Sau khi trẻ rụng rốn cần làm gì?
Sau khi trẻ rụng rốn thì cần tiếp tục thực hiện một số biện pháp như vệ sinh sạch sẽ vùng rốn, để rốn luôn trong trạng thái khô thoáng và sạch sẽ, tránh ngâm trẻ quá lâu trong nước, không bôi thuốc hay rắc bột lên vùng rốn đang rụng… để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng rốn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Mục Lục
1. Trẻ rụng rốn cần làm gì?
Trẻ rụng rốn sau sinh 8 – 10 ngày, trong giai đoạn này rốn trẻ rất nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng nếu không được vệ sinh đúng cách. Vì vậy, khi trẻ rụng rốn nên làm gì là vấn đề nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Dưới đây là những việc làm mà cha mẹ cần lưu ý để chăm sóc rốn cho trẻ:
- Quy trình vệ sinh rốn: Rửa tay sạch sẽ, thấm cồn 70 độ hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0.9% vào bông gòn, lau ở rốn và vùng da quanh rốn bán kính 5cm. Lau kiểu lăn từ trong ra ngoài, thay bông gòn thường xuyên cho đến khi sạch.
- Luôn giữ cho gốc rốn khô và sạch: Cho rốn tiếp xúc với không khí sẽ giúp rốn được khô thoáng và nhanh rụng hơn. Do đó, bố mẹ cần để rốn phơi thoải mái, không nên băng rốn lại để tránh nhiễm trùng khiến rốn lâu rụng.
- Lưu ý khi tắm cho trẻ: Có thể ngâm trẻ trong chậu nước để tắm để làm sạch rốn, nhưng không được ngâm quá lâu, sau khi tắm xong nên lau khô người trẻ, dùng khăn mềm lau nhẹ đảm bảo rốn luôn khô thoáng.
- Lưu ý khi chọn đồ áo cho trẻ: Chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, hạn chế mặc đồ áo bó sát khiến trẻ khó chịu cũng như gây cọ xát vùng rốn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn ở trẻ.
- Lưu ý khi thay tã cho trẻ: Bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết trước khi thay tã cho trẻ, dùng khăn ướt hoặc que gòn vệ sinh nhẹ nhàng, sau đó dùng khăn sạch lau khô. Khi mặc tã cho trẻ cần gấp xuống thấp hoặc nới lỏng để tránh cọ xát hoặc nước tiểu vương lên vùng rốn.
- Một trong những điều mà trẻ sơ sinh sau khi rụng rốn cần làm gì đó là để vùng rốn khô tự nhiên.
2. Thời gian rụng rốn của trẻ sơ sinh?
Thời gian trung bình rụng rốn trẻ sơ sinh là từ 8 – 10 ngày, một số trẻ rụng muộn hơn có thể kéo dài đến 2 tuần. Trong khi chờ rốn rụng, bố mẹ cần vệ sinh rốn sạch sẽ và tạo điều kiện để rốn trẻ luôn khô ráo, tránh rốn tiếp xúc với nước trong thời gian lâu, không bôi thuốc, bôi kem hay rắc bột lên vùng rốn.
3. Các vấn đề về rốn của trẻ sau sinh
Nếu rốn trẻ sơ sinh không được chăm sóc tốt có thể dẫn đến các vấn đề không chỉ gây ảnh hưởng đến quá trình liền rốn, mà còn đến sức khoẻ của trẻ khi phải uống kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Một số vấn đề thường gặp ở rốn bao gồm:
- Chảy máu rốn: Vị trí chảy máu ở giữa cuống rốn đã khô và chân rốn, máu thường sẽ tự cầm hoặc cầm sau khi thấm gạc sạch. Nếu máu vẫn chảy dai dẳng trên 3 lần hoặc chảy máu kéo dài trên 1 phút thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
- Rốn rụng muộn: Trung bình, trẻ rụng rốn sau 8 – 10 ngày, một số trường hợp rụng muộn hơn có thể kéo dài 2 – 3 tuần. Đối với những trẻ rốn rụng muộn thì cần tiếp tục giữ khô rốn, rửa sạch chất tiết bám trên rốn nhẹ nhàng, không để tá quần đè lên cuống rốn và kiểm tra vùng da quanh rốn mỗi ngày cho đến 3 tuần, sau 3 tuần rốn vẫn chưa rụng thì đưa trẻ đi khám.
- Rốn rỉ dịch, có mủ: Rốn rỉ dịch, có mủ là dấu hiệu của nhiễm trùng rốn, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để điều trị rốn cho bé. Trong quá trình chăm sóc rốn của trẻ, bố mẹ cần để rốn khô thoáng, không bôi thuốc kháng sinh hoặc thuốc sát trùng lên rốn.
- Nhiễm trùng rốn: Vùng da xung quanh rốn bị sưng, đỏ, đau, chảy dịch mủ là dấu hiệu điển hình của nhiễm trùng rốn. Những trường hợp trẻ cần được điều trị bằng thuốc kết hợp với vệ sinh rốn đúng cách, tốt nhất nên điều trị tại bệnh viện đối với những trẻ bị nhiễm trùng nặng.
- U hạt rốn: U hạt rốn là hiện tượng tồn tại có mô màu đỏ ở chân rốn sau khi rốn đã rụng, không được điều trị có thể gây rỉ dịch và viêm kéo dài. Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ điều trị, các phương pháp điều trị chủ yếu gồm bôi thuốc, uống thuốc và đốt điện vùng mô hạt. Sau điều trị, vùng mô hạt sẽ đóng vảy và rụng đi.
- Uốn ván rốn: Là tình trạng vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào trong dây rốn gây nên hàng loạt các triệu chứng bỏ bú, sốt, cứng hàm, co cứng toàn thân, nặng có thể gây tử vong.
- Thoát vị rốn: Thoát vị rốn chiếm tỷ lệ 10 – 20% trẻ sơ sinh, là tình trạng có khiếm khuyết cơ bụng ngay dưới rốn tạo lỗ hổng cho quai ruột chui vào tạo ra khối phồng. Kích thước khối thoát vị sẽ to hơn khi trẻ quấy khóc, vận động nhiều và xẹp lại khi trẻ nằm nghỉ ngơi. Thoát vị rốn thường không đau, không vỡ ra và tự nhỏ dần sau 4 tuổi, chỉ một số ít trường hợp cần can thiệp bằng phẫu thuật, đó là khi khối thoát vị lớn hơn 2.5 cm hoặc vẫn tồn tại khối thoát vị sau 4 tuổi. Trường hợp hiếm gặp là khi khối thoát vị bị nghẹt, không đẩy vào được gây ra tình trạng đau đớn, nôn ói thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
4. Chăm sóc rốn bị nhiễm trùng như thế nào?
Chăm sóc rốn bị nhiễm trùng được thực hiện như sau:
- Bố mẹ cần rửa sạch tay trước và sau khi vệ sinh rốn trẻ;
- Tá quần phải nằm dưới rốn để tránh phân và nước tiểu vương vào khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn;
- Không mặc quần áo quá chật, bó sát vùng rốn gây đọng cặn mồ hôi khiến nhiễm trùng lâu khỏi;
- Không rắc bột chống hăm và các dạng bột khác lên vùng rốn bị nhiễm trùng.
- Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng rốn nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời: Sốt cao, chảy mủ có mùi hôi, vùng da quanh rốn sưng phồng lên, trẻ quấy khóc bỏ bú, chảy máu nhiều vùng rốn, trẻ ngủ nhiều, kém linh hoạt hơn bình thường.
Tóm lại, trẻ sơ sinh thường rụng rốn trong khoảng từ 8-10 ngày. Rốn trẻ sau khi rụng vẫn cần được chăm sóc tốt và giữ khô thoáng. Trường hợp trẻ có các dấu hiệu bất thường như chảy máu rốn, rốn rỉ dịch và có mủ kèm quấy khóc, bỏ bú, sốt cao thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.