Rừng ngập mặn ở Việt Nam
12/10/2018 8:24:44 AM
Rừng ngập mặn là loại rừng cây mọc ở cửa sông lớn ven biển, nơi nước mặn hòa với nước ngọt. Khi thủy triều lên, rừng sẽ bị ngập một phần, có khi toàn bộ trong nước biển; khi nước triều xuống, rừng lại hiện ra nguyên vẹn. Đây là khu vực có giá trị cả về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, rừng ngập mặn ở nước ta nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại và được phân bố từ Bắc đến Nam, theo 4 khu vực và 12 tiểu khu1; trong đó, rừng quốc gia U Minh là rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam, với diện tích lên đến 8.053ha. Thực vật ở rừng ngập mặn chủ yếu là các loại cây có bộ rễ nơm, như: đước, sú, vẹt, tràm, mắm, cùng các loài cỏ, cây bụi,… làm “bức tường” chắn sóng, giữ đất, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn. Đây cũng là nơi cư trú của các loài chim; vườn ươm cho các loài cá, với hơn 80% các loại hải sản dành một phần đời để trú ngụ, bởi đó là mái nhà bảo vệ chúng trước những hiểm nguy trong lòng đại dương. Đồng thời, rừng ngập mặn còn có tác dụng như “bộ lọc” hấp thu các chất độc hại trong nước, điều hòa khí hậu trong vùng, bảo vệ cuộc sống con người, v.v.
Rừng tràm U Minh Hạ ở Cà Mau. Ảnh: TTXVN
Xuất phát từ vị trí, vai trò của rừng ngập mặn, sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển các khu rừng này. Nhờ đó, nhiều khu vực rừng ngập mặn được phục hồi, mở rộng; trong đó, rừng U Minh, rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách; là liều thuốc hồi sinh cho các vùng đất hoang hóa một thời do chất độc hóa học của chiến tranh. Tuy nhiên, với nhiều nguyên do khác nhau, việc bảo vệ, giữ gìn các khu rừng ngập mặn ở một số khu vực, địa phương chưa được chú trọng, thậm chí còn bị tàn phá nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do quá trình khai thác, phát triển kinh tế không gắn với bảo tồn; trong đó, chủ yếu là chuyển rừng ngập mặn sang nuôi, trồng hải sản và làm nông nghiệp, v.v. Đây là những hoạt động mà trước mắt có thể đem lại lợi ích về kinh tế, nhưng hậu quả thì khôn lường. Bởi lẽ, mất rừng ngập mặn sẽ đẩy mạnh sự xâm nhập nước biển vào đất liền, thúc đẩy quá trình xói lở, mặn hóa, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, thậm chí lượng mưa giảm hẳn, không khí nóng hơn do lượng khí CO2 tăng,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực và sự phát triển bền vững.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại nhiều khu vực, địa bàn trong cả nước. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương bước đầu tập trung xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trong khu vực rừng, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ rừng; nghiên cứu, phát triển các ngành nghề nuôi, trồng thủy sản ở các vùng biển khác để nhường diện tích cho rừng ngập mặn; chú trọng triển khai nhiều dự án trồng rừng theo hướng: tập trung vào những khu vực trọng điểm trước, phát triển mở rộng sau. Đồng thời, các cấp cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong quá trình phát triển kinh tế và bảo tồn tự nhiên, nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng, v.v. Đây là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề cho việc giữ gìn, bảo quản, khai thác rừng ngập mặn một cách bền vững để góp phần phát triển đất nước.
Nguyễn Văn Sử thực hiện
_____________
1 – Gồm 4 khu vực: ven biển Đông Bắc; ven biển đồng bằng Bắc Bộ; ven biển Trung Bộ và ven biển Nam Bộ.