Sao Mai hủy kế hoạch chào bán cổ phiếu và không trả cổ tức năm 2022
Sao Mai hủy kế hoạch chào bán cổ phiếu và không trả cổ tức năm 2022
CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã ASM – sàn HoSE) đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi trong năm 2023 và hủy kế hoạch chào bán cổ phiếu, đồng thời không trả cổ tức năm 2022.
Tập đoàn Sao Mai công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến diễn ra ngày 15/4 tại tỉnh An Giang.
Trong năm 2023, Tập đoàn Sao Mai đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 15.250 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 545 tỷ đồng, giảm 43,4% so với thực hiện trong năm 2022.
Không trả cổ tức năm 2022 và hủy kế hoạch chào bán cổ phiếu
Về chính sách cổ tức, năm 2022, Tập đoàn Sao Mai trình cổ đông kế hoạch không trả cổ tức, dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến từ 5% đến 10%.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Tập đoàn Sao Mai thông qua kế hoạch cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và dự kiến cổ tức năm 2022 từ 20% đến 30% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, thực tế năm 2022 đã không trả cổ tức tiền mặt như kế hoạch ban đầu.
Một nội dung đáng chú ý, Tập đoàn Sao Mai trình cổ đông kế hoạch hủy phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, lý do được đưa ra do Tập đoàn Sao Mai đã tìm được nguồn từ các tổ chức tín dụng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Tập đoàn Sao Mai thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 12.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến triển khai trong năm 2022.
Số tiền huy động dự kiến 2.019,2 tỷ đồng, Tập đoàn Sao Mai dự kiến dùng 1.615,8 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; 253,4 tỷ đồng đầu tư vốn vào CTCP Phát triển Du lịch An Giang; 80,5 tỷ đồng đầu tư vốn vào CTCP Du lịch An Giang; và 69,4 tỷ đồng đầu tư vốn vào CTCP Du lịch Đồng Tháp.
Đồng thời, Tập đoàn Sao Mai trình cổ đông miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT gồm bà Lê Thị Nguyệt Thu – Chủ tịch HĐQT (đã nộp đơn xin từ nhiệm ngày 24/3/2023); ông Lê Thanh Thuấn – thành viên HĐQT (đã nộp đơn xin từ nhiệm ngày 24/3/2023); và ông Nguyễn Văn Phụng – thành viên HĐQT (đã nộp đơn từ nhiệm từ ngày 21/6/2022).
Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Sao Mai sẽ trình cổ đông đề cử ông Lê Văn Thành vào vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho bà Lê Thị Nguyệt Thu.
Được biết, ông Lê Văn Thành sinh năm 1967 tại Thanh Hóa (cùng quê với ông Lê Thanh Thuấn), trình độ trung cấp xây dựng Công trình công nghiệp và dân dụng.
Trước khi bổ nhiệm, ông Lê Văn Thành đã giữ nhiều vị trí quan trọng tại Tập đoàn Sao Mai. Trong đó, từ năm 2017 tới nay, ông Lê Văn Thành đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai.
Thêm nữa, ông Lê Văn Thành cũng là em trai ruột ông Lê Thanh Thuấn.
Chủ tịch Lê Thị Nguyệt Thu và cha bất ngờ từ nhiệm
Ở một diễn biến đáng chú ý, ngày 24/3, Tập đoàn Sao Mai nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của bà Lê Thị Nguyệt Thu với lý do nhằm đáp ứng theo quy định tại điểm b, khoản 5, điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020.
Tương tự, ông Lê Thanh Thuấn cũng nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT ngày 24/3 với lý do tương tự bà Lê Thị Nguyệt Thu.
Được biết, theo quy định điểm b, khoản 5, điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020 về Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: “Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ”.
Theo tìm hiểu, ông Lê Thanh Thuấn đang giữ chức Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT. Trong khi đó, bà Lê Thị Nguyệt Thu là con gái ông Lê Thanh Thuấn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn Sao Mai.
Quý IV/2022, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm về 65,69 tỷ đồng
Về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu đạt 3.184,2 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 65,69 tỷ đồng, giảm 63,5% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,5% về còn 10,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 1,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 6,6 tỷ đồng về 333 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 12,4%, tương ứng giảm 7,91 tỷ đồng về 55,91 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 87,5%, tương ứng tăng thêm 84,6 tỷ đồng lên 181,32 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 38%, tương ứng tăng thêm 39,19 tỷ đồng lên 142,31 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Điểm đáng lưu ý, mặc dù lợi nhuận gộp giảm nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh trong quý IV, nguyên nhân chủ yếu do hụt doanh thu tài chính và chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh.
Luỹ kế trong năm 2022, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu đạt 13.749,2 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 963,3 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Tập đoàn Sao Mai đặt kế hoạch doanh thu thuần 14.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.630 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận ghi nhận 963,3 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm và chỉ đạt 59,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính của Tập đoàn Sao Mai ghi nhận âm 263,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.087,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 558,99 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.052,99 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/3, cổ phiếu ASM tăng 20 đồng lên 8.300 đồng/cổ phiếu.