SOS rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở Cà Mau và Bạc Liêu
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường và Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, lượng chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hiện đang ứ đọng tại các bệnh viện rất lớn (khoảng 15 tấn).
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo UBND TP Cà Mau; Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) về việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương để UBND TP Cà Mau tạm thời thanh toán cho Công ty Công Lý 100% đơn giá theo dự thảo quyết định của UBND tỉnh quy định.
Mục đích nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý khối lượng chất thải hiện đang tồn tại các khu cách ly y tế tập trung và các Bệnh viện dã chiến (số 2, số 3 và số 5) trên địa bàn TP Cà Mau. Giao UBND TP Cà Mau khẩn trương ký hợp đồng bổ sung với Công ty Công Lý trong thời gian sớm nhất.
- Còn tại tỉnh Bạc Liêu, hoạt động xử lý rác thải y tế, chất thải y tế nguy hại chỉ đáp ứng được yêu cầu chưa có dịch Covid-19. Theo Sở Y tế Bạc Liêu, hiện tại các nơi xử lý rác thải y tế đã quá tải.
- Lượng chất thải phát sinh từ dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh này đã vượt quá khả năng xử lý tại các nơi xử lý rác thải y tế, khó có thể xử lý đúng theo quy định của Bộ Y tế.
- Đặc biệt, chất thải lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các khu điều trị, cách ly, bệnh viện dã chiến như bao bì và dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế. Mỗi ngày tỉnh Bạc Liêu yêu cầu phải xử lý trung bình 4 – 6 tấn rác thải y tế.
- Tuy nhiên năng lực xử lý rác y tế tỉnh Bạc Liêu không đáp ứng yêu cầu. Tỉnh có 3 cụm xử lý rác y tế: Cụm 1 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năng lực xử lý 400kg/ngày; cụm 2 tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai 250kg/ngày; cụm 3 tại Trung tâm Y tế huyện Phước Long xử lý 250kg/ngày.
- Việc xử lý rác thải y tế tại các trung tâm y tế còn lại dùng “công nghệ” lò đốt rác. Nhưng các lò đốt rác này do sử dụng nhiều năm nên hầu hết đã hư hỏng, xuống cấp, nhiều nơi đã dừng hoạt động. Trước thực trạng này, theo Sở Y tế Bạc Liêu, tỉnh cần chi 16 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp các cơ sở xử lý rác, chất thải y tế độc hại.