Sân khấu chạy đua công nghệ số
Hai năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều sân khấu tại TP HCM đã phải đóng cửa, trước bối cảnh này, sân khấu online đã ra đời. Các chương trình nghệ thuật trực tuyến dần đã thu hút khán giả, do vậy đã gia tăng nhu cầu nhân sự có tay nghề cho việc sản xuất chương trình trên các nền tảng số.
Làm quen với ống kính máy quay
Bên cạnh sân khấu trực tiếp đã dần hoạt động trở lại sau đại dịch, nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật hiện nay đã được phát hành trên nền tảng số. Nhiều nghệ sĩ, sân khấu tại TP HCM đã xác định chuyển đổi số là một xu thế, cũng là cơ hội để duy trì và phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật.
NSND Việt Anh hướng dẫn diễn viên Trúc Vy tương tác với khán giả trên nền tảng số trong vở kịch “Khúc trầm hương”
Theo NSND Việt Anh, không phải cứ đưa các tiểu phẩm ngắn chọc cười vô tội vạ lên mạng xã hội là coi như đã có nhà hát, sân khấu online. Muốn người xem truy cập nhiều thì chương trình phải thiết kế lại cho phù hợp với công nghệ số về nội dung, thời lượng, cách chuyển tải đến công chúng… Hiện nay, NSND Việt Anh đang tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực dàn dựng tác phẩm cho YouTube và diễn xuất trên các nền tảng số.
Tương tự, đạo diễn Đinh Mạnh Phúc ngoài công việc đào tạo diễn viên trẻ cho Sân khấu Kịch Hồng Vân, gần đây anh đã đầu tư thành lập đội ngũ chuyên thực hiện các sản phẩm YouTube. Anh nhấn mạnh để có được đội ngũ làm nghề giỏi, thao tác đúng chuẩn cho các sản phẩm khai thác trên nền tảng số, cần phải gấp rút đào tạo nhân sự đáp ứng nhu cầu đang rất lớn này.
“Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật trên nền tảng số phải có chuẩn sản xuất riêng khi đưa lên Facebook, YouTube, TikTok… Kỹ năng diễn xuất trên sân khấu là chưa đủ, diễn viên khi thực hiện chương trình cho số hóa phải học cách diễn trước ống kính máy quay, góc máy…” – đạo diễn Đinh Mạnh Phúc nói.
Đạo diễn Đinh Mạnh Phúc (bìa phải) đang hướng dẫn các diễn viên diễn xuất trước ống kính.
Để vận hành tốt kênh YouTube của mình, nghệ sĩ Vũ Văn Long (Long “đẹp trai”) nhiều tháng qua cũng đã phải tự thực hiện một khóa đào tạo nhân sự bao gồm quay phim, biên kịch, diễn viên chuyên thực hiện các sản phẩm nghệ thuật đúng chuẩn cho không gian kỹ thuật số.
NSND Hồng Vân cũng cho hay đang chuẩn bị kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân sự đúng xu thế số hóa. Để thực hiện việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu cho sân chơi số, cũng phải chuẩn bị giáo trình giảng dạy, cả đầu tư trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật vận hành phù hợp.
Kênh YouTube, Facebook “sạch”
Nói về thực tế các sân khấu nghệ thuật đang bị tác động mạnh bởi nền tảng số, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, cho rằng có lẽ chưa bao giờ đời sống nghệ thuật đối mặt với với cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Để những chương trình nghệ thuật phù hợp với công nghệ kỹ thuật số rất cần đội ngũ lành nghề tham gia, nên cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Hiện nay, nhiều nghệ sĩ, sân khấu đã nhanh chóng thích ứng tình hình mới là vừa đào tạo diễn viên cho sân khấu vừa đào tạo lực lượng chuyên làm YouTube và khai thác nền tảng số.
NSND Việt Anh phân tích: “Việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu cho sân chơi số là cần nhưng phải xác định một tiêu chí quan trọng khác là đừng quá chú tâm vào việc kiếm tiền trên nền tảng số. Hiện nay, không ít kênh YouTube có thể kiếm nhiều tiền một cách dễ dàng. Nhưng các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật đã có thương hiệu thì khác, không thể đi theo con đường này. Mỗi sản phẩm làm ra phải có nội dung “sạch” và tử tế”.
Một cảnh quay của đoàn làm phim chiếu trên nền tảng số của đạo diễn Đinh Mạnh Phúc.
NSND Việt Anh dẫn chứng kênh “Chuyện tử tế” của ông đã dứt khoát nói không với xu hướng chiều theo thị hiếu dễ dãi, cách diễn, cách dựng và khai thác nội dung luôn theo tiêu chí tích cực, lấy điều tử tế để thu hút người xem, từ đó mà lan tỏa dần.
Đạo diễn Đinh Mạnh Phúc cũng đồng tình với NSND Việt Anh. “Tôi cũng trăn trở rất nhiều vì vấn đề này. Bây giờ cơ hội cho các diễn viên trẻ không nhiều nhưng tôi thấy nhiệt huyết và đam mê của các bạn rất lớn. Tôi muốn góp phần đào tạo đội ngũ chuyên làm các sản phẩm cung cấp cho nền tảng số, sân chơi này sẽ thỏa mãn đam mê và chứng tỏ năng lực của họ. Tôi không đồng tình với quan điểm kiếm tiền bằng mọi cách, mà phải góp phần tìm cái chuẩn cho nghề, để ngày càng có thêm những kênh YouTube, Facebook “sạch”, để các bạn diễn viên trẻ có cơ hội được thể hiện mình một cách tử tế” – đạo diễn Đinh Mạnh Phúc bộc bạch.
Theo những nhà chuyên môn, việc đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận công chúng là một xu hướng tất yếu. Ngay bây giờ cần có những giải pháp mang tính chiến lược về đào tạo nhân lực cho xu hướng này, nếu có sự chuẩn bị tốt, sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhu cầu giải trí, qua đó bồi đắp đời sống tinh thần cao đẹp cho khán giả.