuộc ba đơn vị trên thi tại ba phòng khác nhau), giúp quá trình coi thi diễn ra thuận lợi, đảm bảo tiến độ công việc cho hội đồng có nhiều thí sinh thi ngoại ngữ và tin học.
“Cụ thể, đối với môn tiếng Anh, tổng số thí sinh dự thi của ba đơn vị là 26 và phân chia thành ba phòng thi vì môn ngoại ngữ có phần thi viết và nói. Danh sách phòng thi viết và nói phải trùng nhau, phải đảm bảo thời gian thi nói kết thúc cùng lúc với các hội đồng trên toàn quốc.
Thời lượng phần thi nói của mỗi thí sinh là 20 phút (không tính đến các sự cố bất thường có thể xảy ra), nếu phòng thi có số lượng quá đông sẽ không đảm bảo thời gian kết thúc hội đồng coi thi.
Đối với môn tin học, giám thị phải thực hiện việc in bài và sao chép bài thi của thí sinh lên đĩa CD. Nếu phòng thi có số lượng 20 thí sinh thì công tác thu bài, in bài và sao chép bài thi lên đĩa CD sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của cả hội đồng. Do đó hội đồng coi thi phân chia thành hai phòng tin học, mỗi phòng 10 thí sinh” – lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM nói thêm.
Mở đề trước thời gian cho phép
Về thiếu sót thứ ba là mở đề thi trước thời gian cho phép, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM thông tin: “Trường hợp này xảy ra đối với môn thi tiếng Anh. Hội đồng coi thi tại TP.HCM có 26 thí sinh thi học sinh giỏi môn tiếng Anh ở ba phòng thi nhưng Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ chuyển đến TP.HCM một phong bì đề thi thay vì ba phong bì đề thi cho ba phòng.
Sau khi bàn bạc, chủ tịch hội đồng coi thi và phó chủ tịch hội đồng coi thi phụ trách chuyên môn tại TP.HCM (đều là cán bộ thuộc sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành khác, không phải cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM) đã thống nhất mở bì đề thi môn tiếng Anh trước thời gian cho phép để kiểm tra và phân chia cho 3 phòng thi”.
Cũng theo giải thích của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, Bộ Giáo dục và đào tạo đã bố trí 100% cán bộ coi thi từ ít nhất ba đơn vị của địa phương khác đến TP.HCM làm công tác coi thi.
“Cán bộ ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM không được tiếp cận đến bất kỳ nội dung nào, khâu nào của quá trình coi thi” – lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM nói.
Làm rõ trách nhiệm liên quan
Ngày 18-5, Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo đã có thông báo về kết quả kiểm tra công tác coi thi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021 – 2022 tại hội đồng coi thi TP.HCM.
Trong đó, có nêu những thiếu sót về việc mở đề thi trước thời gian quy định, việc xếp thí sinh của các đơn vị tại các phòng thi riêng, số thí sinh trong đội tuyển nhiều hơn so với quy định… Đồng thời thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo TP kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan đến những thiếu sót nêu trên và xử lý theo thẩm quyền quy định.
Thi học sinh giỏi để làm gì?: Làm sống lại điểm sáng ngày xưa
Thi học sinh giỏi để làm gì?: Làm sống lại điểm sáng ngày xưa
TTO – Các kỳ thi học sinh giỏi, vốn từng là điểm sáng trong quá khứ, dứt khoát phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh hiện nay và tìm lại được vai trò của mình.