Sở GD-ĐT TP HCM nói gì về tình trạng thừa, thiếu và điều chuyển giáo viên?

Sở GD-ĐT TP HCM vừa có báo cáo xung quanh tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên (GV) và việc tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tại TP HCM, tính đến thánh 6-2021, ở cấp tiểu học, số GV theo định mức quy định là 20.189 người, số GV hiện có là 18.863; ở cấp THCS, số GV theo định mức quy định là 19.364 người, số GV hiện có là 17.231; ở cấp THPT, số GV theo định mức quy định là  9.920 người, số GV hiện có là  8.522 GV.

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các quận, huyện đã có những giải pháp để giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV các cấp học phổ thông, xây dựng phương án giải quyết tình trạng thừa GV, phù hợp từng đối tượng.

Cụ thể: điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu. Những GV còn độ tuổi công tác, có năng lực và nguyện vọng phù hợp với nhu cầu thì  tổ chức đặt hàng các cơ sở đào tạo để đào tạo văn bằng 2, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp. Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ cơ sở vật chất ở cấp tiểu học để dạy 2 buổi/ngày theo quy định.

TP HCM: Sở GD-ĐT TP nói gì về tình trạng thừa, thiếu và điều chuyển giáo viên? - Ảnh 1.

Sở GD-ĐT TP HCM cho biết có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Những GV do sức khoẻ, độ tuổi hoặc do nguyên nhân khác không bảo đảm yêu cầu giảng dạy thì xem xét điều chuyển vị trí việc làm sang nhân viên trường học (thiết bị, thí nghiệm, thư viện…) hoặc bố trí nghỉ hưu sớm theo quy định. 

Bố trí kinh phí hỗ trợ GV trong quá trình điều chuyển, sắp xếp, giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm chế độ, chính sách với GV.

Cũng theo Sở GD-ĐT TP HCM, trong những năm qua, TP thu hút ngày càng đông học sinh từ các tỉnh, thành khác cùng gia đình đến học tập và sinh sống. Tỉ lệ học sinh không có hộ khẩu TP HCM tăng dần qua các năm, như năm học 2014-2015: 26,9%; 2015-2016: 17,9%; 2016-2017: 18,51%; 2017-2018: 18,27%; 2018-2019: 22,33%; 2019-2020: 22,4%.