Sầu riêng nghịch vụ bán giá cao kỷ lục

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Gần đây, giá trái sầu riêng liên tục nhích lên và đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá tăng cao không chỉ bởi nguồn cung hạn chế vì nghịch  mùa mà còn do sầu riêng được tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua xuất khẩu.

Thu mua sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại Vựa sầu riêng Phượng ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Giá tăng cao

Trong hơn 2 tháng qua, giá nhiều loại sầu riêng tại vùng ÐBSCL ở mức ít nhất từ 60.000-120.000 đồng/kg và đạt mức cao kỷ lục. Trong những ngày đầu tháng 2-2023, giá sầu riêng hạt lép Mỏn thon (sầu riêng giống Thái Lan) và sầu riêng Sáu Hữu được nhiều nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 150.000-170.000 đồng/kg, thậm chí có một số nơi tại tỉnh Tiềng Giang và Bến Tre nông dân bán đến 180.000-190.000 đồng/kg. Giá sầu riêng hạt lép Ri 6 được nông dân tại nhiều nơi bán cho thương lái ở mức 130.000-140.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn gấp đôi so với thời điểm tháng 11-2022 và cao hơn gấp 3 lần so với lúc sầu riêng đang trong thời điểm thuận mùa thu hoạch vào khoảng tháng 4 và tháng 5-2022.

Hiện nguồn cung trái sầu riêng khá hạn chế vì bước vào các tháng nghịch mùa thu hoạch chính vụ. Thời điểm này, các vườn sầu riêng có trái cho thu hoạch chủ yếu được nông dân xử lý cho ra trái rải vụ nghịch mùa. Theo tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh trái cây, trong các năm trước, sầu riêng cũng đã được nông dân xử lý cho ra trái nghịch mùa nhưng giá bán thường chỉ ở mức từ 80.000-100.000 đồng/kg trở lại, chứ không tăng cao như hiện nay. Giá sầu riêng tăng cao không chỉ bởi nguồn cung hạn chế vì bước vào nghịch mùa thu hoạch mà nguyên nhân do đầu ra xuất khẩu đang thuận lợi, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc. Anh Trần Hoàng Ngân, chủ một cơ sở thu mua sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Sầu riêng của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc từ tháng 9-2022. Ðặc biệt, từ ngày 8-1-2023, Trung Quốc  đã “mở cửa” trở lại sau thời gian thực hiện chính sách zero COVID, từ đó càng tạo thuận lợi cho sầu riêng và nhiều loại trái cây của nước ta được đẩy mạnh xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ một lượng sầu riêng rất lớn nên trái sầu riêng được tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Nông dân phấn khởi

Ðể tạo thuận lợi về đầu ra cho trái sầu riêng và hạn chế tình trạng “rộ mùa, rớt giá”, những năm qua nông dân tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã  áp dụng biện pháp “siết nước” kết hợp với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xử lý cho sầu riêng ra trái rải vụ, nghịch mùa. Chi phí sản xuất sầu riêng rải vụ, nghịch mùa thường cao hơn rất nhiều so với việc để cho cây ra trái thuận mùa tự nhiên, nhưng bù lại giá bán cũng thường luôn cao và dễ tiêu thụ, giúp nông dân có thu nhập tốt hơn. Ðặc biệt, giá bán sầu riêng nghịch vụ ở mức cao như gần đây, nông dân có thể kiếm lời cao gấp 2-5 lần so với trồng sầu riêng cho trái
thuận mùa.

Gia đình anh Phan Tấn Phúc ngụ xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có 4 công đất trồng sầu riêng Mỏn Thon và Ri 6. Vườn sầu riêng của anh đã được gần 20 năm tuổi và anh đã tham gia sản xuất sầu riêng rải vụ nghịch mùa được 5 năm nay. Anh Phúc cho biết: “Năm nay, vườn sầu riêng cho trái rải vụ nghịch mùa tại địa phương không chỉ bán được giá cao mà còn rất trúng mùa, với năng suất trái có thể đạt hơn 2,5 tấn/công. Với giá bán sầu riêng ở mức từ 80.000 đồng/kg trở lên, nông dân có thể kiếm lời từ 200 triệu đồng/công trở lên”. Theo anh Nguyễn Văn Luận ở xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, dù mới lần đầu tham gia sản xuất sầu riêng rải vụ nghịch mùa nhưng vườn cây có hơn 50 gốc sầu riêng được 8 năm tuổi của gia đình anh cũng cho sản lượng trái khá cao, với trên 4 tấn. Do sầu riêng cho trái thu hoạch từ tháng 11-2022, khi ấy giá bán sầu riêng chỉ ở mức 70.000-80.000 đồng/kg nên lợi nhuận không cao như những hộ có vườn đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, anh cũng rất vui khi quyết định sản xuất sầu riêng nghịch mùa đã giúp nâng cao thu nhập rất nhiều so với trước đây cho sầu riêng ra trái thuận mùa. Vụ sầu riêng tới đây, anh sẽ tiếp tục xử lý cho cây ra trái nghịch mùa.

Sầu riêng là loại cây trồng có thể giúp mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Những năm qua, cây sầu riêng không chỉ phát triển trồng tại nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL mà còn được trồng ngày càng nhiều ở các tỉnh miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên. Vào các mùa thu hoạch rộ, lượng trái sầu riêng cần tiêu thụ tại các địa phương là rất lớn và dự đoán sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Do vậy, phát triển sản xuất sầu riêng rải vụ nghịch mùa gắn với mở rộng thị trường xuất khẩu là hướng đi rất cần thiết và nó đã khẳng định hiệu quả. Song, để ổn định giá cả đầu ra cho trái sầu riêng rải vụ nghịch vụ, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương và nông dân tại các vùng trồng sầu riêng. Qua đó, giúp cân đối diện tích sản xuất sầu riêng rải vụ phù hợp từng thời điểm trong năm gắn với nhu cầu thị trường. Ðồng thời, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm tăng cường tập huấn kỹ thuật, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, giảm chi phí, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hỗ trợ và thúc đẩy nông dân liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững.