Sẽ ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên
GD&TĐ – Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị:
Nghiên cứu trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục năm 2019, trong đó: Quy định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trung cấp) được giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp trung học phổ thông (THPT), nhằm thực hiện tốt phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). Đồng thời, kiến nghị sớm ban hành Quy chế thống nhất giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp, GDTX cấp huyện.
Bộ GD&ĐT cho biết: Luật Giáo dục 2019 quy định Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX là cơ sở GDTX, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm này. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo và sẽ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX ngay sau khi có Nghị định sửa đổi Nghị định 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục ban hành. Hiện, Nghị định sửa đổi Nghị định 127 đang được từng bước hoàn thiện theo quy định.
Về kiến nghị liên quan tới giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, Bộ GD&ĐT cho biết: Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” đã nêu mục tiêu, giải pháp về tư vấn hướng nghiệp và tỷ lệ học sinh vào học trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trong các trường trung cấp, cao đẳng; không có mục tiêu nào về học sinh học chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với học trung cấp, cao đẳng nghề. Vì vậy, việc quy định các trường trung cấp, cao đẳng được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT không phải là mục tiêu của việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Thực tế hiện nay, việc học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, đồng thời học chương trình GDTX cấp THPT trong thời gian 3 năm học để lấy bằng tốt nghiệp trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT là rất khó khăn; đặc biệt trong thời gian tới triển khai thực hiện chương trình GDTX (mới) có mức độ yêu cầu cần đạt tương đương với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc quy định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT liên quan đến cả Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc thống nhất giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như các bộ, ngành liên quan để tham mưu với Chính phủ chỉ đạo giải quyết trong thời gian tới.