Sau tắm gội, trẻ bị nước vào tai có sao không?

Nước vào tai trong khi tắm gội là một vấn đề thường gặp và gây ra cảm giác ù tai khó chịu. “Trẻ bị nước vào tai có làm sao không?” là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Nước vào tai có thể dễ dàng xử trí, tuy nhiên nếu không xử trí đúng cách, ngoáy tai nhiều có thể làm tổn thương biểu bì bảo vệ ống tai tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dẫn tới viêm ống tai ngoài. Vậy làm gì khi trẻ bị nước vào tai?

Nước vào ống tai ngoài sau khi tắm gội xong là một vấn đề hay gặp đối với trẻ nhỏ, nếu nước vào ít thì chỉ cần nghiêng đầu đồng thời kéo vành tai xuống và lắc nhẹ nước sẽ chảy ra ngoài. Một phần nước phía trong tai còn lại sẽ được hấp thu bởi tổ chức dưới da của ống tai ngoài. Nước vào ống tai sẽ gây cảm giác ù tai, buồn nôn và khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu.

Khi nước vào ống tai ngoài nếu không được xử trí đúng cách, ngoáy tai nhiều có thể làm cho lớp biểu bì bảo vệ ống tai bị tổn thương, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào ống tai. Điều này dẫn tới bệnh viêm ống tai ngoài với biểu hiện ban đầu bao gồm:

  • Ngứa tai
  • Đau nhức
  • Sưng tai
  • Ù tai

Bởi vì khi nước vào tai, nút ráy tai đang khô gặp nước sẽ nở ra và chèn ép vào ống tai ngoài gây ù tai, tai chảy dịch, nghe kém và đau tai. Trong trường hợp màng nhĩ bị thủng sẵn do viêm tai giữa, khi tắm nước vào tai sẽ tái phát viêm tai. Lúc này biểu hiện của bệnh đó là chảy mủ tai vàng xanh, giảm mức độ nghe. Trẻ sơ sinh bị nước vào tai có sao không? Đối với trẻ sơ sinh, khi nước vào tai sau khi tắm gội, trẻ không thể nói ra như trẻ lớn mà chỉ quấy khóc. Điều này làm tăng tỷ lệ viêm tai và chỉ phát hiện khi trẻ có những triệu chứng nặng. Ngoài ra, trong trường hợp trẻ bú mẹ bị sặc sữa hay bú không đúng tư thế có thể làm cho sữa chảy vào ống tai cũng gây nên tình trạng tương tự với nước vào tai sau tắm gội.