Sa âm đạo (Sa sinh dục) – Dulichchuabenh.vn
Mục Lục
SA ÂM ĐẠO (HOẶC SA BỘ PHẬN VÙNG CHẬU) LÀ GÌ?
Các bộ phận vùng chậu bao gồm bàng quang, tử cung (dạ con) và trực tràng. Những bộ phận này được các mô gọi là “băng” và “dây chằng” giữ yên vị trí. Những mô này giúp nối kết các bộ phận vùng chậu với vách xương của vùng chậu và giữ chúng ở bên trong vùng chậu. Các cơ sàn chậu của quý vị cũng chống đỡ cho các bộ phận vùng chậu từ dưới lên. Nếu các băng và dây chằng bị rách hoặc bị giãn vì bất cứ lý do gì và nếu các cơ sàn chậu yếu, thì các bộ phận vùng chậu (bàng quang, tử cung hoặc trực tràng) của quý vị có thể không được giữ ở đúng vị trí và chúng có thể phình xuống âm đạo (đường sinh dục).
CÁC DẤU HIỆU SA BỘ PHẬN LÀ GÌ?
Có một vài dấu hiệu cho thấy có thể quý vị bị sa bộ phận. Những dấu hiệu này tùy thuộc bộ phận nào bị sa xuống và sức chống đỡ bộ phận vùng chậu bị mất là bao nhiêu. Thoạt đầu quý vị có thể không biết mình bị sa bộ phận, nhưng bác sĩ hay y tá có thể nhìn thấy quý vị bị sa bộ phận khi quý vị đi làm xét nghiệm Pap (dò tìm ung thư cổ tử cung) thường lệ.
Khi bộ phận bị sa xuống sâu hơn, quý vị có thể để ý thấy những điểm chẳng hạn như:
→ cảm gíác nặng hoặc chằng trong âm đạo; có cái gì đó ‘tụt xuống’ hoặc một khối trong âm đạo;
→ một khối lồi ra từ âm đạo mà quý vị có thể nhìn thấy hoặc sờ chạm được khi tắm vòi sen hoặc tắm bồn;
→ bị đau hoặc mất bớt cảm giác khi quan hệ tình dục;
→ bọng đái có thể không thải hết nước tiểu như thường lệ hoặc dòng nước tiểu có thể chảy yếu;
→ quý vị có thể bị viêm đường tiểu nhiều lần;
→ hay quý vị có thể khó đi đại tiện.
Những dấu hiệu này có thể chuyển nặng vào cuối ngày và quý vị có thể cảm thấy đỡ hơn sau khi nằm xuống. Nếu vấn đề sa bộ phận phình hẳn ra khỏi cơ thể, quý vị có thể bị đau và chảy máu vì bộ phận bị sa xuống cọ xát với quần lót của quý vị.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA VẤN ĐỀ SA BỘ PHẬN?
Các bộ phận vùng chậu được các băng khỏe mạnh giữ yên bên trong vùng chậu. Các bộ phận vùng chậu này được các cơ sàn chậu nâng lên từ bên dưới, tương tự như chiếc võng bằng bắp thịt săn chắc. Nếu các mô nâng (băng và dây chằng) giữ bọng đái, tử cung và ruột yên vị trong vùng chậu bị yếu đi hay tổn thương, hoặc nếu các cơ vùng chậu bị yếu và xệ xuống, khi ấy vấn đề sa bộ phận có thể xảy ra.
Sinh nở là nguyên nhân chính gây ra vấn đề sa bộ phận. Trên đường ra qua âm đạo, em bé có thể làm giãn và rách các mô nâng đỡ và các cơ sàn chậu. Càng sinh con ngả âm đạo nhiều lần, quý vị càng dễ bị sa bộ phận.
Những yếu tố khác đè xuống các bộ phận vùng chậu và các cơ sàn chậu có thể dẫn tới việc sa bộ phận, gồm:
→ ho dai dẳng trong một thời gian (chẳng hạn như chứng ho của người hút thuốc hoặc suyễn);
→ nâng vật nặng;
→ và táo bón và rặn khi đi đại tiện.
CÁC LOẠI SA BỘ PHẬN
Các bộ phận vùng chậu có thể phình ra qua thành trước của âm đạo (gọi là sa bàng quang), qua thành sau của âm đạo (gọi là sa trực tràng hoặc sa ruột non) hoặc tử cung có thể thòng xuống âm đạo (sa tử cung). Có thể có nhiều bộ phận phình xuống âm đạo.
AI DỄ BỊ SA BỘ PHẬN?
Sa bộ phận có khuynh hướng di truyền, thường xảy ra sau khi tắt kinh hoặc nếu quý vị bị quá nặng cân. Tuy nhiên chuyện này cũng có thể xảy ra ở phụ nữ trẻ ngay sau khi sinh em bé.
Người ta cho rằng 50% phụ nữ đã từng có con đều bị sa bộ phận vùng chậu ở một mức độ nào đó thế nhưng chỉ có một trong năm phụ nữ nhờ giúp đỡ.
Sa bộ phận cũng có thể xảy ra ở phụ nữ chưa từng sinh con, chủ yếu nếu họ ho, rặn khi đi đại tiện hoặc nâng vật nặng.
Ngay cả sau khi giải phẫu để sửa vấn đề sa bộ phận, một trong ba phụ nữ lại sẽ bị sa bộ phận nữa.
Sa bộ phận cũng có thể xảy ra ở phụ nữ đã cắt bỏ tử cung (tức là đã cắt bỏ dạ con). Trong trường hợp này, phần trên cùng của âm đạo (vòm âm đạo) có thể sa xuống.
CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM ÐƯỢC GÌ ĐỂ GIÚP TRÁNH BỊ SA BỘ PHẬN?
Ngăn ngừa bị sa bộ phận tốt hơn là cố gắng chữa trị nó! Nếu bất cứ người thân trực hệ phái nữ nào trong gia đình của quý vị bị sa bộ phận, quý vị dễ bị vấn đề này hơn và cần phải cố gắng hết sức để làm theo hướng dẫn trong tờ thông tin này.
Vì vấn đề sa bộ phận là do các mô vùng chậu và cơ sàn chậu yếu, quý vị cần phải giữ cho các cơ này được mạnh bất luận tuổi tác của quý vị là như thế nào.
Quý vị có thể làm cho các cơ sàn chậu được mạnh hơn nhờ tập luyện đúng cách (Xem tờ thông tin “Tập Luyện Cơ Sàn Chậu dành cho Phụ Nữ”). Điều quan trọng là nên nhờ chuyên viên như chuyên viên vật lý trị liệu chuyên về sàn chậu hoặc y tá cố vấn chứng mất chủ động đại tiểu tiện kiểm tra giùm các động tác tập cơ sàn chậu của quý vị.
Nếu quý vị được cho biết mình bị sa bộ phận, các chuyên viên này sẽ là những người thích hợp nhất để giúp lập ra chương trình tập luyện cơ sàn chậu phù hợp với nhu cầu của quý vị.
CÓ CÁCH NÀO ĐỂ CHỮA TRỊ KHI ÐÃ XẢY RA CHỨNG SA BỘ PHẬN?
Sa bộ phận có thể được chữa trị theo cách thức đơn giản hoặc phẫu thuật—tùy theo vấn đề nặng nhẹ.
Cách đơn giản
Thông thường, tình trạng sa bộ phận có thể được chữa trị mà không cần giải phẫu, chủ yếu là trong các giai đoạn đầu và khi vấn đề còn nhẹ. Cách đơn giản có thể là:
→ tập luyện cơ sàn chậu được tính toán cho nhu cầu đặc biệt của quý vị, theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu chuyên về sàn chậu hoặc y tá cố vấn về chứng mất chủ động đại tiểu tiện;
→ tìm hiểu nguyên nhân gây ra vấn đề sa bộ phận và thực hiện các thay đổi cần thiết về lối sống;
→ duy trì thói quen tiêu tiểu tốt để tránh phải rặn (xem tờ thông tin “Thói Quen Tiểu Tiện Tốt dành cho Mọi Người” ); và
→ đặt vòng nâng (bộ phận làm bằng nhựa hoặc cao su đặt vào âm đạo) được đo đạc cẩn thận và đặt vào âm đạo để chống đỡ bên trong cho các bộ phận vùng chậu (hơi giống như đồ chống) thay vì giải phẫu.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được thực hiện để sửa lại các băng và dây chằng bị rách hay bị giãn. Phẫu thuật có thể được thực hiện qua ngả âm đạo hoặc bụng. Đôi khi, bác sĩ giải phẫu đặt một tấm lưới đặc biệt vào thành trước hay thành sau của âm đạo để tăng cường cho nơi bị yếu hoặc rách. Khi cơ thể lành lại, tấm lưới sẽ tạo thành các mô vững chắc hơn để nâng đỡ thêm ở những chỗ cần thiết.
Sau phẫu thuật
Để ngăn ngừa tình trạng sa bộ phận xảy ra lần nữa, quý vị phải bảo đảm mình:
→ tập luyện đúng cách để bảo đảm các cơ sàn chậu của quý vị đủ mạnh để nâng đỡ cho các bộ phận vùng chậu;
→ đừng rặn khi đi đại tiện (xem tờ thông tin “Thói Quen Tiểu Tiện Tốt dành cho Mọi Người”);
→ giữ thể trọng trong khoảng thích hợp với chiều cao và tuổi tác của mình;
→ học cách thức nâng vật nặng an toàn, kể cả nhờ người phụ nâng vật nặng;
→ đi gặp bác sĩ nếu quý vị bị ho không thuyên giảm; và
→ đi gặp bác sĩ nếu những cách thức đơn giản dường như không có hiệu quả chi hết.
NHỜ GIÚP ĐỠ
Sa bộ phận là vấn đề thường gặp. Vấn đề sẽ không tự hết nếu quý vị không lưu tâm đến nó và mọi giúp đỡ đều có sẵn. Để có kết quả tốt nhất, quý vị nên nhờ bác sĩ, chuyên viên vật lý trị liệu, hoặc y tá cố vấn về chứng mất chủ động đại tiểu tiện giúp đỡ, họ sẽ hướng dẫn cho quý vị cách tốt nhất để đối phó với vấn đề bị sa bộ phận, thích hợp nhất với quý vị. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề sa bộ phận hoặc chủ động tiểu tiện, quý vị có thể liên lạc với bác sĩ của quý vị.
Bàn với bác sĩ nếu quý vị có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào.
Nguồn: www.bladderbowel.gov.au