Sinh viên đi…mua bệnh | CareerBuilder.vn
Sinh viên đi…mua bệnh
Mùa thi cử, nhiều SV “cắm chốt” ngày đêm trên giảng đường tự học, thư viện. Nhưng có những sinh viên lại “quay” như chong chóng quanh các bệnh viện, phòng khám tư nhân hòng “hợp thức hoá” căn bệnh trầm kha “lười học” của mình để được “chễm chệ” trong phòng thi cuối kì. Các phòng mạch tư nhân đang có một nguồn lợi đáng kể từ họ. Công nghệ “bệnh hoá” mọi thứ đang ăn theo và tiếp tay cho một lớp sinh viên “suy nhược tinh thần học tập!”.
1. Theo chân “con bệnh” đi mua bệnh án
Hẹn hò mãi T mới hé cho tôi một địa chỉ “luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu” của khá nhiều sinh viên trường ĐH L. Phòng khám đa khoa số 41 phố HTK chỉ cách trường vài trăm mét. T giới thiệu cho tôi hai nhân vật cộm cán của lớp T, những “chuyên gia” “đẻ bệnh đúng ngày” là H và M. Kì này hai cậu mải mê với chị ghi đề mà lỡ mất bài trình của môn Luật Hành chính. Ông thầy hắc xì dầu không thèm tiếp chuyện sinh viên tại nhà. Hai cậu tự hiểu với nhau “Phải thật hoàn cảnh mới đánh trúng địch”.
Nhẵn mặt ở 41 HTK từ năm nhất, hai cậu dẫn tôi theo như “một lần cho biết tiền giá trị thế nào?”. Tấp vào vỉa hè, chúng tôi… hùng dũng đi vào phòng khám. Chị nhân viên thấy bóng H liền xởi lởi “Lâu ngày quá nhỉ chú em? Dạo này tu hay sao mà cuối kì mới đến chỗ chị một lần?”. H ngoắc tay rất hoàn cảnh “Bọn em đang chết dở đây. Môn này những 4 trình cơ bà chị ạ. Không thể đau bụng do ngộ độc hay viêm dạ dày đâu đấy. Phải bệnh nào nặng nặng cơ” .
Chị nhân viên hiểu ý, lên giá ngay ” Em biết rồi đấy, bệnh càng nặng thì giá càng cao thôi. Hôm nay bác sỹ trực cũng không dễ tính đâu đấy”. Rồi không đợi hai cậu khách “quý” móc ví cô ta đã đưa ngay 2 phiếu khám bệnh “Chút nữa xuống chị xem bệnh án rồi thanh toán nhé”. Tôi lò dò theo chân hai anh bạn leo lên tầng hai, rẽ phải, vào phòng khám của bác sỹ. Ông bác sỹ chỉ cần nhìn chúng tôi đúng một lượt rồi vào đề ngay “SV trường L hả? Định thế nào?”. M gãi tai “Bác sỹ cho cháu “con” gì mà nặng một chút. Dạo này mấy ông thầy hơi gừng”.
“Thôi thế này, cậu bị đau ruột thừa cấp tính. Nghỉ từ ngày mấy đến ngày mấy cho phù hợp? 20/11 đến 15/12 hả? Được rồi. Còn cậu kia sốt virus nặng nhé. Vừa rồi có đợt dịch, càng thuyết phục. Xong nhé”. Bác sỹ “hào phóng” cho ngay những biểu hiện và mức độ của các loại bệnh cộng thêm chữ ký đầy uy lực. Hai cậu bạn rối rít cảm ơn không quên nhẹ nhàng đút vào quyển sổ ghi chép của bác sỹ tờ polyme 50.000đ. Xuống tầng 1, chị nhân viên liếc bệnh án rồi kê đơn thuốc. Hai tờ phiếu khám được thanh toán ngay bằng 1 tờ polyme 50.000đ nữa. Thế là họ đã trở thành một trong những “Trường hợp không hoàn thành bài trình do tình huống bất khả kháng”.
2. Dấu vuông của phòng khám tư nhân, dấu tròn bệnh viện đều trên dưới 25.000đ
Theo chúng tôi tìm hiểu thì ngoài các phòng khám tư nhân luôn sẵn lòng khám khống, kê đơn khống, chẩn đoán bệnh khống thì một số bệnh viện nhỏ cũng không ngần ngại ” bệnh chùa” cho sinh viên. Bệnh viện GT trên đường Láng cũng “chuyên trị” những bệnh nặng hết đường chữa. “Bệnh nhân ảo” K trường GT khẳng định ” Dấu triện tròn của bệnh viện Nhà nước vẫn hơn dấu vuông của phòng khám tư nhân. Chỉ cần quen biết, thậm chí khéo kể lể thì qua tuốt. Giá chung cho các ca này đều trên dưới 25.000đ thôi. Vừa an toàn vừa thuyết phục”. Hiện nay số sinh viên coi bệnh viện GT là cái phao cứu thi không ít.
Quy chế bắt buộc sinh viên phải hoàn thành 75% số tiết học của một môn. Nhiều trường không coi trọng việc điểm danh mà dựa vào đơn vị bài trình (tuỳ thuộc vào môn học nhiều hay ít trình mà số bài trình bắt buộc tăng giảm theo). Và họ đang tìm cách để lách các lỗ hổng của những quy định này bằng các hồ sơ bệnh án… đi mua. Phòng đào tạo không phải là nơi cuối cùng tiếp nhận bệnh án của sinh viên. Việc quyết định cho phép sinh viên được thi hay không đều chủ yếu do giảng viên phụ trách môn.
Th.s Trần Thị Ánh Tuyết trưởng phòng đào tạo ĐH Luật đã giải thích “Trong quá trình điểm danh và kiểm tra bài trình, nếu sinh viên nào không hoàn thành do những tình huống bất khả kháng như đau ốm, bệnh tật, gia đình có việc đột xuất… mà có giấy của bệnh viện hoặc chứng nhận của địa phương thì giảng viên có thể xem xét. Phòng đào tạo chỉ đưa ra danh sách những sinh viên không đủ điều kiện để dự thi do giảng viên và thanh tra nộp lên “.
Chính quy trình này đã dẫn đến những hiện tượng kể trên. Một giảng viên đã rất chân thành nói “Không lẽ nó trình cho mình một loạt giấy tờ đầy mùi bệnh tật và một khuôn mặt cám cảnh mà mình vẫn không cho thi. Thôi, cứ cho thi đã. Bệnh thật hay không, có trùng ngày thật hay không thì chỉ sinh viên đó và… trời biết. “
Khoa Kinh tế có một chuyện làm cả trường cười râm ran mãi vì môn luật Môi trường. Có đến 12 sinh viên không đủ điều kiện để thi. Không hiểu “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” thế nào mà đúng hôm chốt danh sách thi học kỳ, phòng Công tác sinh viên lần lượt nhận 12 cái bệnh án của 12 sinh viên cùng ốm, tai nạn, gia đình có việc đột xuất… trùng ngày, trùng tháng làm bài trình thứ 3 mà họ không có mặt.
(Theo SVVN)