SONG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

SONG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

          BS. Liêu Tấn Hưng, chuyên khoa Sản Phụ, BVQT Phương Châu

Đón nhận một thai kỳ với tin vui song thai, chắc hẳn các gia đình sẽ trải qua nhiều cảm xúc và những bỡ ngỡ. BVQT Phương Châu với kinh nghiệm thường xuyên chăm sóc, theo dõi các thai kỳ IVF đặc biệt mang song thai. Các bác sĩ chuyên khoa có những chia sẻ về việc chăm sóc một thai kỳ song sinh có những điều giống và khác so với một thai kỳ đơn thai cũng như có những điểm cần lưu ý để có thể chăm sóc một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

* Người mẹ và gia đình cần hiểu về thai kỳ song thai của mình

Đa phần các sản phụ chỉ biết mình mang song thai nhưng không biết mình mang song thai dị hợp tử (khác trứng) hay song thai đồng hợp tử (cùng trứng).

Hình minh họa sinh đôi cùng trứng và khác trứng

Dựa vào nguồn gốc phát sinh có hai loại sinh đôi:

Sinh đôi hai noãn (sinh đôi dị hợp tử-Sinh đôi khác trứng)

– Sinh đôi hai noãn thường gặp hơn sinh đôi một noãn, tỷ lệ khoảng 65% – 70% tổng số sinh đôi. Nguyên nhân có thể do yếu tố dân tộc, di truyền, gia đình, con rạ đẻ nhiều lần, ngày nay do sử dụng các thuốc ngừa thai, thuốc kích thích rụng trứng trong hỗ trợ sinh sản nên tỷ lệ sinh sinh đôi tăng lên.

– Nguồn gốc: Sinh đôi hai noãn còn gọi là sinh đôi dị hợp tử. Là kết quả của sự thụ tinh giữa hai tiểu noãn với hai tinh trùng riêng biệt để trở thành hai trứng. Do nguồn gốc phát sinh khác nhau, trẻ có thể khác giới hay cùng giới. Hai thai dù cùng giới nhưng không hoàn toàn giống nhau như trong sinh đôi một noãn.

– Bánh nhau: hai bánh nhau riêng biệt hay đôi khi nằm gần với nhau nhưng hệ tuần hoàn riêng biệt và không lưu thông, hai nội sản mạc, hai trung sản mạc, ngoại sản mạc có thể chung cho cả hai buồng ối hoặc riêng biệt.

Sinh đôi một noãn (sinh đôi đồng hợp tử-Sinh đôi cùng trứng)

Sinh đôi một noãn hiếm gặp hơn, khoảng 1/250 trường hợp sinh, không có tính chất gia đình và di truyền, là kết quả của sự thụ tinh giữa một tiểu noãn và một tinh trùng duy nhất, nhưng trong quá trình phân bào của trứng do sự đột biến mà phát triển thành hai thai. Do có cùng nguồn gốc cho nên hai thai mang cùng tính chất di truyền, bao giờ cũng cùng giới, có thể giống nhau về hình thái cơ thể…

Hình minh họa các hình thái song thai: 1 bánh nhau-1 buồng ối, 1 bánh nhau-2 buồng ối, 2 bánh nhau-2 buồng ối không tách biệt & 2 bánh nhau-2 ối tách biệt

* Sản phụ mang song thai nghén nặng hơn so với đơn thai không?

Thường sản phụ mang song thai nghén nặng hơn so với đơn thai.

Hàm lượng cao của hormone thai kỳ được xem là một trong những nguyên nhân gây nghén và nồng độ này cao hơn ở những phụ nữ mang song thai, vì vậy phụ nữ mang thai song sinh sẽ có các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn và nôn mửa cao hơn trong ba tháng đầu tiên. Hầu hết tình trạng ốm nghén sẽ giảm bớt trong tuần 12 đến 14 của thai kỳ.

* Song thai có dễ bị ra huyết âm đạo không?

Ra huyết âm đạo là một trong những dấu hiệu sẩy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Điều đáng nói là chảy máu âm đạo lại phổ biến hơn ở mẹ mang bầu song thai. Khi thấy máu chảy kèm triệu chứng co thắt, trằn bụng, đau âm ỉ bụng dưới, đau lưng xuất hiện cục máu đông, bạn cần đến ngay bệnh viện để khám kiểm tra và điều trị.

* Việc theo dõi cử động thai có khó khăn gì khi mang song thai không?

Mang song thai đồng nghĩa với việc hai thai nhi cùng nhau chia sẻ không gian hạn hẹp trong buồng tử cung, do đó thai nhi nhỏ và khó cử động hơn khiến thai phụ khó cảm nhận được cử động thai sớm và rõ như ở thai kỳ đơn thai. Đối với đơn thai từ 16-20 tuần là thai phụ đã có thể cảm nhận rõ ràng cử động thai, nhưng với song thai thì đến hơn 20 tuần mới có thể cảm nhận rõ.

* Quá trình tăng cân như thế nào ở người mẹ mang song thai?

Nếu như mang đơn thai, các mẹ chỉ tăng khoảng 10-14kg thì khi mang song thai, các mẹ có thể tăng đến 20kg là chuyện bình thường. Việc tăng cân khi mang thai là vô cùng quan trọng để có đủ dưỡng chất và sức khỏe cho hai thai phát triển. Các bác sĩ sản khoa tại Mỹ khuyên bạn nên tăng thêm 300kalo cho một bé mỗi ngày, như vậy là khoảng 600kalo nếu bạn mang song thai.Ngoài ra, Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ khuyến cáo, lượng kalo của mẹ còn tùy thuộc vào hoạt động thể chất trong ngày.

* Mẹ có dễ mắc các vấn đề bệnh lý trong thai kỳ hơn không?

Đái Tháo Đường thai kỳ:

Do tăng cân và lượng Calo nạp vào cơ thể cao hơn nên nguy cơ Đái tháo đường thai kỳ sẽ cao hơn ở thai kỳ Song thai. Điều đáng mừng là thai nhi sẽ ít bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ như mẹ vì lượng Calo sẽ được chia cho hai thai nhi.

Tiền sản giật:

Cảnh báo với chị em mang song thai là nguy cơ bị tiền sản giật sẽ cao hơn rất nhiều. Một bệnh lý sản khoa nguy hiểm, cần được chăm sóc, theo dõi kỹ để có thể dự phòng, điều trị kịp thời.

Sanh non:

Hầu hết các bà mẹ mang thai đôi thường sinh nở ở tuần 36 – 37 của thai kỳ, có ít người có thể chờ đến tuần 40. Trên thực tế, nếu các cặp song sinh ra đời sau tuần 34 đều được an toàn bởi sự chăm sóc của các bác sĩ khoa Sản.

Những cặp song sinh cũng thường phải đối mặt với nguy cơ xấu về đường hô hấp vì chúng chào đời sớm hơn ngày dự sinh. Các bé cũng thường nhẹ cân hơn so với bé sinh thường. Sanh non trong thai kỳ song thai/đa thai là một vấn đề rất thường gặp và nan giải.

* Khả năng mổ lấy thai có cao hơn so với thai kỳ đơn thai?

Khả năng phải sinh mổ chiếm đến 80% với các mẹ mang song thai. Ngoài ra, sản phụ cũng cần biết rằng, tỷ lệ mang thai ngược ở các cặp song sinh là rất phổ biến. Chính vì vậy, những tuần cuối thai kỳ nên khám thai thường xuyên để chọn được phương pháp đẻ an toàn nhất.

Hình cas sinh đôi an toàn khỏe mạnh tại Phương Châu

* Lời khuyên của bác sĩ cần làm gì để có một thai kỳ song thai an toàn, khỏe mạnh:

Người mẹ và gia đình cần hiểu rõ đặc điểm thai kỳ song thai mà mình đang mang để có kế hoạch chăm sóc và bồi bổ sức khỏe phù hợp và cần thiết.

Cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ:

– Bổ sung thêm 300kalo cho một bé mỗi ngày, như vậy là khoảng 600kalo nếu bạn mang song thai, tăng cân khoảng 20 kg

– Bổ sung đầy đủ Vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước

– Vận động, tập thể dục nhẹ

– Thăm khám bác sĩ theo đúng lịch hẹn