Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Thuật ngữ đồng dao

TRIỀU NGUYÊN 

1. Đặt vấn đề

Cho đến nay, việc nghiên cứu đồng dao còn rất mỏng, khiến vấn đề chưa được nắm bắt đúng mức. Đã có sự lẫn lộn giữa đồng dao với ca dao, với vè, với câu đố, với thơ thiếu nhi. Hầu hết các sách lí luận về thể loại, các giáo trình văn học dân gian đã không đề cập đến đồng dao (nếu có, thì cũng chỉ nói qua vài dòng, thường gặp khi bàn về ca dao). Do đó, việc xác định đồng dao, có thể nói, là một việc làm cần thiết. Nó là một công việc có tính chất chủ chốt và có phần quan trọng, nhằm khắc phục tình hình trên và làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo.

Để xác định thuật ngữ đồng dao, cần phân biệt giữa đồng dao với ca dao, với vè, với câu đố, với thơ thiếu nhi, và cuối cùng là sự nhận diện tổng quát đối tượng để có thể đi đến một định nghĩa.  

2. Phân biệt giữa đồng dao với ca dao, vè, câu đố, và thơ thiếu nhi

2.1. Phân biệt giữa đồng dao với ca dao

2.1.1. Các tác giả Doãn Quốc Sĩ (1969) (1), Nguyễn Tấn Long – Phan Canh (1971) (2), đã gọi đồng dao là ca dao nhi đồng. Khái niệm “ca dao nhi đồng” gần đây ít thấy được nhắc đến, có lẽ vì khái niệm này thiếu chính xác. Mới đây, Nguyễn Nghĩa Dân, ở bài viết “Tìm hiểu về hệ thống đồng dao Việt Nam” (3), đã đưa bộ phận “những lời ca dao cho trẻ em” thuộc đồng dao. Tác giả lí giải: “Xét đến cùng, điều phân biệt giữa ca dao cho trẻ em với ca dao cho người lớn là ở chỗ: ca dao cho người lớn có một bộ phận quan trọng nhất, chiếm tỉ lệ cao nhất trong kho tàng ca dao Việt Nam là ca dao về tình yêu nam nữ và ca dao về hôn nhân gia đình”. Theo sự nhìn nhận này thì chẳng những bộ phận ca dao trẻ em thuộc kho tàng ca dao sẽ rất lớn mà còn nảy sinh vấn đề quan trọng khác, đó là giữa ca dao và đồng dao có một phần chung (phần giao giữa chúng), không thể tách bạch, vì ca dao về người lớn không chỉ là chuyện tình yêu và gia đình. Phần giao này sẽ tạo ra sự lúng túng, nếu làm việc sưu tầm thì dễ dẫn đến chuyện tuỳ tiện muốn chọn ra sao thì chọn: còn nếu làm việc nghiên cứu thì có nhiều khả năng sai lạc, vì phải đương đầu với một đối tượng không thuần nhất.

2.1.2. Có thể nói rằng, một bộ phận của đồng dao có quan hệ gần gũi với ca dao. Quan hệ này ví như cách gọi người theo tuổi tác. Chẳng hạn, cùng một người đàn ông, lúc nhỏ thì gọi là cậu bé, đến độ thanh niên thì gọi là chàng trai, vào tuổi xế chiều thì gọi là ông lão. Điều cần lưu ý là, đã cậu bé thì không thể đồng thời là chàng trai, và ngược lại. Đi vào vấn đề: ca dao có một bộ phận của trẻ em, chủ yếu do trẻ sáng tác, bộ phận này trở thành một bộ phận của đồng dao, được gọi là đồng dao.

Điều quan trọng hơn, là khi đã gọi một văn bản hay nhóm văn bản thuộc đồng dao, là đồng dao, thì không đồng thời gọi chúng là ca dao, và ngược lại (4).

2.1.3. Ngoài sự xác định vừa nêu, không có một bộ phận, một chủ đề nào khác của ca dao là đồng dao. Có ba mảng ca dao có thể gây ngộ nhận thuộc đồng dao, đó là mảng hát ru, mảng gây cười và mảng ngụ ngôn.

Mảng hát ru chưa được phân loại rạch ròi, nhưng chắc chắn không phải tất cả những lời hát ru đều là đồng dao. Thường thì lời hát ru ẩn chứa nỗi niềm hay ít ra cũng phù hợp với tâm lí của người ru. Khi người ru, trong quan hệ với bé, là bà, mẹ, dì, người vú,… thì nội dung lời ru rất phong phú, đa dạng. Trên đại thể chúng không phải là đồng dao. Khi người ru là anh, chị trong độ tuổi thiếu niên ru em, thì nội dung lời ru cũng khá đa dạng, trong đó, có một bộ phận đáng kể thuộc đồng dao. Thí dụ, lời hát ru “Em ơi, em ngủ cho lâu; Kẻo mẹ đi cấy ruộng sâu chưa về; Bắt được con diếc, con trê; Cầm cổ lôi về làm thịt em ăn!”, là một bài đồng dao.

Mảng gây cười, Phạm Thị Hằng (2003) đã rút ra từ 12487 bài ca dao cổ truyền được 1250 bài ca dao cười. Tiếng cười ấy nhằm vào những kẻ tham lam (“Trăm năm trăm tuổi trăm chồng; Hễ ai có bạc thì bồng trên tay”), những kẻ lười nhác (“Lúc ăn thời khỏi, lúc làm thời đau”), hoặc ích kỉ, hẹp hòi (“Của mình thì giữ bo bo; Của người thì để cho bò nó ăn”), hèn kém (“Nói thì đâm năm chém mười; Đến khi tối trời chẳng dám ra sân”),… Nói về chủ thể của tiếng cười này, tác giả viết: “Cái cười ấy thực sự cần thiết cho quần chúng lao động bất kể ở thời điểm nào của lịch sử, nó quả thực là tâm sự, là niềm vui của cả một cộng đồng, một dân tộc chứ chẳng của riêng ai” (5). Tức mảng ca dao cười không thuộc đồng dao.

Mảng ngụ ngôn, người viết (1999) đã chọn từ sách Kho tàng ca dao người Việt (6), và 24 tập sách sưu tầm ca dao khác (ngoài 37 tập sách mà Kho tàng ca dao người Việt dùng để tập hợp văn bản ca dao), được 180 bài ca dao ngụ ngôn và bình giải chúng (7). Ca dao ngụ ngôn đề cập đến những vấn đề triết lí, đạo đức, những cách nhìn nhận về tự nhiên, xã hội. Các nội dung này không phải được truyền giảng một cách trực tiếp, mà bằng cấu trúc văn bản và thế giới hình tượng nghệ thuật. Nói như vậy nhằm ý, ca dao ngụ ngôn ít nhiều cũng mang đặc điểm của thể loại ngụ ngôn. Mà về đối tượng thưởng thức của thể loại này, so với truyện về loài vật chẳng hạn, thì như Phạm Minh Hạnh (1993) đã nhận xét: “Trẻ em tìm được con đường đi tới sự hiểu biết thế giới xung quanh mình và cuộc sống dần dần qua những câu chuyện đơn giản và hấp dẫn về loài vật. Vì thế, đối tượng chính của truyện về loài vật là trẻ em. Ngược lại, đối tượng chính của truyện ngụ ngôn là người lớn” (8). Tức mảng ca dao ngụ ngôn cũng không thuộc đồng dao.

Tất nhiên, đó là nói trên đại thể, theo như đặt vấn đề là từng mảng hay bộ phận xác định, còn với từng văn bản riêng rẽ lại là chuyện khác.

2.2. Phân biệt đồng dao và vè

2.2.1. Có một số công trình sưu tầm hay bài nghiên cứu về vè, ghi lẫn đồng dao vào. Hầu hết số đồng dao được xem là vè đều có yếu tố “vè” trong tên gọi. Có 28 bài như vậy (không kể các dị bản). Chúng có đặc điểm:

+ Về nội dung, phần lớn chúng thuộc đồng dao của lứa tuổi nhi đồng, có nội dung nhận biết.

+ Về hình thức:

– Bên cạnh việc nêu vè trong tên gọi, khi mở bài để triển khai nội dung, các đơn vị đồng dao này cũng “Vè vẻ vè ve; Nghe vè… ” để tạo sự chú ý như thể loại vè;

– Về thể thơ, phần lớn theo thể thơ bốn tiếng;

– Về số lượng dòng thơ, so với một số bài đồng dao chỉ dăm ba dòng thơ, chúng có dung lượng lớn gấp nhiều lần.

Tuy có hình thức na ná thể loại vè, nhưng sự khác biệt giữa những bài đồng dao vừa nói với vè rất cơ bản. Đó là, trong lúc vè thường được gọi là “khẩu báo”, đưa thông tin về những vấn đề xã hội, lịch sử đến với cộng đồng, thì đa số những đơn vị đồng dao này lại đưa thông tin để giải thích về chính các đối tượng được nêu (thí dụ, bài “Vè về các loại rau”: “Thò tay sợ dơ, Nó là rau nhớt; Ăn cay như ớt, Vốn thiệt rau răm;…” – rau nhớt là loại rau làm dơ tay khi đụng vào; rau răm là rau ăn vào có vị cay như ớt;…). Điều này cho hay: tuy cùng ghi là “vè”, nhưng vai trò của mỗi bên không giống nhau.

Qua đó, có thể nói, tương tự trường hợp ca dao, vè có một bộ phận của trẻ em, chủ yếu do trẻ sáng tác, bộ phận này trở thành một bộ phận của đồng dao, được gọi là đồng dao. Cần lưu ý là, khi đã gọi một văn bản hay nhóm văn bản thuộc đồng dao, là đồng dao, thì không đồng thời gọi chúng là vè, và ngược lại.

Ngoài sự xác định vừa nêu, không có một bộ phận, một chủ đề nào khác của vè là đồng dao.

2.2.2. Trong đồng dao, có hai mảng mang nội dung “răn dạy bảo ban” và “đi ở” (đều thuộc đồng dao của lứa tuổi thiếu niên). Sự phân biệt giữa vè và đồng dao chủ yếu ở hai mảng này, bởi đó cũng là hai mảng của vè sinh hoạt.

Thử đọc hai trích đoạn vè (9) sau:

–           VÈ MẸ DẠY CON GÁI

…Nay chừ con đã nên người,

            Gái tơ giữ nết, nghe lời mẹ răn:

            Xem lên đường tóc, chân răng,

            Khuyên con đứng lại cho bằng chị em.

            Ở cho dậm dẹ người khen,

            Gái thời chừng ấy chẳng hèn trước sau.

            Miệng thời chớ nói làu láu, lùa lua,

            Như hàng tôm hàng cá, là đồ không nên…

–                       VÈ ĐI Ở

            …Ăn thời chẳng có cho no,

            Lại thêm tiếng nhỏ tiếng to cực mình.

            Làm người ở chẳng phân minh,

            Vua quan ta cũng coi khinh, nữa mày!

            Ăn đời ở kiếp chi đây,

            Chẳng qua ta ở cho đầy một năm.

            Chúa hiền thì ở đến rằm,

            Nhược bằng chúa dữ, mồng năm ta về…

So sánh hai trích đoạn vè này với hai bài đồng dao sau (bài đầu thuộc mảng “răn dạy bảo ban”, bài sau thuộc mảng “đi ở”) (10):

–           Thìa la, thìa lẩy,             Theo trai là ba,

            Con gái bảy nghề:                      Ăn quà là bốn,

            Ngồi lê là một,               Trốn việc là năm,

            Dựa cột là hai,               Hay nằm là sáu,

                                                Láu táu là bảy.

–           Ve vẻ vè ve,                   Em ở với anh;

            Bắt vè thằng ở:              Một vài năm nữa,

            Khó ăn khó ở,                           Có con trâu chửa,

            Nó bỏ nó về.                              Cắt cỏ ăn no.

            Mày về thì về,                Em chả có lo,

            Tao thuê thằng khác.                  Manh quần tấm áo;

            Anh thuê chẳng được,   Chẳng lo thiếu gạo,

            Anh lại dỗ dành:             Cơm nguội đầy nồi,                                                                    Cơm sốt đầy niêu…

Có thể thấy rằng, tuy cùng chủ đề, nhưng: a) về hình thức, vè đã chuyển sang dùng thể thơ lục bát, thay vì thể thơ bốn tiếng như đồng dao; b) về nội dung, ở bài đầu, lời bảo ban của vè cụ thể, có tính chất bắt buộc (nếu không làm theo, xem như hư hỏng), trong lúc ở đồng dao thì vừa thiếu xác thực (như “dựa cột” được xem là một “nghề”, ngang với “theo trai”), vừa không cụ thể (người khuyên và người được khuyên chỉ nói chung chung); ở bài sau, nhân vật đi ở trong bài vè, tỏ ra chững chạc, tự quyết định vấn đề, nhân vật trong bài đồng dao bị chủ đem chuyện ăn mặc ra dụ dỗ… Tức vè đã nối tiếp đồng dao để phát triển theo hướng làm cho nhân vật, sự việc trở nên cụ thể, xác thực, để có thể thông tin đến mọi người. Nói cách khác, mỗi bên (đồng dao và vè) đều theo đúng đặc điểm thể loại của chúng.

2.3. Phân biệt đồng dao và câu đố

2.3.1. Việc đưa câu đố làm thành một bộ phận của đồng dao xuất phát từ Ca dao nhi đồng (sđd). Tác giả viết: “Tuổi này vốn là tuổi hiếu thắng, tuổi ganh đua. Những câu đố sẽ vừa kích động trí thông minh, vừa tôi luyện trí suy đoán của các em”. Nguyễn Nghĩa Dân, ở bài viết “Tìm hiểu về hệ thống đồng dao Việt Nam” vừa dẫn, đã chia hệ thống đồng dao làm năm bộ phận, trong đó có một bộ phận là câu đố.

Có thể thấy lí do mà tác giả Ca dao nhi đồng đưa ra là không thuyết phục. Nó chỉ dựa vào yếu tố tâm lí lứa tuổi mà không quan tâm đến đặc điểm thể loại của câu đố và đồng dao. Giả sử có lập luận cho rằng, trẻ giàu tưởng tượng, ước mơ bay bổng, nên rất thích nghe, thích đọc truyện cổ tích, cho nên, truyện cổ tích là loại truyện dành cho thiếu nhi; thì thật không nên. Tác giả bài viết “Tìm hiểu về hệ thống đồng dao Việt Nam” cũng nhận ra sự bất ổn trong việc đưa câu đố vui thành một bộ phận của đồng dao; khi viết: “…nếu xét về thi pháp thì câu đố có thi pháp riêng, cho nên bộ phận đồng dao trẻ em đố vui tương đối độc lập với các bộ phận khác của hệ thống đồng dao” (11).

Việc trẻ phần nào thích câu đố, truyện cổ tích, hay câu đố, truyện cổ tích có phần phù hợp với trẻ, không đủ cơ sở để xếp hai thể loại này thuộc loại hình văn học dành cho thiếu nhi. Nói hẹp lại, việc xếp câu đố vào đồng dao cũng vậy.

2.3.2. Thử đọc vài câu đố và bài đồng dao sau (hai văn bản đầu là câu đố (l2), hai văn bản sau (có lược bớt) là đồng dao):

–           Một đường xương sống,

            Một đống xương sườn;

            Cái mũi phi thường,

            Cái râu chảnh ngoảnh.

                              (Tàu dừa)

–           Mình vàng, mặc áo mã tiên,

            Ngày năm ba mối, tối ngủ riêng một mình.

                                                Con gà trống)

–           Nghe vẻ nghe ve,            – Roi ơi hỡi roi,

            Nghe vè các hoa:           Nghe lệnh thầy đòi,

            Tháng ba nắng lắm,        Chen chân cho lọt,

            Nước biển mặn mòi.      Roi vọt roi sang.

            Vác mai đi xoi,              Cách đò trở giang,

            Là bông hoa giếng.         Kêu chàng qua ngước.

            Hay bay hay liệng,         Đàn ông đi trước,

            Là hoa chim chim…       Đàn bà đi sau…

Có thể thấy ngay giữa câu đố và đồng dao khác nhau rất xa. Thử phân biệt giữa chúng:

– Về phương thức biểu diễn: câu đố thì nói (dùng để đố – giải đố), đồng dao thì hát;

– Về phương thức phản ánh: câu đố chủ yếu dùng phương thức luận lí, đồng dao chủ yếu dùng phương thức tự sự (13);

– Về chủ thể sáng tạo: câu đố do người lớn sáng tác, đồng dao chủ yếu do trẻ làm nên;

– Về dung lượng, cách kết cấu văn bản: câu đố (lời đố) ngắn gọn, có kết cấu chặt chẽ, cô đúc, đồng dao thường có nhiều văn bản dài, và có kết cấu dàn trải, mở rộng;

– Về cách sử dụng các phương thức tu từ, chơi chữ: câu đố vận dụng tối đa các phương thức tu từ, chơi chữ, làm cho hình ảnh trở nên lạ lẫm, méo mó hòng khó đoán nhận, còn ở đồng dao, việc sử dụng tu từ, chơi chữ đơn giản hơn nhiều.

Do vậy, không nên xếp câu đố hay một mảng câu đố làm thành một bộ phận của đồng dao.

2.4. Phân biệt đồng dao và thơ thiếu nhi

2.4.1. Sách Ca dao nhi đồng (sđd) và mục “Đồng dao” của sách Thi ca bình dân Việt Nam (mục đã dẫn) tập hợp các sáng tác từ tập thơ Gương thế sự của Nam Hương, và xem đó là đồng dao. Sách Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt (sđd) tập hợp “thơ cho thiếu nhi” và ghi là “đồng dao có tên tác giả”.

Thật ra, thơ thiếu nhi (14) không phải là đồng dao.

2.4.2. Ở ca dao, có một số trường hợp thơ của các nhà thơ trở thành ca dao (do ngẫu nhiên), nhưng phổ biến hơn là các nhà thơ tình nguyện sáng tác theo phong cách ca dao, và nếu được cộng đồng chấp thuận, thì những sáng tác ấy thuộc vào kho tàng ca dao. Với đồng dao, cũng có thể có tình hình tương tự (nhưng mức độ hẳn ít hơn nhiều). Nếu một sáng tác của nhà thơ mà được trẻ yêu thích và sử dụng như đồng dao mà nhà thơ không yêu cầu ghi tên mình để giữ quyền tác giả, thì sáng tác ấy thuộc kho tàng đồng dao. Chỉ với trường hợp này mới không phân biệt được đồng dao và thơ thiếu nhi. Ngoài ra, các sáng tác của thiếu nhi, sáng tác cho thiếu nhi có kèm tên tác giả, không phải là đồng dao.

Thí dụ:

–           TIẾNG VÕNG KÊU

            Kẽo cà kẽo kẹt

            Kẽo cà kẽo kẹt

            Tay em đưa đều

            Ba gian nhà nhỏ

            Đầy tiếng võng kêu.

            Kẽo cà kẽo kẹt

            Mênh mang trưa hè

            Chim co chân ngủ

            Lim dim cành tre.

 

            Kẽo cà kẽo kẹt

            Cây na thiu thiu

            Mắt na hé mở

            Nhìn trời trong veo […]

–           DUNG DĂNG

            Dung dăng dung dẻ,

            Dắt trẻ đi chơi…

            Đến chỗ mát trời,

            Chớ nên bỏ phí:

            Thở làn không khí,

            Vừa sạch vừa trong;

            Lòng đã hả lòng,

            Thân càng mạnh mẽ! […]

            Dung dăng dung dẻ,

            Dắt trẻ đi chơi…

            Qua chỗ rãnh, ngòi,

            Gần nơi than lửa,

           

Nếu trông ngang ngửa,

Liều lĩnh bước chân,

Bẩn áo cháy quần,

Còn chi sạch sẽ!

Dung dăng dung dẻ,

Dắt trẻ đi chơi…

Nhọc mệt ta ngồi,

Tỉnh táo lại bước,

Mắt coi đằng trước,

Chân chẳng lùi sau,

Dạo khắp hoàn cầu,

Dung dăng dung dẻ!

 

–                       RU EM

            Kĩu ca kĩu kít,

            Chị đưa em bổng tít hơn đu!

            Ban ngày nhà vắng thầy u,

            Em nằm nghe chị hát ru vui nhà.

 

            Kĩu ca kĩu kít,

            Chị đưa em bổng tít lên cao!

            Ru em, em ngủ đi nào,

            Miệng em như cái nụ đào nở hoa.

            Kĩu ca kĩu kít,

            Chị đưa em bổng tít tuyệt vời!

            Em tôi hết ngủ lại chơi,

            Chớ không khóc đứng khóc ngồi xấu xa.

 

            Kĩu ca kĩu kít,

            Chị đưa em bổng tít lên không!

            Em tôi ngủ một giấc nồng,

            Hay ăn chóng lớn yên lòng mẹ cha.

            Kĩu ca kĩu kít,

            Chị đưa em bổng tít lên mây!

            Em tôi tuy nhỏ mà hay,

            Đáng trông đáng đợi cho ngày mai sau.

 

Bài “Tiếng võng kêu” của Trần Đăng Khoa (viết năm 1967, lúc tác giả 9 tuổi) (15); hai bài “Dung dăng” và “Ru em” của Nam Hương (viết khoảng 1930, lúc tác giả ngoài 30 tuổi) (16). Tức “Tiếng võng kêu” là thơ của thiếu nhi, “Dung dăng” và “Ru em” là thơ cho thiếu nhi. Chúng có xuất xứ rõ ràng (tác giả, thời điểm sáng tác, công bố,… ), nên đều không phải là đồng dao.

Mặt khác, nếu xét phong cách văn bản, bài “Tiếng võng kêu” và “Ru em” tuy cùng chủ đề ru em, nhưng so với chủ đề này ở đồng dao có các khác biệt: a) khả năng liên tưởng rộng và sâu hơn; trong lúc đồng dao chỉ gồm vài chi tiết đơn giản, thường lấy chuyện ăn uống để dỗ em ngủ; b) để lại dấu ấn cá nhân, thời đại như tên “bé Giang”, “chú pháo thủ canh trời” (“Tiếng võng kêu”); hoặc khen bé đẹp, và kì vọng quá nhiều của người ru với bé (“Ru em”); trong lúc đồng dao thì khó tìm thấy dấu vết cá nhân và cũng hiếm gặp chuyện khen bé đẹp (ngày trước người ta rất kiêng cữ chuyện ấy) hay tin tưởng, kì vọng ở tương lai của bé, cũng thường bị kiêng, cho là “nói trước, bước không rời”. Ngoài ra, nếu tính thêm bài “Dung dăng”, còn có thể thấy việc xây dựng nhân vật ở thơ cho thiếu nhi (với phạm vi đang xem xét) là khá vụ lợi: tuy cũng “Dung dăng dung dẻ; Dắt trẻ đi chơi”, nhưng những nơi đến hoặc vận dụng để được lợi, hoặc khéo léo để tránh xảy ra điều đáng tiếc; tóm lại, nhân vật trở nên khôn ngoan, lọc lõi, chẳng phải hồn nhiên, vô tư như ở đồng dao.

3. Định nghĩa đồng dao

3.1. Các nhìn nhận

Đọc các bài đồng dao quen thuộc sau:

–           Ông giẳng ông giăng,

            Xuống chơi với tôi:

            Có bầu có bạn,

            Có ván cơm xôi,

            Có nồi cơm nếp,

            Có nệp bánh chưng,

            Có lưng hũ rượu,

            Có khướu đánh đu ! 

 

–           Thả đỉa ba ba,

            Chớ bắt đàn bà,

            Phải tội đàn ông.

            Cơm trắng như bông,

            Gạo thuyền như nước.

            Đổ mắm đổ muối,

            Đổ chuối hạt tiêu,

            Đổ niêu cứt gà.

            Đổ phải nhà nào,

            Nhà nấy phải chịu!

 

–                       Trời mưa lâm thâm,

                        Cây trâm có trái,

                        Con gái có duyên,

                        Đồng tiền có lỗ.

                        Bánh ổ thì ngon,

                        Tôm càng thì béo,

                        Cái kéo cắt may,

                        Cái cày làm ruộng,

                        Cái xuổng đắp bờ,

                        Cái lờ thả cá,

                        Cái ná bắn chim,

                        Cái kim may áo,

                        Cái giáo đi săn…

–                       Đầu trọc lông lốc,

                        Là cái bình vôi.

                        Mồm rộng loe môi,

                        Là cái thìa ốc.

                        Đôi chân xám mốc,

                        Là con diệc trời.

                        Ngủ đứng ngủ ngồi,

                        Là con cò trắng.

                        Hay bay hay tắm,

                        Là con le le…

Xét một số yếu tố cơ bản về thi pháp, như thể thơ, vần nhịp, hình ảnh, kết cấu, có thể thấy chúng khác biệt hẳn so với ca dao và
vè (17), do vậy, không thể xếp chúng thuộc hai thể loại này. Chúng làm thành bộ phận thứ nhất của đồng dao.

Mặt khác, ở 2.1. và 2.2. trước, đã xác định, mỗi thể loại ca dao và vè đều có một bộ phận của trẻ em, chủ yếu do trẻ sáng tác, chúng trở thành bộ phận thứ hai của đồng dao. Bộ phận này tuy có phần gần gũi với ca dao và vè nhưng đã mang phong cách đồng dao, được gọi là đồng dao; và mỗi khi đã gọi là đồng dao thì không gọi là ca dao hay vè nữa (ngược lại cũng thế).

 

3.2. Định nghĩa đồng dao

Dương Quảng Hàm (1943), trong Việt Nam văn học sử yếu đã định nghĩa đồng dao là “các bài hát của trẻ con”, với nghĩa của từ dao là “bài hát không có chương khúc”. Tô Ngọc Thanh (1974), ở bài “Đồng dao với cuộc sống dân tộc Thái ở Tây Bắc” (19), đã viết: “Trong môi trường sinh hoạt, mỗi bài đồng dao là một thể kết hợp văn hoá – văn nghệ dân gian. Thông thường nó gồm ba yếu tố: trò chơi, lời ca văn vẻ, làn điệu âm nhạc. Cũng có một số bài chỉ có hai yếu tố, là lời ca và âm nhạc. Mỗi yếu tố hợp thành đã đóng vai trò của một thành viên không thể cắt rời của thể kết hợp đó”. Từ điển tiếng Việt (1994) nêu nghĩa của đồng dao: “lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm một trò chơi nhất định” (20).

Các trích dẫn trên cho thấy, đồng dao gồm phần lời ca, phần làn điệu âm nhạc, và có thể kèm phần trò chơi. Hiện nay, tuy sinh hoạt đồng dao không thường xuyên như trước, nhưng sinh hoạt ấy vẫn còn. Có điều là, trên thực tế sưu tầm, nghiên cứu đồng dao, các nhà nghiên cứu thường chú ý nhiều hơn đến phần lời của đồng dao. Việc tách trò chơi để xem xét riêng đã khá phổ biến. Việc ghi chép, tìm hiểu làn điệu âm nhạc của đồng dao rất hạn hữu.

Trong tiến trình tìm hiểu ca dao dân ca, cũng gặp hiện tượng tương tự. Điều thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, là ca dao dân ca có thể hiểu như một khái niệm ghép (21), cho nên dễ đi đến thống nhất, theo hướng tách đôi chúng ra, mỗi bên đảm nhiệm một lĩnh vực: dân ca bao gồm phần lời, phần giai điệu, phương thức và môi trường diễn xướng; ca dao là phần lời của dân ca. Còn đồng dao khi tách phần âm nhạc và trò chơi, trò diễn ra, chỉ tính phần lời, cũng vẫn gọi là đồng dao.

Qua việc xác định ở các mục trước, có thể đi đến một định nghĩa về đồng dao như sau: đồng dao là một thể loại của văn học dân gian, thuộc phương thức biểu đạt tự sự bằng văn vần, gồm phần lời của những bài hát dân gian trẻ em (những bài hát ấy có thể kèm trò chơi hay không).

4. Hi vọng việc phân định và đưa ra một định nghĩa như vậy sẽ cho thấy sự thuần nhất của đồng dao, làm cơ sở cho các nghiên cứu sát hợp và sâu sắc hơn về thể loại này.

T.N