Sở GD Đà Nẵng, Quảng Ngãi: Nếu lập tức đưa Sử là môn bắt buộc sẽ thiếu GV – Giáo dục Việt Nam
GDVN- Nếu lập tức đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì tại các địa phương sẽ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên môn học này nghiêm trọng.
Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn bắt buộc thay vì môn lựa chọn như hiện nay.
Vấn đề còn nhiều tranh cãi
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, đây mới chỉ là những trao đổi qua lại giữa Quốc hội và các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bởi xung quanh vấn đề này vẫn tồn tại nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều nhau, không thể quyết định ngay trong “một sớm, một chiều”.
“Ở cấp cơ sở thì cứ chiếu theo quy định ban hành để thực hiện. Còn việc đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong năm học này thì theo tôi chưa thể tiến hành ngay được.
Cái gì cũng cần có một lộ trình để chuẩn bị, sắp xếp rồi mới bắt tay triển khai. Ngay như Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được chuẩn bị từ lâu nhưng đến nay mới bắt đầu áp dụng, triển khai.
Theo quan điểm của tôi thì nếu có sự thay đổi (môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc) thì cũng cần thời gian 1 – 2 năm để chuẩn bị đội ngũ nhân sự, bố trí lại các tổ hợp môn.
Còn việc quyết định là môn bắt buộc hay lựa chọn thì cần cả một Hội đồng với các chuyên gia, các cơ quan đầu ngành…”, ông Linh nói.
Cũng theo Phó Giám đốc sở Giáo dục Đà Nẵng thì hiện nay hầu hết các trường đã bắt đầu xây dựng các tổ hợp môn để học sinh lựa chọn, trong đó môn Lịch sử vẫn là môn lựa chọn.
Nguy cơ thiếu giáo viên nếu Lịch sử là môn bắt buộc
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết, bản thân ông đồng tình với quan điểm đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc.
Bởi việc giáo dục lịch sử trong môi trường phổ thông là điều cần thiết, qua đó rèn giũa cho các em tinh thần yêu quê hương, đất nước. Hiểu được quá trình đấu tranh xây dựng và phát triển đất nước từ ngàn đời của cha ông.
“Quan điểm của tôi là như vậy nhưng việc quyết định đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc là của các cấp có thẩm quyền, còn cấp cơ sở vẫn đang thực hiện theo những quy định hiện hành đang có hiệu lực.
Tuy nhiên, rõ ràng là nếu thay đổi đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì các trường phổ thông, ngành giáo dục địa phương sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất, nếu triển khai trong năm học tới đây (2022-2023) thì rất cập rập, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thứ hai, khi là môn bắt buộc thì các tổ hợp phải điều chỉnh, phải tăng số tiết dạy môn Lịch sử lên nhiều lần so với khi nó là môn lựa chọn.
Việc tăng tiết cũng đồng nghĩa với việc tăng đội ngũ giáo viên giảng dạy. Mà lâu nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy để phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông mới thì mình đã kiện toàn gần như cơ bản rồi”.
Theo ông Thái, thì hiện các trường trung học phổ thông ở Quảng Ngãi đang vừa xây dựng các tổ hợp môn vừa ngóng tin xem “số phận” của môn Lịch sử sẽ được định đoạt như thế nào?
Bởi nếu khi Lịch sử là môn học bắt buộc thì các trường phải xây dựng lại các tổ hợp môn để học sinh lựa chọn.
“Vấn đề đưa Lịch sử trở thành môn học bắt buộc hay lựa chọn nên được Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết sớm để ngành giáo dục địa phương bắt tay triển khai. Thời điểm từ nay đến năm học mới cũng không còn nhiều (gần 4 tháng), cần phải có sự chuẩn bị mới thực hiện được”, ông Thái nói.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng ngày 13/5, ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, dù cho cấp trung học phổ thông có bắt buộc môn này hay không thì nội dung giáo dục Lịch sử cũng tương đối nhiều.
Vấn đề ở đây là cách diễn đạt gây hiểu lầm rằng sẽ bỏ môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông khiến người dân lo lắng.
Bởi theo các tài liệu nghiên cứu chỉ ra nếu học sinh theo hướng không chọn Lịch sử là môn bắt buộc ở chương trình trung học phổ thông thì số tiết dạy môn này vẫn nhiều hơn 71 tiết so với chương trình cũ.
Còn với việc tự chọn môn Lịch sử thì số tiết học nhiều hơn 176 tiết. Hơn nữa, chương trình giáo dục mới còn có những môn học khác như Quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc và môn học về địa phương cũng liên quan nhiều tới Lịch sử.
Ông Thưởng cũng cho biết, nhiều lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm về chuyện này và đã có chỉ đạo Ban Tuyên giáo nghiên cứu rà soát cùng Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa- Giáo dục – Quốc hội nghiên cứu đánh giá lại cho thật kỹ, công bố số liệu để nhân dân cả nước biết.
AN NGUYÊN