Sách Cẩm nang chỉ dẫn những nội dung cơ bản trong công tác kế toán dành riêng cho đơn vị hành chính sự nghiệp (Tăng Bình – Ái Phương)
Luật Minh Khuê trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuốn sách “Cẩm nang chỉ dẫn những nội dung cơ bản trong công tác kế toán dành riêng cho đơn vị hành chính sự nghiệp” do Tăng Bình và Ái Phương hệ thống và biên soạn.
Mục Lục
1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách “Cẩm nang chỉ dẫn những nội dung cơ bản trong công tác kế toán dành riêng cho đơn vị hành chính sự nghiệp” do Tăng Bình và Ái Phương hệ thống.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Cẩm nang chỉ dẫn những nội dung cơ bản trong công tác kế toán dành riêng cho đơn vị hành chính sự nghiệp
Tác giả: Tăng Bình – Ái Phương hệ thống
Nhà xuất bản Tài Chính
3. Tổng quan nội dung sách
Kế toán hành chính sự nghiệp là công việc tổ chức hệ thống thông tin bằng số liệu để quản lý và kiểm soát nguồn kinh phí, tình hình sử dụng, quyết toán kinh phí, tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công; tình hình chấp hành dự toán thu, chi và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức thu, chi tại đơn vị. Bên cạnh đó, công tác Thủ quỹ tưởng chừng như rất đơn giản, tuy nhiên nếu chúng ta không nắm được các nghiệp vụ cơ bản thì cũng rất dễ dàng xảy ra những thiếu sót, gây hậu quả nghiêm trọng.
Để giúp Cán bộ kế toán trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đạt hiệu quả cao trong công việc. Xác định được các nội dung phát sinh, nguyên tắc hạch toán, sử dụng chứng từ, tài khoản một cách chính xác, đầy đủ nhất; Đồng thời nắm rõ các quy định dành cho kế toán về chế độ tự chi tự chủ tài chính, chế độ tiền lương, chế độ quản lý nguồn vốn ngân sách… các tác giả Tăng Bình và Ái Phương đã hệ thống và biên soạn cuốn sách: “Cẩm nang chỉ dẫn những nội dung cơ bản trong công tác kế toán dành riêng cho đơn vị hành chính sự nghiệp”.
Nội dung cuốn sách gồm có các phần sau:
Phần thứ nhất. Công tác tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán
Chương I. Pháp luật về kế toán
Chương II. Nội dung công tác kế toán trong cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp
Chương III. Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán
Chương IV. Quy định xử phạt hành vi vi phạm trong công tác kế toán
Phần thứ hai. Nghiệp vụ công tác kế toán hành chính, sự nghiệp
Chương I. Nghiệp vụ kế toán vốn bằng tiền và đầu tư tài chính
Chương II. Nghiệp vụ kế toán hàng tồn kho và tính giá thành sản phẩm, dịch vụ
Chương III. Nghiệp vụ kế toán tài sản cố định và đầu tư xây dựng cơ bản
Chương IV. Nghiệp vụ kế toán thanh toán
Chương V. Nghiệp vụ kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương
Chương VI. Nghiệp vụ kế toán nguồn kinh phí và các quỹ
Chương VII. Nghiệp vụ kế toán các khoản thu, doanh thu và thu nhập khác
Chương VIII. Nghiệp vụ kế toán các khoản chi phí
Chương IX. Nghiệp vụ kế toán xác định kết quả hoạt động
Chương X. Nghiệp vụ kế toán báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán
4. Đánh giá bạn đọc
Cuốn sách “Cẩm nang chỉ dẫn những nội dung cơ bản trong công tác kế toán dành riêng cho đơn vị hành chính sự nghiệp” đã trình bày toàn diện những nghiệp vụ kế toán cơ bản dành cho kế toán tại đơn vi hành chính sự nghiệp, phục vụ công tác cho cán bộ phụ trách kế toán tại cơ quan, đơn vị được thuận tiện và dễ dàng hơn, hạn chế những sai sót không đáng có.
Cùng một lúc cuốn sách cung cấp cho bạn đọc nhiều quy định pháp luật về kế toán của đơn vị hành chính sự nghiệp, cuốn sách là một kênh tra cứu pháp luật hữu ích đối với bạn đọc.
5. Kết luận
Cuốn sách “Cẩm nang chỉ dẫn những nội dung cơ bản trong công tác kế toán dành riêng cho đơn vị hành chính sự nghiệp” do Tăng Bình và Ái Phương hệ thống có giá trị thực tiễn đối với bạn đọc, là tài liệu hữu ích đối với lãnh đạo và người phụ trách kế toán trong đơn vi hành chính sự nghiệp.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!
Tuy nhiên, Luật Minh Khuê lưu ý bạn đọc, cuốn sách được các tác giả hệ thống vào năm 2019, cũng đã tập hợp những văn bản pháp luật mới nhất song theo thời gian, cùng với sự vận động của thực tiễn, những quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đo, khi sử dụng cuốn sách để tra cứu bạn đọc lưu ý kiểm tra lại hiệu lực của quy định được dẫn chiếu một lần nữa để đảm bảo lựa chọn và áp dụng đúng quy định.
Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.6162 của Luật Minh Khuê, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!
Dưới đây, Luật Minh Khuê trích dẫn nghiệp vụ hạch toán tài khoản 211 – Tài sản cố định hữu hình trong đơn vị hành chính, sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC để bạn đọc tham khảo:
TÀI KHOẢN 211
TÀI SẢN CỐ ĐỊNH HỮU HÌNH
1- Nguyên tắc kế toán
1.1- Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của toàn bộ TSCĐ hữu hình của đơn vị theo nguyên giá.
1.2- TSCĐ hữu hình là những tư liệu lao động có hình thái vật chất, có đủ tiêu chuẩn của TSCĐ về giá trị và thời gian sử dụng theo quy định trong chế độ quản lý tài chính (trừ trường hợp đặc biệt có quy định riêng đối với một số tài sản đặc thù).
1.3- Giá trị TSCĐ hữu hình phản ánh trên TK 211 theo nguyên giá. Kế toán phải theo dõi chi tiết nguyên giá của từng TSCĐ. Tùy thuộc vào quá trình hình thành, nguyên giá TSCĐ hữu hình được xác định trong từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành.
1.4- Khi mua TSCĐ từ dự toán được giao trong năm (kể cả nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài; nguồn thu hoạt động khác được để lại), hoặc từ nguồn phí được khấu trừ, để lại:
a) Đối với tổng số tiền đã chi (rút ra) liên quan trực tiếp để hình thành TSCĐ (nguyên giá của TSCĐ): Hạch toán các tài khoản ngoài bảng (TK 008, TK 012, 014, 018);
(Chỉ phản ánh vào chi phí (TK 611, 612, 614) số trích khấu hao, số hao mòn tính trong năm).
b) Đối với nguồn hình thành TSCĐ được hạch toán vào các TK 36611, 36621, 36631.
1.5- TSCĐ hình thành từ nguồn thu nào thì khi tính khấu hao/hao mòn sẽ được kết chuyển từ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu sang các TK doanh thu (thu) của hoạt động tương ứng (TK 511, 512, 514). TSCĐ sử dụng cho hoạt động gì thì tính khấu hao/hao mòn được phản ánh vào TK chi phí của hoạt động đó (TK 611, 612, 614, 154, 642).
1.6- Nguyên giá tài sản cố định chỉ được thay đổi theo quy định hiện hành. Khi phát sinh nghiệp vụ làm thay đổi nguyên giá tài sản cố định đơn vị thực hiện lập Biên bản ghi rõ căn cứ thay đổi nguyên giá; đồng thời xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, giá trị hao mòn lũy kế của tài sản cố định để điều chỉnh sổ kế toán và thực hiện hạch toán kế toán theo quy định hiện hành.
1.7- Mọi trường hợp tăng, giảm TSCĐ hữu hình đều phải lập chứng từ chứng minh, phải thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục theo quy định của Nhà nước. Sau đó, đơn vị phải lập và hoàn chỉnh hồ sơ TSCĐ về mặt kế toán.
1.8- TSCĐ hữu hình phải được theo dõi chi tiết cho từng đối tượng ghi TSCĐ, theo từng loại TSCĐ và địa điểm bảo quản, quản lý và sử dụng TSCĐ.
2- Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 211- Tài sản cố định hữu hình
Bên Nợ:
– Nguyên giá của TSCĐ hữu hình tăng do mua sắm, do XDCB hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, do được cấp, do được tài trợ, tặng, biếu, viện trợ…;
– Điều chỉnh tăng nguyên giá của TSCĐ do nâng cấp tài sản theo dự án;
– Các trường hợp khác làm tăng nguyên giá của TSCĐ (Đánh giá lại TSCĐ…).
Bên Có:
– Nguyên giá của TSCĐ hữu hình giảm do điều chuyển cho đơn vị khác, do nhượng bán, thanh lý hoặc do những lý do khác (mất…);
– Nguyên giá của TSCĐ hữu hình giảm do tháo dỡ một hay một số bộ phận;
– Các trường hợp khác làm giảm nguyên giá của TSCĐ (đánh giá lại TSCĐ…).
Số dư bên Nợ: Nguyên giá TSCĐ hữu hình hiện có ở đơn vị.
Tài khoản 211 – TSCĐ hữu hình, có 7 tài khoản cấp 2:
– Tài khoản 2111- Nhà cửa, vật kiến trúc: Phản ánh giá trị của các TSCĐ là nhà cửa, vật kiến trúc.
Tài khoản này có 2 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 21111- Nhà cửa, gồm: Nhà làm việc, nhà kho, nhà hội trường, nhà câu lạc bộ, nhà văn hóa, nhà tập luyện và thi đấu thể thao, nhà bảo tồn bảo tàng, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà xưởng, phòng học, nhà giảng đường, nhà ký túc xá, nhà khám bệnh, nhà an dưỡng, nhà khách, nhà ở, nhà công vụ, nhà công thự, nhà khác,…
+ Tài khoản 21112- Vật kiến trúc, gồm: Kho chứa, bể chứa, bãi đỗ, sân phơi, sân chơi, sân chơi thể thao, sân vận động, bể bơi, trường bắn, kè, đập, đê, cống, kênh, mương máng, bến cảng, ụ tàu, giếng khoan, giếng đào, tường rào, vật kiến trúc khác.
– Tài khoản 2112- Phương tiện vận tải: Phản ánh giá trị của các TSCĐ là phương tiện vận tải.
Tài khoản này có 5 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 21121- Phương tiện vận tải đường bộ: Phản ánh giá trị các loại phương tiện vận tải đường bộ như xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy và các phương tiện đường bộ khác.
+ Tài khoản 21122- Phương tiện vận tải đường thủy: Phản ánh giá trị các loại phương tiện vận tải đường thủy như: Tàu biển chở hàng hóa; tàu biển chở khách; tàu tuần tra, cứu hộ, cứu nạn đường thủy; tàu chở hàng đường thủy nội địa; tàu chở khách đường thủy nội địa; phà đường thủy các loại; ca nô, xuồng máy các loại; ghe, thuyền các loại; phương tiện vận tải đường thủy khác.
+ Tài khoản 21123- Phương tiện vận tải đường không: Phản ánh giá trị các loại phương tiện vận tải đường không như máy bay.
+ Tài khoản 21124- Phương tiện vận tải đường sắt: Phản ánh giá trị các loại phương tiện vận tải đường sắt.
+ Tài khoản 21128- Phương tiện vận tải khác: Phản ánh giá trị các loại phương tiện vận tải khác không thuộc các phương tiện nêu trên.
– Tài khoản 2113- Máy móc, thiết bị: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ là máy móc, thiết bị dùng cho văn phòng, máy móc, thiết bị động lực, máy móc thiết bị chuyên dùng và máy móc thiết bị khác.
Tài khoản này có 3 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 21131- Máy móc, thiết bị văn phòng: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ là máy móc, thiết bị văn phòng.
+ Tài khoản 21132- Máy móc, thiết bị động lực: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ là máy móc, thiết bị động lực.
+ Tài khoản 21133- Máy móc, thiết bị chuyên dùng: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ là máy móc, thiết bị chuyên dùng.
– Tài khoản 2114- Thiết bị truyền dẫn: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ là thiết bị truyền dẫn như phương tiện truyền dẫn khí đốt, phương tiện truyền dẫn điện, phương tiện truyền dẫn nước, phương tiện truyền dẫn các loại khác.
– Tài khoản 2115- Thiết bị đo lường, thí nghiệm: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ là thiết bị đo lường, thí nghiệm.
– Tài khoản 2116- Cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ là cơ thể sống, cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm, vườn cây cảnh, súc vật cảnh…
– Tài khoản 2118- TSCĐ hữu hình khác: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ hữu hình khác chưa phản ánh ở các tài khoản nêu trên (chủ yếu là TSCĐ mang tính đặc thù) như: Tác phẩm nghệ thuật, sách báo khoa học, kỹ thuật trong các thư viện và sách báo phục vụ cho công tác chuyên môn, các vật phẩm trưng bày trong các nhà bảo tàng…
3- Phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu
3.1- Kế toán tăng TSCĐ hữu hình
a) Trường hợp mua sắm, đầu tư TSCĐ bằng nguồn thu hoạt động do NSNN cấp (kể cả mua mới hoặc mua lại TSCĐ đã sử dụng). Căn cứ các chứng từ có liên quan đến việc mua sắm TSCĐ hữu hình, kế toán xác định nguyên giá của TSCĐ, lập hồ sơ kế toán, lập biên bản giao nhận TSCĐ và tiến hành ghi sổ kế toán theo các trường hợp sau:
* Trường hợp mua sắm TSCĐ
– Nếu mua về đưa ngay vào sử dụng, không phải qua lắp đặt, chạy thử, ghi:
Nợ TK 211- TSCĐ hữu hình
Có các TK 111, 112, 331, 366… (chi phí mua, vận chuyển, bốc dỡ…).
Đồng thời, ghi:
Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (nếu rút dự toán), hoặc
Có TK 012- Lệnh chi tiền thực chi (nếu sử dụng kinh phí được cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi), hoặc
Có TK 018- Thu hoạt động khác được để lại (nếu sử dụng nguồn thu hoạt động khác được để lại).
– Nếu TSCĐ mua về phải qua lắp đặt, chạy thử, ghi:
Nợ TK 241- XDCB dở dang (2411)
Có các TK 112, 331, 366… (chi phí mua, lắp đặt, chạy thử…).
Đồng thời, ghi:
Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (nếu rút dự toán), hoặc
Có TK 012- Lệnh chi tiền thực chi (nếu sử dụng kinh phí được cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi), hoặc
Có TK 018- Thu hoạt động khác được để lại (nếu mua bằng nguồn thu hoạt động khác được để lại).
Khi lắp đặt, chạy thử xong, bàn giao TSCĐ đưa vào sử dụng, ghi:
Nợ TK 211- TSCĐ hữu hình
Có TK 241- XDCB dở dang (2411).
– Tính hao mòn TSCĐ (nếu dùng cho hoạt động hành chính), ghi:
Nợ TK 611- Chi phí hoạt động
Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ.
– Trích khấu hao TSCĐ (nếu dùng cho hoạt động SXKD, dịch vụ), ghi:
Nợ các TK 154, 642
Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ.
– Cuối năm, đơn vị kết chuyển số khấu hao, hao mòn đã tính (trích) trong năm sang TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp, ghi:
Nợ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36611)
Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.
* Trường hợp đầu tư XDCB hoàn thành:
– Khi phát sinh chi phí đầu tư XDCB, ghi:
Nợ TK 241- XDCB dở dang (2412)
Có các TK 111, 331, 366 (3664)….
Nếu rút dự toán, đồng thời ghi:
Có TK 009- Dự toán chi đầu tư XDCB, hoặc
Có TK 018- Thu hoạt động khác được để lại (nếu chi bằng nguồn thu hoạt động khác được để lại).
Nếu chi từ nguồn thu hoạt động khác được để lại, đồng thời, ghi:
Nợ TK 337- Tạm thu (3371)
Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (3364).
– Khi công trình hoàn thành bàn giao TSCĐ đưa vào sử dụng, căn cứ giá trị quyết toán công trình (hoặc giá tạm tính), ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
Có TK 241- XDCB dở dang (2412).
Đồng thời, ghi:
Nợ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (3664)
Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36611).
– Tính hao mòn TSCĐ (nếu dùng cho hoạt động hành chính), ghi:
Nợ TK 611- Chi phí hoạt động
Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ.
– Trích khấu hao (nếu dùng cho hoạt động SXKD, dịch vụ), ghi:
Nợ các TK 154, 642
Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ.
– Cuối năm, đơn vị kết chuyển số khấu hao, hao mòn đã tính (trích) trong năm sang TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp, ghi:
Nợ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36611)
Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.
* Trường hợp được viện trợ (không theo chương trình, dự án), tài trợ, biếu tặng nhỏ lẻ bằng tài sản cố định, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36611).
– Tính hao mòn TSCĐ (nếu dừng cho hoạt động hành chính), ghi:
Nợ TK 611 – Chi phí hoạt động
Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ.
– Trích khấu hao TSCĐ (nếu dùng cho hoạt động SXKD, dịch vụ), ghi:
Nợ các TK 154, 642
Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ.
– Cuối năm, đơn vị kết chuyển số khấu hao, hao mòn đã tính (trích) trong năm sang TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp, ghi:
Nợ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36611)
Có TK 511 – Thu hoạt động do NSNN cấp.
……………………………..