SINH VIÊN NGÀNH TIẾNG VIỆT VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM THỰC TẾ CHUYÊN MÔN HÀNH TRÌNH “DI SẢN MIỀN TRUNG” – Khoa Sư Phạm
SINH VIÊN NGÀNH TIẾNG VIỆT VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM THỰC TẾ CHUYÊN MÔN
HÀNH TRÌNH “DI SẢN MIỀN TRUNG”
Thực hiện Kế hoạch năm học 2022 – 2023 của Khoa Sư phạm và chương trình đào tạo cho sinh viên ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Bộ môn Việt Nam học đã tổ chức chuyến thực tế hành trình Di sản miền Trung cho 38 sinh viên của lớp 13DNV và 14DNV. Các giảng viên đảm nhận vai trò hướng dẫn trong chuyến thực tế chuyên môn gồm có cô Diệp Thị Hồng Phước làm Trưởng đoàn, cô Phạm Thị Lương, cô Phạm Thị Kiều Trân và thầy Dương Minh Ngọc giúp hỗ trợ quản lý sinh viên.
Ảnh 1: Sinh viên ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam thực tế miền Trung
Chuyến đi kéo dài 8 ngày 8 đêm (từ ngày 03/01/2023 đến 11/01/2023) qua các địa danh Bạc Liêu đến Nha Trang – Đà Nẵng – Huế; Huế – Quy Nhơn – Phan Thiết và về lại Bạc Liêu đã tạo điều kiện để sinh viên tìm hiểu về lịch sử vùng đất, đời sống văn hóa, ngôn ngữ,… ở những nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng,… trên đất nước Việt Nam. Một tuần trước khi chuyến đi diễn ra, sinh viên đã được giảng viên hướng dẫn sinh hoạt về những quy định bắt buộc và nhiệm vụ học tập thực tế chuyên môn của mình. Theo đó, sinh viên cần phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật, nề nếp của đoàn thực tế; mang theo sổ tay, máy ghi âm, chụp ảnh để có thể ghi chép, lưu giữ lại những kiến thức trong hành trình… Sau khi kết thúc chuyến đi, sinh viên có nhiệm vụ nộp lại bài thu hoạch cá nhân và bài tập nhóm (mỗi nhóm thực hiện một video giới thiệu về địa danh được phân công).
Chuyến đi khởi hành vào lúc 17h ngày 03/01/2023 tại cơ sở 1 Trường Đại học Bạc Liêu. Trên đường đến Nha Trang, đoàn đã tham gia các chương trình văn nghệ và hoạt náo trên xe. Tâm trạng cả đoàn lúc bấy giờ đều hồi hộp và háo hức vì lần đầu tiên có thể trải qua cuộc hành trình dài như thế cùng với bạn bè và thầy cô của mình.
Sau một đêm mệt nhoài trên xe, đoàn dùng điểm tâm sáng tại Cam Ranh, sau đó di chuyển đến Bãi Dài – một trong những bãi biển đẹp nhất ở Nha Trang – để vui chơi và tắm biển. Tiếp đó, đoàn chia tay Bãi Dài vào trung tâm thành phố Nha Trang tham quan Viện Hải Dương Học. Sau đó đoàn tham quan các địa điểm tôn giáo nổi tiếng ở Nha Trang là Tháp bà Ponagar và Chùa Long Sơn.
Ảnh 2: Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Viện Hải Dương Học Nha Trang
Trong ngày thứ hai của chuyến đi, đoàn khởi hành từ 4h30 sáng để di chuyển từ Nha Trang đến Đà Nẵng. Trên đường di chuyển, đoàn nghe giới thiệu về Đèo Cả, chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển Đại Lãnh, Vịnh Vũng Rô. Khoảng 16h, đoàn đến phố cổ Hội An tham quan những công trình kiến trúc đặc sắc nơi đây như Chùa Cầu, nhà cổ Phùng Hưng, Hội quán Phúc Kiến và xưởng thử công mỹ nghệ… Sau đó, đoàn khởi hành về thành phố Đà Nẵng, tự do tham quan thành phố về đêm, thưởng thức cà phê và ngắm các cây cầu bắc qua sông Hàn.
Ảnh 3: Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Cầu thuộc Phố cổ Hội An
Trong ngày thứ ba của chuyến đi, đoàn tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như Bảo tàng Chăm, Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, biển Mỹ Khê… Tối đến, đoàn tự do tham quan thành phố về đêm, thưởng thức đặc sản địa phương, ngắm nhìn thành phố đáng sống nhất Việt Nam lần nữa trước khi khởi hành đến Huế.
Ảnh 4: Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Ngũ Hành sơn Đà Nẵng
Ảnh 5: Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Trong ngày thứ tư của chuyến đi, đoàn khởi hành đi Huế qua Đèo Hải Vân để tận mắt chứng kiến Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Đoàn dừng chân tham quan bãi biển Lăng Cô trên đường đi. Đến Huế, đoàn tham quan Kinh thành Huế để tìm hiểu về 13 vị vua triều Nguyễn cùng với các công trình kiến trúc như Ngọ môn, điện Thái Hòa, Thế miếu, cửu đỉnh… Sau đó, đoàn tham quan Chùa Thiên Mụ cổ kính được xây dựng từ những năm đầu thế kỉ XVII.
Ảnh 6: Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Đại nội Kinh thành Huế
Trong ngày thứ năm của chuyến đi, đoàn tiếp tục khám phá những di tích lịch sử nổi tiếng của thành phố Huế như Lăng Minh Mạng, Lăng Khải Định, chùa Từ Hiếu. Chiều về, đoàn tham quan và mua sắm tại chợ Đông Ba. Sau khi dùng cơm tối, đoàn tự do tham quan thành phố Huế về đêm, nghe hò Huế trên sông Hương.
Trong ngày thứ sáu của chuyến đi, đoàn khởi hành về lại Quy Nhơn, xe đưa đoàn đi qua hầm Hải Vân – một trong những hầm đường bộ hiện đại nhất ở Đà Nẵng. Trên đường di chuyển, đoàn ghé tham quan Bảo tàng Quang Trung, nghe thuyết minh về công trạng của Tây Sơn tam kiệt, xem biểu diễn trống trận Tây Sơn và võ Bình Định. Tối đến, đoàn tự do tham quan và thưởng thức ẩm thực đường phố Bình Định.
Ảnh 7: Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Quang Trung
Trong ngày thứ bảy của chuyến đi, đoàn di chuyển từ Quy Nhơn về Phan Thiết. Trên hành trình, đoàn đến tham quan KDL Ghềnh Ráng, viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử và khám phá bãi tắm Hoàng Hậu. Đoàn dừng chân tham quan Gành Đá Đĩa một kiệt tác kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ưu ái dành tặng cho vùng đất Phú Yên. Sau đó, đoàn dừng chân tại Phan Rang để tham quan và mua sắm đặc sản nơi đây như rượu nho, mật nho… Đoàn đã trải qua một đêm gala dinner tưng bừng tại resort Sóng Biển Xanh.
Ảnh 8: Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại tháp Nghinh Phong Phú Yên
Trong ngày cuối cùng của chuyến đi, đoàn di chuyển từ Phan Thiết về lại Bạc Liêu. Xe đưa đoàn tham quan các địa điểm nổi tiếng tại Phan Thiết như Đồi Cát bay, Thanh Minh tự, Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh… Trên đường về lại Bạc Liêu, các bạn sinh viên tham gia các tiết mục hoạt náo và nói lời tri ân của mình dành cho thầy cô, các anh chị hướng dẫn và các bác tài xế.
Qua chuyến đi thực tế, sinh viên lớp 13DNV và 14DNV đã có được những trải nghiệm mới mẻ, có thêm hiểu biết về sự phong phú, đa dạng trên các vùng miền Việt Nam. Từ đó, sinh viên có thêm vốn sống để có thể phục vụ tốt cho xã hội sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, đối với những sinh viên có định hướng nghề nghiệp thiên về lĩnh vực du lịch, trong chuyến đi này, các em đã được thực hành nghiệp vụ nghề Hướng dẫn viên và học cung đường di chuyển, các dịch vụ du lịch nhằm phục vụ thiết thực cho công việc sau khi ra trường.
Tin: Minh Ngọc
Ảnh: Tổng hợp