SGK viết sai về Hội đua voi ở Tây Nguyên: Nhà nghiên cứu văn hóa bức xúc
“Sai lầm nghiêm trọng về phong tục tập quán Tây Nguyên”
Ngày 8/4, trao đổi với PV báo Dân trí, Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm cho biết, bà rất buồn và bức xúc trước nội dung hoàn toàn sai sự thật về Hội đua voi Tây Nguyên được in trong SGK lớp 3 hiện nay.
Bài tập đọc về Hội đua voi Tây Nguyên trên SGK lớp 3 gây nhiều tranh cãi.
“Bài tập đọc dù chỉ có vài chục dòng nhưng có nội dung sai lầm nghiêm trọng về phong tục tập quán của Tây Nguyên và sai hơn khi cung cấp cho học sinh những kiến thức không đúng về văn hóa Tây Nguyên. Đây là điều gây bức xúc với cộng đồng khi vụ việc lan tỏa trên mạng xã hội”, bà Linh Nga Niê Kđăm bày tỏ quan điểm.
Bà Linh Nga cũng chỉ ra 5 điểm được cho là vô lý của bài tập đọc này. Thứ nhất bà khẳng định sách viết “trường đua voi dài năm cây số” là không đúng sự thật và cho biết, ở Tây Nguyên hoàn toàn không có trường đua voi nào cả.
Thứ hai “chiêng khua trống đánh vang lừng” là chi thiết không có thực trong hội đua voi.
Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm bức xúc cho rằng thông tin về Hội đua voi Tây Nguyên trên SGK có nội dung sai sự thật.
Thứ ba nội dung “voi đua từng tốp mười con dàn hàng ở nơi xuất phát”, bà Linh Nga Niê Kđăm lý giải, ở Tây Nguyên không bao giờ voi đua 10 con một lần mà chia nhiều đợt, mỗi đợt từ 3 – 4 con. Đua xong đợt này, sẽ chọn con thắng để đua tiếp với nhau.
Thứ tư câu “trên mỗi con voi, ngồi hai chàng man-gát” theo Nhà nghiên cứu tại sao không dùng là “nài voi” (người điều khiển voi – PV) mà lại dùng từ “man-gát” rất khó hiểu cho người lớn huống hồ là học sinh mới lớp 3.
Cuối cùng, theo bà Linh Nga Niê Kđăm, trang phục của người đua voi ngồi phía sau tại sao lại mặc áo xanh da trời? Ngày xưa người đua voi chỉ đóng khố cởi trần còn ngày nay tổ chức thành Hội nên yêu cầu nài voi mặc đồ thổ cẩm chứ không có màu nào như vậy.
“Tôi thắc mắc tác giả này lấy tư liệu ở đâu, tất cả những chuyện này không có thực ở Tây Nguyên. Vậy là do tác giả tưởng tượng ra hay nói dân gian là “bịa” ở đâu ra. Tại sao cái “bịa” này được lấy vào SGK? Do đó, việc thẩm định tư liệu về văn hóa vùng miền nên có những chuyên gia của vùng miền họ xác định. Thậm chí lấy tài liệu từ vùng miền ấy chứ không phải đặt hàng bất cứ một ai”, Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm nêu ý kiến.
SGK Tiếng Việt lớp 3, tập 2 có nội dung bài “Hội thi đua voi Tây Nguyên” gây xôn xao dư luận.
Bà Linh Nga Niê Kđăm thẳng thắn cho rằng: ban biên soạn rất ẩu, chủ quan trong việc chọn tư liệu cho học sinh khi cung cấp những kiến thức không có thực. Đồng thời, cho biết văn phong bài viết có thể chưa hay nhưng tư liệu SGK là phải chính xác.
“Đọc xong tôi rất buồn và phẫn nộ. Buồn vì sai phong tục tập quán của dân tộc tôi, nói những điều không chính xác về văn hóa Tây Nguyên. Phẫn nộ khi tôi cũng có con, có cháu đi học mà cung cấp sai tư liệu như vậy”, Nhà nghiên cứu Văn hóa Tây Nguyên trăn trở.
Cần viết chuẩn về văn hóa Tây Nguyên
Trao đổi vấn đề này, ông Vũ Minh Thoại – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), cho biết, tại địa phương Lễ hội đua voi thường tổ chức trong dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột hai năm một lần.
Tuy nhiên, hoàn toàn không có trường đua voi mà các nài voi cho voi chạy ở bãi đất trống trên địa bàn xã Krông Na tầm 200m, không bao giờ có việc voi chạy đến năm cây số.
Nhiều người khẳng định Tây Nguyên hoàn toàn không có trường đua voi như nội dung SGK viết.
Riêng ông Đàng Năng Long (ngụ buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk) – người được mệnh danh là “vua voi” Tây Nguyên khi sở hữu đàn voi nhà nhiều nhất Việt Nam với 7 con bày tỏ: Viết ở Tây Nguyên có trường đua voi là vi phạm về văn hóa vì nói đến trường đua là phải có hạ tầng cơ sở bài bản, có quy củ, có tiêu chí… trong khi đua voi Tây Nguyên xuất phát từ văn hóa tự phát, quy mô nhỏ.
“Ngày lễ người dân buôn làng thường đưa voi ra đua, thi thố tài năng xuất phát hình thức rèn luyện thân thể nhưng hoàn toàn không có việc khua chiêng trống trong lúc đua voi như họ viết”, ông Long khẳng định.
Theo ông Long SGK nên viết chuẩn, viết đúng để thế hệ học sinh hiểu đúng về văn hóa Tây Nguyên.
Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao về bài tập đọc trong SGK Tiếng Việt lớp 3, tập 2 trang 60 do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên có nội dung không đúng về Hội đua voi Tây Nguyên.
Trong sách có viết: “Trường đua voi là một đường rộng phẳng lì, dài hơn năm cây số. Chiêng khua trống đánh vang lừng. Voi đua từng tốp mười con dàn hàng ngang ở nơi xuất phát. Trên mỗi con voi, ngồi hai chàng man-gát. Người ngồi phía cổ có vuông vải đỏ thắm ở ngực. Người ngồi trên lưng mặc áo xanh da trời. Trông họ rất bình tĩnh vì họ là những người phi ngựa giỏi nhất…”.
Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng sách viết nhiều chi tiết không đúng về Hội thi đua voi ở Tây Nguyên và khi đã viết trong SGK cần nội dung đúng sự thật và chuẩn mực.