Sâm Fansipan – củ rừng đang trở thành đặc sản cho người dân Y Tý.
(PLVN) – Sâm Fansipan hay còn gọi là sâm đất Hoàng Sin Cô vốn là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng chỉ có ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với đặc điểm là vùng núi cao, đất tơi xốp, thoát nước và có khí hậu lạnh mới có thể trồng chất lượng và cho hiệu quả cao đối với loại sâm này. Từ một nông sản được bà con nơi đây trồng để ăn giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, có giá trị dinh dưỡng cao, sâm Fansipan dần được nhiều người biết đến và mang bán đi khắp nơi, góp phần vào việc tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con vùng núi cao Tây Bắc.
Y Tý thủ phủ của sâm Fansipan
Xã Y Tý là xã vùng cao của huyện Bát Xát, nằm ở cực tây của biên giới Lào Cai, cách xa tỉnh lỵ khoảng trăm cây số, được mệnh danh là “xứ mưa” của vùng cao nguyên này. Để đến với xã Y Tý, phải vượt một cung đường với nhiều đèo dốc, đường đi khó khăn, địa hình đầy phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi đá cao quanh co, hiểm trở có độ cao hơn 2.000m.
Cư dân sinh sống tại đây chủ yếu gồm người dân tộc Mông, Dao, Giáy và Hà Nhì, đặc biệt là cộng đồng người Hà Nhì đen, một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Ở đây, thường có mưa nhiều, không khí lạnh, rét, lúc nào cũng ẩm ướt. Mùa hè thì mưa lớn ào ạt, mùa đông có sương mù lạnh giá bao phủ dày đặc, tù mù cả tháng không thấy ánh mặt trời.
Cây sâm Fansipan được trồng rất nhiều ở vùng núi cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Bà con nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt với các loại cây trồng như lúa, rau trái vụ, lạc, ngô. Nếu như mấy năm trước, sau khi các cây trồng được thu hoạch xong, vùng núi Y Tý chỉ còn trơ trọi những sườn núi lô nhô đá xám, cỏ cây úa vàng vì gió, lạnh, sương mù thổi “quần quật” suốt ngày đêm. Thì nay, đến với Y Tý, quang cảnh tìu hiu đó dường như đã được “thay da đổi thịt” bằng một màu xanh mướt bởi những vạt sâm Fansipan. Chúng được trồng ở khắp nơi, phủ kín khắp các triền đá, lối đi, các nương rẫy, ruộng bậc thang, quanh nhà dân…
Ông Tráng A Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết, sâm Fansipan ở đây được bắt nguồn từ năm 2010, có người dân xuống Sapa và được thưởng thức một loại sâm ăn thấy ngọt nên đã mang về Y Tý để trồng thử. Loại cây này rất dễ trồng nên qua một năm, đến khi thu hoạch cho khá nhiều củ. Vì vậy, người dân đã nhân giống trồng rộng rãi ở Y Tý.
Ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình, một số hộ trồng được nhiều đã đem sâm bán lại cho các khách du lịch đến đây để ăn giải khát. Thời điểm đó, sâm chỉ bán được với giá 10.000đồng/kg. Thấy sâm Fansipan dễ trồng, có năng suất cao và góp phần tăng thêm thu nhập, từ năm 2016 – 2018, sâm được nhân giống trồng rộng rãi cho các thôn trong xã.
Là người có kinh nghiệm trồng sâm Fansipan nhiều năm, ông Tráng A Lử chia sẻ, sâm được bà con trồng lẻ tẻ ở trong vườn nhà, nương rẫy. Khu vực nào đất tơi xốp, có màu đen sẽ cho sâm củ to, mẫu mã đẹp, ăn ngon ngọt.
Trước khi trồng, người dân sẽ xới đất lên. Sau đó, từ một khóm giống, họ có thể chia ra trồng được từ 15 – 20 hốc. Mỗi hốc sâm sẽ ra 4,5 cây sâm nhỏ và cứ thế chúng lớn lên tự nhiên. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, sâm không bị mắc sâu bệnh. Đây cũng là một điểm đặc biệt, thu hút người dân tăng diện tích trồng sâm.
Theo kinh nghiệm của ông Tráng A Lử, để sâm phát triển tốt, cho chất lượng, hiệu quả cao, khi trồng, họ sẽ bón thêm phân chuồng (phân trâu, bò) vào gốc cây và thỉnh thoảng làm sạch cỏ. Cây sâm được trồng từ trước Tết nguyên đán, đến tầm tháng 10, tháng 11 khi sâm cao khoảng 1,5 mét và trổ hoa màu vàng tươi cũng là lúc vào mùa thu hoạch.
Người dân sẽ mang cuốc ra đào sâm hoặc chỉ cần dùng tay lay nhẹ gốc vài cái rồi nhấc lên cả chùm củ sai lúc lỉu. Trung bình một gốc sâm sẽ cho khoảng 3 – 4 kg củ. Tuy nhiên, nếu gặp thời tiết mưa nhiều, không thuận gió hoà, củ sâm không được thu hoạch kịp sẽ nhanh bị thối, không dùng được. “Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi phải đào rãnh thoát nước để nước không bị đọng lại ở gốc sâm”, ông Lử chia sẻ.
Hấp thụ nắng mưa, sương gió, khí trời mát mẻ quanh năm và lại được trồng ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, sâm Fansipan ở vùng cao Y Tý có vị ngon ngọt, thanh mát là lạ mà không phải thứ củ nào cũng có được. Dường như chỉ có ở Y Tý, sâm Fansipan mới trở lên đặc biệt và chất lượng hơn cả.
Ông Tráng A Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý chia sẻ về cây sâm Fansipan.
Loại cây xoá đói giảm nghèo cho người dân
Căn cứ vào các tài liệu nghiên cứu, trong củ sâm Fansipan có hàm lượng saponin giống như trong củ sâm Hàn Quốc, rất bổ dưỡng, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Đặc biệt, chất saponin còn hỗ trợ làm giảm lượng cholesterol trong máu bằng cách ngăn chặn tái hấp thụ. Saponin hoạt động trực tiếp như một chất chống oxy hoá, vì vậy sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch, nguy cơ ung thư đại tràng. Dùng sâm Fansipan còn làm tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bởi ký sinh trùng và bảo vệ không cho vi khuẩn, các loại nấm xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài các hữu ích trên, sâm Fansipan còn có nhiều tác dụng khác như: phòng chống loãng xương, giúp cơ thể dẻo dai, săn chắc, giúp tái tạo da, cải thiện làn da bị hư tổn, là sản phẩm làm đẹp tự nhiên cho phái đẹp.
Với những giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, nhất là phù hợp với người ăn kiêng, phòng ngừa bệnh ung thư. Sâm Fansipan dần được nhiều người biết đến và tìm mua. Từ một sản phẩm nông nghiệp được người dân Y Tý trồng lẻ tẻ, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của gia đình, sâm Fansipan đã được bà con ở các xã như A Lù, Ngải Thầu, Trịnh Tường của huyện Bát Xát mạnh dạn đưa về trồng đại trà, do đó diện tích trồng sâm đã ngày một tăng lên nhanh chóng.
Để giúp bà con ổn định bao tiêu, giá cả, Công ty TNHH Long Hải đã cam kết thu mua với số lượng lớn để chiết xuất thành nước uống đóng chai và sản xuất trà nhúng.
Theo chia sẻ của anh Phu Mò Giờ, Chủ tịch Hội nông dân xã Y Tý, năm 2020, xã Y Tý có gần 30ha trồng sâm Fansipan. Bình quân mỗi ha cho năng suất 20 – 25 tấn củ. Để giúp người dân ổn định được bao tiêu, giá cả, UBND huyện Bát Xát đã giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện làm đầu mối, tìm biện pháp tháo gỡ, giới thiệu về loại củ đặc biệt này đến các đầu mối thu mua.
Chỉ riêng Công ty TNHH Long Hải ở tỉnh Hải Dương – đơn vị sản xuất thạch rau câu nổi tiếng của Việt Nam đã cam kết thu mua khoảng 200 tấn củ sâm Fansipan mỗi năm cho bà con. Số sâm được thu mua về sẽ được Công ty mang về nhà máy ở Hải Dương chiết xuất thành nước uống đóng chai và sản xuất trà nhúng.
Dù thu mua với số lượng lớn mỗi năm nhưng Công ty TNHH Long Hải vẫn cam kết với bà con sẽ thu mua với giá ổn định, phù hợp và giá sẽ được tăng theo thị trường. Do đó, nếu sâm Fansipan chỉ được bán với giá tầm khoảng 6 – 8 nghìn đồng/kg thì người trồng sâm vẫn có thể thu về từ 140 – 170 triệu đồng/ha/năm, góp phần ổn định, đảm bảo đáng kể cuộc sống cho gia đình.