Sâm Khoai: Cây trồng mới tại cao nguyên đá Đồng Văn giúp bà con nông dân giảm nghèo bền vững
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, thực hiện có hiệu quả công cuộc giảm nghèo bền vững, trong hai năm qua huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây Sâm Khoai mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra được thu mua hết, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người dân Tả Lủng chăm sóc cây Sâm Khoai
Chúng tôi đến thôn Há Súng, xã Tả Lủng (Đồng Văn), vào đúng dịp người dân đang thu hoạch củ Sâm Khoai. Vụ đông này, nhiều bà con nông dân xã Tả Lủng phấn khởi vì được mùa vụ củ Sâm Khoai. Vừa thoăn thoát nhổ từng khóm Sâm Khoai, củ nào cũng to, dài, lăn lông lốc bên nương, anh Hầu Sính Thò, thôn Há Súng cho biết: Thực hiện chủ trương của cấp trên về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, nên gia đình anh đã mạnh dạn chuyển 1ha đất nương trồng ngô kém hiệu quả chuyển sang trồng cây Sâm Khoai từ hai năm nay, lợi nhuận đem lại gần 300 triệu đồng/1ha/năm. Anh Thò chia sẻ: Vườn nhà anh nằm ở thung lũng giữa khe đá, bốn bề đều là núi đá cao dựng đứng, nên đất ở đây luôn có độ ẩm, khí hậu mát mẻ trung bình 18-25 độ và có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, nên rất thích hợp với cây Sâm Khoai sinh trưởng và phát triển, ngàn đời nay anh đã trồng cây ngô nhưng thu nhập rất thấp. Nhận thấy mô hình trồng cây Sâm Khoai có sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật của nhà nước, đồng thời có sự liên kết với Doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân với giá trung bình từ 10 – 15 nghìn đồng/kg, nên gia đình anh đã quyết định chuyển từ trồng cây ngô sang trồng cây Sâm Khoai.
Người dân xã Tả Lủng thu hoạch củ Sâm Khoai
Theo anh Thò, thời vụ trồng thích hợp nhất là từ tháng 2 – 3 và thu hoạch vào tháng 12, không mất nhiều công chăm sóc, kỹ thuật làm đất cũng đơn giản, chỉ cần cuốc hố để trồng, có thể trồng ở những bờ đá, bờ nương đều được, còn công chăm sóc chỉ cần 2 lần; chăm sóc lần 1 khi cây mọc lên khỏi mặt đất khoảng 20 – 30 cm sau trồng từ 1 – 2 tháng thì xới nhẹ, làm cỏ, vun gốc. Chăm sóc lần 2 cách lần 1 từ 30 – 40 ngày, tiến hành xới nhẹ, làm cỏ, và vun gốc lần cuối giúp cho cây đứng vững, để ra được nhiều củ, củ to.
Củ Sâm Khoai
Củ Sâm Khoai có lớp vỏ nhẵn, bên trong lõi màu vàng nhạt, khi ăn có vị ngọt mát, mùi thơm đặc trưng, có thể ăn sống như món tráng miệng, ép nước giải khát hoặc xào nấu làm thức ăn, có giá trị dinh dưỡng cao, tác dụng bồi bổ sức khỏe, phù hợp với những người ăn kiêng, là loại thực phẩm tốt nên được thị trường ưa chuộng. Theo Đông y củ Sâm Khoai hay còn gọi là Khoai Sâm đất, củ có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, ngoài ra nó có tác dụng giảm đau và sưng trong viêm khớp. Dân gian thường lấy củ Sâm đất ngâm rượu uống hoặc dùng củ để ăn sống hoặc nấu chín giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan.
Cạnh nương bên, anh Hầu Mí Say cũng đang thu hoạch củ Sâm Khoai, anh Say cho biết: Gia đình anh có 0,5ha trước đây chuyên trồng ngô, bí và rau đậu các loại nhưng hằng năm cho thu thập rất thấp, sau khi nghe cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển hết diện tích đất trồng ngô sang trồng cây Sâm Khoai.
Củ Sâm khoai khi gọt vỏ ngoài, bên trong có màu vàng
Sâm khoai là cây dễ trồng, không có sâu bệnh hại, nhưng để cây sai củ, cho củ to và đồng đều, gia đình anh đều cẩn thận trong khâu làm đất từ khâu phát dọn cò, cày bừa đất hoặc cuốc hố để trồng với khoảng cách cây cách cây 70 cm-80cm, hàng cách hàng 80- 100cm, tạo rãnh thoát nước không để ngập úng gây thối củ và và chọn giống củ giống khỏe, đồng đều, không bị nhiễm sâu bệnh, không dập nát, thối hỏng.
Củ Sâm Khoai có thể ăn sống như món tráng miệng, ép nước giải khát hoặc xào nấu làm thức ăn
Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lủng Vàng Mí Pó cho biết: Năm 2021, xã trồng thử nghiệm cây Sâm Khoai với diện tích 0,20 ha, có 8 hộ tham gia trồng trên địa bàn các thôn Đề Đay, Há Súng, Há Đề A, Há Đề B. Qua vụ đầu trồng cho thấy, cây Sâm Khoai phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã, cho năng suất, chất lượng tốt. Đến năm 2022 xã Tả Lủng tiếp tục nhân rộng trồng trên 5,3ha và có 19 hộ tham gia trồng và nhân rộng lên 4 thôn Há Súng, Hà Đề A, Há Đề B và thôn Chín Chứ Lủng. Sau 10 tháng cho thu hoạch, mỗi gốc cho thu hoạch khoảng 15 kg củ, trung bình 1ha năng suất đạt khoảng 50 tấn/ha, trừ chi phí lợi nhuận đem lại trung bình khoảng 500 triệu đồng/ha.
Sau 10 tháng cho thu hoạch, mỗi gốc Sâm Khoai cho thu hoạch khoảng 15 kg củ
Trung bình 1ha năng suất đạt từ khoảng 50 tấn/ha
Ông Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đầu tư thâm canh tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Đồng thời để đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân và hợp tác xã một cách hiệu quả, bền vững nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã. UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức triển khai rà soát, xác định diện tích liên kết trồng và các điều kiện ký kết với tổng diện tích toàn huyện là 11,6 ha được trồng tại 09 xã, thị trấn và cấp kinh phí hỗ trợ 57,5 triệu đồng thực hiện trồng củ Sâm khoai. Đồng thời đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn huyện giúp các xã, thị trấn chuẩn bị việc ký kết, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm củ Sâm Khoai với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp – Dịch vụ tổng hợp Pó Mỷ, thống nhất cao với các xã, thị trấn chuẩn bị kỹ lưỡng Hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm củ Sâm Khoai với giá thành thu mua sản phẩm 10.000đ/kg.
Từ hiệu quả cây Sâm Khoai tại cao nguyên đá Đồng Văn đem lại, thời gian tới, huyện Đồng Văn tiếp tục khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo cho củ Sâm Khoai to, đều, đẹp, cho năng xuất, sản lượng cao, chú trọng xây dựng thương hiệu để Sâm Khoai Đồng Văn vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là hướng đi mới giúp cho bà con nông dân vùng cao Hà Giang giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức
(Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn)