Sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học
I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Một trong những điều kiện có ý nghĩa quyết định vị thế cùng sự bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc trong cùng khu vực hay trên thế giới là chất lượng nguồn nhân lực. Việc tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ khoa học – kỹ thuật và kỹ năng làm việc cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới như hiện nay là một đòi hỏi khách quan.
Để đáp ứng yêu cầu khách quan ấy, giáo dục – đào tạo là công cụ quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa quyết định trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Vai trò quan trọng của giáo dục – đào tạo thể hiện ở chỗ nó phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ trên bình diện xã hội rộng lớn, mà còn có khả năng tiếp cận đến từng cá nhân, từ đó, giáo dục và đào tạo đóng vai trò tạo nguồn trực tiếp về mặt chủ thể cho các quá trình phát triển kinh tế – xã hội và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.
Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, cơ hội học tập và nâng cao trình độ của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng nhiều hơn. Đến nay, các tỉnh miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và chống tái mù chữ. Tuy nhiên chất lượng giáo dục của học sinh dân tộc thiểu số nhìn chung còn thấp so với mặt bằng của cả nước.
Ở địa bàn huyện KrôngAna nói chung và trường Tiểu học Lê Hồng Phong nói riêng tỷ lệ số học sinh dân tộc thiểu số khá cao, đặc biệt tại Phân hiệu Buôn Đrai. Bản thân tôi là một giáo viên đã nhiều năm gắn bó với nghề, với trường nên tôi nhận thức được rất rõ chất lượng giáo dục cũng như các điểm hạn chế của các em học sinh dân tộc thiểu số.
Để củng cố và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho các em học sinh dân tộc, tôi chọn nghiên cứu và xây dựng đề tài “ Một số biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong”.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài
- Xác định được thực trạng về chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng của các em học sinh dân tộc thiểu số của nhà trường.
- Đưa ra được một số biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho các em học sinh dân tộc thiểu số trong nhà trường
3. Đối tượng nghiên cứu
- Nghiên cứu một số phương pháp truyền thống, phương pháp mới mà giáo viên nhà trường đã thực hiện trong quá trình giảng dạy những năm học vừa qua đối với học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong, một số hoạt động ngoài giờ lên lớp có liên quan đến việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS.
- Học sinh DTTS ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong, chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường trong những năm gần đây, những thuận lợi – khó khăn và điều kiện dạy học của nhà trường.
- Chất lượng đội ngũ giáo viên trường Tiểu học Lê Hồng Phong.
- Thực trạng về cơ sở vật chất của nhà trường, đặc điểm kinh tế và xã hội của khu vực.
4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu một số phương pháp dạy và học, những thành tựu trong việc đổi mới phương pháp dạy học đối với học sinh dân tộc thiểu số ở tất cả các khối từ lớp 1 đến lớp 5 đặc biệt là kết quả của việc nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số của các giáo viên đứng lớp và các giáo viên bộ môn ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Tổng hợp số liệu về thực trạng chất lượng học sinh dân tộc thiểu số ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tổng hợp các số liệu về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
- Phân tích, so sánh chất lượng, hiệu quả đào tạo trước khi thực hiện biện pháp và sau khi áp dụng các biện pháp mới.
- Tham khảo ý kiến của giáo viên và học sinh về những thuận lợi, khó khăn, hiệu quả đạt được và những hạn chế khi thực hiện những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.
II. PHẦN NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận
1.1 Cơ sở thực tiễn
Nâng cao chất lượng học sinh DTTS là một yêu cầu trọng tâm trong đường lối phát triển giáo dục của nước ta hiện nay. Chính phủ và Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều đường lối, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh dân tộc thiểu số được học tập, được nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo dục tiểu học đối với các em học sinh dân tộc thiểu số là một nền tảng vô cùng quan trọng để các em tiếp cận tốt hơn với kho tàng tri thức của nhân loại. Giai đoạn tiểu học sẽ là bước để các em tiếp thu ngôn ngữ Tiếng Việt, các kiến thức cơ bản và là một bước để các em thay đổi tư duy vốn có về mục đích và ý nghĩa của việc học tập
1.2 Cơ sở lý luận khoa học
Giáo dục là hoạt động hướng tới con người, bằng những biện pháp hướng tới truyền thụ: Tri thức và khái niệm, kỹ năng và lối sống, tư tưởng và đạo đức. Từ đó hình thành năng lực, phẩm chất, nhân cách, phù hợp với mục đích, mục tiêu, hoạt động lao động, sản xuất và lối sống xã hội.
Chất lượng giáo dục là sự đáp ứng mục tiêu đề ra của giáo dục: Là nhằm đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Thực trạng
2.1 Thuận lợi và khó khăn
a. Thuận lợi:
- Đảng và nhà nước luôn quan tâm coi trọng công tác dân tộc và giáo dục dân tộc có đường lối chính sách rõ ràng, pháp luật rõ ràng, các văn bản dưới luật chi tiết cụ thể.
- Các cấp quản lí ngành Giáo dục luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, đặc biệt là chất lượng giáo dục HSDTTS.
- Công tác xã hội hóa giáo dục ở thôn buôn được nâng cao, các tổ chức đoàn thể tham gia nhiệt tình.
- Đội ngũ giáo viên nhiệt tình đa số có năng lực và tâm huyết đối với chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng HSDTTS nói riêng.
- Bản thân sống gần gũi với người dân Ê đê, có hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống, thông thạo địa bàn.
- Về cộng đồng dân cư đồng bào DTTS và HSDTTS. Ngày nay, hoạt động kinh tế xã hội, phong tục tập quán, một số nếp sống trong cộng đồng dân cư đã thay đổi theo hướng tiến bộ làm cho cha mẹ học sinh và HSDTTS xóa bản tính tự nhiên, dựa vào thiên nhiên mà họ đã có nhu cầu phải học, trước hết là học để biết “cái chữ”.
- Về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học môn Tiếng Việt và TCTV cho HSDTTS ngày càng được trường và các cấp quan tâm đầu tư. Đặc biệt là ở 2 điểm trường buôn Eana và Buôn Drai.
b. Khó khăn:
- Có sự bất đồng về ngôn ngữ giữa giáo viên với học sinh; giữa giáo viên với phụ huynh.
- Nhận thức và nhu cầu học tập của một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số cò thấp, tỉ lệ chuyên cần của HSDTTS vẫn chưa cao.
- Phong tục tập quán, đặc điểm tâm lí, văn hóa dân tộc cũng tác động, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.
- Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Ê-đê ở hai buôn Eana và buôn Drai còn gặp nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập của các em.
2.2 Thành công và hạn chế
a. Thành công:
- HSDTTS được huy động đến trường cao. Trường Tiểu học Lê Hồng Phong nói riêng và xã Eana nói chung được cấp trên công nhận đạt Phổ cập GDTH đúng độ tuổi.
- HSDTTS có cơ hội học tập và hòa nhập nhiều hơn.
- Cộng đồng người đồng bào dân tộc đã có thay đổi nhận thức về việc học và nhu cầu được học.
- Chất lượng giáo dục môn Tiếng Việt cho HSDT ngày càng được nâng cao, hầu hết các em đều đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học, đa số các em có vốn tiếng Việt đủ để làm phương tiện tìm hiểu kiến thức các môn học khác.
- Khi nghiên cứu đề tài này bản thân tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ hợp tác của đồng nghiệp, HSDTTS và ban tự quản.
b. Hạn chế:
Tuy với sự nỗ lực của thầy và trò, các em đều đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học theo quy định nhưng vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục:
- Học sinh hạn chế về hưởng nền giáo dục gia đình và cộng đồng nơi cư trú, có ít cơ hội được giao tiếp tiếng Việt ở cộng đồng .
- Phụ huynh chưa tích cực giúp con em mình giao tiếp và sử dụng tiếng Việt.
- Chất lượng sử dụng tiếng Việt của các em HS DTTS chưa cao.
- Tiếng Việt thuộc ngữ hệ Việt – Mường có nhiều đặc điểm khác hẳn so với tiếng Êđê thuộc ngữ hệ Môn – Khơ Me về cấu trúc, cú pháp, … nên các em HSDT tiếp thu tiếng Việt rất khó.
2.3 Mặt mạnh và mặt yếu
a. Mặt mạnh:
- Bản thân đã nhiều năm phụ trách lớp có tỷ lệ HSDTTS cao, giao tiếp trực tiếp với HSDTTS và phụ huynh nên nắm bắt được nhiều thông tin phản hồi từ phía gia đình học sinh.
- Công tác xã hội hóa giáo dục được Cấp ủy và Ban tự quản thôn buôn, các tổ chức Đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ quan tâm, ủng hộ.
- Đội ngũ giáo viên được tập huấn đầy đủ về TCTV và có tinh thần tích cực học tập, bồi dưỡng thường xuyên; có tình thương yêu đối với học sinh, luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác giáo dục HSDT và TCTV cho HSDT.
- Bản thân sống gần gũi với cộng đồng người Ê-đê, tìm hiểu, học tập được ngôn ngữ, phong tục tập quán, đời sống của người dân Ê-đê nên thuận tiện nhiều trong việc giáo dục học sinh dân tộc Ê-đê.
- Công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục cũng được thực hiện thường xuyên.
- Trường có giáo viên chuyên dạy tiếng Ê-đê.
b. Mặt yếu:
- Các hoạt động ngoài giờ lên lớp để tạo sự gần gũi giữa giáo viên và các học sinh dân tộc thiểu số chưa đạt hiệu quả cao.
- Chất lượng học tập của các học sinh dân tộc thiểu số chưa đạt được kết quả tốt nhất
2.4 Các nguyên nhân, các yếu tố tác động
Các nguyên nhân, các yếu tố tác động dẫn đến những thành công là:
- Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước luôn đề cao coi trọng công tác giáo dục dân tộc.
- Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lí giáo dục.
- Đội ngũ giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức tích cực đổi mới phương pháp dạy học và trăn trở với chất lượng HSDT.
- Một số tập tục lạc hậu trong cộng đồng dân tộc bị bãi bỏ, điều kiện tự nhiên không còn ưu đãi cho cuộc sống tự nhiên mà yêu cầu sản xuất, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa,.. cần phải biết thông tin, khoa học kĩ thuật cũng là yếu tố tác động khiến đồng bào DTTS thay đổi nhận thức và có nhu cầu cần phải học.
Nguyên nhân, các yếu tố tác động làm cho chất lượng học tập tiếng Việt của HSDT còn hạn chế là:
- Nội dung chương trình học chưa thực sự phù hợp, người dạy thì hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa, tâm lí,… của học sinh nên khó có biện pháp TCTV.
- Người học cũng học bằng ngôn ngữ thứ hai nên gặp nhiều rào cản.
5.2 Phân tích, đánh giá các vấn đề thực trạng và đề tài đã đặt ra.
5.2.1 Khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.
Giáo dục ngôn ngữ ở các tỉnh miền núi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, dạy học tiếng Việt cho học sinh Tiểu học người dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên luôn là nhiệm vụ hàng đầu của những người đang giảng dạy tại nơi đây. Đó là việc dạy học tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai cho học sinh dân tộc thiểu số đang cư trú tại dải đất này, các dân tộc như Jrai, Bahnar… Mục đích của việc giáo dục ngôn ngữ này là nhằm cung cấp cho các em một công cụ giao tiếp, một phương tiện tư duy, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, cùng sống dưới mái nhà chung Việt Nam, cùng chung tiếng nói, cùng sử dụng một ngôn ngữ, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng mới. Thế nhưng xét về mặt chất lượng, hiệu quả giáo dục ngôn ngữ hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên, như Gia Lai, KonTum, ĐăkLăk vẫn còn thấp.
Khác với học sinh người kinh, trước khi đến trường, đa số học sinh người dân tộc thiểu số chưa biết sử dụng tiếng Việt. Thực tế cũng có số ít các em được trải qua sự chăm sóc của vườn trẻ, nhưng vốn kiến thức ban đầu về tiếng Việt, như những mẫu hội thoại đơn giản mang tính bắt đầu, những kỹ năng cơ bản như nghe, nói mà trường Mầm Non đã trang bị cho các em, vì những lý do khách quan khác nhau đã không còn theo các em bước vào lớp1. Bởi trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng, người dân ở đây, cũng như các em chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ nên khi bước ra thế giới bên ngoài, vào môi trường giáo dục phổ thông, tiếng Việt lúc bấy giờ là ngôn ngữ thứ hai của các em. Việc giao tiếp thông thường với thầy cô giáo đã khó khăn, và cũng có khi là không thể, việc nghe giảng những kiến thức về các môn học khác nhau bằng tiếng Việt lại càng khó khăn hơn đối với các em. Đến trường, đến lớp là các em bước đến một môi trường sinh hoạt hoàn toàn xa lạ, tâm lý rụt rè, e sợ luôn thường trực trong các em, làm giảm tốc độ bước chân các em đến trường.
Mặc dù một số ít học sinh đã trải qua các lớp ở bậc Mầm non nhưng đối với các em, trường Tiểu học vẫn là một môi trường hoàn toàn mới, tiếng Việt là một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Sự tồn tại của tình trạng này trong đời sống các em là do điều kiện sử dụng ngôn ngữ trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, là do tâm lý sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ rất tự nhiên, bản năng. Những buổi sinh hoạt cộng đồng, những lần hội họp, người địa phương chỉ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Họ ngại sử dụng tiếng Việt, có lẽ vì vốn kiến thức về tiếng Việt ở họ quá ít ỏi, cũng có lẽ vì bản năng ngôn ngữ mẹ đẻ thường trực trong họ. Chính vì thế, mỗi lần các cán bộ xã, huyện về chủ trì một cuộc họp nào đó ở buôn, làng, họ phát biểu bằng tiếng Việt rất khó khăn. Thói quen này trong sử dụng ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng vào trong đời sống gia đình của mỗi cá nhân, học sinh vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ khi rời trường, rời lớp. Dần dà các em không thể sử dụng tiếng Việt, quên ngay những kiến thức về tiếng Việt đã học trên lớp, từ đó, đã khiến cho các em thụ động, thiếu linh hoạt khi ở môi trường giao tiếp lớn hơn, vượt khỏi môi trường cộng đồng dân cư nhỏ hẹp.
5.2.2 Hạn chế về điều kiện kinh tế và nhận thức của đồng bào dân tộc.
Tiếp xúc, quan sát học sinh dân tộc thiểu số, tôi nhận thấy rằng, các em học sinh ở đây đã biết ý thức về nguồn gốc của mình. Cái nghèo luôn nhắc nhở con người sống trong cảnh khốn cùng cần hiểu sâu sắc về nguồn gốc, về điều kiện, hoàn cảnh sống của bản thân. Nghèo đã giúp con người ta vươn lên nhưng nghèo cũng làm cho con người luôn mặc cảm, tự ti, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Mặc cảm số phận đã khiến con người không thể thoát khỏi những thiếu thốn vật chất, không thể vươn xa hơn không gian sống hiện tại. Những học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số nơi đây không có sự hồn nhiên của tuổi trẻ, không chỉ có “ngày hai buổi đến trường”, các em còn phải miệt mài trên nương rẫy trỉa lúa, trồng ngô,…lo cho cuộc sống vật chất. Nghe những đồng nghiệp tâm sự, rằng “chúng tôi phải vào tận buôn lùng sục các em, đưa các em đến trường.”; cũng có nhiều giáo viên chia sẻ, “Tôi phải dùng tiền lương của mình để mua quà ăn, đồ dùng học tập cho các em, rồi mới đưa các em trở lại trường. Nhưng có lúc cũng không thành công!”,… Theo tôi, cái gốc rễ của vấn đề là ở chỗ, cái nghèo truyền kiếp đã quy định trách nhiệm của các em đối với gia đình. Cái ăn từng bữa còn chưa có, chưa đủ thì học chữ để làm gì, suy nghĩ của các em và gia đình của các em là vậy! Họ không hiểu rằng, chính cái chữ sẽ giúp con người thoát khỏi cuộc sống nghèo khó hiện tại, giúp con người hoạch định tương lai. Cho nên vào thời điểm mùa màng, số lượng học sinh trên lớp học rất ít. Một số học sinh có ý thức học tập, đến mùa màng, cũng xin phép giáo viên chủ nhiệm, nhà trường nghỉ phép vài hôm, nhưng rồi các em cũng quên trở lại trường khi mùa hái cà phê kết thúc. Giáo viên lại phải nhọc công tìm đến tận nhà, vận
động các em đến trường.
Con người là chủ thể nhận thức. Nhận biết về bản thân, về mọi vật xung quanh là sự sống bản năng của con người. Người dân tộc thiểu số luôn ý thức về nguồn gốc, về điều kiện sống, hoàn cảnh sống của mình. Chính điều này đã khiến cho học sinh Tiểu học dân tộc thiểu số tiếp nhận những kiến thức về tiếng Việt khó khăn, tạo rào cản ngăn cách hoạt động sống của các em với môi trường xã hội rộng lớn, làm cho các em khó tiếp xúc, hòa nhập cộng đồng. Nhìn ra được cái hạn chế, điều tốt đẹp của bản thân là con người đã phát triển ở một mức nào đó về nhận thức. Nghĩa là con người đã biết đặt mình trong nhiều mối quan hệ trong xã hội. Ý thức là nguồn động viên cho sự vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh thực tại nhưng cũng có ý thức tạo cho con người tính mặc cảm, tự ty thân thế, số phận, làm thui chột hao mòn năng lực, tri thức bản thân. Học sinh Tiểu học dân tộc thiểu số đến trường trong tâm thế “hèn mọn” đó. Các em cũng đã biết nhìn ngắm những trang phục của các bạn học sinh người Kinh, nhìn lại trang phục của mình. Nhiều em học sinh đến trường bằng những đôi dép cũ kỹ, hoặc trong trang phục không lành lặn, hay với những đồng phục bắt buộc nhàu nát mà các em không chỉ dành cho đến trường, hay cùng với những cuốn tập bị bỏ quên ngay sau khi rời lớp. Tâm tư ấy cũng phần nào làm cho tinh thần học tiếng Việt của các em học sinh Tiểu học người dân tộc thiểu số bị suy giảm.
Như đã phân tích ở trên, chính điều kiện sống như thế đã không tạo cho các em
một môi trường học tập, một góc học tập cá nhân, lại càng không thể xây dựng trong các em ý thức học tập, rèn luyện. Vốn kiến thức về tiếng Việt ở các em hạn chế, ít ỏi là điều hiển nhiên. Chính vì thế, các em rất ngại phải giao tiếp bằng tiếng Việt, lo sợ phải phát biểu xây dựng bài trong giờ học, lo ngại phải giao tiếp với giáo viên ngoài giờ học, đặc biệt là các em rất khó tiếp thu bài ở những môn học khác. Điều này đồng nghĩa với việc kiềm hãm sự phát triển tư duy ở các em, khó tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện! Học sinh đã bắt đầu lo lắng cho mỗi giờ đến lớp, “sợ” phải đến trường. Học tập lúc này là công việc quá khó khăn đối với các em. Đối với người dân tộc Ê-đê, không gian sống của họ rất đặc trưng, không có ranh giới giữa không gian sinh hoạt gia đình và đương nhiên sẽ không có không gian sống cá nhân. Đây chính là đặc trưng văn hóa của người dân tộc Tây Nguyên. Không gian sống đặc thù này của người Tây Nguyên khắc sâu trong các em về truyền thống văn hóa, về cội nguồn. Chúng ta nhận biết không gian sống đặc biệt ấy qua kiến trúc nhà ở của họ, một không gian chung cho tất cả những người trong gia đình. Chính vì vậy, việc tạo một không gian học tập cho học sinh là điều không thể. Hoạt động sống này đã không tạo điều kiện học tập cho các em, mà còn làm cho chất lượng học tập của các em ngày càng giảm sút. Đối với các em, tự học là chủ yếu, bởi vì anh chị, cha mẹ, người thân trong gia đình hoặc không có khả năng hướng dẫn, hoặc không có ý thức trách nhiệm đôn đốc nhắc nhở quản lý, hay do hoàn cảnh sống khó khăn mà gia đình đã không chú trọng tới việc học của con, em mình. Điều này cho thấy đa số các em không được nằm trên một cái nền học vấn nhất định nào đó của gia đình. Việc học tập của các em phải nhờ đến sự tận tâm của giáo viên, nhờ vào kế hoạch giáo dục của nhà trường. Cho nên ý thức học tập là đặc tính rất cần được chúng ta xây dựng cho các em
5.2.3 Khó khăn của đội ngũ giáo viên
Đa số giáo viên người Kinh giảng dạy đều không biết ngôn ngữ Dân tộc, nếu biết thì cũng chỉ dừng ở mức độ rất ít nên họ không thể so sánh, đối chiếu, liên hệ khi gặp những huống cần thiết trong dạy học tiếng Việt cho đối tượng học sinh đặc biệt này. Mặt khác, về
phong tục tập quán, họ lại càng không có điều kiện tìm hiểu, cho nên họ khó có thể tiếp cận với phụ huynh, gia đình các em, khó có thể tiếp xúc gần gũi, rút ngắn khoảng cách, xóa ranh giới không cần thiết giữa thầy và trò, để dạy tiếng Việt hiệu quả.
Xem tiếp: Tải file miễn phí tại đây