Sáng kiến từ lòng yêu trẻ của cô giáo mầm non

“Học bằng chơi – Chơi bằng học”

Sinh ra và lớn lên ở xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, cô Hợp đã có 15 năm công tác trong ngành Giáo dục tại xã nhà. Dù mới chuyển về công tác tại Trường Mầm non Phụng Châu hơn một năm nay, nhưng cô luôn được đồng nghiệp và học sinh yêu quý.

Sáng kiến từ lòng yêu trẻ của cô giáo mầm non Tại Trường Mầm non Phụng Châu, các cô giáo luôn tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội trải nghiệm và giao tiếp một cách tích cực, tự nhiên.

Với lòng yêu nghề, mến trẻ, ở lớp cô Hợp luôn là “người mẹ thứ hai” của rất nhiều em bé. Coi các cháu như con, cô không chỉ dạy dỗ học hành, ứng xử, vui chơi cùng các bé mà còn chăm lo cho các bé từng bữa ăn, giấc ngủ.

Còn trên cương vị người quản lý, lãnh đạo, cô luôn chọn giải pháp mềm dẻo, phù hợp với từng công việc, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy học sinh làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Đặc biệt, trong quá trình trình công tác, cô đã có nhiều thành tích sáng kiến sáng tạo có hiệu quả, được áp dụng dụng rãi. Đơn cử từ thực tiễn công tác quản lý, kết hợp với những biện pháp đã áp dụng trong sáng kiến kinh nghiệm, cô Hợp đã chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở các nhóm lớp xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trong nhà trường nói riêng và giáo dục mầm non trong huyện nhà nói chung.

“Là một cán bộ quản lý của nhà trường nên bản thân tôi luôn trăn trở, suy nghĩ phải xây dựng môi trường giáo dục để trẻ được hoạt động một cách trung tâm nhất, tích cực nhất mà lại đạt được hiệu quả cao nhất. Vì vậy trong năm học 2019-2020 tôi đã nghiên cứu đề tài “Một số biện pháp nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non”, cô Hợp chia sẻ.

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào “Sáng kiến Thủ đô” do Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ phát động trong suốt nhiều năm qua. Phong trào nhằm kịp thời tôn vinh và biểu dương những công chức, viên chức, người lao động có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp công nghệ hữu ích có giá trị làm tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Lý giải việc lựa chọn đề tài này, cô Hợp cho biết: Với trẻ mầm non thì môi trường hoạt động có vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng, ngôn ngữ. Trẻ thích khám phá những điều mới lạ, muốn khám phá thế giới xung quanh, tò mò và liên tục thắc mắc đặt nhiều câu hỏi với người lớn như: “Vì sao?”, trẻ có thể giao tiếp và rất thích bắt chước tập làm người lớn, trẻ thích được tự lập.

Sáng kiến từ lòng yêu trẻ của cô giáo mầm non Trẻ hứng thú, chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động, chương trình do giáo viên tổ chức.

Bởi vậy, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là xây dựng một môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp” đảm bảo an toàn, thân thiện và ấm cúng, trình bày đẹp mắt, thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ chủ động tham gia vào các hoạt động tạo điều kiện cho trẻ “Học bằng chơi – Chơi bằng học” có cơ hội trải nghiệm và giao tiếp một cách tích cực, tự nhiên.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đề tài này nhằm góp phần vào việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm chắc nội dung và phương pháp giảng dạy, phát huy được tính tích cực, khả năng sáng tạo của trẻ, nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay.

Phối hợp, đồng hành cùng cha mẹ học sinh

Ngay khi thực hiện đề tài, cô Hợp đã tiến hành mua bổ sung trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác giảng dạy, quy hoạch lại vườn trường, khu vui chơi, khu vực hoạt động ngoài trời, không gian trải nghiệm, sáng tạo cho trẻ để tổ chức các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả.

Đồng thời, cô Hợp đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể cho từng độ tuổi, từng chủ đề sự kiện thông qua các cán bộ, nhân viên trong Trường và được mọi người đều nhất trí và triển khai thực hiện. “Cụ thể, đối với môi trường giáo dục trong lớp học, tôi khảo sát việc thiết lập, bố trí các góc hoạt động cho trẻ như: Nơi treo các bảng biểu, các góc, khu vực trưng bày đồ chơi, học liệu,…tất cả phải được sắp đặt một cách khoa học, tương đồng và hấp dẫn trẻ song phải đảm an toàn trong quá trình trẻ sử dụng”, cô Hợp cho biết.

Từ việc sắp xếp, bố trí môi trường giáo dục trong lớp một cách hợp lí, khoa học mà không gian trong lớp học không còn bị tù túng, chật chội như trước nữa, nên trẻ đã có thể đi lại giao tiếp với nhau trong khi hoạt động, tạo cho trẻ sự tự tin, thoải mái để tham gia một cách chủ động tích cực các hoạt động.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác giảng dạy, cô Hợp nhận ra rằng, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ là việc làm một sớm, một chiều mà cần phải được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch hoạt động ở từng độ tuổi khác nhau và phải phù hợp, sáng tạo theo từng nội dung của chủ đề, sự kiện.

Sáng kiến từ lòng yêu trẻ của cô giáo mầm non Cô Lê Thị Hợp (ngoài cùng bên trái) là một trong số những cán bộ được nhận khen thưởng Sáng kiến Thủ đô năm 2021 do Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ trao tặng.

Để tổ chức cho giáo viên thực hành xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đạt hiệu quả cao, cô Hợp đã triển khai trong phạm vi toàn trường. Cô Hợp cho biết : “Bằng cách chỉ đạo tại các lớp điểm và nhân rộng đại trà trong toàn trường, các nhóm lớp đã xây dựng và thiết lập được môi trường giáo dục một cách phong phú, đa dạng, hấp dẫn và an toàn đối với trẻ”.

Song song đó, môi trường giáo dục giúp trẻ định hướng và kích thích trẻ khám phá nhằm thỏa mãn nhu cầu học hỏi, vui chơi của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện. Để công tác xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đạt được hiệu quả cao thì sự phối kết hợp với cha mẹ học sinh là rất quan trọng quyết định đến sự phát triển của các cháu.

Bởi vậy, thông qua các buổi hội nghị cha mẹ học sinh, bảng tuyên truyền, nhà trường đã tuyên truyền rộng rãi đến cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của việc thiết lập môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Từ đó giúp cha mẹ học sinh hiểu và có thể lên kế hoạch hỗ trợ trẻ học tập và vui chơi tại nhà.

Qua thực tiễn áp dụng, những đổi mới sáng tạo trong việc triển khai thực hiện đề tài của cô giáo Lê Thị Hợp đã thu được những kết quả tích cực. Trẻ hứng thú, chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động, rhể hiện mối quan hệ thân thiện với cô giáo, các bạn và môi trường xung quanh.

Với tâm niệm “Gieo hạt giống, gặt yêu thương” nên suốt thời gian qua cô Hợp luôn cùng đồng nghiệp nuôi dạy trẻ không chỉ bằng trách nhiệm mà còn đong đầy tình thương yêu. Với những thành tích mà cả cô và trò nhà trường đạt được, dưới sự lãnh đạo của cô Hợp, đã góp phần đưa Trường Mầm non Phụng Châu trở thành ngôi trường đầy tình yêu thương, hạnh phúc và là điểm đến tin cậy cho các bậc phụ huynh.

Với những cố gắng và nỗ lực trong suốt 15 năm công tác, cô Lê Thị Hợp đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận như: Lao động tiên tiến năm học 2017-2018, 2018-2019; đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” năm học 2017-2018; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2019-2020; đạt tiêu chuẩn đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2020; đã có thành tích trong phong trào “ Sáng kiến Thủ đô” cấp huyện năm 2021.