Sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp


Administrator

1. Sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp là gì?

1.1 Quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp

– Sáp nhập doanh nghiệp được hiểu là việc giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu 1 phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Việc sáp nhập doanh nghiệp giúp nâng cao quy mô doanh nghiệp nhằm giảm chi phí nhân lực, cải thiện tiềm lực tài chính doanh nghiệp cũng như nâng cao trình độ, công nghệ kỹ thuật của các công ty nhằm tạo lợi thế nhất định trên thị trường.

– Theo quy định tại khoản 1 điều 201 Luật doanh nghiệp 2020, thì việc Sáp nhập doanh nghiệp là một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

1.2 Trình tự sáp nhập doanh nghiệp

– Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập;

– Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập;

– Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

1.3 Hợp đồng sáp nhập phải gồm các nội dung chủ yếu sau

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập;

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập;

– Thủ tục và điều kiện sáp nhập;

– Phương án sử dụng lao động;

– Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập.

1.4 Quy định của pháp luật Cạnh tranh về sáp nhập công ty

Sáp nhập doanh nghiệp là một hình thức của tập trung kinh tế, doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam là hành vi bị cấm. Việc sáp nhập nếu đạt ngưỡng thông báo tập trung kinh tế thì phải thông báo cho Ủy ban cạnh tranh quốc gia.

Một số căn cứ xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế thông qua các tiêu chí sau:

– Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

– Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

– Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;

– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

2. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp

a) Doanh nghiệp nhận sáp nhập chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tương ứng với nội dung công ty muốn thay đổi theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

–  Hợp đồng sáp nhập theo quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp;

–  Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty nhận sáp nhập;

– Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty cổ phần của công ty bị sáp nhập.

b) Cơ quan tiếp nhận:

– Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp nhận sáp nhập có trụ sở chính.

c) Thời hạn giải quyết:

– Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

d) Kết quả thực hiện:

– Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập;

– Trường hợp công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thông báo việc đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

– Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế tại cơ quan thuế và sẽ chấm dứt tồn tại;

– Công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập;

– Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.

3. Tư vấn sáp nhập doanh nghiệp

3.1 Tư vấn các quy định của pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp

– Thủ tục họp Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng thành viên của từng công ty để thông qua nội dung sáp nhập doanh nghiệp;

– Tư vấn vấn hợp đồng sáp nhập và thông qua các nội dung sáp nhập;

– Thủ tục và điều kiện sáp nhập;

– Phương án sử dụng lao động;

– Tư vấn thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành vốn góp, cổ phần, trái phiếu của Công ty nhận sáp nhập;

– Tư vấn thời hạn thực hiện sáp nhập doanh nghiệp;

– Tư vấn các vấn đề liên quan đến nội bộ doanh nghiệp (Mô hình và Cơ cấu tổ chức,  phương thức hoạt động và điều hành, mối quan hệ giữa các chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của các thành viên/cổ đông, tỷ lệ và phương thức góp vốn, các nội dung khác có liên quan);

– Hoàn thiện hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh bao gồm: Tư vấn và hoàn thiện Biên bản họp Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông về việc sáp nhập công ty, Quyết định sáp nhập công ty, Đề nghị đăng ký kinh doanh, Danh sách thành viên/Cổ đông, Điều lệ công ty và các giấy tờ khác có liên quan;

– Tư vấn các nội dung khác có liên quan.