Sâm trên lãnh thổ Việt Nam (Bài 4): Đại Việt đệ nhất danh sâm

trần thế vinh

  –  

Chủ nhật, 19/04/2020 07:33 (GMT+7)

Quý bạn đọc đã trải qua ba kỳ báo với những tri thức khác nhau về sâm, từ những cây thuộc họ nhân sâm tới những cây thuốc mang tên sâm có mặt ở khắp mọi miền đất nước.

Sâm trên lãnh thổ Việt Nam (Bài 4): Đại Việt đệ nhất danh sâmCủ Sâm Báo khi thu hoạch. Ảnh: Thiều Đình Hùng

1. Nếu như đến nay trên thế giới đã biết tới 14 loại sâm thuộc chi Panax thì Việt Nam có hai loại: Panax stipuleanatus H.Tsai et K.M. Feng, mọc hoang ở miền nam Trung Quốc từ Vân Nam đến Tây Tạng và miền Bắc Việt Nam; Panax vietnamensis Ha et Grushv., mọc hoang và đã được trồng lưu giữ nguồn gene ở hai tỉnh Kontum và Quảng Nam Việt Nam. Chúng mọc trong môi trường tự nhiên luôn ẩm ướt, thường xuyên có mây mù che phủ. Họ nhân sâm không chỉ dùng để ngâm rượu như ngày nay thường thấy mà còn có thể dùng phối hợp với các vị thuốc bổ khí hoặc bổ huyết khác như sâm quy dưỡng lực gồm sâm Việt Nam, đương quy và một số vị thuốc khác; viên và chè sâm – đinh lăng là dạng thuốc có 2 phần sâm Việt Nam và 1 phần đinh lăng; sâm cốt giao gồm sâm Việt Nam và cao xương động vật…

Nhân sâm khó trồng, hiếm, thời gian thu hoạch lâu nên hơn nửa thế kỷ qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn tìm kiếm những loài khác thuộc họ Nhân sâm để thay thế. Đến nay, họ Nhân sâm (Araliaceae) ở Việt Nam có 130 loài với trên 60 loài đặc hữu, là nước có các loài Nhân sâm rất phong phú, rất đáng để đầu tư nghiên cứu. Ngoài ra Việt Nam còn có nhiều cây thuốc khác được nhân dân gọi là sâm từ lâu đời dù trên thực tế không thuộc họ Nhân sâm, như Sâm Bòng bong (họ Sâm chân rết Helminthostachyaceae), Sâm Bố Chính (họ Bông Malvaceae), Sâm cau (họ Sâm cau Hypoxidaceae), Sâm cuốn chiếu (họ Lan Orchidaceae), Sâm Đại hành (họ Lay ơn Iridaceae), Sâm đất (họ hoa phấn Nyctaginaceae)…

Cá nhân người viết bài này cho rằng những thống kê trên vẫn chưa thực sự đủ để phác nên bức tranh rộng lớn và giầu có về các loại thuốc mang tên sâm ở nước ta. Chẳng hạn đầu xuân năm nay, tại bản vùng cao Son Bá Mười, Bá Thước, xứ Thanh, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây sâm thất diệp nhất chi hoa (bảy lá một hoa) trồng ngay bên thang gác nhà sàn. Cây kỳ hoa dị thảo ấy mới được 5 năm tuổi, mà nghe bà con nói phải trồng đủ 12 năm thì mới có thể dùng. Không rõ cây cỏ nước Nam còn ẩn chứa bao điều huyền diệu?

“Cánh đồng” Sâm Báo. Ảnh: Thiều Đình Hùng“Cánh đồng” Sâm Báo. Ảnh: Thiều Đình Hùng

2. Cũng mùa xuân năm nay, lần đầu tiên tôi nghe nói về sâm núi Báo. Các triều đại phong kiến đã nhận xét Sâm Báo là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Sách “Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo viết: “Nước Nam có nhiều Sâm, chỉ có Sâm đất Biện Thượng công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân Sâm ở núi Báo nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”. Sâm Báo là loài sâm được dùng để dâng vua, tiến chúa từ nhiều trăm năm trước. Bộ sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” nhận định, Sâm Báo đặc biệt quý hiếm và xếp vào dòng Sâm Bố Chính. Sâm Báo (Hibiscus sagittifolius Kurz var septentrionalis Gagnep) chỉ thấy ở một vài điểm thuộc tỉnh Thanh Hóa, còn một loài tương tự như Sâm Báo mọc tự nhiên khá phổ biến dưới tán rừng thưa rụng lá ở Tây Nguyên: Yoóc Đôn, Easúp – Đắc Lắc; Kon Ch’rò, Chư Prông – Gia Lai hoặc đồi cỏ Phú Yên chưa xác định được tên khoa học.

Hiện đã có dự án mang tên “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây Sâm Báo (Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr.) gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa” được thực hiện. Trong dự án này, Sâm Báo được mô tả là cây thân thảo sống nhiều năm, cao từ 30-50cm có khi hơn. Rễ củ hình trụ có màu trắng nhạt dài từ 15-40cm, thân cành có thể mọc đứng cũng có khi bò lan tỏa ra mặt đất; cành hình trụ, không có lông, lá mọc so le phía gốc lá hình trái tim, đầu lá hình tù, cuống lá dài khoảng 2-3cm. Hoa có hai dạng màu đỏ hoặc màu vàng khác gốc, cuống hoa dài 5-8cm. Quả khi già tự mở, hình trứng nhọn, có khía dọc, khi quả chín các khía nứt ra thành 5 mảnh; hạt hình thận màu nâu đen, có thể bung ra để thực hiện phân bố tự nhiên. Cây thường mọc vào đầu xuân từ tháng 1 đến tháng 3 và toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi vào mùa đông từ tháng 11 đến tháng 12. Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 10. Ra hoa 2 đợt trong năm, nhưng vụ chính là tháng 6; củ Sâm Báo thường được thu vào tháng 12 đến tháng 1 khi cây bắt đầu tàn lụi. Sâm Báo là cây ưa sáng, ưa ẩm, thích hợp với đất nhiều mùn, tơi xốp, có lớp đất mặt sâu, thoát nước, nhiều ánh sáng ở miền núi, trung du và đồng bằng, sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm. Hạt nảy mầm tự nhiên vào khoảng tháng 2-3 năm sau.

3. Theo Võ Văn Chi (Từ điển cây thuốc, 2012), bộ phận sử dụng của Sâm Báo chủ yếu là toàn bộ phần củ rễ. Rễ củ thu hoạch sơ chế phơi hay sấy khô kết hợp với ý dĩ, hoài sơn, đương quy, mật ong dùng để bổ khí huyết. Ngoài ra có thể nấu thành cao kết hợp với sữa, cao ban long dùng cho người sức khỏe suy nhược, gầy yếu, khô khát, táo bón… Rễ Sâm Báo giã nhỏ nấu với gạo nếp chữa bệnh bạch đới.

Theo Dược điển Việt Nam V, cây Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr.) là rễ củ đã phơi hay sấy khô của cây Sâm Bố Chính (mọc ở huyện Bố Trạch – Quảng Bình) hay của cây Sâm Báo (mọc ở núi Báo – Thanh Hóa). Rễ củ hình trụ, đầu dưới thuôn nhỏ, dài 10 cm trở lên, đường kính 0,5 – 1,5cm, đôi khi phân nhánh mặt ngoài màu trắng ngà, có nhiều nếp nhăn và vết sẹo của rễ con. Mặt bẻ màu trắng có nhiều bột, không có xơ, mùi thơm vị nhạt và nhầy. Bột dược liệu có màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều hạt tinh bột riêng lẻ, hình dạng thay đổi. Độ ẩm dược liệu không quá 13%; tro toàn phần không quá 12%; tro không tan trong acid không quá 7%, tạp chất không quá 0,1%. Dược liệu phải chứa không quá 25,0% chất chiết được bằng Ethanol 25% . Thu hoạch dược liệu vào mùa Thu, Đông, đào lấy rễ củ loại bỏ rễ con, phơi hoặc sấy khô, có thể đồ chín hoặc ngâm với nước gạo, vớt ra rửa sạch, đồ chín rồi phơi khô.

Theo Phan Văn Đệ, Trần Công Luận (2001) Sâm Báo có thành phần hóa học chính là saponin triterpen, chất nhầy, coumarin, flavonoid, đường khử, acid amin và acid hữu cơ. Trong đó saponin triterpen – nhóm chất tác dụng quyết định, cũng là nhóm dược lý điển hình của cây họ Nhân sâm, có tác dụng tăng lực chống yếu sức. Theo Nguyễn Thị Thu Hương và cộng sự (2005), saponin triterpen trong củ Sâm Báo có tác dụng tăng lực. Nghiên cứu của Đào Thị Vui và cộng sự cho thấy, phân đoạn chloroform của dịch chiết methanol của rễ Sâm Báo phân lập được 5 chất và bằng các phương pháp phân trên phổ so sánh đối chiếu với tài liệu tham khảo và lần đầu tiên ghi nhận được 5 chất trong rễ củ Sâm Báo; đồng thời cũng cho thấy cao nước ép Sâm Báo có tác dụng bảo vệ dạ dày trên mô hình gây loét bằng thắt môn vị, bằng ethanol và bằng indomethacin. Trong đó, cao nước Sâm Báo liều 10g/kg thể trọng có tác dụng làm giảm loét dạ dày bằng cách uống indomethacim 30mg/kg, làm giảm 73,6 so với đối chứng. Cao ép Sâm Báo còn có tác dụng phục hồi loét dạ dày trên các mô hình gây loét bằng indomethacin và gây loét mạn bằng acid acetic. Ngoài ra đã chứng minh được Sâm Báo có tác dụng an thần, giảm đau, giảm co thắt cơ trơn và tăng cường thể lực.

4. Ngày 25.12.2007, Bộ Y tế đã có quyết định số 5325/QĐ-BYT phê duyệt đề cương, nghiên cứu khoa học tên gọi của cây Sâm Báo là Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr, thuộc họ Bông (Malvaceae). Các giống Sâm Báo được thu thập, nhân giống, phổ biến và trồng trong vùng nào thì cần lưu hồ sơ về xuất xứ của cây, hạt hoặc vật liệu nhân giống.

Trước đây Sâm Báo mọc hoang tại núi Báo xã Vĩnh Hùng – Vĩnh Lộc và tại xã Cẩm Bình – Cẩm Thủy – Thanh Hóa. Sau những năm 80, do nhu cầu sử dụng thay thế cho Sâm Bố Chính ngày càng nhiều nên Sâm Báo đã nhanh chóng cạn kiệt và thuộc nhóm bị đe dọa trong Sách Đỏ. Duy tại xã Vĩnh Hùng – Vĩnh Lộc một số hộ dân vẫn duy trì trồng Sâm Báo nhỏ lẻ.

Từ những năm 1995 trở lại đây, Ngành Y tế Thanh Hóa phối hợp với Viện Dược liệu thực hiện nhiệm vụ bảo tồn on-farm (bảo tồn tại chỗ trên đồng đất của nông dân) cây Sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, từng bước nghiên cứu biến cây Sâm Báo trở thành cây trồng trọt. Trung tâm Nghiên cứu Dược liệu Bắc Trung Bộ – Viện Dược liệu đã nghiên cứu thành công kỹ thuật sản xuất hạt giống Sâm Báo có chất lượng tốt đảm bảo phục vụ cho nhu cầu sản xuất dược liệu.

Vùng đất trồng Sâm Báo được yêu cầu không bị ô nhiễm kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh vật; không bị ô nhiễm bởi khu dân cư đông người, không gần khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, bãi tha ma, bãi rác thải, bãi chăn thả gia súc, khu chăn nuôi. Đất trồng Sâm Báo cần có thành phần dinh dưỡng thích hợp, chất hữu cơ và những yếu tố khác để đảm bảo chất lượng, sinh trưởng, phát triển tối ưu của cây thuốc. Việc sử dụng phân bón cần phải đảm bảo yêu cầu, tuyệt đối không sử dụng phân người, phân tươi chưa qua xử lý làm phân bón cho cây thuốc. Phân chuồng cần phải được ủ hoai mục, đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Chỉ sử dụng loại phân hóa học (bao gồm cả phân bón qua lá) đã được nước canh tác và nước tiêu thụ chấp nhận, theo đúng quy trình về khối lượng sử dụng và thời điểm bón phân. Mỗi lần sử dụng phân chuồng, phân bón hóa học đều phải lưu hồ sơ. Vùng đất trồng Sâm Báo cần có tầng canh tác dầy, tơi xốp, nhiều mùn, thuận lợi việc tưới tiêu và thoát nước tốt, không ngập úng, độ pH từ 5,5 – 7.

Trồng Sâm Báo cần tưới tiêu đúng theo các yêu cầu và theo từng thời kì tăng trưởng: Thường xuyên tưới giữ ẩm, dùng hệ thống tưới nhỏ giọt cho là tốt nhất, ngoài ra có thể sử dụng phương pháp tưới ngấm. Nước tưới cho Sâm Báo có thể sử dụng là nước sông, suối, ao, hồ, giếng khoan… là nước an toàn được giới hạn bởi GAP. Rãnh luống trồng sâm thường xuyên xới xáo cỏ để khơi thông và vệ sinh sạch sẽ, tránh nước mưa ngập úng cục bộ. Nước dùng để tưới cần đạt đảm bảo theo tiêu chuẩn của địa phương, quốc gia: Giới hạn cho phép của các vi sinh vật gây bệnh trong nước (E.coli) theo QCVN 39:2011/ BTNMT; Giới hạn cho phép của kim loại nặng trong nước (As; Cd; Cr; Hg;Cu; Pb;Zn) theo QCVN39:2011/ BTNMT; Không để cây ở vào tình trạng thiếu nước hoặc úng nước. Mọi hóa chất nông nghiệp dùng để kích thích tăng trưởng hoặc để bảo vệ cây cần được hạn chế ở mức tối thiểu và chỉ áp dụng khi không còn biện pháp nào khác. Giới hạn tồn đọng thuốc BVTV ở cả cây giống và trên sản phẩm thảo dược khi thu hoạch phải theo quy định của các cơ quan luật pháp địa phương, khu vực và cấp quốc gia của các nước và khu vực của cả nhà cung cấp giống và người sử dụng cuối cùng. Chỉ có các nhân viên đủ khả năng sử dụng các thiết bị đã có sự phê chuẩn mới được tiến hành áp dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Tất cả các lần áp dụng đều phải lưu hồ sơ. Việc trồng Sâm Báo có thể gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và xã hội, gây mất cân bằng sinh học… do đó cần theo dõi tác động sinh thái của các hoạt động trồng trọt theo thời gian để có giải pháp điều chỉnh.

5. Cây Sâm Báo được thu hoạch đúng mùa vụ hay khoảng thời gian tối ưu để có được sản phẩm dược liệu có năng suất và chất lượng tốt nhất có thể, phù hợp nhất với bộ phận dùng làm thuốc, tránh sương, mưa hoặc độ ẩm quá cao. Sâm Báo sau thu hoạch được hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với đất để giảm tối thiểu sự xâm nhập của vi khuẩn và các nguồn gây hại nguy hiểm từ đất. Vật liệu chứa đựng dùng để thu hoạch cũng được giữ sạch sẽ, cách ly an toàn với các nguồn gây ô nhiễm và từ cây thuốc đã thu hoạch trước đó.

Dự án trồng Sâm Báo ở Vĩnh Lộc do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa là cơ quan chủ quản. Thiều Đình Hùng, người đứng đầu chủ trì việc thực hiện trồng Sâm Báo cho tôi biết, năm 2019 trồng được 2,5 ha thu được 5,5 tấn Sâm Báo tươi, giá thị trường là 150 nghìn/ kg, tổng giá trị từ sâm tươi đạt khoảng 800 triệu đồng. Năm 2020 đã triển khai trồng cùng với bà con tại huyện Vĩnh Lộc được 10 ha, với sản phẩm chính là sâm tươi ngâm rượu và chuẩn bị ra mắt hai sản phẩm mới là trà Sâm Báo và nước ép từ Sâm Báo.

Sâm Báo là một câu chuyện điển hình trong việc biến một loài sâm huyền thoại tưởng như chỉ còn trong sách vở thành một loài cây trồng trọt, giúp chúng thoát khỏi nguy cơ cạn kiệt và có giá thành phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp nhân dân.

Vẫn còn đó khối núi lớn Hoàng Liên Sơn lừng lững kéo dài từ phía tây tỉnh Yên Bái tới tận biên giới Việt – Trung và các khối núi lớn khác miền Tây Bắc, quê hương sinh thành của những loài sâm quý hiếm ẩn cư trong mây mù và sương ẩm. Chúng ta sẽ trở lại sau với chủ đề này khi có dịp.