Sinh viên đại học có cần giáo viên chủ nhiệm?
Phân công 800 giảng viên làm… giáo viên chủ nhiệm
Năm học 2021-2022, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã phân công khoảng 800 giảng viên làm công tác giáo viên chủ nhiệm của sinh viên. Cùng với đó, đây là năm đầu tiên trường này đã họp và quyết định ban hành một quy định cho công tác giáo viên chủ nhiệm lớp cho sinh viên.
Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ quản lý lớp học, nắm vững danh sách lớp, ban cán sự lớp và thông tin từng cá nhân sinh viên. Trên cơ sở đó, theo dõi tình hình học tập, rèn luyện, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người học.
Cũng theo quy định này, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ báo cáo kịp thời về gia đình người học các trường hợp bị cảnh báo học vụ, kỷ luật, hình thức cảnh cáo, đình chỉ học tập, buộc thôi học để phối hợp giúp đỡ và giáo dục sinh viên. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa về học thuật, văn hóa, xã hội, văn nghệ, thể thao và hoạt động tình nguyện khác.
Trong số các nhiệm vụ được giao, giáo viên chủ nhiệm còn là người cố vấn học tập và giải đáp thắc mắc cho sinh viên.
Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn đang duy trì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp. Theo một cán bộ đào tạo nhà trường, hình thức này đã được trường áp dụng từ nhiều năm trước đó.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có quyết định phân công 68 viên chức làm tư vấn viên cho sinh viên. Bên cạnh đội ngũ cố vấn học tập, các tư vấn viên này tư vấn chuyên sâu từ các phòng chức năng về các nội dung như: rèn luyện sinh viên, học vụ, vay vốn, học bổng…
Vì sao bậc ĐH vẫn có giáo viên chủ nhiệm?
Hiện nay tùy trường ĐH mà có hoặc không bố trí lực lượng giáo viên chủ nhiệm. Đại diện một số trường ĐH cho biết không bố trí người làm nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm lớp. Bởi theo quy chế đào tạo tín chỉ, các trường đã có đội ngũ cố vấn học tập quản lý sinh viên và hỗ trợ người học.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đơ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, việc duy trì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp vẫn cần thiết. Đặc biệt, những trường có đông sinh viên thì việc hỗ trợ người học thông qua phòng Công tác sinh viên sẽ không bao quát bằng việc quản lý từng lớp học.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn duy trì 2 đội ngũ hỗ trợ người học song song: cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm. Trong đó, cố vấn học tập do các khoa chuyên môn phân công và chủ yếu hỗ trợ học tập, còn giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp học toàn diện hơn trên tất cả các mặt.
“Với quy định mới ban hành, giảng viên không chỉ đến trường để giảng dạy, mà còn phải có mối quan hệ khăng khít với người học, có trách nhiệm với sinh viên nhiều hơn. Khi sinh viên có bất cứ khó khăn gì, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người nắm bắt thông tin đầu tiên để kịp thời báo cáo về trường và có biện pháp hỗ trợ. Những vấn đề sinh viên gặp phải không chỉ khó khăn về học tập mà còn trong rèn luyện, đời sống tâm lý tình cảm…”, ông Đơ phân tích thêm.
“Công tác chủ nhiệm còn nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống sinh viên. Dù công tác chủ nhiệm này đã có từ trước nhưng với quy định mới được ban hành, các chủ nhiệm lớp có quyền, trách nhiệm cụ thể hơn”, ông Đơ cho hay.
Không có chủ nhiệm, cố vấn học tập cần gần gũi sinh viên hơn
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM hiện chỉ có đội ngũ cố vấn học tập, không còn lực lượng giáo viên chủ nhiệm như giai đoạn đào tạo niên chế trước đây.
Thông tin từ buổi tọa đàm trực tuyến về nâng cao chất lượng cố vấn học tập do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức vừa qua, tính đến tháng 5 năm nay trường có gần 300 cố vấn học tập tham gia hỗ trợ hơn 20.000 sinh viên toàn trường.
Để nâng cao công tác cố vấn học tập, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên trường này, cho rằng cần phải giảm số lượng sinh viên/ cố vấn học tập (hiện nay trung bình trên 70 sinh viên/ 1 cố vấn học tập). Đồng thời, cố vấn học tập cần gần gũi, sát sao hơn với sinh viên để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đặc biệt sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ.
“Cố vấn học tập phải xác định được khó khăn sinh viên đang gặp phải là gì, từ đó giúp sinh viên tháo gỡ khó khăn. Có thể nói, đội ngũ này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong học tập và rèn luyện của sinh viên”, cán bộ này chia sẻ.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng nhấn mạnh tại tọa đàm: “Cố vấn học tập được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng, nhân tố then chốt trong mối quan hệ giữa nhà trường và sinh viên. Đội ngũ này còn nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của sinh viên để có hướng hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, không để sinh viên bỏ học vì không có tiền đóng học phí”.