Sao chổi 6.800 năm mới có đang áp sát Trái Đất trong mưa sao băng
Theo NASA, sao chổi Neowise, với tầm nhìn thuận lợi cho cư dân Bắc Bán Cầu, sẽ đến gần Trái Đất nhất vào ngày 22-23 tháng 7 sắp tới, tùy theo múi giờ của từng địa phương, đối với các quốc gia châu Á là ngày 23-7. Tất nhiên bạn vẫn có thể nhìn thấy nó ngay hôm nay, ở khoảng cách xa hơn và độ sáng kém hơn một chút. Sao chổi sẽ nhạt dần nhưng vẫn đủ để quan sát rõ cho đến cuối tháng 7.
Hình ảnh tuyệt đẹp ghi lại sao chổi 6.800 năm mới trở lại rực sáng giữa bầu trời đầy cực quang của Canada – ảnh: NASA
Vào thời điểm “áp sát”, Neowise chỉ còn cách trái đất 103 triệu km, một khoảng cách gần trong thiên văn học. Gặp gỡ sao chổi này là một cơ hội đặc biệt của chúng ta, bởi lần cuối cùng loài người nhìn thấy Neowise là… 6.800 năm về trước, và phải 6.000 năm sau nó mới quay trở lại!
Sao chổi Neowise được cho là đã 4,6 tỉ năm tuổi có cốt lõi làm từ thứ vật liệu tối sơ khai của Hệ Mặt Trời. Nó vừa thoát hiểm trong chuyến bay rất gần Mặt Trời, khoảng cách đủ để một số sao chổi khác vỡ vụn.
Hãy tìm sao chổi bên dưới Đại Hùng Tinh (Big Dipper) – ảnh: EARTHSKY
Và tất nhiên, bạn vẫn có thể nhìn thấy sao chổi này vào đêm nay, vì nó đã ngự trị bầu trời từ khá lâu. Lần đầu tiên sao chổi được phát hiện là ngày 27-3-2020 vừa qua, bởi NASA. Hiện tại, chúng ta có thể thấy nó rõ nhất vào mỗi hoàng hôn, khi mặt trời vừa lặn. Để tìm kiếm N Neowise, hãy xác định Đại Hùng Tinh (Bắc Đẩu Thất Tinh – Big Dipper), chòm sao luôn sáng rõ trên bầu trời, có hình gáo nước. Sao chổi sẽ mọc bên dưới chòm sao này.
Đặc biệt hơn, sao chổi lần này xuất hiện cùng thời điểm với 2 trận mưa sao băng. Thứ nhất là Delta Aquariids, “mưa” từ 12-7 đến 23-8. Thứ 2 là mưa sao băng Perseids từ 17-7 đến 24-8.
Để có thể quan sát rõ các hiện tượng thiên văn này, hãy chọn nơi có không gian thoáng đãng và để mắt làm quen với bóng tối khoảng 20 phút. Độ rõ của sao chổi và mưa sao băng còn tùy thuộc vào mức độ trong lành của không khí nơi bạn đang sống.