SMS banking ‘bỗng dưng tăng phí thần tốc’ – chuyên gia nói gì?

Sẽ giảm phí thông báo SMS thông báo biến động số dư - Ảnh 1.

Khách hàng nên chuyển sang dịch vụ theo dõi số dư trên app dịch vụ để tiết kiệm chi phí.

Thời gian qua, nhiều khách hàng của Vietcombank cho biết bị bất ngờ khi phí SMS Banking tháng 1/2022 tăng cao, tối đa lên tới 77.000 đồng/tháng. Thực tế không chỉ Vietcombank mà nhiều ngân hàng khác cũng áp dụng các tính phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng theo số lượng tin nhắn phát sinh hàng tháng, thay vì thu phí trọn gói khoảng 11.000 đồng/tháng như trước. Một số ngân hàng lớn như BIDV, Techcombank, MB, ACB cũng đồng loạt tăng phí SMS.

Ngược lại, có một số ngân hàng chưa có kế hoạch tăng thu phí SMS banking, bởi lo ngại “mất khách” khi tăng mức thu phí với dịch vụ này, ngân hàng sẽ giảm được một phần chi phí nhưng rất có thể khách hàng sẽ đóng tài khoản để chuyển sang ngân hàng vẫn duy trì mức phí phổ biến hơn 10.000 đồng/tháng.

Lý giải của các nhà mạng là dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh (brandname), đòi hỏi phải đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn nên phí dịch vụ cũng phải cao hơn so với tin nhắn thông thường… 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với số lượng tin nhắn SMS rất nhiều như: Tin nhắn mở tài khoản, biến động số dư, mã OTP xác thực… thì các nhà mạng đã thu hồi vốn từ lâu và lãi nhiều.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng về tổng thể theo thời gian, nhiều loại phí dịch vụ ngân hàng thời gian qua thời gian vừa qua không hề tăng, thậm chí giảm. Gần đây, nhiều ngân hàng còn giảm các loại phí dịch vụ thanh toán còn bằng 0. 

Cần phân biệt rõ, loại phí tăng khá mạnh là phí tin nhắn SMS banking gồm nhiều loại thông báo: Mở tài khoản, biến động số dư tài khoản, có ngân hàng lên đến 77.000 đồng. Đây là phí chủ yếu các ngân hàng phải trả cho các nhà mạng, có thể coi là thu hộ phí cho các nhà mạng.

Thực tế, khách hàng dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, hoàn toàn có thể theo dõi biến động số dư trên các ứng dụng (app) mobile banking được cài đặt trên điện thoại di động. 

Khách hàng thay thế dịch vụ SMS chủ động bằng cách chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua OTT (dịch vụ OTT Alert) hoàn toàn miễn phí.

Các ngân hàng cũng đã có giới thiệu về tính năng này, nhưng do trước đây phí SMS khá nhỏ, nhiều khách hàng không mấy để ý, sẵn sàng duy trì theo dõi thông báo tài khoản qua hệ thống SMS banking (do tiện lợi, theo dõi bất cứ đâu dù không có mạng internet, đề phòng trường hợp rủi ro nếu bị đánh cắp “hack” tài khoản…

“Theo tôi, để người tiêu dùng nắm rõ hơn, các ngân hàng cũng như nhà mạng cần đẩy mạnh truyền thông giới thiệu, hướng dẫn lại để người tiêu dùng nắm rõ. 

Với khách hàng không sẵn sàng trả phí SMS banking có thể hủy dịch vụ này và theo dõi số dư qua các app trên điện thoại di động. 

Còn với người tiêu dùng khi dùng các dịch vụ cũng nên chịu khó tìm hiểu thêm về các loại phí dịch vụ để tìm cách tiết kiệm các chi phí nếu cần”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nêu giải pháp.

Về vấn đề phí, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Về tổng thể thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tích cực giảm phí dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đồng thời, để hút thêm các khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, các ngân hàng cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như giảm giá tối đa chi phí dịch vụ ngân hàng điện tử.

“Tôi biết có những ngân hàng sẵn sàng giảm chi phí, chấp nhận phí thanh toán bằng 0 trong khi vẫn phải chịu lỗ (khi phải trả phí SMS cho các nhà mạng) để cố gắng thu hút khách hàng, mở rộng thị phần, nhằm bù đắp chi phí từ các dịch vụ khác để cạnh tranh với các ngân hàng khác”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

Về các bất cập về phí, trước đây Hiệp hội ngân hàng đã nhiều lần gửi kiến nghị tới Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng với mong muốn các bên cùng ngồi lại chia sẻ khó khăn với nhau nhưng chưa được phản hồi”, đại diện Hiệp hội ngân hàng nói.

Một số nhà mạng tính luỹ tiến, áp mức phí cao, lên tới 2,3 lần mức phí SMS thông thường đối với các ngân hàng. Trong bối cảnh khó khăn chung và cân nhắc các hiệu quả, các tổ chức tín dụng cũng đến thời điểm không tiếp tục chịu lỗ về phí SMS, đồng thời khuyến khích các khách hàng chuyển sang theo dõi thông báo số dư qua các app trên điện thoại di động.

Đại diện Hiệp hội ngân hàng cho hay, mới đây, nhận thấy những bất cập, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có trao đổi, chỉ đạo quyết liệt, các nhà mạng và Hiệp hội ngân hàng đã họp với nhau để thảo luận một số vấn đề liên quan đến phí.

Đại diện Viettel, VinaPhone, MobiFone cho rằng để giải quyết bài toán về phí SMS Banking, đề xuất sẽ thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng theo phương án trọn gói, doanh nghiệp viễn thông cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ.

“Các bên đã đã có những thống nhất sơ bộ tính phí tin nhắn phù hợp, bảo đảm được quyền và lợi ích của các bên. Theo đó, các nhà mạng sắp tới sẽ thu phí trọn gói, không tính luỹ tiến nữa, tạo điều kiện để giảm phí thông báo SMS thông báo biến động tài khoản ngân hàng. Để tiết kiệm tối đa chi phí, khách hàng có thể theo dõi biến động số dư trên các app ngân hàng điện tử”, ông Nguyễn Quốc Hùng trao đổi thông tin.

Các khách hàng không sẵn sàng trả phí có thể chủ động đăng ký huỷ dịch vụ SMS Banking với ngân hàng

Cách 1: Người dùng có thể tới quầy giao dịch của ngân hàng để huỷ.

Cách 2: Gọi điện đến số hotline ngân hàng yêu cầu hỗ trợ huỷ dịch vụ SMS Banking.

Cách 3: Soạn tin nhắn theo cú pháp để huỷ dịch vụ.

Ví dụ: để huỷ dịch vụ SMS Banking trên Vietcombank, khách hàng nhắn theo cú pháp “VCB cd huy” gửi 6167.

Cách 4: Nhiều ngân hàng cho phép khách hàng được huỷ dịch vụ SMS Banking thông qua cài đặt trên ứng dụng app Mobile Banking, Ngân hàng số.

 Huy Thắng