Sản phẩm dinh dưỡng y tế phải đáp ứng các yêu cầu nào?
Công ty TNHH Thương mại Thuận Phát Food thắc mắc liên quan đến 2 tờ khai mà công tác thực hiện khai đối với mặt hàng “Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng y tế (Pediasure- vanilla shake)”, theo Tổng cục Hải quan, về xác định hàng hóa tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nêu rõ: “Điều 3. Giải thích từ ngữ trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau: 2. Thực phẩm dinh dưỡng y học còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes, Medical Food là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế. 3. Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (Food for Special Dietary Uses) dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường cùng bản chất, nếu có”.
Ảnh minh họa.
Tham khảo chú giải SEN về sản phẩm dinh dưỡng y tế tại các mã số 1901.10.91, 1901.90.11, 1901.90.91, và 2106.90.96, Tổng cục Hải quan nhận thấy: Sản phẩm dinh dưỡng y tế là thực phẩm có công thức đặc biệt và dùng để kiểm soát chế độ ăn kiêng của bệnh nhân có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt mà không thể đáp ứng được bằng chế độ ăn thông thường. Sản phẩm dinh dưỡng y tế khác với nhóm thực phẩm dùng cho chế độ ăn kiêng đặc biệt và khác với các thực phẩm truyền thống phục vụ nhu cầu sức khỏe.
Do đó, để được coi là sản phẩm dinh dưỡng y tế thì sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như: là thực phẩm dùng bằng đường miệng hoặc bằng ống (ống xông dạ dày); được ghi trên nhãn là dùng để kiểm soát chế độ ăn kiêng đối với trường hợp rối loạn sức khoẻ, mắc bệnh đặc thù, hoặc tình trạng cần có yêu cầu dinh dưỡng đặc biệt và được sử dụng dưới sự giám sát về y tế.
Theo đó, đối chiếu các quy định và hướng dẫn nêu trên, Tổng cục Hải quan cho rằng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt không phải là sản phẩm dinh dưỡng y tế, không thuộc phạm vi mô tả của mã số 2106.90.96.
Đối với phân loại hàng hóa, Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty TNHH Thương mại Thuận Phát Food thực hiện theo Thông báo về kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu số 249/TB-TCHQ ngày 18/1/2021 và hướng dẫn tại công văn số 271/TCHQ-TXNK ngày 20/1/2021, công văn số 6207/TCHQ TXNK ngày 30/12/2021 của Tổng cục Hải quan để thực hiện phân loại hàng hóa đúng quy định.