Sản phẩm khoa học kỹ thuật được rao bán như mớ rau, con cá

QUANG ĐẠI

  –  

Thứ sáu, 13/05/2022 17:26 (GMT+7)

Các hoạt động trao đổi, mua bán, mặc cả các sản phẩm dự thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh diễn ra sôi động, công khai trên các nhóm, diễn đàn của mạng xã hội nhiều năm qua.

Sản phẩm khoa học kỹ thuật được rao bán như mớ rau, con cáSản phẩm dự thi KHKT dành cho học sinh được giới thiệu trên mạng xã hội dành cho ai có nhu cầu “tư vấn, thiết kế”. Ảnh: QĐ

Sôi động “chợ” sản phẩm khoa học kỹ thuật học sinh trên mạng xã hội

Đăng ký tham gia và nhanh chóng được chấp nhận vào nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” trên mạng xã hội Facebook với hơn 13.000 thành viên được lập ra từ năm 2014, tôi thực sự choáng ngợp trước không khí sôi động ở cái “chợ” đặc biệt này.

Một thành viên đăng trạng thái vào mục “Thảo luận” của nhóm “Sáng tạo hoa học kỹ thuật” với 130 nghìn thành viên trên Facebook. Ảnh: QĐMột thành viên đăng trạng thái vào mục “Thảo luận” của nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” với 130 nghìn thành viên trên Facebook. Ảnh: QĐ

Trong mục “Thảo luận”, xuất hiện rất nhiều bài có nội dung rao bán các sản phẩm phục vụ cho cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh phổ thông. Vô số các mặt hàng được trao đổi, chào bán, hỏi mua, như: Robot và máy thông minh, khoa học xã hội và hành vi, điện tử và cơ khí, sản phẩm thân thiện với môi trường….

Các thành viên đăng trạng thái rao bán và xin mua sản phẩm KHKT vào mục “Thảo luận” của nhóm “Sáng tạo hoa học kỹ thuật” trên Facebook. Ảnh: QĐCác thành viên đăng trạng thái rao bán và xin mua sản phẩm KHKT vào mục “Thảo luận” của nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” trên Facebook. Ảnh: QĐ

“Mình có đề tài về phần mềm hệ thống bạn nào cần chuyển nhượng giá rẻ thì ib”, “Chào mọi người, mình có một máy đo thân nhiệt không tiếp xúc, có loa thông báo nhiệt độ. Bạn nào mua ib mình, mình sẽ hỗ trợ code, báo cáo, bản vẽ,..”; “Thầy cô cần KHKT hành vi chuẩn bị năm sau ib e nhá”… là các trạng thái xuất hiện với tần số dày đặc trên nhóm này.

Đặc biệt, dòng trạng thái “Chào quý thầy cô, em có bài thi khoa học hành vi đạt giải Nhì cấp tỉnh thành. Bài học sinh vừa thi, đầy đủ tài liệu (có phí ạ); Mỗi tỉnh em chuyển giao cho một thầy/cô ạ”…. có vài chục tài khoản bình luận với nội dung xin trao đổi riêng để thương lượng.

Một thành viên của nhóm quảng bá các sản phẩm dự thi KHKT. Ảnh: QĐMột thành viên của nhóm quảng bá các sản phẩm dự thi KHKT. Ảnh: QĐ

Một số thành viên còn đăng cả video, hình ảnh về mô hình, sản phẩm, giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi KHKT cấp tỉnh lên mạng để khoe và phục vụ mục đích mua bán.

Một giáo viên cho biết đã tham gia một nhóm trên Facebook và bán được 2 đề tài, mỗi đề tài 5 triệu đồng, và tiếp tục rao bán vài đề tài nữa. “Thực ra cũng không phải là mới, mà tôi tham khảo sản phẩm trên mạng, về chế lại một chút là bán được” – giáo viên này tâm sự và cho biết thêm nhu cầu của các trường mua sản phẩm để dự thi KHKT là khá lớn.

Bên cạnh những ý kiến trao đổi, thương lượng, có những ý kiến thành viên lên tiếng phản đối việc trao đổi, mua bán đề tài thi KHKT. Thành viên có tên “Thái Vũ Nguyễn Trần bình luận:

“Sản phẩm sáng tạo tham gia thi mà mua bán như mớ rau con cá ngoài chợ vậy”.

Tại sao các thầy cô lại phải đi mua sản phẩm KHKT?

Bên cạnh không khí “mua bán” sôi động, trên nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” với hơn 13.000 thành viên nói trên vẫn xuất hiện những tiếng nói phản đối, bức xúc.

Thành viên Phạm Gia Khánh bức xúc về tình trạng mua bán sản phẩm KHKT trên mạng xã hội. Ảnh: QĐThành viên Phạm Gia Khánh bức xúc về tình trạng mua bán sản phẩm KHKT trên mạng xã hội. Ảnh: QĐ

Thành viên Phạm Gia Khánh, trong trạng thái đăng ngày 8.5.2022 chia sẻ: “Em có một thắc mắc…tại sao các thầy cô lại phải đi mua sản phẩm KHKT? Em đi thi thấy đa số sản phẩm đều đã qua mua bán, và đáng lẽ không đáng để được giải…Nhưng những sản phẩm này còn được giải cao hơn những sản phẩm mà các bạn học sinh thực sự lên ý tưởng, thực sự làm.

Còn nữa, có những sản phẩm em thấy nó quá là ảo, quá sức so với một học sinh trung học, đa số nằm ở lĩnh vực sinh hoá…học sinh trung học nghiên cứu được công nghệ gen, chống ung thư… nực cười”.

Các hoạt động rao bán sản phẩm KHKT vẫn diễn ra rầm rộ. Ảnh: QĐCác hoạt động rao bán sản phẩm KHKT vẫn diễn ra rầm rộ. Ảnh: QĐ

Phạm Gia Khánh cho biết em cảm thấy bất công khi bản thân có niềm đam mê khoa học kỹ thuật. Nhưng sản phẩm mà em mất gần 2 tháng để lên ý tưởng, lập trình và hơn 30 phút trình bày và phản biện, bảo vệ ý tưởng… lại không bằng một sản phẩm đi mua, đối thủ chỉ việc học thuộc thuyết trình trong một tuần, lên không trả lời được một câu hỏi nào của giám khảo nhưng vẫn đạt giải cao hơn.

Thành viên Long Ngo Sy cũng lên tiếng: “Sản phẩm của giáo dục được một số thầy cô rao bán và mua như ngoài chợ trời thì họ đang giết chết thế hệ trẻ chủ nhân tương lai của đất nước và bán rẻ nhân phẩm nhà giáo”.

Nhiều thành viên khác bày tỏ bức xúc và lí giải việc mua sản phẩm về dự thi là do sự áp đặt về chỉ tiêu từ cấp trên, do bệnh thành tích và đề nghị bãi bỏ quy định tuyển thẳng vào đại học đối với các thí sinh đạt giải.