Sách Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong mọi lĩnh vực

Luật Minh Khuê trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuốn sách “Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong mọi lĩnh vực do Hữu Đại và Vũ Tươi hệ thống.

1. Giới thiệu tác giả

Sách “Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong mọi lĩnh vực” Hữu Đại – Vũ Tươi hệ thống.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong mọi lĩnh vực

Sách Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong mọi lĩnh vực

Tác giả: Hữu Đại – Vũ Tươi hệ thống

Nhà xuất bản Lao Động

3. Tổng quan nội dung sách

Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hằng ngày của nhân dân; tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính sự nghiệp và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản mới hướng dẫn xử phạt hành chính trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như:

– Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12-02-2020 Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

– Nghị định số 31/2020/NĐ-CP ngày 05-3-2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03-10-2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính;

– Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24-3-2020 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản;

– Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

– Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;

– Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNNPTNT ngày 25-02-2020 Hợp nhất Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;…

Để giúp các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc các ngành và các địa phương trong cả nước, các cơ quan quản lý nhà nước và đông đảo bạn đọc thuận tiện trong việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, sử dụng và thực hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính, Trung Tâm Sách Pháp Luật phối hợp với Nhà xuất bản Lao Động xuất bản cuốn sách: “Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong mọi lĩnh vực” do Hữu Đại và Vũ Tươi hệ thống.

Cuốn Sách được hệ thống với các phần chính như sau:

Phần thứ nhất: Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định chi tiết thi hành    

Phần thứ hai: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Phần thứ ba: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

Phần thứ tư: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Phần thứ năm: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

Phần thứ sáu: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ, kiểm dịch thực vật

Dưới đây, Luật Minh Khuê trích dẫn quy định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về mua dâm bán dâm theo quy định tại Nghị định 144/ 2021/NĐ-CP để bạn đọc tham khảo:

Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;

c) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;

b) Môi giới, giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy;

b) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;

c) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, kiểm định, kiểm nghiệm, sản xuất, bảo quản, tồn trữ chất ma túy, tiền chất ma túy;

d) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;

đ) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;

e) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;

g) Thực hiện cai nghiện ma túy vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng hoặc sử dụng giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện vào các mục đích khác.

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện khi chưa được đăng ký hoặc cấp phép hoạt động.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và khoản 6 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b và g khoản 5 Điều này;

d) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.

Điều 24. Hành vi mua dâm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm từ 02 người trở lên cùng một lúc.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 25. Hành vi bán dâm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho 02 người trở lên cùng một lúc.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 26. Hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua, bán khiêu dâm, kích dục.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua dâm, bán dâm.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm;

b) Góp tiền, tài sản để sử dụng vào mục đích hoạt động mua dâm, bán dâm;

c) Môi giới mua dâm, bán dâm.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 27. Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Đánh giá bạn đọc

Tác giả đã hệ thống trong cuốn sách “Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong mọi lĩnh vực” nhiều văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính gồm: Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời trích dẫn toàn văn các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính mới trong các lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; tài nguyên nước và khoáng sản; giao thông đường bộ và đường sắt; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; giống cây trồng, bảo vệ, kiểm dịch thực vật… giúp bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu, tìm hiểu và áp dụng trên thực tế để hạn chế những rủi ro pháp lý.

Cũng cần nói thêm rằng, cuốn sách được các tác giả hệ thống vào năm 2020, cũng đã tập hợp những văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực mới nhất song theo thời gian, cùng với sự vận động của thực tiễn, những quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đo, khi sử dụng cuốn sách để tra cứu bạn đọc lưu ý kiểm tra lại hiệu lực của quy định được dẫn chiếu một lần nữa để đảm bảo lựa chọn và áp dụng đúng quy định.

5. Kết luận

Cuốn sách “Sách Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong mọi lĩnh vực” do Hữu Đại và Vũ Tươi hệ thống có giá trị thực tiễn đối với bạn đọc, phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với mọi đối tượng quan tâm tới lĩnh vực pháp lý này.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! 

Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.6162 của Luật Minh Khuê, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!