Sách Giáo Viên Hướng Dẫn Học Tin Học 3 – Tải xuống sách | 1-50 Các trang | PubHTML5

ĐÀO THÁI LAI (Chủ biên) NGUYỄN XUÂN ANH – TRẦN NGỌC KHOA – ĐỖ TRUNG TUẤN NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM

Mục lục Hướng dẫn chung ……………………………………………………………………… ..5 Gợi ý dạy học………………………………………………………………………………. 11 LÀM QUEN VỚI MÁY TÍNH Bài 1. Người bạn mới của em ……………………………………………………………….. 11 Bài 2. Bắt đầu làm việc với máy tính ……………………………………………………… 14 Bài 3. Chuột máy tính …………………………………………………………………………… 16 Bài 4. Bàn phím máy tính ……………………………………………………………………… 18 Bài 5. Tập gõ bàn phím…………………………………………………………………………. 20 Bài 6. Thư mục……………………………………………………………………………………… 22 Bài 7. Làm quen với Internet…………………………………………………………………. 25 Học và chơi cùng máy tính: Trò chơi Blocks ………………………………………………. 28 EM TẬP VẼ Bài 1. Làm quen với phầm mềm học vẽ…………………………………………………. 30 Bài 2. Vẽ hình từ hình mẫu có sẵn. Chọn độ dày, màu nét vẽ…………………… 33 Bài 3. Vẽ đường thẳng, đường cong………………………………………………………. 35 Bài 4. Tẩy, xoá chi tiết tranh vẽ……………………………………………………………… 37 Bài 5. Sao chép, di chuyển chi tiết tranh vẽ……………………………………………. 39 Bài 6. Tô màu, hoàn thiện tranh vẽ……………………………………………………….. 41 3

Bài 7. Thực hành tổng hợp……………………………………………………………………. 43 Học và chơi cùng máy tính: Tập vẽ với phần mềm Tux Paint……………………… 45 SOẠN THẢO VĂN BẢN Bài 1. Bước đầu soạn thảo văn bản………………………………………………………… 48 Bài 2. Gõ các chữ ă, â, đ, ê, ô, ơ, ư………………………………………………………….. 52 Bài 3. Gõ các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng………………………………………….. 55 Bài 4. Chọn phông chữ, cỡ chữ……………………………………………………………… 57 Bài 5. Chọn kiểu chữ, căn lề………………………………………………………………….. 60 Bài 6. Luyện tập một số kĩ thuật trình bày văn bản ……………………………….. 63 Bài 7. Chèn hình, tranh ảnh vào văn bản ………………………………………………. 65 Bài 8. Thực hành: Bổ sung một số kĩ thuật soạn thảo văn bản ………………… 68 Học và chơi cùng máy tính: Luyện gõ bàn phím với phần mềm Tux Typing . 70 THIẾT KẾ BÀI TRÌNH CHIẾU Bài 1. Làm quen với phần mềm trình chiếu…………………………………………… 74 Bài 2. Thay đổi bố cục, phông chữ, kiểu chữ, căn lề ………………………………. 77 Bài 3. Chèn hình, tranh ảnh vào trang trình chiếu ………………………………… 79 Bài 4. Thay đổi nền và bổ sung thông tin vào trang trình chiều ……………………… 81 Bài 5. Sử dụng bài trình chiếu để thuyết trình……………………………………….. 83 Học và chơi cùng máy tính: Luyện Toán với phần mềm Tux of Math Command ……………………………………………………… 85 4

HƯỚNG DẪN CHUNG Sách Hướng dẫn học Tin học lớp 3 được biên soạn theo hướng tổ chức các hoạt động học tập của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Cấu trúc của sách được thiết kế theo chủ đề, trong mỗi chủ đề là các bài học; sách có 4 chủ đề và 27 bài học; mỗi bài học có thể được dạy một hoặc nhiều tiết. Kết cấu như vậy để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh có thể chủ động điều tiết thời gian tổ chức dạy học, đồng thời giúp tăng cường hoạt động thực hành cho học sinh. Ở cuối mỗi chủ đề thường có hai phần: Học và chơi cùng máy tính và Bài đọc thêm. Phần Học và chơi cùng máy tính bao gồm các trò chơi hoặc giới thiệu các phần mềm học tập, mục đích của phần này nhằm hướng dẫn các em biết cách sử dụng các phần mềm để phục vụ học tập, rèn luyện tư duy và tạo hứng thú trong học tập. Phần Bài đọc thêm nhằm mục đích cung cấp thêm thông tin liên quan đến chủ đề mà các em đang học. Sách được viết theo từng lớp với mục đích tích hợp các kiến thức các môn học ở từng lớp để vận dụng vào quá trình thực hiện các bài tập. I. VỀ CẤU TRÚC BÀI HỌC Mỗi bài học bao gồm các phần sau: – Mục tiêu; – Hoạt động cơ bản; – Hoạt động thực hành; – Hoạt động ứng dụng, mở rộng; – Củng cố, ghi nhớ. Sau đây là một số lưu ý từng phần. 1. Mục tiêu Phần này nhằm giúp học sinh biết được kiến thức sẽ học được, thao tác sẽ làm được sau các tiết học. Điều này giúp học sinh có định hướng cho hoạt động 5

học tập tốt hơn, các hoạt động trong bài học đều hướng tới các mục tiêu đã đặt ra. Trong quá trình học và cuối bài học, học sinh sẽ tự xác định mình có đạt được mục tiêu đã đề ra hay không. Căn cứ vào đó, giáo viên sẽ tổ chức hoạt động học tập của học sinh, đánh giá kết quả học tập của học sinh. 2. Hoạt động cơ bản Hoạt động cơ bản được thiết kế theo hướng tổ chức học sinh thực hiện các hoạt động tìm tòi, khám phá kiến thức. Lưu ý: Theo yêu cầu của Vụ Giáo dục Tiểu học, ngay từ hoạt động cơ bản, học sinh đã cần làm việc với máy tính. a) Tạo tình huống ban đầu Ở mỗi bài, gắn tới kiến thức mới, giáo viên nên có một tình huống nêu vấn đề để học sinh suy nghĩ, hướng tới nội dung bài học. b) Hình thành kiến thức, kĩ năng mới Trong giai đoạn này, học sinh được giao các nhiệm vụ dưới dạng các bài tập, các bài tập đó được thiết kế theo hướng giúp học sinh thử nghiệm (khởi động phần mềm, chọn các nút lệnh…), quan sát và trả lời các câu hỏi để hình thành kiến thức. Bên cạnh đó, trong hoạt động này, giáo viên cho học sinh thực hiện một số thao tác, nhiệm vụ nhỏ nhằm củng cố ngay những kiến thức, cách làm đã phát hiện. 3. Hoạt động thực hành Học sinh được giao các bài tập nhằm củng cố kiến thức đã học ở phần Hoạt động cơ bản, rèn luyện kĩ năng trong các tình huống học tập tương tự hoặc tình huống hơi khác với các tình huống ở Hoạt động cơ bản (nhưng không quá thách thức học sinh). Lưu ý: Mọi học sinh đều phải thực hiện các nhiệm vụ ở Hoạt động cơ bản và Hoạt động thực hành, các phần này là bắt buộc. 4. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Hoạt động này: a) Yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng vừa học để thực hiện một công việc cụ thể. b) Giúp học sinh mở rộng sự hiểu biết về một vấn đề liên quan đến bài học. 6

5. Củng cố, ghi nhớ Mục này hỗ trợ học sinh đúc kết lại những kiến thức cần ghi nhớ sau bài học. Với học sinh Tiểu học, mục này rất cần thiết. Cách thực hiện cần đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm của lớp học. II. VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC 1. Hoạt động cơ bản – Do sách viết theo hướng giúp học sinh chủ động trong học tập. Vì vậy, giáo viên cần linh hoạt trong việc tổ chức và hỗ trợ hoạt động học tập của học sinh. – Trong trường hợp lớp có nhiều học sinh khá, giáo viên tổ chức các nhóm học tập với nòng cốt là các học sinh khá, từng nhóm đọc bài tập sau đó thảo luận, thực hiện các thao tác theo hướng dẫn và trả lời các câu hỏi (những bạn học sinh khá/giỏi có thể hỗ trợ và giúp đỡ các bạn trong nhóm). Khi đó, giáo viên quan sát, kịp thời hỗ trợ nhóm học sinh gặp khó khăn. – Trong trường hợp lớp học có nhiều học sinh trung bình và kém, giáo viên có thể hướng dẫn chung cả lớp, học sinh sẽ thực hiện (thường là làm việc theo nhóm với từng máy) các nhiệm vụ được giao và cùng nhau trao đổi thảo luận chung. – Cuối Hoạt động cơ bản, giáo viên khuyến khích học sinh chủ động báo cáo kết quả làm việc của mình cho giáo viên. Giáo viên có thể đánh giá nhanh kết quả của từng nhóm. – Giáo viên cần chốt lại những điểm mới, quan trọng trong phần này (có thể thực hiện hoạt động chung cả lớp hoặc chốt với từng nhóm). 2. Hoạt động thực hành – Trong hoạt động này, giáo viên nên cho học sinh làm việc theo nhóm hoặc làm việc cá nhân tuỳ theo điều kiện phòng học và tình hình lớp học; trường hợp máy tính quá ít, có thể cho phép ba học sinh dùng chung một máy. 7

Từng nhóm học sinh sẽ làm việc với máy tính, đọc đề bài, trao đổi và thực hiện nhiệm vụ (một học sinh thực hiện trên máy tính, học sinh kia theo dõi và góp ý, nhận xét, sau đó đổi vai trò cho nhau). – Bài tập thực hành không hiểu theo nghĩa chỉ thực hành trên máy tính mà cũng có thể làm việc trên giấy hoặc cho phép thực hiện thao tác trên máy, quan sát kết quả, nhận xét rồi ghi kết quả quan sát được vào chỗ trống (…) trong sách. – Giáo viên cần giám sát chặt chẽ, phát hiện những sai sót, giải đáp các thắc mắc của học sinh, giúp những học sinh gặp khó khăn. Thông thường, sẽ nảy sinh nhiều tình huống khác nhau khi học sinh sử dụng máy tính, giáo viên cần linh hoạt giúp học sinh giải quyết các khó khăn trong khi thao tác với máy tính. – Cần đảm bảo để từng học sinh có thể hoàn thành được tất cả các bài tập ở phần Hoạt động thực hành. – Với các học sinh có kĩ năng chưa tốt có thể kéo dài Hoạt động thực hành đến hết tiết học. Với học sinh khá/giỏi giáo viên có thể cho các em chuyển sang thực hiện các bài tập ở Hoạt động ứng dụng, mở rộng. Nhóm nào hoàn thành các bài tập phần thực hành thì giáo viên cho chuyển sang Hoạt động ứng dụng, mở rộng trước các bạn (giáo viên cần có đánh giá nhanh kết quả làm việc của nhóm hoặc từng học sinh). 3. Hoạt động ứng dụng, mở rộng – Giáo viên cho những học sinh đã hoàn thành các bài tập thực hành làm các bài tập phần ứng dụng, mở rộng. Học sinh sẽ làm việc theo nhóm là chủ yếu. Khi học sinh gặp khó khăn, giáo viên cần kịp thời hỗ trợ. – Trường hợp học sinh giỏi hoàn thành sớm các yêu cầu trong hoạt động này, giáo viên cần có thêm một số bài tập bổ sung có yêu cầu sáng tạo hơn cho các học sinh này. 8

4. Củng cố, ghi nhớ Cuối bài học, giáo viên giúp học sinh củng cố lại những điểm cốt lõi đã học, những kiến thức, kĩ năng cần lưu ý trong bài học bằng nhiều cách khác nhau, như đặt câu hỏi, tổ chức trò chơi… III. YÊU CẦU CHUNG VỀ TRANG THIẾT BỊ VÀ PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC 1. Trang thiết bị dạy học – Phòng học có máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay, số máy tính phải đảm bảo để có tối thiểu 2 học sinh/1 máy (trường hợp điều kiện phòng học khó khăn thì bố trí 3 học sinh/1 máy). – Trường hợp lớp học có điều kiện thì có thể trang bị thêm máy chiếu và một máy in. – Máy tính có kết nối Internet. 2. Phần mềm dạy học – Máy tính có cài đặt hệ điều hành Windows 7, có cài sẵn bộ Microsoft Office 2007 (Word, PowerPoint). – Máy tính có cài đặt các phần mềm đã đề cập trong sách học sinh. Có thể tải miễn phí tại địa chỉ: http://xuatbangiaoduc.vn/hdhth/. 3. Tổ chức thư mục học tập Giáo viên cần tổ chức hệ thống thư mục dành cho từng nhóm học sinh được bố trí ở từng máy (học sinh sẽ lưu sản phẩm của mình vào thư mục riêng và sử dụng lại cho các buổi học sau). Có thể tham khảo cách tổ chức thư mục trên máy tính tương tự như sơ đồ sau: 9

Trên từng máy tính, nên bố trí các thư mục một cách gọn gàng để các thư mục không quá nhiều; việc dùng máy tính cần theo cách sau: buổi học trước học sinh học ở máy nào thì buổi học sau sẽ cũng phải học ở chính máy đó. Việc bố trí thư mục học tập như vậy sẽ đảm bảo học sinh vẫn sử dụng, chỉnh sửa văn bản mà mình đã soạn ở buổi trước, toàn bộ sản phẩm học tập của học sinh được lưu giữ ở một thư mục trong suốt quá trình học tập. 10

Gợi ý dạy học Chủ đề 1 LÀM QUEN VỚI MÁY TÍNH Bài 1 NGƯỜI BẠN MỚI CỦA EM I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Gọi đúng tên các bộ phận của máy tính; – Biết chức năng cơ bản của các bộ phận máy tính; – Nhận biết được một số loại máy tính thường gặp; – Biết máy tính có thể giúp em học tập, giải trí, liên lạc với mọi người. II. CHUẨN BỊ Giáo viên chuẩn bị ba loại máy tính thường gặp: máy tính để bàn; máy tính xách tay; máy tính bảng để cho học sinh quan sát, trải nghiệm với chuột và bàn phím của các máy tính đó. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên có thể cho học sinh phát biểu về những điều các em có thể đã biết về máy tính (hình dạng, đặc điểm…) rồi sau đó tổ chức cho các bạn trong lớp nhận xét, bổ sung thêm ý kiến. 11

– Giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm, học sinh quan sát máy tính thật kết hợp đọc thông tin trong sách, sau đó giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận, chia sẻ về những điều các em đã biết về các bộ phận của máy tính. Lưu ý: Máy tính cần được bật sẵn ở trạng thái đã khởi động xong. Giáo viên hướng dẫn học sinh theo nhóm để từng em được trải nghiệm cảm giác gõ các phím trên bàn phím, điều khiển chuột. – Giáo viên gợi ý để học sinh phát hiện một số công việc rất cần đến máy tính, nhưng không phải lúc nào cũng mang máy tính để bàn theo được. Từ đó, giáo viên giới thiệu loại máy tính gọn nhẹ, dễ dàng mang theo đó là máy tính xách tay hoặc máy tính bảng. Giáo viên cho học sinh quan sát, cảm nhận, so sánh máy tính xách tay, máy tính bảng với máy tính để bàn. Lưu ý: Khi cho học sinh quan sát, cảm nhận máy tính xách tay cần khởi động các máy tính đó ở trạng thái sẵn sàng làm việc. Giáo viên hướng dẫn, gợi ý để học sinh rút ra nhận xét: máy tính xách tay cũng có bốn bộ phận cơ bản: thân máy, màn hình, bàn phím và chuột. B. Hoạt động thực hành Giáo viên quan sát, tư vấn và hỗ trợ học sinh trong quá trình thực hành, làm các bài tập trong sách và thực hiện trên máy tính, đảm bảo học sinh có thể hoàn thành Hoạt động thực hành. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Hoạt động này nhằm mục tiêu giúp học sinh thấy được bốn bộ phận cơ bản của máy tính được phân loại thành ba nhóm: 1. Thiết bị đưa tín hiệu vào máy tính (bàn phím, chuột). 2. Bộ phận xử lí tín hiệu (thân máy). 3. Thiết bị đưa tín hiệu từ máy tính ra (màn hình). 12

Giáo viên có thể cho học sinh thực hiện bài tập rồi giải thích cách sắp xếp của mình, qua đó giáo viên gợi ý, hướng dẫn học sinh so sánh chức năng của các bộ phận của máy tính để các em có thể tự đưa ra cách phân loại theo chức năng. D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên hướng dẫn học sinh củng cố các kiến thức đã học (có thể nhiều hình thức khác nhau). Ví dụ, có thể cho học sinh trao đổi về các câu hỏi: – Máy tính có những bộ phận chính nào? – Có những loại máy tính thường gặp nào? – Máy tính có thể giúp em những công việc gì? 13

Bài 2 BẮT ĐẦU LÀM VIỆC VỚI MÁY TÍNH I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Biết cách ngồi đúng tư thế khi làm việc với máy tính; – Thực hiện được thao tác khởi động máy tính; – Nhận biết được một máy tính đã khởi động xong; – Biết cách tắt máy tính khi không sử dụng. II. CHUẨN BỊ Một số hình ảnh minh hoạ về tư thế ngồi làm việc với máy tính đúng và sai. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên đặt vấn đề: Khi ngồi làm việc với máy tính cũng như khi ngồi học bài, em cần ngồi đúng tư thế để phòng tránh các bệnh về mắt, cột sống. Tư thế ngồi làm việc với máy tính đúng giúp em làm việc, học tập hiệu quả. – Giáo viên tổ chức học sinh thực hiện Hoạt động 1, học sinh tự điều chỉnh tư thế ngồi của bản thân theo đúng hướng dẫn. Giáo viên cho học sinh thảo luận và nhận xét về nguồn sáng trong phòng học đã được bố trí phù hợp hay chưa, ánh sáng có chiếu thẳng vào mắt hay màn hình không. – Giáo viên tổ chức học sinh theo từng nhóm thực hiện Hoạt động 2, yêu cầu học sinh đọc thông tin trong sách rồi chỉ ra công tắc khởi động máy tính trên thân máy và công tắc trên màn hình máy tính. Lưu ý học sinh cách tìm và phát hiện công tắc trên màn hình máy tính trong một số trường hợp công tắc đó được thiết kế ẩn phía sau hoặc bên cạnh. 14

Khi chắc chắn học sinh xác định và chỉ đúng vị trí công tắc khởi động trên thân máy và công tắc trên màn hình thì cho học sinh thực hiện thao tác khởi động máy tính. Sau khi máy tính được khởi động xong, từng nhóm thảo luận để xác định vị trí của các biểu tượng trên màn hình máy tính. – Thao tác tắt máy tính là thao tác học sinh mới được học, đặc biệt đây là lần đầu học sinh được thao tác với bàn phím nên giáo viên cần quan sát, bao quát cả lớp để tư vấn, hỗ trợ các em hoàn thành đúng thao tác. Lưu ý học sinh quan sát nút để thấy nút lệnh này “sáng lên” khi nhấn phím . B. Hoạt động thực hành Giáo viên quan sát, hỗ trợ học sinh trong quá trình thực hiện các bài tập trong sách và thực hiện trên máy tính để đảm bảo học sinh có thể hoàn thành Hoạt động thực hành. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng – Giáo viên cho học sinh hoạt động nhóm rồi nhận xét, điều chỉnh tư thế ngồi làm việc với máy tính của các bạn trong nhóm. – Hoạt động này, học sinh xem như lần đầu thao tác với chuột, giáo viên chưa yêu cầu học sinh cầm chuột đúng tư thế nhưng có thể hướng dẫn để học sinh bớt lúng túng khi cầm chuột. Lưu ý: Giáo viên hỗ trợ để học sinh di chuyển và đặt được con trỏ chuột lên các biểu tượng trên màn hình nền máy tính. D. Củng cố, ghi nhớ – Giáo viên yêu cầu học sinh nhắc lại tư thế ngồi đúng khi làm việc với máy tính. Có thể hỏi các câu hỏi về: khoảng cách từ mắt đến màn hình, tư thế của cột sống, lưng,… Ngoài ra, giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh trao đổi về các nội dung: + Mô tả lại thao tác khởi động máy tính; + Mô tả màn hình nền máy tính sau khi máy tính đã khởi động xong; + Mô tả thao tác tắt máy tính. 15

Bài 3 CHUỘT MÁY TÍNH I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Biết các bộ phận cơ bản của chuột máy tính; – Biết cầm chuột đúng cách; – Thực hiện được các thao tác di chuyển, nháy, nháy đúp và kéo thả chuột. II. CHUẨN BỊ Chuột máy tính có dây hoặc không dây. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên cho học sinh khởi động máy tính, thực hiện di chuyển con trỏ chuột vào các biểu tượng trên màn hình nền. Giáo viên quan sát và phát hiện những học sinh lúng túng, gặp khó khăn khi thực hiện thao tác. – Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện Hoạt động 1 trong sách, có thể cho học sinh hoạt động cặp đôi để cùng chơi trò chơi: một bạn chỉ vị trí các bộ phận của chuột máy tính, bạn còn lại gọi tên bộ phận đó. – Sau khi hoàn thành Hoạt động 2 trong sách, giáo viên cần cho học sinh thực hành cách cầm chuột và di chuyển con trỏ chuột trên màn hình. Đặc biệt lưu ý kĩ thuật cầm chuột đúng (cầm chuột bằng tay phải, tay duỗi tự nhiên, ngón trỏ đặt vào nút trái chuột, ngón giữa đặt vào nút phải chuột, ngón cái đặt vào bên trái chuột, ngón áp út và ngón út đặt vào bên phải chuột, phần cuối của bàn tay đặt trên mặt bàn làm điểm tựa). 16

– Giáo viên cần cho học sinh quan sát, chỉ và gọi tên con trỏ chuột trên màn hình nền. Giáo viên nên giới thiệu thêm về một số hình dạng của con trỏ chuột mà các em có thể bắt gặp khi sử dụng máy tính. – Giáo viên cho học sinh hoạt động theo nhóm để thực hiện hoạt động làm quen với thao tác sử dụng chuột trong sách. Yêu cầu khi thực hiện các thao tác, học sinh phải mô tả lại các thao tác đó. Lưu ý: Khi học sinh mô tả sự thay đổi của biểu tượng, giáo viên cần quan sát, hướng dẫn học sinh mô tả đầy đủ, chẳng hạn: “Khi nháy chuột vào biểu tượng Computer thì màu nền của biểu tượng Computer đổi màu” mà không ghi vắn tắt “Biểu tượng đổi màu” vì mục tiêu ở đây là học sinh nhớ được tên gọi và biết cách thực hiện các thao tác với chuột chứ không phải là ghi lại những gì các em quan sát được. B. Hoạt động thực hành Trò chơi “Luyện tập sử dụng chuột” nhằm giúp học sinh rèn luyện các thao tác di chuyển, nháy chuột, nháy đúp chuột, kéo thả chuột. Luật chơi đơn giản do đó sách chỉ giới thiệu cách chơi trò chơi với thao tác nháy chuột trái. Giáo viên cần quan sát, hỗ trợ học sinh khi các em luyện tập chơi trò chơi với các thao tác khác. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Hoạt động này giúp các em vận dụng các thao tác với chuột máy tính đã học để thực hiện công việc tắt máy tính mà các em đã thực hiện bằng bàn phím. Giáo viên cần chỉ cho học sinh thấy được ngoài cách tắt máy tính bằng bàn phím các em còn có thể sử dụng chuột để tắt máy tính. Việc sử dụng chuột trong một số trường hợp giúp thao tác làm việc với máy tính nhanh và thuận tiện hơn. D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhắc lại các thao tác sử dụng chuột máy tính. 17

Bài 4 BÀN PHÍM MÁY TÍNH I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Nhận biết được khu vực chính của bàn phím máy tính; – Chỉ ra được vị trí của các hàng phím trên khu vực chính của bàn phím máy tính; – Biết đặt tay đúng cách trên bàn phím máy tính. II. CHUẨN BỊ Phòng máy có số máy tính đảm bảo tối thiểu 2 học sinh/máy. Tuy nhiên, riêng đối với bài học này có thể chỉ cần sử dụng bàn phím làm đồ dùng học tập. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm để học sinh thực hiện Hoạt động 1, cho học sinh quan sát, cảm nhận bàn phím máy tính. Giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh biết bàn phím máy tính gồm các khu vực sau: khu vực chính, các phím số, các phím mũi tên (phím di chuyển), phím chức năng… – Trong Hoạt động 2, giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm để học sinh đọc sách, tìm hiểu, chỉ và gọi tên các hàng phím trên khu vực chính của bàn phím máy tính, sau đó cho học sinh gấp sách lại chơi trò chơi kiểm tra trí nhớ, một bạn đọc tên hàng phím và một bạn chỉ hàng phím đó trên bàn phím. 18

– Ở Hoạt động 3 mới chỉ giới thiệu cho học sinh cách đặt tay trên bàn phím mà chưa đề cập đến cách gõ bàn phím bằng 10 ngón tay, giáo viên cần giải thích để học sinh hiểu rằng việc đặt tay đúng là cơ sở để gõ bàn phím nhanh, chính xác. Giáo viên quan sát cách đặt tay lên bàn phím của học sinh, hỗ trợ và giúp đỡ nếu học sinh đặt tay lên bàn phím sai. B. Hoạt động thực hành Trong hoạt động này, giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm để chơi trò chơi gọi tên hàng phím. Giáo viên hướng dẫn học sinh cách ghi điểm trong khi chơi trò chơi để tăng tính hấp dẫn, hứng thú cho học sinh. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Để thao tác gõ phím linh hoạt, nhanh, chính xác không chỉ cần đặt các ngón tay đúng như yêu cầu mà tư thế đặt tay sao cho thoải mái cũng rất quan trọng. Vì thế, giáo viên cần gợi ý để học sinh phát hiện tư thế đặt tay lên bàn phím máy tính sai trong hai hình vẽ, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân khi đặt tay lên bàn phím máy tính. D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh: – Kể tên các hàng phím trong khu vực chính của bàn phím máy tính. – Trả lời câu hỏi: Trong khu vực chính có hai phím có sự khác biệt so với các phím khác trên hàng phím, đó là những phím nào? – Nêu lại cách đặt tay đúng trên bàn phím. 19

Bài 5 TẬP GÕ BÀN PHÍM I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Biết cách gõ bàn phím bằng 10 ngón tay; – Tự luyện tập gõ bàn phím bằng 10 ngón tay với phần mềm Kiran’s Typing Tutor. II. CHUẨN BỊ – Phòng học có đủ máy tính, các máy tính được cài đặt phần mềm Kiran’s Typing Tutor. – Phòng học nên có máy chiếu (Projector) để thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho giáo viên khi thực hiện một số thao tác hướng dẫn học sinh. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Trong hoạt động hướng dẫn cách gõ bàn phím bằng 10 ngón tay, giáo viên cần lưu ý với học sinh, màu sắc các phím và màu sắc của móng tay giúp học sinh nhận biết ngón tay nào sẽ gõ phím nào. Từ bài tập ở Hoạt động 1b, giáo viên giúp học sinh rút ra quy tắc cơ bản khi gõ bàn phím bằng mười ngón tay (Hai ngón trỏ của hai tay gõ hai “dãy” phím trong cùng tính từ hai phím cơ sở, lần lượt ngón giữa và ngón áp út gõ hai dãy tiếp theo, hai ngón út gõ các phím còn lại). – Trong hoạt động tập gõ bàn phím với phần mềm Kiran’s Typing Tutor, giáo viên thực hiện mẫu thao tác trên phần mềm Kiran’s Typing Tutor để học sinh quan sát các thao tác từ khi khởi động phần mềm đến lựa chọn hàng phím và tập gõ để học sinh có thể hình dung được nội dung bài học và tạo sự tò mò, hứng thú cho học sinh. 20

Lưu ý: Học sinh phải sử dụng chuột và bàn phím để chọn chức năng và tương tác với phần mềm nên giáo viên phải hết sức chú ý quan sát, trợ giúp học sinh thực hiện các thao tác như: ghi tên đăng kí; chọn bài luyện tập… để học sinh tự tin, hứng thú và chủ động sử dụng phần mềm. – Giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm và cho học sinh thực hiện lần lượt các hoạt động khởi động phần mềm, ghi tên đăng kí, chọn bài luyện tập, đảm bảo tất cả học sinh trong nhóm đều được thực hiện các thao tác đó. Lưu ý: Giáo viên nhắc nhở học sinh gõ đúng cách gõ 10 ngón tay. Ở giai đoạn này, việc gõ đúng cách quan trọng hơn gõ nhanh. B. Hoạt động thực hành Trong sách không yêu cầu học sinh phải bắt đầu tập gõ từ hàng phím nào, tuy nhiên, nên hướng dẫn học sinh bắt đầu tập gõ từ hàng phím cơ sở. Giáo viên lưu ý học sinh khi gõ phím cần quan sát thông tin hiển thị vị trí các ngón tay trên bàn phím ( )tương ứng với phím cần gõ (hiển thị màu xanh) trên màn hình để gõ đúng. Sau bài tập luyện với hàng phím cơ sở, giáo viên tiếp tục cho học sinh tập gõ các hàng phím trên, hàng phím dưới, hàng phím số và giới thiệu cho học sinh khái niệm “hộp danh sách” khi hướng dẫn các em chọn hàng phím để luyện tập. Lưu ý: Nên bố trí thêm giờ thực hành cho bài tập gõ bàn phím. Giáo viên cũng nên nhắc nhở học sinh thường xuyên luyện tập gõ bàn phím bằng 10 ngón tay với phần mềm Kiran’s Typing Tutor. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm, học sinh trong nhóm luân phiên thực hiện thao tác theo yêu cầu trong sách, các bạn khác trong nhóm quan sát, nhận xét thao tác của bạn. D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể cho học sinh phát biểu về: – Lợi ích của việc gõ bàn phím bằng 10 ngón tay. – Cách đặt tay đúng lên bàn phím. 21

Bài 6 THƯ MỤC I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Làm quen với thư mục, thư mục con; – Thực hiện được các thao tác: tạo mới, đặt tên, mở, đóng, xoá thư mục; – Biết cách và có ý thức sắp xếp khoa học, hợp lí các thư mục. II. CHUẨN BỊ Phòng học nên có máy chiếu (Projector) để thuận lợi cho giáo viên khi thực hiện một số thao tác hướng dẫn học sinh. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên cho học sinh mô tả về một thư viện mà các em đã biết và cách tìm một cuốn sách trong thư viện đó. Thư mục là một khái niệm trừu tượng đối với học sinh. Giáo viên không nên yêu cầu cũng như tham vọng học sinh có thể hiểu được ngay khái niệm này. Trong bài này, giáo viên cố gắng để học sinh làm quen và nhận biết được biểu tượng thư mục trên máy tính. – Giáo viên cho học sinh đọc thông tin trong Hoạt động 1 để học sinh nhận biết được biểu tượng thư mục để lưu trữ thông tin. Không nên yêu cầu học sinh phát biểu “Thư mục là…” mà giải thích để học sinh hiểu được: để lưu giữ thông tin trong máy tính cần có các thư mục, trong mỗi thư mục lại có thể có các thư 22

mục khác gọi là thư mục con, giống như ngăn sách, kệ sách trong thư viện, mỗi thư mục cũng có một tên. Nếu như ngăn sách, kệ sách được dùng để chứa sách thì thư mục được dùng chứa thông tin, sản phẩm khi làm việc với máy tính. – Trong Hoạt động 2, giáo viên cho học sinh thực hiện hoạt động tạo thư mục trên màn hình nền và lưu ý học sinh khi đặt tên cho thư mục trong hệ điều hành Windows 7 thì tên thư mục không phân biệt chữ hoa, chữ thường. – Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát cửa sổ thư mục lop3a khi mở có 2 ngăn, ngăn bên phải là nội dung bên trong của thư mục lop3a. Nhìn vào ngăn này ta có thể thấy được nội dung bên trong thư mục lop3a. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhận xét bên trong thư mục lop3a có gì. Từ đó dẫn dắt học sinh hình thành khái niệm thư mục rỗng cho học sinh. – Ở hoạt động đóng thư mục đang mở, khi nháy chuột lên nút lệnh Minimize, cửa sổ thư mục lop3a cũng biến mất trên màn hình nền nên học sinh có thể nhầm lẫn Minimize cũng là nút đóng cửa sổ màn hình. Giáo viên cần lưu ý chỉ rõ cho học sinh quan sát trên thanh trạng thái để học sinh nhận biết sự khác nhau khi nháy chuột vào nút Minimize và nút Close. – Trước khi thực hiện hoạt động xoá thư mục, giáo viên cần yêu cầu học sinh tuân thủ nguyên tắc không được tuỳ tiện xoá bất kì một thư mục nào trên máy tính nếu thư mục đó không phải của mình. Học sinh chỉ được xoá thư mục do chính mình tạo ra và chắc chắn rằng nó không còn cần thiết trước khi thực hiện thao tác này. B. Hoạt động thực hành – Ở Hoạt động 1, giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm và yêu cầu học sinh luân phiên thực hiện các thao tác tạo, mở, đóng, xoá thư mục. – Ở Hoạt động 2, giáo viên lưu ý quan sát có thể có trường hợp cửa sổ thư mục lop3c chưa được phóng to (Maximize), nên học sinh có thể sẽ tạo các thư mục an, binh, khiem trên màn hình nền. Khi đó an, binh, khiem không phải là thư mục con của thư mục lop3c. Vì vậy, giáo viên cần lưu ý thêm cho học sinh yêu cầu “Trong thư mục lop3c, tạo thư mục an, bình, khiêm”. 23

C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Hoạt động này cung cấp cho học sinh thêm cách xoá thư mục bằng bàn phím, giáo viên cần hướng dẫn để học sinh thấy rằng: thao tác xoá thư mục trên máy tính đều có thể thực hiện bằng chuột hoặc bàn phím. D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh phát biểu: – Những hiểu biết của mình về thư mục. – Các thao tác với thư mục. 24

Bài 7 LÀM QUEN VỚI INTERNET I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Được làm quen với Internet; – Biết máy tính có thể truy cập Internet khi được kết nối Internet; – Truy cập được trang web khi biết địa chỉ của trang web. II. CHUẨN BỊ – Phòng học nên có máy chiếu (Projector) để thuận lợi cho giáo viên khi thực hiện một số thao tác hướng dẫn học sinh. – Máy tính có cài đặt một số trình duyệt web như Internet Explorer, Google Chrome, Cốc Cốc… và đưa biểu tượng của các trình duyệt web đó ra màn hình nền máy tính. – Giáo viên sưu tầm một số địa chỉ trang web học tập có nội dung phong phú, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh để cung cấp, hướng dẫn học sinh truy cập và tìm hiểu. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Có thể có những học sinh đã từng biết và sử dụng Internet trên các thiết bị như: máy tính, điện thoại thông minh… Giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận về những hiểu biết của các em về Internet, hoặc giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh xem một trang web đã được chuẩn bị (chẳng hạn một đoạn phim hoạt hình 25

ngắn) để tạo hứng thú, tò mò cho học sinh, từ đó dẫn dắt học sinh đến khái niệm mạng Internet. – Học sinh đọc thông tin trong sách để nhận biết được trình duyệt Internet, giáo viên có thể yêu cầu học sinh chỉ ra tên trình duyệt có trên màn hình máy tính của học sinh. Học sinh thực hiện khởi động một trình duyệt bất kì, quan sát cửa sổ trình duyệt, nhận biết được vùng có địa chỉ trang web, các nút lệnh điều khiển cửa sổ trang web. Truy cập trang web theo hướng dẫn trong sách học sinh hoặc một trang web khác do giáo viên chỉ định. – Học sinh thảo luận theo nhóm để thực hiện Hoạt động 2d sau đó nháy vào từng nút lệnh rồi ghi kết quả vào bảng ( : Nút lệnh tải lại; : Nút lệnh quay lại; : Nút lệnh đi tới). B. Hoạt động thực hành – Hoạt động 1 giúp học sinh thực hành các kiến thức, kĩ năng đã được học ở Hoạt động cơ bản đồng thời giúp học sinh làm quen với cách xem nội dung một mục của trang web. Nếu học sinh không chủ động di chuyển con trỏ chuột đến một mục của trang web thì giáo viên cần đưa ra hướng dẫn hoặc yêu cầu cụ thể hơn, chẳng hạn: “Em hãy di chuyển con trỏ chuột đến mục….”, “Em hãy nháy chuột và quan sát sự thay đổi trên màn hình”, “Em có nhận xét gì về màn hình vừa xuất hiện?”… – Trong Hoạt động 2, giáo viên có thể yêu cầu học sinh xem nội dung một mục cụ thể và nhắc lại hoặc tóm tắt lại nội dung đã xem được của mục đó, như vậy sẽ giúp tăng sự tập trung của học sinh vào hoạt động và hoạt động trở nên có ý nghĩa hơn. – Trong Hoạt động 3, học sinh phải sắp xếp ba trong bốn thao tác nên học sinh có thể lúng túng dẫn đến sai lầm. Giáo viên cần quan sát, xem xét, phát hiện xem học sinh sai lầm do không hiểu rõ yêu cầu, hay do không nắm vững kiến thức về thao tác truy cập một trang web để tư vấn, trợ giúp kịp thời. 26

C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Hoạt động này giáo viên có thể tổ chức cho học sinh hoạt động chung cả lớp, yêu cầu học sinh nêu một số địa chỉ các trang web mà học sinh biết. Giáo viên cũng có thể cung cấp cho học sinh một số địa chỉ trang web phù hợp trong số các địa chỉ đã chuẩn bị. Sau hoạt động, giáo viên yêu cầu học sinh về nhà trao đổi, hỏi bố/mẹ hoặc anh/chị để sưu tầm một số địa chỉ các trang web có nội dung phù hợp với lứa tuổi, báo cáo cho giáo viên rồi cùng chia sẻ với bạn bè địa chỉ trang web đó. D. Cũng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhắc lại các thao tác để truy cập một trang web khi biết địa chỉ và cách xem nội dung một mục của trang web. Giáo viên cũng nên nhắc nhở học sinh: – Không tự ý sử dụng Internet khi chưa có sự đồng ý của thầy/cô hoặc cha/mẹ; – Sử dụng Internet phục vụ học tập, giải trí lành mạnh, không để ảnh hưởng đến thời gian, kế hoạch học tập. 27

HỌC VÀ CHƠI CÙNG MÁY TÍNH TRÒ CHƠI BLOCKS I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ biết cách tự rèn luyện khả năng quan sát và ghi nhớ. II. CHUẨN BỊ Giáo viên đưa biểu tượng của trò chơi Blocks ra màn hình nền của máy tính học sinh. III. GỢI Ý DẠY HỌC – Giáo viên có thể giới thiệu với các em về một số kí hiệu và giải thích ý nghĩa của kí hiệu tương ứng với các khối trong trò chơi đồng thời giới thiệu trò chơi Blocks giúp em rèn luyện kĩ năng sử dụng chuột máy tính, khả năng ghi nhớ. – Giáo viên giới thiệu luật chơi và thực hiện thao tác chọn màn chơi, lật hình làm mẫu để học sinh quan sát. Có thể tổ chức học sinh theo nhóm máy tính, từng học sinh trong nhóm tự tìm hiểu trò chơi, học sinh thực hiện chọn trò chơi ở chế độ một người chơi, các bạn khác trong nhóm quan sát và góp ý cho bạn. – Sau khi học sinh tìm hiểu và làm quen với trò chơi, giáo viên sắp xếp học sinh theo cặp có cùng khả năng, để các em cùng thi nhau thực hiện trò chơi này ở chế độ hai người chơi. Lưu ý: Người chơi thứ nhất hoặc người chơi thứ hai bắt đầu trò chơi đều như nhau. – Đối với nhóm máy đã thành thạo trò chơi hoặc hoàn thành trò chơi sớm, giáo viên hướng dẫn học sinh tăng mức độ khó cho trò chơi (chế độ chơi Big Board). 28

– Sau khi hoàn thành màn chơi, học sinh gõ tên của mình vào ô trống, nháy chọn OK để lưu thành tích màn chơi như hình sau: Học sinh nhập tên của mình vào ô này. Ngoài ra, giáo viên có thể giới thiệu một số chức năng khác trong trò chơi như: – Tạo màn chơi mới bằng cách nhấn phím F2 trong màn hình trò chơi. – Xem thành tích người chơi. Xem thành tích người chơi ở chế độ Little Board. Xem thành tích người chơi ở chế độ Big Board. 29

Chủ đề 2 EM TẬP VẼ Bài 1 LÀM QUEN VỚI PHẦN MỀM HỌC VẼ I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Được làm quen với phần mềm học vẽ Paint; – Sử dụng được công cụ vẽ tự do để vẽ các nét vẽ đơn giản; – Thực hiện được thao tác: lưu bài vẽ vào thư mục máy tính, mở bài vẽ đã có sẵn. II. CHUẨN BỊ Đưa biểu tượng ra màn hình nền ở từng máy học sinh. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên giới thiệu mục đích và chức năng của phần mềm Paint đồng thời giúp học sinh hình dung được mục đích khi học các bài học trong chủ đề và mục đích sử dụng phần mềm Paint. Giáo viên hướng dẫn học sinh khởi động phần mềm Paint bằng cách nháy đúp lên biểu tượng trên màn hình nền rồi cho học sinh đọc thông tin trong sách; yêu cầu chỉ đúng vị trí vùng bảng chọn, vùng trang vẽ, hộp công cụ, hình mẫu, nét vẽ, hộp màu trên phần mềm Paint. 30

– Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ bút vẽ để vẽ hình tự do theo hướng dẫn trong sách học sinh. Lưu ý: Đối với những học sinh có kĩ năng sử dụng chuột chưa tốt thì không cần các em phải vẽ được hình cụ thể. Có thể chỉ yêu cầu vẽ một số nét đơn giản để học sinh làm quen với thao tác sử dụng chuột và công cụ vẽ hình tự do để vẽ hình, đối với học sinh đã có kĩ năng sử dụng chuột tốt hơn thì yêu cầu học sinh vẽ một hình cụ thể, ví dụ ngôi nhà, con đường, cây cối… – Các học sinh trong nhóm lần lượt thực hiện vẽ hình tự do vào cùng một trang vẽ, giáo viên lưu ý học sinh vẽ nét vẽ sau tránh chồng lên nét vẽ của bạn đã vẽ trước đó. – Sau khi thực hiện vẽ hình tự do bằng công cụ bút vẽ, giáo viên hướng dẫn chung cả lớp cách lưu bài vẽ vào thư mục trên máy tính, lưu ý học sinh cách đặt tên cho bài vẽ. Tên bài vẽ có thể đặt theo tên nhóm, tổ hoặc tên chủ đề bức tranh đã vẽ. – Giáo viên yêu cầu học sinh đặt tên bài vẽ theo tên của nhóm rồi lưu vào thư mục có tên nhóm trên máy tính rồi thực hiện mở bài vẽ đã vẽ theo hướng dẫn. Các thành viên trong nhóm luân phiên nhau thực hiện thao tác mở bài vẽ, lưu bài vẽ. B. Hoạt động thực hành Giáo viên có thể vẽ mẫu hình bông hoa bằng công cụ vẽ tự do, học sinh quan sát và thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên. Mỗi thành viên trong nhóm luân phiên nhau sử dụng công cụ bút vẽ để vẽ hình bông hoa của riêng mình, có thể vẽ các bông hoa lên cùng một trang vẽ hoặc tạo trang vẽ mới, rồi lưu bài vẽ có tên mình vào thư mục của nhóm. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng – Hoạt động này là lần đầu tiên học sinh được làm quen và sử dụng tổ hợp phím (hai hoặc nhiều phím kết hợp cùng lúc). Giáo viên hướng dẫn học sinh nhấn tổ hợp phím bằng hai tay (ngón tay của bàn tay thứ nhất nhấn và giữ phím đầu tiên, ngón tay của bàn tay thứ hai nhấn phím tiếp theo). Đối với những học 31

sinh đã sử dụng bàn phím thành thạo, giáo viên hướng dẫn sử dụng nhấn tổ hợp phím trên các ngón tay trên một bàn tay. Học sinh thực hiện lần lượt các yêu cầu trong hoạt động để nhận ra khi nhấn tổ hợp phím Ctrl + N để tạo bài vẽ mới, nhấn Ctrl + S để lưu lại bài vẽ vào thư mục trên máy tính. D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh: – Nhắc lại thao tác khởi động phần mềm Paint. – Cách sử dụng công cụ vẽ tự do để vẽ hình. – Mở bài vẽ đã có sẵn, lưu bài vẽ bằng hai cách (sử dụng tổ hợp phím tắt và không sử dụng tổ hợp phím tắt). 32

Bài 2 VẼ HÌNH TỪ HÌNH MẪU CÓ SẴN. CHỌN ĐỘ DÀY, MÀU NÉT VẼ I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Vẽ được hình từ hình mẫu có sẵn; – Biết cách chọn độ dày, màu nét vẽ. II. CHUẨN BỊ Giáo viên chuẩn bị trước một số hình mẫu để hướng dẫn học sinh thực hành. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện thao tác chọn độ dày và nét vẽ theo hướng dẫn trong sách học sinh. Các học sinh trong nhóm luân phiên nhau thực hiện vẽ hình chữ nhật có độ dày khác nhau lên trên cùng một trang vẽ (ví dụ, hình chữ nhật của bạn vẽ sau có độ dày nét vẽ dày hơn hình chữ nhật của bạn vẽ trước). – Giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện chọn màu nét vẽ và thực hiện vẽ hình theo hướng dẫn trong sách học sinh. Yêu cầu các học sinh trong nhóm luân phiên nhau thực hiện vẽ hình có các màu sắc khác nhau. – Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện thao tác nhấn phím Shift đồng thời kéo thả chuột để vẽ được hình tròn hoặc hình vuông. Lưu ý: Sau khi học sinh thực hiện được thao tác chọn độ dày, chọn màu nét vẽ thì giáo viên có thể yêu cầu học sinh kết hợp 2 thao tác này để vẽ hình có độ dày và màu sắc tuỳ ý. 33

B. Hoạt động thực hành Trong hoạt động này, tuỳ theo khả năng của học sinh, giáo viên có thể yêu cầu học sinh có thể vẽ hình tương tự với hình mẫu mà không yêu cầu phải giống hoàn toàn. Giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh vẽ theo các hình mẫu mà giáo viên đã chuẩn bị. Một số chi tiết trong bức tranh ở Hoạt động 2 và Hoạt động 3, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ vẽ đường gấp khúc ( ) để vẽ. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Giáo viên yêu cầu học sinh đọc đề bài và thực hiện theo yêu cầu của bài tập. Ở bài này, học sinh cần xác định và hình dung lại vật dụng trong gia đình như: bàn, ghế, ti-vi, tủ lạnh, quạt máy… để vẽ các vật dụng đó. Giáo viên yêu cầu mỗi học sinh trong nhóm vẽ một vật dụng bất kì, không trùng với các bạn khác trong nhóm trên cùng một trang vẽ. D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhắc lại: – Thao tác chọn độ dày nét vẽ, màu cho nét vẽ. – Cách sử dụng kết hợp phím Shift trong lúc vẽ để vẽ các hình tròn hoặc hình vuông từ các hình mẫu có sẵn. 34

Bài 3 VẼ ĐƯỜNG THẲNG, ĐƯỜNG CONG I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Biết sử dụng công cụ để vẽ đường thẳng và đường cong; – Vẽ được bức tranh đơn giản có đường thẳng và đường cong. II. CHUẨN BỊ Một số bức tranh mẫu đơn giản có đường thẳng và đường cong. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện thao tác vẽ đường thẳng. Học sinh sử dụng kết hợp công cụ vẽ đường thẳng và hình chữ nhật để vẽ hình ngôi nhà. Giáo viên hướng dẫn học sinh nhấn phím Shift trong khi kéo thả để vẽ được đường thẳng đẹp hơn. – Giáo viên yêu cầu học sinh đọc hướng dẫn trong sách rồi thực hiện thao tác vẽ đường cong. Giáo viên lưu ý học sinh cách sử dụng tổ hợp phím Ctrl + Z để quay lại thao tác đã vẽ trước đó. Lưu ý: Thao tác vẽ đường cong tương đối khó đối với học sinh, giáo viên cần quan sát và hỗ trợ học sinh thực hiện được thao tác này. B. Hoạt động thực hành – Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện mở bài vẽ đã vẽ ở Hoạt động cơ 35

bản và vẽ thêm các chi tiết (ống khói, làn khói…) vào bức tranh ngôi nhà. Kết hợp công cụ vẽ đường thẳng, vẽ đường cong để vẽ hình con thuyền. – Học sinh có thể vẽ bài vẽ ngôi nhà và con thuyền lên trên cùng một trang vẽ, trường hợp lưu bài vẽ con thuyền thành một bài vẽ mới, giáo viên hướng dẫn học sinh đặt tên bài vẽ phù hợp rồi lưu vào thư mục của nhóm. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng – Giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận theo nhóm về công cụ sẽ sử dụng để vẽ các chi tiết trong bức tranh núi, con đường (học sinh có thể chọn màu và độ dày nét khác nhau sao cho phù hợp). Các em có thể tự tạo thư mục ve trong thư mục tên nhóm để lưu bài vẽ. – Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện vẽ bức tranh núi và con đường (có thể không hoàn toàn giống với hình mẫu), đặt tên rồi lưu vào thư mục trên máy tính, giáo viên nhận xét kết quả thực hiện của học sinh (theo từng máy). D. Cũng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhắc lại: – Cách vẽ đường thẳng, đường cong. – Cách để quay lại thao tác đã vẽ. 36

Bài 4 TẨY, XOÁ CHI TIẾT TRANH VẼ I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Biết sử dụng công cụ tẩy để tẩy xoá chi tiết trên tranh vẽ; – Biết sử dụng công cụ chọn hình vuông, chọn hình tự do để chọn chi tiết tranh muốn xoá. II. CHUẨN BỊ Giáo viên kiểm tra bài vẽ ngoi nha đã vẽ ở Bài 2 có trên thư mục tên nhóm ở từng máy hay không, nếu không có, giáo viên cần sao chép bài vẽ đó vào thư mục nhóm trên máy học sinh. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận nhóm, sử dụng công cụ vẽ hình tròn, đường cong, đường thẳng để vẽ hình quả cam và chiếc lá. Các bạn trong nhóm luân phiên nhau sử dụng công cụ để tẩy một vài chi tiết trên tranh đã vẽ theo hướng dẫn trong sách. Giáo viên gợi ý để học sinh thực hiện thay đổi được kích thước của vùng tẩy. – Ở Hoạt động 2, học sinh được làm quen với công cụ chọn đối tượng theo hình vuông hoặc chọn đối tượng theo hình tự do . Giáo viên hướng dẫn học sinh mở một bài vẽ có sẵn trên máy, chọn đối tượng, xoá đối tượng bằng 37

công cụ và công cụ theo hướng dẫn trong sách. Giáo viên cũng nên hướng dẫn học sinh chọn đối tượng có màu nền trong suốt thông qua công cụ . B. Hoạt động thực hành – Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng các hình mẫu có sẵn trong phần mềm Paint để vẽ hình chiếc điện thoại theo mẫu rồi lưu vào thư mục trên máy tính. – Hoạt động 2, giáo viên yêu cầu học sinh mở bài vẽ đã vẽ ở Hoạt động 1 để nhắc lại thao tác mở bài vẽ đã có sẵn; giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ tẩy hoặc chọn để xoá vài chi tiết trên bức vẽ cũ rồi vẽ thêm các chi tiết mới lên bức vẽ. Lưu ý: Giáo viên lưu ý học sinh thay đổi kích thước của vùng tẩy sao cho vừa đủ để tẩy các chi tiết nhỏ, không ảnh hưởng đến các chi tiết khác trên bức vẽ. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm, từng nhóm thực hiện nháy chọn lần lượt từng nút lệnh để phát hiện chức năng của nút lệnh dùng để chọn toàn bộ trang vẽ, rồi dùng nút lệnh để xoá chi tiết tranh vẽ sau khi chọn. Từng nhóm ghi kết quả vào phiếu học tập, giáo viên nhận xét kết quả thảo luận của từng nhóm dựa vào phiếu học tập. D. Cũng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh: – So sánh điểm giống nhau và khác nhau khi sử dụng công cụ và để chọn đối tượng trên bức vẽ. – Nhắc lại thao tác sử dụng công cụ tẩy và chọn để tẩy hoặc chọn đối tượng. – So sách sự giống nhau khi sử dụng nút lệnh và phím Delete để xoá chi tiết được chọn trên bức tranh. 38

Bài 5 SAO CHÉP, DI CHUYỂN CHI TIẾT TRANH VẼ I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Biết cách sao chép, thay đổi kích thước của chi tiết đã vẽ; – Biết cách di chuyển chi tiết đã vẽ đến vị trí mới. II. CHUẨN BỊ Giáo viên có thể chuẩn bị một số hình ảnh mẫu để học sinh rèn luyện thao tác sao chép, di chuyển chi tiết tranh vẽ. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ vẽ đường thẳng, hình chữ nhật, hình tròn, hình thang để vẽ hình ảnh chiếc thuyền; sử dụng công cụ chọn để chọn toàn bộ hình ảnh con thuyền đã vẽ rồi thực hiện các bước để sao chép và dán hình vẽ theo hướng dẫn. Giáo viên quan sát và hướng dẫn học sinh thực hiện lần lượt các thao tác kéo thả và thay đổi kích thước của vùng được chọn; yêu cầu học sinh trong các nhóm có thể sử dụng một bức tranh bất kì rồi thực hành thay đổi vị trí, kích thước của đối tượng trên bức tranh đó. B. Hoạt động thực hành – Giáo viên yêu cầu học sinh vẽ hình theo mẫu đã cho trong sách học sinh hoặc hướng dẫn học sinh vẽ hình ngôi nhà, bông hoa, cây xanh đơn giản hơn (tuỳ theo kĩ năng của học sinh). Giáo viên lưu ý học sinh chọn độ dày nét vẽ, màu sắc nét vẽ cho phù hợp. 39

– Giáo viên tổ chức học sinh hoạt động nhóm rồi yêu cầu từng nhóm phân công các thành viên trong nhóm vẽ các chi tiết của khu vườn (ví dụ, bạn vẽ ngôi nhà, bạn vẽ bông hoa, cây xanh) sử dụng công cụ chọn và sao chép để sao chép các chi tiết tranh đã vẽ, di chuyển các chi tiết tranh vào vị trí thích hợp để tạo thành bức tranh khu vườn của em. Lưu ý: Giáo viên hướng dẫn học sinh cách sử dụng chuột (nhấn giữ nút trái chuột lên đối tượng cần di chuyển, kéo thả chuột) để di chuyển vị trí của đối tượng trên bức tranh hoặc sử dụng các phím để di chuyển đối tượng qua trái, qua phải, lên hoặc xuống. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng – Giáo viên tổ chức học sinh thực hiện hoạt động theo nhóm, cả nhóm thảo luận để vẽ hình đầu tàu lửa, từng thành viên trong nhóm luân phiên nhau vẽ hình các toa tàu, sau khi vẽ toa tàu, từng thành viên trong nhóm thực hiện sao chép và di chuyển toa tàu của mình đã vẽ và nối vào đầu tàu để tạo thành đoàn tàu. – Giáo viên thực hiện mẫu thao tác nhấn phím Ctrl và kéo thả phần đã chọn để học sinh quan sát và thực hiện theo, từ đó giúp học sinh phát hiện ra cách sao chép đối tượng được chọn bằng cách sử dụng kết hợp phím và chuột máy tính. D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh: – Nhắc lại cách sử dụng công cụ để chọn chi tiết trên bức tranh. – Cách sử dụng chuột hoặc các phím mũi tên để di chuyển đối tượng đến vị trí mới. 40

Bài 6 TÔ MÀU, HOÀN THIỆN TRANH VẼ I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ biết sử dụng công cụ tô màu để tô màu các chi tiết tranh vẽ. II. CHUẨN BỊ Một số bức tranh để học sinh vẽ theo mẫu hoặc sử dụng để tô màu. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Trước khi thực hiện Hoạt động 1, giáo viên gợi mở vấn đề về sự cần thiết của việc tô màu sau khi vẽ tranh có thể thông qua các câu hỏi (ví dụ, sau khi vẽ các nét phác thảo, các chi tiết cho bức tranh em cần thực hiện thêm công việc gì để bức tranh thêm đẹp hơn ?). Sau khi học sinh trả lời câu hỏi, giáo viên yêu cầu học sinh quan sát rồi chỉ ra vị trí công cụ tô màu trên bảng chọn. – Giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm để thực hiện Hoạt động 2, các thành viên trong nhóm phân công nhiệm vụ cho nhau rồi thực hiện vẽ các chi tiết của lá cờ (ví dụ, bạn vẽ ngôi sao, tô màu cho ngôi sao, bạn vẽ vùng nền đỏ của lá cờ, tô màu vùng nền đỏ của lá cờ) theo hướng dẫn. B. Hoạt động thực hành Giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm để tổ chức các hoạt động. Đối với những nhóm học sinh có kĩ năng vẽ chưa tốt, giáo viên sao chép hình vẽ mẫu lên thư mục máy tính của học sinh để học sinh thực hành tô màu. Đối với những nhóm học sinh có kĩ năng vẽ tốt hơn, giáo viên cho học sinh thực hiện vẽ (có thể tuỳ sự sáng tạo của học sinh để bổ sung thêm những chi tiết khác, không yêu cầu giống hoàn toàn hình mẫu trong sách). 41

Giáo viên quan sát từng nhóm và góp ý về màu sắc mà học sinh sử dụng để tô màu, học sinh chọn màu phù hợp với các chi tiết trên bức tranh. Giáo viên lưu ý thêm cho học sinh để tô được màu lên bức tranh thì vùng tô màu phải là một vùng khép kín. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Hoạt động này học sinh sẽ làm quen với thao tác tô màu cho tranh bằng nút phải chuột, cách tô màu cho tranh ở hai ô màu Color 1 và Color 2, điều này giúp việc tô màu cho tranh được nhanh chóng hơn. D. Cũng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhắc lại cách sử dụng công cụ tô màu để tô màu cho tranh. 42

Bài 7 THỰC HÀNH TỔNG HỢP I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Ôn tập các kiến thức đã học trong chủ đề; – Vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học để vẽ bức tranh có chủ đề tuỳ chọn. II. CHUẨN BỊ Một số bức tranh mẫu để học sinh vẽ theo mẫu và tô màu. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động thực hành – Giáo viên tổ chức học sinh hoạt động theo nhóm hoặc cá nhân để thực hiện Hoạt động 1. Trường hợp hoạt động nhóm từng nhóm học sinh thảo luận về các công cụ sẽ sử dụng để vẽ trong bức tranh, thứ tự vẽ các chi tiết trong bức tranh sau đó ghi kết quả vào bảng. Trường hợp hoạt động cá nhân, học sinh ghi kết quả vào bảng, giáo viên kiểm tra kết quả và nhận xét bài làm của học sinh. – Trong Hoạt động 2 và Hoạt động 3, giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm rồi yêu cầu các thành viên trong nhóm luân phiên nhau thực hiện vẽ các chi tiết tranh theo mẫu. Giáo viên cũng cần lưu ý học sinh trong việc chọn độ dày cho các chi tiết tranh, lựa chọn màu sắc phù hợp để tô cho tranh. – Trong Hoạt động 4, giáo viên nên cho học sinh thực hiện cá nhân để vẽ bức tranh có chủ đề “Các thành viên trong gia đình”. B. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Giáo viên hướng dẫn từng nhóm học sinh tìm hiểu chức năng của các nút lệnh khác ngoài nút lệnh trong , dẫn dắt để học sinh thấy được có thể thay đổi vùng tô màu nhiều kiểu khác nhau (kiểu bút chì, kiểu màu nước…). 43

D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhắc lại: – Các thao tác để vẽ một bức tranh trên phần mềm Paint; – Cách sử dụng tổ hợp phím để tạo bài vẽ mới, lưu bài vẽ vào thư mục trên máy tính, quay lại thao tác đã vẽ, xoá một đối tượng được chọn trên bức tranh. 44

HỌC VÀ CHƠI CÙNG MÁY TÍNH TẬP VẼ VỚI PHẦN MỀM TUX PAINT I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Biết cách sử dụng các công cụ vẽ hình trong phần mềm Tux Paint; – Vẽ được một bức tranh hoàn chỉnh bằng phần mềm Tux Paint. II. CHUẨN BỊ Giáo viên cài đặt phần mềm Tux Paint lên máy học sinh và đưa biểu tượng ra màn hình nền. Sau khi cài đặt, phần mềm sẽ xuất hiện hộp thoại cài đặt ngôn ngữ sử dụng cho phần mềm như hình dưới. Giáo viên có thể lựa chọn ngôn ngữ tiếng Việt (Vietnamese) trong ô Language, hoặc chọn Defaults để phần mềm tự chọn ngôn ngữ theo ngôn ngữ trên máy tính (thông thường là tiếng Anh). III. GỢI Ý DẠY HỌC – Giáo viên giới thiệu phần mềm Tux Paint cũng là công cụ giúp học sinh vẽ các hình vẽ trên máy tính như phần mềm Paint mà các em đã được học. Tuy nhiên, phần mềm Tux Paint hỗ trợ nhiều công cụ vẽ hình hơn so với phần mềm Paint. 45

– Giáo viên tổ chức học sinh theo nhóm, học sinh khởi động phần mềm Tux Paint, quan sát màn hình chính của phần mềm rồi so sánh điểm giống nhau và khác nhau trong cửa sổ trang vẽ so với phần mềm Paint. – Giáo viên hướng dẫn học sinh tạo bài vẽ mới bằng cách nháy chọn nút lệnh để tạo trang vẽ mới. Chọn nền trang vẽ màu trắng Chọn nền cho bài vẽ có màu tuỳ ý Chọn mẫu để tô màu Chọn khung cho bài vẽ – Giáo viên yêu cầu từng nhóm học sinh tìm hiểu lần lượt vùng công cụ, vùng hình mẫu, vùng màu sắc theo từng bước cụ thể như sau: nháy chọn một nút lệnh trong vùng công cụ ở cột bên trái màn hình, khi đó các nút lệnh ở cột bên phải sẽ thay đổi theo, học sinh lần lượt chọn từng nút lệnh ở cột bên phải, chọn màu rồi di chuyển con trỏ chuột ra vùng trang vẽ, kéo thả chuột để thấy được hình dạng chi tiết của công cụ đó. – Giáo viên có thể phân công mỗi nhóm tìm hiểu một loại công cụ khác nhau, sau đó trình bày những gì nhóm mình đã tìm hiểu được trước các nhóm khác. 46

– Giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện vẽ tự do và vẽ hình khối theo hướng dẫn trong sách. – Giáo viên lưu ý học sinh nháy chọn vào nút lệnh hoặc để xem các hình mẫu bị ẩn ở phía dưới hoặc phía trên vùng hình mẫu. Sử dụng tổ hợp phím Ctrl + Z để quay lại thao tác trước đó. – Giáo viên cần nhắc nhở học sinh thực hiện lưu bài vẽ vào thư mục trên máy tính trước khi nhấn để thoát khỏi phần mềm. 47

Chủ đề 3 SOẠN THẢO VĂN BẢN Bài 1 BƯỚC ĐẦU SOẠN THẢO VĂN BẢN I. MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học sinh sẽ: – Thực hiện được các thao tác lưu văn bản và mở văn bản đã có sẵn để chỉnh sửa; – Soạn thảo và trình bày được văn bản ngắn trên phần mềm Word. II. CHUẨN BỊ Cài đặt trước các phần mềm Word và UniKey trên máy tính và đưa các biểu tượng và ra màn hình nền ở từng máy của học sinh. Lưu ý: Chưa đặt chế độ gõ tiếng Việt có dấu trên phần mềm gõ tiếng Việt. III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A. Hoạt động cơ bản – Giáo viên có thể cho học sinh nhắc lại một số thông tin về chủ đề đã học (vẽ bằng phần mềm Paint); học sinh sẽ nêu khả năng sử dụng phần mềm Paint để vẽ các hình cơ bản, các đoạn thẳng, đoạn cong, tô màu, sao chép hình,… hoàn thành bức vẽ theo chủ đề nào đó, từ đó đặt câu hỏi để dẫn dắt vào bài học: Em đã có thể dùng máy tính để vẽ tranh, em có thể dùng máy tính để soạn một bài văn, thơ, viết thư không? Giáo viên yêu cầu học sinh nháy đúp lên biểu tượng trên màn hình nền, 48

cửa sổ soạn thảo xuất hiện, quan sát cửa sổ soạn thảo, học sinh xác định con trỏ soạn thảo, bảng chọn, vùng soạn thảo trên phần mềm Word. – Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các thao tác soạn thảo văn bản mẫu trong Hoạt động 2: + Gõ các kí tự (gõ các từ không dấu). + Gõ kí tự in hoa. + Xuống dòng trong trang soạn thảo. Khi thực hiện Hoạt động 2, học sinh sẽ gặp các trường hợp sau: a) Tạo ra khoảng trống giữa các từ (gõ phím cách); b) Xuống dòng; c) Gõ nhầm. Giáo viên quan sát và hỗ trợ học sinh xử lí các trường hợp có thể xảy ra như đã nêu ở trên. – Ở Hoạt động 3, giáo viên có thể hướng dẫn chung cả lớp cách lưu văn bản (giáo viên thực hiện mẫu), chú ý trường hợp máy tính tự động lấy một vài kí tự đầu tiên trong văn bản làm tên văn bản và trường hợp muốn đặt tên riêng cho văn bản. Giáo viên lưu ý học sinh chọn thư mục lưu trữ văn bản đã soạn (thường được lưu trữ trong thư mục tổ và thư mục lớp). – Trong Hoạt động 4, giáo viên yêu cầu học sinh đọc và thực hiện thao tác đóng trang soạn thảo văn bản. Lưu ý: Giáo viên nhắc nhở học sinh cần phải lưu văn bản trước khi đóng văn bản. – Trong Hoạt động 5, giáo viên cho học sinh đọc hướng dẫn rồi yêu cầu mở lại văn bản đã lưu. Lưu ý: Trong hộp thoại Open, học sinh có thể nháy chọn vào văn bản trong thư mục lưu trữ hoặc gõ tên văn bản cần mở vào ô File name. B. Hoạt động thực hành Giáo viên cho học sinh làm việc theo nhóm, học sinh đọc yêu cầu bài tập, thảo luận các công việc cần làm, sau đó luân phiên nhau thực hiện từng bước: 49

a) Khởi động phần mềm soạn thảo văn bản Word; b) Gõ nội dung đoạn thơ (không dấu); c) Lưu văn bản vào máy tính (có thể lấy tên khác phù hợp); d) Đóng cửa sổ soạn thảo văn bản; e) Mở lại văn bản đã soạn (bao gồm cả cách khởi động lại phần mềm soạn thảo) và sửa hoặc bổ sung vài từ nữa rồi lại lưu lại văn bản vào máy tính. Ở hoạt động này, các nhóm học sinh ở từng máy sẽ hoàn thành công việc theo tiến độ khác nhau. Nhóm học sinh nào hoàn thành trước sẽ báo cáo giáo viên và giáo viên kiểm tra, đưa ra nhận xét và cho chuyển sang Hoạt động ứng dụng, mở rộng. C. Hoạt động ứng dụng, mở rộng Hoạt động này học sinh sẽ vận dụng kiến thức đã học để soạn một văn bản (không dấu) theo ý mình. Giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận với bạn, đưa ra chủ đề (có thể là đoạn thơ đã học, một đoạn bài hát đã thuộc, hoặc lấy một đoạn bài học trong sách giáo khoa của một môn học khác) để gõ vào trang soạn thảo, lưu văn bản, đóng văn bản đã soạn và mở lại văn bản ra để chỉnh sửa rồi lưu lại vào máy tính. Trong trường hợp học sinh hoàn thành sớm, giáo viên có thể yêu cầu học sinh tiếp tục gõ thêm nội dung vào văn bản vừa gõ, hoặc gõ văn bản khác. Giáo viên nhận xét kết quả học tập của học sinh (theo từng máy). Lưu ý: Giáo viên cho học sinh thử gõ theo 2 cách rồi nhận xét sự khác biệt giữa cách gõ Shift + Enter và cách gõ Enter, đồng thời giải thích thêm khi gõ Shift + Enter thì dòng mới vẫn thuộc đoạn văn bản đang gõ. Nếu gõ Enter thì sẽ chuyển sang đoạn văn bản mới (thông thường, khoảng cách giữa 2 đoạn liền nhau sẽ lớn hơn khoảng cách giữa 2 dòng liền nhau trong cùng một đoạn, dòng đầu mỗi đoạn thường lùi vào trong một chút). 50

D. Củng cố, ghi nhớ Giáo viên yêu cầu học sinh trao đổi để trả lời các câu hỏi: + Làm thế nào để khởi động phần mềm soạn thảo Word? + Xoá kí tự trên trang soạn thảo bằng cách nào? + Xuống dòng trong trang soạn thảo thực hiện như thế nào? + Lưu văn bản, mở văn bản như thế nào? + Gõ chữ in hoa như thế nào? 51