STDE – SẢN PHẨM DU LỊCH TỔNG THỂ CỦA ĐIỂM ĐẾN- CÁCH NHÌN MỚI VÀ TOÀN DIỆN

SẢN PHẨM DU LỊCH TỔNG THỂ CỦA ĐIỂM ĐẾN- CÁCH NHÌN MỚI VÀ TOÀN DIỆN

SẢN PHẨM DU LỊCH TỔNG THỂ CỦA ĐIỂM ĐẾN- CÁCH NHÌN MỚI VÀ TOÀN DIỆN VỀ SẢN PHẨM DU LỊCH.  

               

TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh
Chủ tịch liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững


Phát triển sản phẩm du lịch bền vững là thoả mãn được các nhu cầu hiện tại của du khách về sản phẩm du lịch mà vẫn không làm tổn hại đến các giá trị của tài nguyên du lịch trong tương lai.
Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần phải có một cái nhìn mở rộng, có thể nói là mở rộng hơn rất nhiều những gì mà hiện giờ chúng ta đang nghĩ và hiểu về sản phẩm  du lịch…

Sự phát triển của khái niệm sản phẩm du lịch.

Quá trình phát triển du lịch, các khái niệm về sản phẩm du lịch đã được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu về du lịch bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Trước đây con người coi du lịch chỉ đơn thuần là hoạt động khách sạn, nhà hàng. Quan niệm trên rõ ràng là chưa chính xác, mặc dù khách sạn là bộ phận quan trọng đặc biệt của du lịch. Hiện nay Tổng cục Thống kê Việt Nam vẫn đánh đồng du lịch và khách sạn nhà hàng là một.

Luật du lịch được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 qui định: Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch. Các dịch vụ đó là: Dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú ăn uống; vui chơi giải trí, thông tin hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Chúng ta biết rằng, quan điểm khác nhau sẽ ảnh hưởng khác nhau tới việc phát triển sản phẩm. Nếu theo quan điểm trên của Luật du lịch thì sản phẩm du lịch vẫn chỉ đơn thuần là hoạt động của các ngành dịch vụ. Trên thực tế, nội dung của hoạt động du lịch phong phú hơn nhiều.

Theo Michael M.Coltman [4]: Sản phẩm du lịch là một tổng thể bao gồm các thành phần không đồng nhất hữu hình và vô hình. Sản phẩm du lịch có thể là một món hàng cụ thể như thức ăn, hoặc một món hàng không cụ thể như chất lượng phục vụ, bầu không khí tại nơi nghỉ mát. Sản phẩm du lịch còn gọi là kinh nghiệm du lịch và nó là tổng thể nên Kraf nói : “ Một khách sạn không làm nên du lịch

Robert Christie Mill trong tác phẩm: “Du lịch- ngành kinh doanh quốc tế” ( Tourism the International Business) xuất bản năm 1990 cho rằng du lịch có 4 chiều định vị, hay 4 không gian du lịch (tourism dimensions): 1/ điểm hấp dẫn du lịch, 2/ các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, 3/ vận chuyển du lịch và 4/ lòng hiếu khách. [ 1]

Điểm hấp dẫn có ý nghĩa thu hút khách đến khu du lịch, là động cơ khởi sự du lịch. Điểm hấp dẫn có thể là tự nhiên, cũng có thể là các điểm văn hoá, các nhóm dân tộc thiểu số hoặc các khu vui chơi giải trí.

          Cơ sở vật chất kỹ thuật thường hỗ trợ cho sự phát triển của điểm đến, chúng thường là các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ bổ trợ và kết cấu hạ tầng.

          Vận chuyển khách là chiều không gian thứ 3 của du lịch. Nó có vai trò quan trọng là đưa khách tới điểm hấp dẫn du lịch. Vận chuyển khách là một yếu tố quyết định đến việc phát triển mở rộng của du lịch. Nếu phương tiện và giá cả vận chuyển đắt đỏ thì ít hấp dẫn được du khách.

          Không gian thứ 4 là lòng hiếu khách của điểm đến. Đây cũng là một chiều không gian quan trọng của du lịch. Nó có ý nghĩa quảng bá hình ảnh cho điểm đến rất lớn.

Tuy nhiên, theo một số tài liệu gần đây nhất [1], khái niệm sản phẩm du lịch đã được mở rộng hơn rất nhiều. Tác giả JohnWiley trong cuốn “Marketing tourism destinations”đã quan niệm: Một khi điểm đến được mời chào bán tức là một điểm mà khách du lịch mong muốn được đến thăm, thì phải được phát triển sản phẩm một cách tổng thể. Phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng tương xứng. Phải mở rộng và trình diễn được di sản văn hoá của mình. Cần phải phát triển một hệ thống đầy đủ và đa dạng về khách sạn và các cơ sở lưu trú khác, nhà hàng và các dịch vụ, hệ thống vận chuyển nội địa và các dịch vụ liên quan khác. Và phải huy động phát triển được tất cả các loại hình nghệ thuật đương đại và các hoạt động văn hoá.[ 1]

Nói một cách khác thì du lịch với tính chất là một ngành du lịch tổng hợp, phát triển  không chỉ dựa trên cơ sở vật chất của bản thân nó mà còn phải dựa trên điều kiện kinh tế xã hội cũng như trình độ phát triển của nhiều ngành kinh tế khác nữa như thương mại, hàng không, cảng biển,…

Quá trình đi du lịch, du khách không chỉ hưởng thụ các giá trị của ngành du lịch thông qua các tuyến và điểm tham quan du lịch mà còn được tiếp cận với rất nhiều hoạt động khác nhau, các môi trường không gian khác nhau tại điểm đến như: các trung tâm chính trị và văn hoá của đô thị; các khu ở và hoạt động sinh sống của dân cư, các khu công nghiệp và hoạt động khai thác, … đó là các giá trị mà du khách được cảm nhận và hưởng thụ một cách tự nhiên  mà không phải trả tiền.

Tuy vậy, nếu các hoạt động này tốt sẽ làm tăng rất nhiều giá trị hấp dẫn cho một điểm đến, tạo ra khả năng kích thích nhu cầu của thị trường khách và ngành du lịch sẽ thu được lợi nhuận lớn từ du khách thông qua các hoạt động bổ trợ này.

Vì vậy, sự phát triển của ngành du lịch đòi hỏi sự đầu tư một cách đồng bộ cho các điều kiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cho điểm đến.

Ngược lại, sự  phát triển của du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển của những ngành kinh tế liên quan và ngược lại, sự phát triển của các ngành kinh tế khác cũng có tác động trở lại đối với du lịch. Vì vậy ngoài doanh thu trực tiếp của ngành du lịch, các ngành kinh tế khác cũng gián tiếp thu được lợi nhuận từ du khách.

Như vậy là theo thời gian, khái niệm về sản phẩm du lịch đã có góc nhìn ngày càng mở rộng hơn: từ chỗ chỉ coi sản phẩm du lịch là một số loại hình kinh doanh dịch vụ,  đến nay sản phẩm du lịch đã trở thành một khái niệm rất rộng, được cấu thành bởi nhiều yếu tố vật chất và phi vật chất có khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng đa dạng của con người đương đại.

Sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến- Cách nhìn mới và toàn diện về sản phẩm du lịch.

Bản chất của hoạt động du lịch là đáp ứng nhu cầu thay đổi không gian sống hiện tại để khám phá các không gian mới lạ của con người. Vì vậy, yêu cầu thiết yếu nhất đối với các sản phẩm du lịch là phải thể hiện được nét đặc trưng độc đáo của không gian du lịch (hay còn gọi là không gian của điểm đến), giúp cho du khách cảm nhận được sâu sắc các giá trị văn hoá và tự  nhiên của không gian đó.

          Nếu tiếp cận ở khía cạnh của du khách chúng ta sẽ nhận thấy: Sản phẩm du lịch là khái niệm rất rộng, nó không đơn thuần chỉ là tập hợp các dịch vụ du lịch đơn lẻ (như định nghĩa trong luật du lịch), nó bao hàm tất cả những giá trị vật chất và tinh thần chứa đựng trong không gian của điểm đến mà có thể thoả mãn nhu cầu của du khách. Hay nói cách khác: Sản phẩm du lịch dưới khía cạnh của du khách là tất cả những cảm xúc mà du khách trải nghiệm và cảm nhận được trong một chuyến đi du lịch [1].      

Đó có thể là cảm xúc chóang ngợp trước cảnh quan kỹ vĩ của Vịnh Hạ Long, sự huyền bí của truyền thuyết Rồng hạ hay đơn thuần chỉ là cảm giác dễ chịu khi có được một giấc ngủ ngon trong khách sạn hoặc nụ cười thân thiện của những người dân bản địa,… Tất cả những cảm xúc đơn lẻ và đa dạng đó với những mức độ đóng góp khác nhau của mình, góp nhặt lại sẽ tạo ra ấn tượng, cảm xúc đặc trưng cho du khách về không gian của điểm đến và được gọi là sản phẩm du lịch tổng thể.

Sản phẩm du lịch tổng thể hay không gian của điểm đến càng có cá tính, có bản sắc, tạo được cảm xúc mạnh cho du khách thì càng hấp dẫn và kéo dài được thời gian lưu trú của du khách, khiến du khách nhớ lâu, làm cho du khách muốn quay trở lại và sẽ quảng bá cho điểm du lịch. Những không gian như vậy sẽ tạo ra được thương hiệu riêng cho điểm du lịch.

          Tóm lại: Sản phẩm du lịch tổng thể của một điểm đến là sự hòa trộn mang tính qui luật của các giá trị tự nhiên và nhân văn, các giá trị vật thể và phi vật thể chứa đựng trong không gian của một điểm đến. Sản phẩm du lịch tổng thể sẽ đem lại cho du khách những ấn tượng và cảm xúc đặc trưng nhất về một điểm đến.

Các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến và yêu cầu đối với việc tiếp cận khai thác.

Các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến có thể chia ra làm 3 nhóm yếu tố chính:

– Nhóm các yếu tố tài nguyên: bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên (khí hậu, cảnh quan, bãi tắm, hang động, các hệ sinh thái,..) và tài nguyên du lịch nhân văn (di tích, lễ hội, truyền thuyết,..)

Nhóm các yếu tố môi trường: bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường KTXH .

Nhóm các yếu tố dịch vụ: bao gồm dịch vụ tham quan, dịch vụ vui chơi giải trí ( VCGT), dịch vụ lưu trú, dịch vụ mua bán, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển,..

Trong “bức tranh sản phẩm du lịch tổng thể”, Tài nguyên du lịch đóng vai trò như một mảng màu chủ đạo. Còn các yếu tố môi trường và dịch vụ là những mảng màu phụ trợ, góp phần tô điểm, tôn vinh bản sắc đặc trưng của tài nguyên để tạo ra một hoà sắc, một sức hút riêng biệt cho sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến.

 Nhóm các yếu tố tài nguyên:

Tài nguyên là nhóm yếu tố góp phần quan trọng nhất trong việc tạo ra bản sắc đặc trưng cho điểm du lịch và đóng vai trò quyết định trong việc tạo sức hút đối với các thị trường khách du lịch.

Nếu nhận thức được rằng: Không có sự hấp dẫn về tài nguyên, sẽ không có hoạt động du lịch và cũng không có dịch vụ du lịch thì mới hiểu được hết vai trò của tài nguyên và việc giữ gìn và bảo vệ giá trị của tài nguyên chính là bảo vệ sự “sống còn” của du lịch.

Vì thế có thể coi tài nguyên du lịch là điều kiện tiên quyết tạo nên hoạt động du lịch, là yếu tố cơ sở để xây dựng sản phẩm du lịch. Tất cả những gì con người sáng tạo ra thêm đều nhằm tăng thêm giá trị cho điểm tài nguyên. [1]

Quá trình khai thác và phát triển sản phẩm du lịch của một điểm đến, cần phải có những nghiên cứu toàn diện về các giá trị đặc thù của tài nguyên; về hình thái, cấu trúc của các yếu tố cấu thành nên các giá trị đó và các xu hướng biến đổi của chúng trước các tác động của thời gian và con người. Cần phân biệt tài nguyên có thể tái tạo với tài nguyên không thể tái tạo và mức độ nhạy cảm của chúng trước các tác động của họat động du lịch để có những định hướng phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phù hợp, đảm bảo được sự khai thác lâu dài đối với tài nguyên. 

          Việc nhìn nhận và đánh giá được các giá trị tài nguyên một cách toàn diện dưới nhiều khía cạnh vật chất và phi vật chất sẽ giúp cho các nhà hoạch định và các nhà đầu tư có nhiều ý tưởng sáng tạo trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch.

           Nhóm các yếu tố môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá xã hội:

Đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và độ bền vững của tài nguyên du lịch. Môi trường tự nhiên trong sạch không chỉ có lợi cho sức khỏe con người mà còn giúp cho cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, các động thực vật phong phú, đa dạng và hấp dẫn hơn rất nhiều. Môi trường văn hoá xã hội với các điều kiện kinh tế tốt, cơ sở hạ tầng tiện nghi, người dân hiểu biết và thân thiện sẽ giúp cho du khách cảm thấy an tâm dễ chịu hơn khi đến điểm du lịch.

Chất lượng của môi trường sinh thái của các điểm du lịch VN đang là một trong những vấn đề bức xúc nhất đối với phát triển du lịch. Môi trường không khí đã bị ô nhiễm ở mức độ báo động. Môi trường nước mặt và nước ngầm đứng trước nhiều nguy cơ bị suy thoái.Tốc độ phát triển quá nhanh và quá mức cho phép của các đô thị đang đe dọa nghiêm trọng đến cảnh quan và các hệ sinh thái điển hình của các điểm du lịch [3]

Những năn vừa qua, điều kiện cơ sở vật chất và hạ tầng của các điểm du lịch đã được nâng cấp và cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa tương xứng với  yêu cầu về qui mô và vị thế của một đô thị du lịch cấp quốc tế. Cảnh quan đường phố và hệ thống xử lý chất thải vẫn còn đang được đầu tư dang dở. Chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc kiểm soát chặt chẽ các chất thải nhà máy, bệnh viện, khu du lịch, khu dân cư, cũng như việc thải các chất chứa dầu xuống biển.

Bên cạnh đó, nạn chèo kéo, ăn xin, ăn mày trên các tuyến tham quan đã và đang làm  xấu dần đi hình ảnh của điểm du lịch.

Giai đoạn từ nay đến 2010, việc đầu tư trở lại cho việc tái tạo và nâng cao chất lượng môi trường phải được coi là yêu cầu cấp thiết nhất của các điểm du lịch VN để đem lại sự hồi sinh và hình ảnh mới cho du lịch.

Nhóm các yếu tố dịch vụ du lịch (hay còn gọi là sản phẩm du lịch đơn lẻ)

          Quá trình du khách hưởng thụ các giá trị của tài nguyên cũng là quá trình du khách sử dụng các dịch vụ của ngành du lịch. Dịch vụ du lịch là những phương tiện làm cầu nối cho du khách để tiếp cận với các giá trị của tài nguyên. Vì vậy các hoạt động dịch vụ du lịch cần thông qua hình thức, nội dung hoạt động của mình để giới thiệu với du khách các giá trị đặc thù của tài nguyên.

Ví dụ: cũng là một bát “ cháo cá chép” nhưng bát cháo cá ăn hàng ngày để đáp ứng nhu cầu lúc đói bụng khác với bát cháo cá được ăn trong lúc đi du lịch.

Bát “cháo cá chép” để phục vụ khách du lịch (theo như một chuyên gia đầu ngành của ngành du lịch đã nói) cần phải có nội dung và hình thức đảm bảo được 3 yêu cầu sau:

– Giới thiệu được phong tục, tập quán của người Việt thông qua việc chế biến các bộ phận của các chép.

– Giới thiệu được ý chí của người Việt thông qua truyền thuyết “ Cá chép vượt bể Vũ Môn” để hoá Rồng.

– Giới thiệu được tâm linh của người Việt thông qua tục lệ cúng cá chép vào ngày Ông Công, ông Táo.

          Qua ví dụ trên ta nhận thấy: yêu cầu về nội dung và chất lượng của dịch vụ du lịch tương đối khác biệt so với các dịch vụ thông thường khác. Dịch vụ du lịch là loại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và thưởng thức ở mức độ cao và tinh tế chứ không đơn thuần là loại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng tối thiểu hàng ngày của con người.

Bên cạnh nhu cầu thiết yếu là phải thông qua hình thức và nội dung của sản phẩm để giới thiệu các giá trị tự nhiên, văn hoá của tài nguyên cho du khách, các loại hình dịch vụ còn phải đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về: sự tiện dụng, chất lượng phục vụ, giá cả hợp lý…Để đáp ứng tốt các nhu cầu này của du khách, cần tiến hành các chương trình khảo sát thị trường thông qua điều tra xã hội học một cách bài bản và hệ thống. Cần phân đoạn thị trường theo các tiêu chí về quốc tịch, lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích, nhu cầu và khả năng chi tiêu…để có các nội dung và hình thức dịch vụ tương ứng.

Quá trình con người phát triển dịch vụ để đem lại doanh thu cho ngành du lịch cũng là quá trình con người tác động đến các giá trị của tài nguyên và môi trường nhiều nhất. Các công trình khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các hoạt động của du khách,… là những nguyên nhân tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc và hình thái vật chất của tài nguyên.

Để đảm bảo cho quá trình chuyển hoá vật chất này vừa đáp ứng tốt nhu cầu của hoạt động du lịch vừa không làm tổn hại đến tài nguyên, cần phải có những biện pháp hiệu quả để quản lý và kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư, xây dựng các công trình dịch vụ du lịch thông qua các chỉ tiêu cụ thể về: mật độ xây dựng, chiều cao công trình, hệ số sử dụng đất, phong cách kiến trúc, màu sắc và vật liệu xây dựng,…

Tóm lại: Các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch tổng thể có mối quan hệ rất hữu cơ với nhau trong quá trình phát triển. Sản phẩm du lịch tổng thể chỉ có thể tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách nếu các yếu tố cấu thành của nó được phát triển trong một hệ thống và có sự điều tiết, kiểm soát theo một mục tiêu chiến lược nhất định để đảm bảo sự phát triển hài hoà.

Tài liệu tham khảo

1.    John Wiley $ Sons, INC)1991 “ Marketing tourism destinations”

2.     Nguyễn Thu Hạnh 2006- “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo vùng Du lịch Bắc Bộ”- Đề tài khoa học cấp Bộ.

 

 

Ý KIẾN CHIA SẺ