SỰ KHÁC BIỆT GIỮA AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG VỚI AN NINH TRUYỀN THỐNG

An ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống có tính liên hệ mật thiết với nhau, nhưng đặc điểm và tính chất cũng có sự khác biệt rõ ràng. Làm rõ tính liên hệ và khác biệt giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống sẽ có lợi cho việc tính toán và quy hoạch lại chiến lược an ninh để ứng phó với uy hiếp do vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đem đến trong môi trường an ninh mới, qua đó, bảo đảm sự ổn định và vững chắc cho an ninh quốc gia[1]. Tính liên hệ lẫn nhau giữa an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống chủ yếu được biểu hiện ở chỗ: Một là, bản thân từ ngữ hoặc khái niệm “an ninh phi truyền thống” chính là do sự mở rộng trong nội hàm và ngoại diện của khái niệm “an ninh truyền thống” và khái niệm “an ninh quốc gia”[2] mà có. Hoặc có thể nói, nhận biết đối với vấn đề an ninh phi truyền thống được phát triển trên cơ sở quan niệm an ninh quốc gia truyền thống. Thực tế cho thấy, đa số vấn đề an ninh phi truyền thống phản ánh từng bước diễn biến hoặc phát sinh từ trong môi trường và trở thành vấn đề an ninh mới. Do đó, theo cách nhìn nhận vấn đề hiện nay như chủ nghĩa khủng bố, di dân bất hợp pháp, khan hiếm tài nguyên nước, môi trường sinh thái, buôn lậu ma túy lại không phải là sự “xuất hiện an ninh mới”, mà xã hội chỉ coi nó là một loại “uy hiếp an ninh mới” nên quan tâm nhiều hơn. Nếu trước đây những cái đó là “vấn đề cũ” còn hình thức biểu hiện và kết quả tạo ra thì hiện nay lại có các đặc điểm “mới”. Hiện nay, chủ nghĩa khủng bố đã mang tính toàn cầu hóa, mạng lưới hóa, phương thức, thủ đoạn hoạt động và sự nguy hại của nó cũng khác nhiều so với trước đây. Đương nhiên, trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống cũng có một số vấn đề mới xuất hiện như vấn đề an ninh về hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng then chốt do sự tấn công mạng lưới thông tin đem đến[3].

Hai là, trong điều kiện cụ thể, nhất định vấn đề an ninh truyền thống và vấn đề an ninh phi truyền thống có thể “chuyển hóa” lẫn nhau. Một số vấn đề vốn thuộc về lĩnh vực an ninh truyền thống thì nay có thể diễn biến thành vấn đề an ninh phi truyền thống như: vấn đề dân tộc thiểu số, xung đột tôn giáo, khủng hoảng kinh tế, bạo loạn quốc gia trong nội bộ một nước có thể vượt qua biên giới quốc gia mà “lan tỏa” ra bên ngoài[4]. Ở đây, không thể tránh khỏi việc ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh của các nước láng giêng và khu vực xung quanh, khiến nó trở thành vấn đề an ninh mang tính “xuyên quốc gia”… Hoặc trong thời kỳ Chiến tranh lạnh vấn đề vũ khí hạt nhân là một nội dung của lĩnh vực an ninh truyền thống nhưng ngày nay có nguy cơ chủ nghĩa khủng bố và phần tử khủng bố tìm các cách thức, thủ đoạn giành được và sử dụng nên các nguyên liệu hạt nhân và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân đã trở thành những thách thức, mối đe dọa của an ninh phi truyền thống[5].

Ba là, tiếp cận rộng từ môi trường an ninh toàn cầu và nước lớn chủ yếu, cũng như vấn đề an ninh mà các quốc gia ở vào vị trí địa chính trị, kinh tế, chiến lược quan trọng, nhạy cảm phải đối mặt. Cho thấy, cho dù tình hình đất nước, sự phát triển xã hội và nhu cầu an ninh của mỗi nước là khác nhau, nhưng cả hai vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đồng thời cùng tồn tại, liên hệ, chi phối và tác động lẫn nhau. Chiến lược và chính sách an ninh của những quốc gia đó đều phải đồng thời ứng phó với sự uy hiếp, các thách thức mà an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đã và đang đặt ra.

Bốn là, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống có mối liên hệ tác động lẫn nhau, vấn đề an ninh phi truyền thống nếu không được khống chế và bị kích thích hóa thì sẽ gây ra xung đột giữa các quốc gia, dân tộc dẫn đến có nước sẽ áp dụng thủ đoạn quân sự của an ninh truyền thống để giải quyết[6]. Hiện nay, chính nước Mỹ dùng chiêu bài chiến tranh của an ninh truyền thống để hòng loại bỏ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu “uy hiếp phi truyền thống”. Vấn đề tranh đoạt tài nguyên nước, đối phó với việc phố biến vũ khí giết người hàng loạt cũng đều có thể dẫn đến việc sử dụng thủ đoạn quân sự và phương thức chiến tranh. Ngoài ra, do vấn đề “an ninh phi truyền thống” được đưa vào trong hệ thống đánh giá chiến lược của uy hiếp an ninh quốc gia, yêu cầu sự hợp tác giữa bộ phận an ninh truyền thống và các bộ phận liên quan khác đã được tăng cường. Chẳng hạn, trước đây những bộ phận vốn không mấy liên quan với nhau như quốc phòng, tư pháp, tình báo, y tế công cộng, nông nghiệp và môi trường của các nước phát triển nhưng ngày nay đều tăng cường điều hòa lẫn nhau cùng bảo vệ an ninh quốc gia[7]. Do đó, tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, người viết cho rằng nhận thức chung về an ninh phi truyền thống trong sự đối sánh, quan hệ với an ninh truyền thống như sau[8]:

Tiêu chí

An ninh phi truyền thống

An ninh truyền thống

Sự xuất hiện

Xuất hiện sau

Xuất hiện trước

Đối tượng bảo vệ

Hướng đến trọng tâm bảo vệ cá nhân con người hoặc cộng đồng, qua đó bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc

Hướng đến mục tiêu chủ đạo là bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, dân tộc

Nguồn tạo ra các mối đe dọa

Được tạo ra bởi các tác nhân tự nhiên, các nhóm người, cá nhân hoặc tổ chức phi nhà nước, v.v…

Được tạo ra từ mối đe dọa là các quốc gia thù địch hoặc phe nhóm chính trị đối lập

Tính chất của các mối đe dọa

Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống rất đa dạng, có tính phi quân sự (tác động trên nhiều lĩnh vực đời sống như kinh tế, chính trị, xã hội, thông tin, môi trường.v.v…)

Các mối đe dọa an ninh truyền thống thường là hoạt động trên bình diện quân sự hoặc bình diện chính trị.

Phạm vi tác động

Tác động ở nhiều phạm vi, quy mô khác nhau từ hẹp đến rộng như: an ninh của một nhóm, tầng lớp, cộng đồng dân cư hay an ninh của một quốc gia, dân tộc, thậm chí là an nnh khu vực và an ninh toàn cầu…

Thường uy hiếp an ninh của một quốc gia, dân tộc.

Các thức biện pháp giải quyết

Nhấn mạnh nhiều biện pháp giải quyết, coi trọng hợp tác song phương hoặc đa phương, thể hiện tính tổng hợp của biện pháp ứng phó.

Nhấn mạnh biện pháp quân sự, liên kết đồng minh và coi trọng lợi ích và an ninh quốc gia.

Tài liệu tham khảo

1. Eddie Walsh: Threats Non – Traditional Security in Asia: Finding a regional way forward, 2011 (http://www.eastasiaforum.org/2011/06/04/ non – traditional), truy cập ngày 22/10/2017.

2. Nguyễn Văn Hưởng: An ninh phi truyền thống: Nguy cơ, thách thức, chủ trương và giải pháp đối phó ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 201416

3. Tô Lâm, Nguyễn Xuân Yêm (tổng chủ biên): An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2017.

4. Trịnh Tiến Việt: An ninh phi truyền thống: Khái niệm, những thách thức, các yêu cầu đặt ra đối với pháp luật hình sự Việt Nam và một số kiến nghị, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 5, 2017

 

[1] Xem Eddie Walsh: Threats Non – Traditional Security in Asia: Finding a regional way forward, 2011 (http://www.eastasiaforum.org/2011/06/04/ non – traditional), truy cập ngày 22/10/2017.

[2] “An ninh quốc gia” được hiểu là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc (Điều 3 Luật An ninh quốc gia năm 2004)

[3] Xem Nguyễn Văn Hưởng: An ninh phi truyền thống: Nguy cơ, thách thức, chủ trương và giải pháp đối phó ở Việt Nam, Sđd, tr.44-45

[4] Xem Nguyễn Văn Hưởng: An ninh phi truyền thống: Nguy cơ, thách thức, chủ trương và giải pháp đối phó ở Việt Nam, Sđd, tr.44-45

[5] Xem Nguyễn Văn Hưởng: An ninh phi truyền thống: Nguy cơ, thách thức, chủ trương và giải pháp đối phó ở Việt Nam, Sđd, tr.44-45

[6] Xem Tô Lâm, Nguyễn Xuân Yêm (tổng chủ biên): An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Sđd, tr.34

[7] Xem Nguyễn Văn Hưởng, An ninh phi truyền thống: Nguy cơ, thách thức, chủ trương và giải pháp đối phó ở Việt Nam, Sđd, tr. 46

[8] Xem Trịnh Tiến Việt: An ninh phi truyền thống: Khái niệm, những thách thức, các yêu cầu đặt ra đối với pháp luật hình sự Việt Nam và một số kiến nghị, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 5, 2017, tr.14