Sao vẫn có thầy cô quan niệm giáo dục học sinh cần roi vọt?

GDVN- Giáo dục học sinh bằng uy quyền, roi vọt đã xưa lắm rồi, giáo viên chúng ta phải thay đổi nếu không muốn bị loại khỏi ngành giáo dục.

Bạo lực học đường là chuyện “thường ngày ở… lớp” chứ không còn xa lạ gì với dư luận hiện nay. Phần lớn bạo lực học đường giữa học sinh với nhau xảy ra ở trung học.

Ở các nước tiên tiến, ở con người văn minh, người ta sẽ tìm ra nguyên nhân gây ra những tiêu cực cho xã hội hay thất bại cá nhân để tìm phương án, biện pháp thay đổi, cải tiến. Thế nhưng, ở Việt Nam vẫn tồn tại “văn hóa” đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm.

Chính vì “văn hóa đổ lỗi” tồn tại trong mỗi cá nhân, không chịu nhận trách nhiệm về mình, nên rất nhiều tiêu cực cứ tồn tại, trong đó có bạo lực học đường, ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Bạo lực học đường, thầy cô đừng vội đổ lỗi cho Thông tư 32!”, bài viết đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận của bạn đọc.

Tựu trung ý kiến đều cho rằng Thông tư 32 không có lỗi, vì nó mới ra đời, bạo lực học đường hiện nay là hậu quả, dư âm từ trước ngày Thông tư 32 có hiệu lực.

Sao vẫn có thầy cô quan niệm giáo dục học sinh cần roi vọt? ảnh 1

Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị cho phép giáo viên được trừng phạt học trò bằng “roi”, vì yêu cho roi cho vọt, là văn hóa truyền thống của dân tộc.

Và đặc biệt, có ý kiến cho rằng, bạo lực học đường là… do giáo viên.

Vậy, bạo lực học đường gia tăng như hiện nay là do thầy cô giáo có đúng không?

Bạo lực học đường gia tăng do giáo viên, nói đúng cũng có phần đúng, nói sai cũng sai rất nhiều.

Thế đúng ở chỗ nào?

Thứ nhất, có những giáo viên ở cương vị lãnh đạo đã “tận thu” từ phụ huynh học sinh, ăn bớt khẩu phần của học sinh; lợi dụng quyền hạn để thu lợi, vun vén cho cá nhân mình… mà báo chí đã nêu tên không ít.

Không phải là phụ huynh học sinh không biết, mà “thấp cổ bé họng”, người sao ta vậy cho con học cho xong, họ không phản ứng trực tiếp, nhưng coi thường nhà trường, coi thường giáo viên, vô tình truyền thông điệp đó đến con cái mình.

Thứ hai, có giáo viên còn ép học sinh học thêm, phân biệt đối xử học sinh học thêm với học sinh không học thêm. Hành vi ép học sinh học thêm, phân biệt đối xử không phải học sinh không biết, chẳng qua không nói ra thôi, ký ức đó mang theo suốt đời học trò đó.

Những giáo viên có hành vi này hàng ngày trên lớp đã làm cho học sinh coi thường giáo viên, mất niềm tin với những lời dạy đạo đức mà nhà trường giáo dục.

Học sinh học được bài học từ thầy cô, “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, nên bạo lực với bạn bè là… chuyện bình thường.

Thứ ba, ngay từ lớp 1, thầy cô đã tước mất quyền được lưu ban của học trò. Học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng nhưng cũng bị đẩy lên lớp.

Việc học sinh không đảm bảo kiến thức, kĩ năng nhưng cũng bị đẩy lên lớp với những cuốn học bạ đẹp là hành động bạo lực khủng khiếp của giáo viên với học sinh. Chuyện học bạ đẹp không phải riêng trường nào, địa phương nào. [1]

Thứ tư, nước ta là nước đầu tiên ký hiệp ước công nhận quyền của trẻ em, lý ra giáo viên phải biết và gương mẫu thực hiện.

Thế mà, giáo viên cứ muốn dùng “roi” trong giáo dục, những giáo viên muốn dùng “roi” để dạy học là giáo viên bạo lực, chỉ dạy được bạo lực cho học trò.

Thứ năm, giáo viên sợ mất việc, sợ mang họa vào thân, nên “Người thầy mất uy, học sinh hư cũng kệ”, “Bởi thế, dù không muốn thì chúng tôi vẫn phải nhắc nhau rằng: trước khi làm việc gì cho học sinh dù với động cơ tốt chúng ta cũng cần phải thận trọng kẻo lại rước tai họa vào thân”.

Rõ ràng, giáo viên đang bất lực, vô tình đang trở thành đồng lõa với bạo lực học đường.

Thứ sáu, yêu thương học sinh là con đường ngắn nhất để giáo dục học trò, thế nhưng không ít giáo viên cho rằng đây là lý thuyết suông, nói cho có.

Chỉ ví dụ ngay bản thân giáo viên, gia đình giáo viên, con trẻ chỉ gần gũi với người chăm sóc; gần gũi với người nhẹ nhàng với nó.

Dù là bố hay mẹ đều muốn con mình trưởng thành, nhưng không nhẹ nhàng gần gũi, mà dùng roi vọt, đều bị con trẻ xa lánh.

Học sinh cũng vậy thôi, bạn dùng “roi” với nó thì nhận được sự xa lánh, hay nói cách khác, nó trả lại “roi” cho bạn, cho xã hội.

Giáo dục học sinh bằng uy quyền, roi vọt đã xưa lắm rồi, giáo viên chúng ta phải thay đổi nếu không muốn bị loại khỏi ngành giáo dục.

Nói thật như vậy sẽ có thầy cô sẽ phản đối, vì mình là… thầy mà, thế nhưng muốn trò ra trò thì đầu tiên thầy phải ra thầy đã. Muốn sửa lỗi phải nhìn thẳng vào sự thật, nói thật, dù nói thật nghịch lỗ nhĩ.

Thế nhưng, nói bạo lực học đường gia tăng do giáo viên, là sai. Sai ở chỗ nào?

Thứ nhất, tuyệt đối không có thầy cô nào dạy học sinh sử dụng bạo lực với bạn bè.

Thứ hai, kết quả giáo dục hành vi của học sinh là tổng hòa ba môi trường: Gia đình, xã hội, nhà trường. Nếu xét tỷ lệ, gia đình chiếm 50%, xã hội chiếm 25%. Vì vậy nói bạo lực học đường gia tăng do giáo viên, là sai.

Thứ ba, nhà trường phản ánh xã hội, bệnh thành tích trong giáo dục cũng lây từ xã hội vào. Thầy cô đặng chẳng đừng, phải đẩy học trò lên lớp để đảm bảo tỷ lệ phổ cập, đảm bảo tiêu chí xã văn hóa, huyện văn hóa…

Thứ ba, học sinh bây giờ không chỉ học từ nhà trường mà còn có trường học “lớn” không kém, đó là mạng internet.

Dù có Luật An ninh mạng, thế nhưng trên mạng đang đầy rẫy clip, thông tin cổ xúy bạo lực, những giang hồ mạng trở thành “thần tượng” của học trò. Cứ thế, học sinh biết bạo hành bạn bè là sai, nhưng sẵn sàng quay clip khoe chiến tích của mình cho giống giang hồ mạng.

Thứ tư, một bộ phận không nhỏ phụ huynh đang “trăm sự nhờ thầy cô”, vô tình học sinh mất đi thành trì bảo vệ vững chắc nhất là gia đình. Không còn mái ấm gia đình, cái xấu dễ dàng thay cái tốt trong hành vi của học trò.

Thứ năm, trò chơi điện tử đầy bạo lực đã và đang hằng ngày “tẩy não” học sinh. Từ bạo lực trên không gian mạng đến bạo lực đời thực không còn xa nhau lắm.

Thứ sáu, phụ huynh cũng hành xử bạo lực với thầy cô, bạo lực với cộng đồng, sao dạy được con trẻ? Những đứa trẻ sống trong môi trường gia đình bạo lực, có khuynh hướng bạo lực với bạn bè.

Muốn phòng, chống bạo lực học đường cần sự kết hợp hài hòa của gia đình, xã hội, nhà trường, không thể phó mặc, đổ lỗi cho thầy cô được.

Giáo viên chúng ta không thể thay đổi được môi trường gia đình và xã hội của học sinh, nhưng giáo viên thay đổi được môi trường giáo dục nhà trường.

Từ lãnh đạo đến nhân viên, vì học sinh thân yêu, cùng góp phần xây dựng ngôi trường hạnh phúc là chúng ta đang góp phần đẩy lùi bạo lực học đường.

Ngành giáo dục vừa có Bộ trưởng mới, giáo viên cũng đã gửi những giải pháp chấn hưng giáo dục, “6 giải pháp chấn hưng giáo dục cô giáo tiểu học gửi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn”, “Bảy nguyện vọng giáo viên đề đạt lên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn”, “Tôi xin tặng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn 1 chữ, làm được giáo dục ắt tốt lên”.

Những giải pháp đó được cộng đồng nhà giáo ủng hộ nhiệt liệt, cũng góp phần phòng chống nạn bạo lực học đường. Chúng ta có quyền mong chờ một tương lai sáng sủa phía trước, bạo lực học đường sẽ bị đẩy lùi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/blog/toi-ac-tu-nhung-cuon-hoc-ba-dep-nhu-ve-20210413041305987.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai