Sảy thai – Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa
Mang thai và sinh con ra khỏe mạnh là mong ước của tất cả mẹ bầu. Tuy nhiên, có nhiều người không may mắn khi phải đối mặt với tình trạng sảy thai vô cùng đau lòng. Sảy thai có phòng ngừa được không là vấn đề ai cũng quan tâm.
Sảy thai là gì?
Các hình thức của sảy thai
Sảy thai là tình trạng thai nhi bị mất trước tuần 20 của thai kỳ (sau tuần 20, người ta gọi là lưu thai). Theo thống kê, có tới 10 – 15% tổng số thai kỳ bị ngưng sớm do sảy thai, trong đó 80% các ca diễn ra trước tuần thứ 12 của thai kỳ.
Tuy cùng là sảy thai nhưng lại có những hình thức khác nhau. Trong đó, gồm:
– Sảy thai hoàn toàn: Là tình trạng thai bị sảy và sẽ ra khỏi cơ thể mẹ bầu trong một lần duy nhất.
– Sảy thai không hoàn toàn: Phôi thai chết nhưng không được đẩy ra hết mà sẽ đẩy ra dần dần.
– Sảy thai liên tiếp (tái phát): là trường hợp bị sảy thai 3 lần liên tiếp. Tuy nhiên, tình trạng khá hiếm gặp.
– Sảy thai ngoài tử cung: Do chửa ngoài tử cung, trứng không làm tổ ở tử cung mà ở vị trí khác, thường gặp hơn cả là ở ống dẫn trứng. Trường hợp này dù không tự sảy thai thì cũng cần có biện pháp can thiệp sớm vì nó có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng cả mẹ và thai nhi.
– Dọa sảy thai: Là tình trạng xuất huyết âm đạo, chuột rút kèm xuất huyết cảnh báo nguy cơ sảy thai.
Thậm chí có nhiều trường hợp xảy ra quá sớm, phụ nữ không nhận ra mình bị sảy thai mà chỉ nghĩ rằng đó là một chu kỳ kinh nguyệt đến muộn.
Ai có nguy sảy thai cơ cao?
Bất kỳ phụ nữ mang thai nào cũng có nguy cơ bị sảy thai. Tuy nhiên, nếu là một trong những đối tượng dưới đây, mẹ bầu có nguy cơ cao hơn những phụ nữ khác.
– Tuổi tác: Nếu mang thai khi tuổi đã cao (trên 35 tuổi), mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị sảy thai cao. Phụ nữ dưới 35 tuổi có 15% nguy cơ sảy thai, con số này sẽ lên 20 – 35% khi mẹ bầu ở độ tuổi 35 – 45 tuổi. Và khi mang thai trên 45 tuổi, mẹ bầu có đến 50% nguy cơ sảy thai. Vì vậy, phụ nữ được khuyên nên mang thai trước 35 tuổi để hạn chế tối đa nguy cơ sảy thai.
Xem thêm: Thai sản trọn gói
– Vấn đề cân nặng: Mẹ bầu quá gầy hoặc quá béo cũng có nguy cơ bị sảy thai cao hơn người có cân nặng bình thường.
– Hút thuốc lá, uống rượu bia: Nếu trong thai kỳ, mẹ hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng chất kích thích thường xuyên thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai cao hơn những mẹ có lối sống lành mạnh.
– Sử dụng thuốc: Khi mang thai mẹ bầu cần phải cẩn thận khi sử dụng thuốc vì một số loại thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh, tăng nguy cơ bị sảy thai. Tốt nhất, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào đó và tuân thủ theo cách chỉ dẫn của họ.
– Từng bị sảy thai: Phụ nữ đã từng bị sảy thai, đặc biệt là bị sảy nhiều hơn 2 lần thì nguy cơ sảy thai ở lần tiếp theo tương đối cao.
– Thiếu hụt vitamin: Nếu trong thai kỳ, mẹ không được ăn uống đầy đủ, thiếu hụt vitamin và khoáng chất sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, thiếu vitamin D, B làm tăng nguy cơ sảy thai ở bà bầu.
Nguyên nhân gây sảy thai
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sảy thai, ở mỗi mẹ bầu lại gặp những nguyên nhân khác nhau. Trong tất cả các nguyên nhân gây sảy thai, có một vài nguyên nhân phổ biến sau:
Vấn đề về nhau thai
Nhau thai là màng bảo vệ bé tránh các tác động mạnh, đồng thời còn là cầu nối giữa mẹ và bé. Nhau thai thực hiện chức năng vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy từ cơ thể mẹ đi nuôi thai nhi phát triển. Do đó, nếu nhau thai có vấn đề, sự phát triển của bé sẽ bị ảnh hưởng và nặng nhất là gây sảy thai.
Vấn đề về nhiễm sắc thể
Có tới 50% các ca sảy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên liên quan đến vấn đề nhiễm sắc thể. Nguyên nhân là do quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng tạo thành phôi có vấn đề về số lượng nhiễm sắc thể, có thể thừa hoặc thiếu khiến phôi không phát triển được nữa.
Mất cân bằng hormone
Khi mang thai thai, hormone bên trong cơ thể mẹ thay đổi. Có một số hormone đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ như hormone progesterone. Hormone này có tác dụng hỗ trợ nhau thai bám vào thành tử cung. Nếu trong cơ thể mẹ hàm lượng progesterone quá ít sẽ khiến nhau thai dễ bong, gây sảy thai.
Sức khỏe của mẹ không đảm bảo
Nếu mẹ bầu mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp… cũng có nguy cơ cao dễ gây sảy thai. Nguyên nhân là do khi mắc các bệnh này, dòng máu đưa đến tử cung bị hạn chế, không đủ để cung cấp cho nhu cầu phát triển của thai nhi khiến thai phát triển không bình thường.
Mẹ bị bệnh truyền nhiễm
Nếu trong thai kỳ, mẹ bầu bị các bệnh như rubella, sốt rét, HIV, nhiễm virus cytomegalo, viêm âm đạo do vi khuẩn… sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai vì tình trạng viêm nhiễm khiến tử cung mở quá nhanh hoặc làm túi ối bị vỡ sớm.
Rối loạn miễn dịch
Khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức hoặc dưới mức cũng có thể gây sảy thai. Hiểu một cách đơn giản nguyên nhân này là cơ thể người mẹ không chấp nhận được tình trạng mang thai.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây sảy thai. Nguyên nhân gây ngộ độc là do mẹ bầu ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc và các độc tố này sẽ truyền vào thai nhi và gây hại cho bé.
Hở eo tử cung
Nếu cổ tử cung của mẹ quá yếu, eo cổ tử cung hở có thể dẫn đến sảy thai do cổ tử cung không đủ khả năng giữ nguyên thai nhi nằm trong bụng mẹ.
Cấu trúc tử cung bất thường
Các bất thường của tử cung như tử cung có vách ngăn, tử cung hai sừng, tử cung một sừng… cũng có thể gây sảy thai. Bên cạnh đó, u xơ tử cung cũng có nguy cơ gây hại cho thai nhi.
Ngoài những nguyên nhân trên, nếu phụ nữ mang thai khi trên 35 tuổi cũng có nguy cơ cao bị sảy thai.
Dấu hiệu sảy thai
Tùy vào thời điểm bị sảy thai mà thai phụ sẽ gặp những dấu hiệu khác nhau:
Từ tuần 1 – 6
Lúc này, nhiều mẹ bầu vẫn chưa biết mình đang mang thai, nhất là những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc không đều. Sảy thai khiến mẹ bầu cảm thấy đau dữ dội vùng bụng dưới, cảm giác nặng nề, mệt mỏi.
Tuy nhiên, với những ai bị đau bụng khi hành kinh thì cũng rất khó phát hiện. Bạn không thể phân biệt được đây là sảy thai hay một chu kỳ kinh nguyệt bị trễ.
Từ tuần 6 – 12
Lúc này mẹ bầu đã biết được mình mang thai hay không. Nếu đột nhiên cảm thấy bị đau vùng chậu, xuất huyết âm đạo và bị chuột rút thì rất có thể mẹ đã bị sảy thai. Lượng máu xuất hiện có thể ra ồ ạt (sảy thai hoàn toàn) hoặc ra từng ít một (sảy thai không hoàn toàn).
Từ tuần 12 – 20
Khi mang thai cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Nếu mẹ bầu thấy xuất hiện các cơn co thắt mạnh khiến mẹ phải thở gấp, sau đó âm đạo ra máu thì khả năng bị sảy thai là rất lớn. Hãy đi khám ngay khi gặp bất thường để được xử trí kịp thời.
Cần làm gì để ngăn ngừa?
Sảy thai là tai biến đau lòng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của mẹ bầu. Ai cũng có nguy cơ và nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào mà không báo trước. Vì vậy, thay vì lo lắng, mẹ bầu hãy áp dụng các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa:
-
Nên đi khám tiền hôn nhân để nắm bắt tình hình sức khỏe cũng như các nguy cơ có thể gặp khi mang thai để phòng ngừa
-
Duy trì cân nặng vừa phải khi có ý định mang thai
-
Tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, chất độc hại
-
Trong suốt thai kỳ, cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng . Tốt nhất, nên quan tâm đến chế độ ăn uống khoa học khi có ý định mang thai
-
Khi có thai, hạn chế vận động mạnh, làm việc quá sức hay căng thẳng, stress kéo dài
-
Tập thể dục là rất tốt nhưng hãy lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ mang thai vì có nhiều động tác mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi
-
Khi mang thai, nếu phải dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ để đảm bảo thuốc đó an toàn cho thai nhi.
Mẹ bầu hãy cố gắng áp dụng những biến pháp trên đây để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
Sau sảy thai bao lâu thì có thể mang thai lại?
Khoảng thời gian này không cố định và thay đổi tùy cơ địa của mỗi người. Có nhiều mẹ bầu sau sảy thai vài tháng đã có thể mang thai lại nhưng có nhiều mẹ dù cố gắng cũng mất cả năm trời mới có thể có con.
Nhiều mẹ bầu sau khi sảy thai vẫn thấy ra máu âm ỉ vài tuần. Sau khi sảy thai, HcG trong cơ thể mẹ vẫn còn nên sẽ chưa có kinh lại ngay và trứng cũng không rụng. Thông thường, sẽ phải mất khoảng 10 ngày HcG mới ổn định và khoảng 4 – 6 tuần sau khi sảy thai, chị em sẽ có kinh trở lại. Lúc này, việc mang thai có thể xảy ra ngay.
Tuy nhiên, sau sảy thai, sức khỏe của mẹ bị ảnh hưởng, các bộ phận của quan quan sinh sản vẫn còn chưa ổn định hoàn toàn, tâm lý của mẹ vẫn còn nhiều xáo trộn. Theo bác sĩ, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, và hạn chế nguy cơ tái diễn, tốt nhất sau sảy thai 3 tháng các cặp vợ chồng mới nên có kế hoạch mang thai tiếp.
Sau khi sảy thai, mẹ nên thăm khám với bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân và được tư vấn cách phục hồi sức khỏe, ổn định tinh thần, giúp cho việc mang thai ở lần sau thuận lợi hơn. Ngoài ra, trước khi tiến hành kế hoạch thụ thai, các mẹ cũng nên thăm khám lại để chắc chẳn rằng cơ thể mình đã sẵn sàng cho hành trình sắp tới.
Mẹ có thể đăng ký khám tiền thai sản tại Bệnh viện Hồng Ngọc để được các bác sĩ giàu kinh nghiệm, từng nhiều năm công tác tại các bệnh viện Sản công lập tuyến đầu cả nước trực tiếp thăm khám và tư vấn về sức khỏe sinh sản.
Ngoài ra, khi mang thai mẹ cũng nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để theo dõi tình trạng sức khỏe và có những biện pháp can thiệp kịp thời nhằm bảo vệ thai nhi an toàn trong bụng mẹ.
Tại Bệnh viện Hồng Ngọc mẹ sẽ được thực hiện đầy đủ các siêu âm, xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng sức khỏe. Với hệ thống máy móc hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Nhật Bản… như máy siêu âm Voluson E8 chất lượng cao sẽ giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và nhanh chóng nhất, từ đó có những tư vấn phù hợp giúp mẹ có thai kỳ khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám thai, mẹ đăng ký tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/