Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang – Một số kinh nghiệm trong công tác cải cách hành chính

Theo Nghị quyết số 30c-NQ/CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước thì nhiệm vụ, nội dung công tác cải cách hành chính bao gồm 6 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Thực hiện đầy đủ 6 lĩnh vực trên chính là bao quát hầu hết các công việc của một cơ quan, đơn vị hành chính. Bởi vậy, cải cách hành chính là một nhiệm vụ rất quan trọng trong một cơ quan hành chính.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, xác định tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính được ngành Giáo dục rất quan tâm, chú trọng chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện toàn diện các lĩnh vực cải cách hành chính, từ công tác chỉ đạo điều hành đến xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; từ cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; từ đổi mới cơ chế tài chính đến hiện đại hóa nền hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính đã làm tăng hiệu quả quản lý, điều hành, xử lý công việc, đồng thời góp phần hiện đại hóa nền hành chính. Các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ được tập trung chỉ đạo tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm. Các kỳ thi, khảo sát kiến thức cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Việc cập nhật hệ thống thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên; việc rà soát, công bố công khai các thủ tục hành chính được thực hiện kịp thời; quá trình tiếp nhận, giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân diễn ra theo đúng quy định, trình tự, tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân đến giải quyết công việc, không có hồ sơ quá hạn, nâng cao sự hài lòng của người dân.


Ảnh minh họa

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì tham mưu, chủ động đẩy mạnh áp dụng sáng kiến cải cách hành chính. Giáo dục Bắc Giang đã tiên phong đưa nội dung hướng dẫn học sinh trung học tiếp cận việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến vào giảng dạy tại các trường phổ thông; trong năm học 2021-2022 đã hướng dẫn cho 78.891 học sinh  từ lớp 9 đến lớp 12 tiếp cận giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Sáng kiến này đã được UBND tỉnh công nhận là sáng kiến cấp tỉnh và được đánh giá cao. Ngoài ra, ngành tổ chức Hội nghị đối thoại với người dân, tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính.

Nhìn chung, công tác cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo có chuyển biến rất tích cực; việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính đã có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Giáo dục và Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của toàn ngành và góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Trong những năm gần đây, các chỉ số đánh giá cải cách hành chính của ngành Giáo dục được xếp loại tốt, đứng thứ hạng khá cao trong các cơ quan thuộc UBND tỉnh.

Theo kết quả công bố của UBND tỉnh Bắc Giang, Chỉ số cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2021 xếp thứ 5/20 Sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; kết quả thực hiện đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh xếp thứ 3/20 (loại xuất sắc); hệ thống quản lý chất lượng ISO xếp thứ 3/20; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang xếp thứ 2/20 Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh. Năm 2021, Cổng Thông tin điện tử của ngành đạt 91 điểm, năm thứ 3 liên tiếp xếp thứ 1/20 khối các sở, cơ quan thuộc tỉnh Bắc Giang.

Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Bắc Giang đạt 88,65 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh thành toàn quốc. Chỉ số này có một phần đóng góp không nhỏ của ngành Giáo dục.

Có thể nói, năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực vượt bậc trong công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai các nội dung trong công tác cải cách hành chính, tất cả các chỉ số thuộc lĩnh vực cải cách hành chính đều đạt trong top 5 đơn vị dẫn đầu trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh – kết quả cao nhất trong 5 năm gần đây của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang.

Từ thực tiễn và những kết quả nêu trên, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện trong công tác cải cách hành chính như sau:

Thứ nhất: Người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính ở cơ quan trong việc xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân. Phải coi đó là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai, tổ chức thực hiện; là giải pháp quan trọng để đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển giáo dục của đơn vị. Kết quả cải cách hành chính là nội dung quan trọng đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng người đứng đầu và mỗi cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị. Thực tế cho thấy, ở đâu lãnh đạo quan tâm, sâu sát trong chỉ đạo, tổ chức triển khai, ở đó hiệu quả công việc sẽ rõ nét.

Thứ hai: Cải cách hành chính bao gồm cải cách trên nhiều lĩnh vực; bởi vậy, kế hoạch phải giao trách nhiệm cho từng bộ phận chủ trì, theo dõi, gắn trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ được giao thực hiện với kết quả từng lĩnh vực. Mỗi công việc cần giao trách nhiệm cho một người để chủ động và tránh chồng chéo. Ở đây rất cần đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực chuyên môn tốt mà còn phải thực sự cần mẫn, tận tụy, đeo bám công việc được giao và sáng tạo trong công việc để tham mưu, hiến kế cho lãnh đạo thực hiện “cải cách”, “cải tiến” công việc hàng ngày bằng những sáng kiến cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Thứ ba: Bộ phận được giao tham mưu thường trực giúp lãnh đạo theo dõi nhiệm vụ cải cách hành chính phải thực sự “tròn vai”, nghĩa là thực hiện hết trách nhiệm trong tham mưu, từ nghiên cứu văn bản, xây dựng hệ thống kế hoạch chỉ đạo đến đôn đốc các bộ phận phối hợp thực hiện; từ tổng hợp kết quả các lĩnh vực báo cáo hàng tháng đến cập nhật đầy đủ minh chứng hệ thống các chỉ số thành phần tiêu chí đánh giá, chấm điểm; từ chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và trả kết quả bảo đảm 100% đúng hạn cho tổ chức và cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính đến việc tập huấn, hướng dẫn soạn thảo, gửi nhận văn bản, lưu trữ tài liệu đúng Nghị định của Chính phủ về công tác văn thư;… Vì như trên đã nói, cải cách hành chính gồm rất nhiều nội dung, mỗi nội dung lại bao gồm hệ thống công việc theo chuyên môn, đôi khi chỉ sơ suất một chút là chậm muộn báo cáo hoặc không bảo đảm theo chỉ đạo của tỉnh.

Mỗi địa phương, đơn vị lại có những cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Song, điểm chung và mấu chốt để công tác cải cách hành chính thực sự hiệu quả là nhận thức và quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính và của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị – những người hàng ngày trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Làm tốt công tác cải cách hành chính cũng là góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang