Sau mắc COVID-19, người bệnh nên ăn uống thế nào để phục hồi tốt nhất?

Dinh dưỡng phục hồi sau điều trị COVID-19Dinh dưỡng phục hồi sau điều trị COVID-19

SKĐS – Dinh dưỡng giúp cơ thể có sức khoẻ tốt, nâng cao sức đề kháng, khôi phục sức khoẻ sau bệnh tật. Đặc biệt với ngừơi bệnh sau điều trị COVID-19, dinh dưỡng lại càng quan trọng.

Vì sao dinh dưỡng phục hồi lại quan trọng?

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm, có thể gây ra các triệu chứng sốt, ho, suy nhược chung, đau, khó thở cũng như thay đổi vị giác và khứu giác. Người mắc COVID-19 bị ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng ở nhiều mức độ; do tăng nhu cầu dinh dưỡng gây ra do sốt, nhiễm trùng huyết, khó thở và giảm lượng dinh dưỡng do ho quá nhiều, khó nuốt, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi kéo dài, kém ăn và các vấn đề tiếp cận thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc điều trị kéo dài càng làm cho người bệnh thường có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, giảm sức khỏe, giảm khối cơ và sức bền hệ cơ –xương, suy yếu và giảm vận động. Một số triệu chứng này có thể vẫn còn ảnh hưởng trong giai đoạn phục hồi sau mắc bệnh, có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn và khả năng ăn uống của người bệnh, khiến cho nhu cầu dinh dưỡng khó đáp ứng. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tình trạng được gọi là suy dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng), có thể làm chậm quá trình hồi phục sau mắc bệnh. Ngoài ra, với những người trên 65 tuổi hoặc có các bệnh mạn tính và bị mắc COVID-19 thì nguy cơ suy dinh dưỡng càng gia tăng.

 - Ảnh 2.

Người phục hồi sau mắc COVID-19 cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng.

Do vậy, ăn uống đầy đủ và duy trì cân nặng hợp lý là điều quan trọng để duy trì sức khỏe và thể lực để đảm bảo cho cơ thể có đủ chất dinh dưỡng (năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất) giúp bảo vệ chống lại bệnh tật và giúp bạn mau phục hồi sau mắc bệnh. Nếu bạn đang phải gặp khó khăn để có thể ăn uống đầy đủ, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên về một chế độ ăn uống phù hợp. Tuy nhiên, mỗi người cũng cần có những kiến thức nhất định để tự theo dõi và chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho chính mình.

Sàng lọc nguy cơ suy dinh dưỡng

Điều quan trọng để giúp cho bạn biết tình trạng dinh dưỡng của mình và phòng tránh không bị suy dinh dưỡng là bạn phải biết cân nặng và duy trì sự ngon miệng của mình, đặc biệt nếu bạn là người lớn tuổi hoặc đã có bệnh lý nền từ trước.

photo-1631185549859

Cần theo dõi cân nặng để biết tình trạng dinh dưỡng của mình.

Cách giúp bạn tự theo dõi cân nặng

Thừa cân hoặc thiếu cân đều không tốt cho sức khỏe tổng thể của bạn và có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh do COVID-19 và khả năng hồi phục của bạn. Bạn có thể đánh giá nguy cơ suy dinh dưỡng của mình bằng cách đo cân nặng và chiều cao rồi tính chỉ số khối cơ thể BMI = cân nặng (kg)/chiều cao2 (m). Nếu BMI < 20: Có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. BMI < 18.5: Suy dinh dưỡng.

Có một cách khác là theo dõi sự thay đổi cân nặng của bạn vì đó là dấu hiệu cho biết những gì đang xảy ra trong cơ thể bạn. Bạn có thể kiểm tra xem mình có giảm quá nhiều cân hay không. Nếu cân nặng của bạn giảm trên 5% trong 3-6 tháng thì có nghĩa là bạn đang có nguy cơ suy dinh dưỡng.

Nếu không thể tự cân, hãy lưu ý các dấu hiệu giảm cân khác có tác dụng gợi ý như đồ trang sức và quần áo trở nên rộng, lỏng lẻo hơn. Tuy nhiên, cân nặng cũng không phải là thước đo duy nhất đánh giá sự phục hồi của bạn, vì vậy hãy cân nhắc xem điều gì là quan trọng đối với bạn và bình thường với bạn. Đối với một số người, đó có thể là leo cầu thang hoặc có thể đứng dậy khỏi ghế một cách dễ dàng, đối với những người khác thì có thể có năng lượng để đi dạo.

Nếu chỉ số BMI của bạn trên 25 và bạn đang nghĩ đến việc giảm cân, thực hiện điều này ngay sau khi bị bệnh có thể không phải là thời điểm tốt nhất. Thay vào đó, hãy đợi cho đến khi bạn đã hồi phục hoàn toàn. Hãy xin ý kiến bác sĩ của bạn khi nào là thời điểm tốt nhất để bạn giảm cân.

Người phục hồi sau mắc COVID-19 cần đảm bảo đủ dinh dưỡng

Nguyên tắc chung là đảm bảo chế độ ăn lành mạnh và cân bằng theo hướng dẫn của Tháp dinh dưỡng hợp lý cho từng độ tuổi cung cấp cho bạn thông tin về những gì nên ăn và ăn bao nhiêu để đảm bảo bạn có được một chế độ ăn uống hợp lý.

– Đảm bảo ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong từng nhóm thực phẩm (nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), phối hợp thực phẩm nguồn gốc thực vật và động vật hợp lý để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh và phục hồi sau mắc bệnh.

photo-1631185550485

Người phục hồi sau mắc COVID-19 cần uống đủ nước.

– Đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, có thể chia nhỏ bữa và thêm bữa phụ, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.

– Nên ăn ít thịt, thay bằng cá, tôm, cua. Nên ăn các loại đậu, đỗ. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá, 3 quả trứng và ăn thêm sữa chua.

– Nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, trong đó chất béo thực vật chiếm khoảng 35% tổng lượng chất béo trở lên.

– Hạn chế ăn muối và gia vị mặn, bột ngọt, đường và đồ ngọt, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn.

– Những người đang mắc các bệnh mạn tính: như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout… cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

– Bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến thức ăn.

– Uống đủ lượng nước cần thiết hằng ngày (khoảng 1200ml -1800ml/ngày).

– Bổ sung thêm các vitamin C, D để tăng cường sức khoẻ trong điều kiện cách ly, hạn chế tiếp xúc xã hội dài ngày.