Sáng nay, phiên giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải: Kỳ vọng một kết thúc có hậu
Hôm nay (6-5), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao dự kiến mở phiên xử giám đốc thẩm xem xét vụ án Hồ Duy Hải – 34 tuổi, bị tuyên án tử hình về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vào năm 2008. Phiên giám đốc thẩm dự kiến kéo dài 3 ngày, do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.
Phiên tòa đặc biệt
TAND Tối cao đã mời luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TP HCM, tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-5, ông Ngô Tiến Hùng, Chánh Văn phòng TAND Tối cao, cho biết tại phiên giám đốc thẩm ngày 6-5, Hồ Duy Hải sẽ không được triệu tập.
“Đây là phiên tòa đặc biệt. Hội đồng thẩm phán chủ yếu xét xử trên hồ sơ, không có bị cáo, không nhân thân đương sự, không có bị hại. Hội đồng thẩm phán chỉ triệu tập những người đã thực hiện tố tụng ở các cấp đã xét xử như: điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên, luật sư… theo đúng quy định của luật mới” – ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, do phòng xét xử nhỏ và thực hiện quy định về phòng chống dịch Covid-19 nên phiên giám đốc thẩm chỉ có một số phóng viên báo chí tham dự.
Về phạm vi của Hội đồng Thẩm phán trong phiên giám đốc thẩm, theo điều 387 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, Hội đồng Giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án chứ không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.
Về thẩm quyền của Hội đồng Giám đốc thẩm, điều 388 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định 6 khả năng có thể xảy ra. Cụ thể, hội đồng có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa sơ thẩm hoặc tòa phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật. Ngoài ra, hội đồng còn có các quyền: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Nhiều khuất tất cần làm rõ
12 năm trước, sáng 14-1-2008, người dân phát hiện 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi bị sát hại tại nơi làm việc.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã thẩm tra xét hỏi nhiều thanh niên trong khu vực hoặc có quan hệ tình cảm, quen biết với 2 nạn nhân; trong đó có Nguyễn Văn Nghị – bạn trai của một trong 2 nạn nhân. Hai tháng sau, Hồ Duy Hải bị bắt và bị kết luận là hung thủ. Cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”.
Ngày 24-10-2011, viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án, sau đó TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành án. Ngày 4-12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ Hồ Duy Hải, yêu cầu tạm dừng thi hành án. Ngày 22-11-2019, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để điều tra lại.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (bìa phải), đi nhiều nơi kêu oan cho con suốt 12 năm qua. Ảnh: LÊ PHONG
Một thẩm phán TAND tỉnh Tiền Giang đã nghỉ hưu cho rằng điều tra viên quá ẩu khi cân nhắc bỏ đi các bản khai trong hồ sơ vụ án. Ba người đã được lấy lời khai là Hồ Văn Bình, Nguyễn Văn Nghị và Đinh Vũ Thường. Tuy nhiên, khi hồ sơ vụ án đến tòa thì không còn biên bản ghi lời khai của Nghị. Vì sao khi giám định dấu vân tay tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải, cơ quan điều tra không giám định dấu vân tay của đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol? Vậy 2 người nghi vấn này là ai, sao phải rút hết các lời khai khỏi hồ sơ vụ án?
Theo biên bản điều tra, nhân chứng Đinh Vũ Thường thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện vào đêm 2 nạn nhân bị sát hại. Nhưng theo luật sư Lê Hồng Phong, nhân chứng quan trọng này khẳng định không thể nhận diện “người thanh niên” thấy ở bưu điện là ai. Anh Thường cũng nói mình không hề được tòa triệu tập tham dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng.
Cơ quan điều tra cho rằng hung thủ sử dụng 3 loại hung khí là dao, thớt và ghế để giết chết 2 nạn nhân. Theo biên bản khám nghiệm trường, cả 3 loại hung khí này đã không được thu giữ. Hai nhân chứng cho biết “đã mua con dao và tấm thớt khác giao cho công an”.
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao ngày 22-11-2019 khẳng định các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, đánh giá việc ra chợ mua một con dao để làm vật chứng vụ án là “quá ẩu”. Nhân chứng cho rằng cáo trạng nói nhân chứng nhìn thấy Hồ Duy Hải là “bịa đặt và không có thật” thì đây là chứng cứ giả. Theo bà Thủy, Hồ Duy Hải không nhận tội thì phải triệu tập nhân chứng ra tòa. Nếu nhân chứng không ra tòa thì cũng phải áp dụng các biện pháp hành chính mạnh như áp giải đến tòa. Còn đằng này, không có nhân chứng, bị cáo không nhận tội thì bắt buộc phải hoãn xử để triệu tập nhân chứng. Cần thiết thì phải cho dựng lại hiện trường để xem có khớp hay không. Nếu bị cáo vẫn kêu oan kịch liệt thì phải có nhân chứng khác để nhân chứng khẳng định là có thấy bị cáo ở thời điểm trước, trong hoặc sau khi gây án. Có nhiều trường hợp ra tòa rồi nhưng chủ tọa vẫn cho hoãn xử để dựng lại hiện trường.
Về việc các cơ quan tố tụng loại Nguyễn Văn Nghị ra khỏi hồ sơ một cách bí ẩn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng có thể điều tra viên muốn kết thúc vụ án sớm, muốn mọi người không nghi ngờ để phải điều tra lại nên loại những chứng cứ không cần thiết ra khỏi hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, đã điều tra, lấy lời khai của Nghị thì phải để người này trong hồ sơ.
“Từ chỗ bị cáo chối tội thì các thẩm phán phải hết sức cẩn thận về chứng cứ, nhất là tại phiên tòa phải triệu tập bằng được nhân chứng. Nếu điều tra lại không chứng minh được thì phải đình chỉ, tuyên vô tội” – bà Thủy nhấn mạnh.
Trong trường hợp Hồ Duy Hải được tuyên vô tội, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM cho rằng các cơ quan tố tụng phải bồi thường; những người ra quyết định khởi tố, truy tố, ban hành bản án phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM:
Làm sáng tỏ hung thủ là ai
Sở dĩ một vụ án kéo dài suốt 12 năm và đến nay mới được xét xử giám đốc thẩm là do quá trình điều tra ban đầu quá đơn giản. Những gì báo chí nêu lên cho thấy cơ quan khám nghiệm hiện trường và lực lượng thu thập chứng cứ sơ sài. Đã là vụ án liên quan đến mạng người thì cần phải thận trọng, khách quan và cần có những điều tra viên đầy kinh nghiệm.
Tôi hy vọng Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét thận trọng và giải đáp những thắc mắc, những mâu thuẫn được luật sư Trần Hồng Phong kiến nghị. Mục đích là giúp 2 nạn nhân đã mất yên lòng và sáng tỏ hung thủ thật sự là ai.
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP HCM:
Tin rằng tòa trả hồ sơ, điều tra lại
Phiên giám đốc thẩm sắp diễn ra không phải là phép mầu để giúp Hồ Duy Hải thoát tội. Tuy nhiên, vụ việc đã mở ra một cánh cửa tiếp sức thêm niềm tin của những người thân gia đình trong hành trình kêu oan cho Hồ Duy Hải.
Thông tin báo chí nêu cho thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử Hồ Duy Hải có những tình tiết, dấu hiệu bất thường. Đây chính là những minh chứng cho dấu hiệu về việc vi phạm tố tụng nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Tôi tin rằng bản án sẽ trả hồ sơ điều tra lại từ đầu.
Từ vụ việc Hồ Duy Hải, các cơ quan tố tụng cần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng sự thật khách quan của vụ án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Đề cao việc loại trừ oan sai nhằm tăng thêm niềm tin của người dân, dư luận xã hội.
Chị Nguyễn Thị Muôn – ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An:
Chờ phán quyết có hậu
Đã mười mấy năm rồi, nếu Hồ Duy Hải là hung thủ thật sự thì xử án nghiêm, còn nếu không phải là hung thủ thì nên trả lại tự do để không gây oan sai cho người vô tội. Người dân đang chờ phán quyết có hậu ở phiên giám đốc thẩm ngày 6-5.
M.Sơn – L.Phong ghi