SỐ HOẠT ĐỘNG GIÚP GIÁO VIÊN MẦM NON TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CẢM XÚC CHO TRẺ

Quản lý cảm xúc bao gồm việc quan sát, tìm hiểu cách trẻ quản lý, điều khiển cảm xúc của mình, để từ đó ứng phó với những cuộc xung đột, tạo nên những mối thân tình giữa trẻ này với trẻ khác hoặc giữa trẻ với giáo viên.

Nhóm giáo viên trong lớp nên dành thời gian cùng phối hợp quan sát và ghi nhận tình trạng chung về xúc cảm, tình cảm và các mối quan hệ tình cảm của một nhóm trẻ, sau đó chọn quan sát cá nhân trẻ hoặc tình huống cụ thể để thu thập thông tin cho phân tích, rút kinh nghiệm.

Tổ chức tăng cường bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc (TTCX) cho trẻ

Giáo viên cần tạo môi trưòng thân thiện, an toàn về cảm xúc trong lớp học: Môi trường lớp học an toàn về cảm xúc là cần thiết cho sự phát triển nhận thức, sáng tạo. Giáo viên có thể tự bồi dưỡng cảm xúc cho mình để đủ khả năng tạo nên môi trường lớp học thích hợp: nhìn nhận, khẳng định những thành tích, khuyến khích sự tự tin, tạo cơ hội để trẻ có thể mạnh dạn nêu suy nghĩ riêng mà không bị áp chế, hỗ trợ cho năng lực của trẻ, giúp trẻ được hoạt động một cách tự chủ trong bầu không khí không cạnh tranh, học tập có định hướng mục đích rõ rệt.

Phát triển mối quan hệ gần gũi, tích cực giữa trẻ và cô giáo, luôn giúp trẻ thành công chính là chìa khóa để tạo ra một môi trường lớp học thân thiện, an toàn về tình cảm.

Giáo viên có thể thúc đẩy mối quan hệ tích cực với trẻ nhỏ bằng lòng cảm thông, tình yêu thương, sự chú ý lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu về cảm xúc của trẻ. Một điều cũng rất quan trọng là làm sao cho mọi trẻ đều cảm thấy mình được công nhận, được bảo vệ, được học hỏi mà không sợ bị chế giễu hoặc sỉ nhục. Sự lo lắng, sợ hãi trong quá trình học tập có thể tạo ra một “bộ lọc tình cảm” âm tính – sẽ loại bỏ những tình cảm tích cực, tích tụ những ức chế, gây căng thẳng trong hoạt động của lớp học.

Việc tổ chức các hoạt động “quần chúng”, mang tính nghệ thuật để trẻ được “xả stress”, củng cố niềm tin, được tự do trong biểu cảm nên được tiến hành thường xuyên với sự tham gia của những người lớn (giáo viên, phụ huynh, các lực lượng xã hội, cộng đồng) với tư cách là những tấm gương, hình mẫu. Giáo viên phải luôn là lực lượng chủ chốt để giữ cho trẻ được tập trung, đoàn kết, sáng tạo và phấn khởi về thành tích hoạt động học tập, vui chơi của mình, c���a lớp. Môi trường an toàn, tích cực cho sự phát triển TTCX là sự phối hợp cả yếu tố tinh thần và vật chất. Trạng thái tình cảm và kết quả học tập của trẻ sẽ được cải thiện nhanh chóng khi được giáo viên, người lớn quan tâm và tôn trọng.

Xác định mục tiêu định hướng cho hoạt động giáo dục TTCX

Người giáo viên trong lớp học tích cực hướng tới phát triển TTCX phải có khả năng thiêt lập những chương trình hành động với những mục tiêu rõ ràng và thực hiện được mục tiêu đó cho bản thân cũng như cho trẻ. Mục tiêu cụ thể cho chương trình hoạt động được định hướng từ mô hình TTCX mà các nhà tâm lý học đã đưa ra, được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện giáo dục trên thực tế. Những đường hướng chung của mục tiêu giáo dục TTCX cho trẻ mầm non có thể bao gồm:

Hỗ trợ sự phát triến lành mạnh và tăng hiệu quả các mối quan hệ của trẻ

  • Giúp trẻ giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định tốt
  • Tăng cường cho trẻ khả năng tự quản lý để thực hiện nhiệm vụ học tập
  • Tạo cơ hội cho trẻ sống hòa hợp với các mối quan hệ lành mạnh, tích cực
  • Dạy trẻ cư xử một cách khôn ngoan, có trách nhiệm và có văn hóa.

Tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục mang tính phát triển hướng vào trí tuệ cảm xúc

Quá trình dạy học mang tính phát triển là quá trình dạy – học tôn trọng trẻ, “trao quyền” cho trẻ hướng vào việc tăng cường TTCX cho trẻ, nâng cao khả năng tự chủ của trẻ trong giao tiếp. Để đáp ứng yêu cầu này, GVMN cần rèn luyện cho mình những kỹ năng TTCX theo các nhóm sau:

Kỹ năng giao tiếp: Khả năng gần gũi, giao tiếp tốt với mọi trẻ trong lớp như cha mẹ của chúng. Tin tưởng, khuyến khích trẻ, trao quyền tự quyết cho trẻ được hoạt động, thể hiện mình ở mức độ tốt nhất theo khả năng của trẻ và thường xuyên cung cấp cho phụ huynh thông tin về sự tiến bộ của con em mình.

Kỹ năng quản lý, tổ chức: Giáo viên cần tạo uy tín cho mình ngay từ đầu năm học để gây dựng niềm tin và tăng cường sự đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau giữa cô giáo với trẻ và giữa trẻ với trẻ. Trẻ trong lớp có tính khí và tính cách rất khác nhau, nhưng nếu giáo viên hình thành cho trẻ ý thức quan tâm tới người khác, sự cảm thông với các bạn thì sẽ tạo được một môi trường mà ở đó tất cả trẻ đều có thể hiểu lẫn nhau, sống trong tình yêu thươngvà tinh thần trách nhiệm.

Trong quá trình dạy – học mang tính phát triển, trẻ và giáo viên được cùng tham gia hoạt động, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Các hoạt động dạy học, giáo dục hướng tới phát triển TTCX cho trẻ, đồng thời rèn luyện TTCX cho giáo viên cần được tiến hành lồng ghép với những nội dung, hình thức hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt rất phong phú hàng ngày ở trường mầm non. Cần tránh hiện tượng tách các hoạt động giáo dục TTCX thành những giờ học khô cứng, công thức và giáo điều.

Học tập mang tính phát triển cho phép trẻ nhỏ tích cực tham gia thực hành các kỹ năng cụ thể như suy nghĩ, nhận diện thái độ cảm xúc của bạn, cùng nhau giải quyết vấn đề về ứng xử. Trong quá trình đó trẻ phải tự học được cách quản lý trạng thái tình cảm, giải tỏa những căng thẳng. GVMN có thể sử dụng các hoạt động, bài học mới hoặc sửa đổi, thiết kế lại các hoạt động, bài học, các trò chơi đã có. Các bài học, rèn luyện TTCX phải được đưa đến với trẻ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên với các tình huống đa dạng có thể xảy ra trong trường lớp để tạo điều kiện thuận cho việc hình thành các kinh nghiệm văn hóa xã hội và kỹ năng sống phong phú cho trẻ.

 

Xác định hiệu quả giáo dục TTCX

Kinh nghiệm TTCX và phương thức biểu lộ cảm xúc của mỗi người là rất đặc biệt và độc nhất vô nhị. Tuy vậy, GVMN có thể dựa vào một số biểu hiện chung để đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể, phù hợp: Ví dụ:

  • Nhận ra và hiểu về khả năng của chính mình trong vui chơi, học tập
  • Tạo dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh, bền vững, tích cực (với bạn, với cô) trong tập thể nhóm, lớp.
  • Tiến bộ trong khả năng làm việc có hiệu quả với các bạn khác qua các hoạt động.
  • Có thể thay đổi; hợp tác, tương tác để tìm cách giải quyết vấn đề họp lý khi cần.
  • Điều khiển bản thân để giải quyết hài hòa các vấn đề nảy sinh (những mâu thuẫn, xung đột) trong vui chơi, học tập.

Mỗi năm người giáo viên cần đánh giá xem TTCX của mỗi trẻ trong lớp của bạn đang ở mức độ nào và trẻ cần phải đạt được mức nào vào thời gian tiếp theo để tiếp tục điều chỉnh, xây dựng kế hoạch phù hợp.