Rừng Amazon không còn là “lá phổi xanh” của Trái đất nữa

KHÍ HẬU – AMAZON

Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, nay không còn là “lá phổi xanh” của Trái đất nữa, vì kể từ nay Amazon phát ra lượng khí carbon nhiều hơn là lượng khí mà khu rừng này hấp thụ vào. 

Quảng cáo

Trải dài trên một phần Nam Mỹ, giống như một vệt xanh thẫm, rừng Amazon, còn gọi là rừng mưa Amazon, nằm ở lưu vực Amazon, có diện tích khoảng 5,5 triệu km². Khu vực này nằm trong lãnh thổ của 9 quốc gia, chủ yếu là Brazil ( chiếm khoảng 60% diện tích rừng), Peru ( 13 %), và phần còn lại thuộc Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam và Guyane thuộc Pháp. 

Rừng Amazon chiếm hơn 50% rừng nhiệt đới còn lại của Trái Đất và phong phú nhất về loài cây, động vật trên thế giới. Amazon là một khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, một khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Chính vì vậy, sự bảo tồn các loài động vật quý hiếm và các loại tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên sinh vật, tại khu vực này cũng chính là nhằm bảo vệ sự tồn tại và phát triển của thế giới loài người.

Suy giảm chức năng hấp thụ khí CO2

Nhưng có lẽ vai trò quan trọng nhất của rừng Amazon đối với sự sống còn của nhân loại đó là chức năng hấp thụ khí CO2, khí gây hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên. 

Trong khi lượng khí phát thải carbon đã tăng 50% trong 50 năm, vượt qua ngưỡng 40 tỷ tấn năm 2019, rừng Amazon đã hấp thụ một phần đáng kể lượng khí này ( gần 2 tỷ tấn mỗi năm ). 

Vấn đề là trong nửa thế kỷ qua, con người đã không ngừng đốt phá rừng Amazon để lấy đất canh tác và nuôi gia súc. Chính trong khoảng thời gian đó, Brazil đã trở thành quốc gia xuất khẩu thịt bò nhiều nhất thế giới. 

Trong một bài phóng sự đăng ngày 04/11/2021, hãng tin AFP nói về công việc của nữ chuyên gia Luciana Gatti, Viện Quốc gia Nghiên cứu Không gian của Brazil, chuyên phân tích chất lượng không khí của vùng Amazon, cũng như lượng khí carbon mà khu rừng này phát thải và hấp thụ vào. 

Điều mà bà Gatti và các nhà khoa học nói chung lo ngại nhất đó là kịch bản rừng Amazon vượt qua ngưỡng nguy hiểm, tức là ngưỡng mà kể từ đó sự phát thải khí CO2 và khí methane là không thể tránh khỏi và sự thay đổi về hệ sinh thái là không thể đảo ngược được. Nói cách khác, thay vì làm chậm lại sự hâm nóng khí quyển, rừng Amazon lại  đẩy nhanh hơn. Các cây rừng thay phiên nhau chết, rừng Amazon sẽ thải 123 tỷ tấn CO2 ra bầu khí quyển.

Theo một nghiên cứu, Amazon sẽ đến ngưỡng nguy hiểm này khi có từ 20 đến 25% diện tích rừng bị tiêu hủy. Hiện nay, tỷ lệ này là 15%, tăng so với mức 6% của năm 1985.

Vào tháng 7 vừa qua, Gatti và nhóm cộng sự của bà đã cho đăng trên tạp chí Nature một báo cáo nêu bật tình trạng vô vùng đen tối của rừng Amazon. Kể từ nay, khu rừng này thải ra lượng khí carbon nhiều hơn là lượng khí hấp thụ vào, chủ yếu là do các vụ cháy rừng cố ý gây ra. Vị nữ chuyên gia này đã gióng lên tiếng chuông báo động : “Chúng ta đang giết dần Amazon. Amazon đã trở thành một nơi phát thải khí carbon sớm hơn là chúng ta nghĩ. Điều này có nghĩa là chúng ta cũng sẽ đi đến một kịch bản phim kinh dị sớm hơn”.  

Tốc độ phá rừng ngày càng nhanh

Nghiên cứu của bà Luciana Gatti thật ra chỉ là một trong những nghiên cứu gần đây báo động về tình trạng của rừng Amazon, vì bà cũng dựa vào những dữ liệu thu thập được vào những năm 2010 và 2018.

Từ đó đến nay, rừng Amazon bị tàn phá với tốc độ ngày càng nhanh, đặc biệt là tại Brazil, quốc gia chiếm đến 60% diện tích rừng nhiệt đới này. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2019, một phần là nhờ sự yểm trợ của giới vận động hậu trường của ngành kinh doanh nông phẩm, vốn có thế lực rất mạnh, tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro đã tuyên bố muốn mở các vùng đất được bảo vệ và các khu bảo tồn của thổ dân cho sản xuất nông nghiệp và khai thác mỏ. Dưới thời Bolsonaro, diện tích rừng bị phá trung bình hàng năm lên tới khoảng 10.000 km2 ( bằng diện tích của Liban ), so với mức 6.500 km2 trong thập niên trước.

Theo hãng tin AFP, ngày nay, khi băng qua vùng phía đông nam của rừng Amazon, người ta hầu như không còn thấy bóng dáng của rừng nhiệt đới, mà chỉ thấy, hoặc là những thành phố nhỏ đầy các cửa hàng bán nông cụ, hoặc những chợ mua bán gia súc, hoặc những cánh đồng cỏ, hoặc cánh đồng đậu nành bạt ngàn.    

Riêng thành phố Sao Felix, vốn chỉ có 200.000 con bò vào năm 1994, nay đã trở thành thủ đô thịt bò của Brazil, với hơn 2 triệu con, tức là 15 bò trên mỗi đầu người. Ngày càng phình to ra, thành phố này cũng đang dẫn đầu ở Brazil về lượng khí phát thải. Trong năm 2018, Sao Felix đã thải gần 30 triệu tấn khí CO2, nhiều hơn 65% so với Sao Paulo.  Trong số 10 thành phố ( ở Brazil một thành phố có thể chiếm một diện tích rất lớn ) có tỷ lệ phát thải cao nhất ở Brazil, có đến 7 thành phố nằm ở vùng Amazon, những nơi mà rừng đã bị đốt sạch, thay thế vào đó là những trại nuôi bò phát ra khí methane.

Nhiều nhà chăn nuôi giải thích rằng chăn nuôi gia súc là cách làm giàu nhanh nhất ở vùng Amazon. Làm giàu cách nào? Đầu tiên người chặt cây lấy gỗ bán, rồi đốt những gì còn lại. Tiếp đến, người ta rải hạt cỏ, dựng hàng rào bao quanh, đem gia súc đến để chúng ăn cỏ. Làm như vậy thì đất bị cạn kiệt nhanh chóng, nhưng không sao, họ sẽ lại phá các khu rừng khác !  

Vào năm 2019, năm đầu tiên tổng thống Bolsonaro cầm quyền, các vụ cháy rừng Amazon đã tăng mạnh, khiến thế giới lo ngại và các nhà đầu tư không còn hứng khởi bỏ vốn vào Brazil. Dưới áp lực của các nhà đầu tư, ông Bolsonaro đã phải ra lệnh cấm đốt rừng vào mùa khô và triển khai quân đội đến bảo vệ rừng Amazon. Nhưng nạn phá rừng Amazon vẫn không suy giảm.

Chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa để cứu rừng Amazon, nếu còn cứu được ? Theo các chuyên gia, cái vòng lẩn quẩn phá rừng, cháy rừng, hâm nóng khí quyển của hành tinh chúng ta chỉ có thể đẩy nhanh hơn nữa sự tiêu diệt rừng Amazon. Hiện các tác động đối với Brazil đã được nhìn thấy rõ.

Nạn phá rừng Amazon đã làm giảm đi khối lượng « các con sông bay », tức là khối nước dưới dạng hơi bốc lên từ 390 tỷ cây rừng. Hậu quả là Brazil đang hứng chịu cơn hạn hán trầm trọng nhất từ gần một thế kỷ qua. Ấy là chưa kể những cơn bão cát gây chết người, các vụ cháy rừng không kiểm soát được, tình trạng vật giá leo thang và khủng hoảng năng lượng.

Theo hãng tin AFP, thật ra có nhiều giải pháp mà Brazil có thể thi hành để đảo ngược xu thế, với điều kiện phải thi hành nhanh chóng và toàn bộ : tiến đến zero rừng bị phá, tăng cường các luật bảo vệ môi trường, trồng lại các vùng bị mất hết cây rừng, khuyến khích một ngành nông nghiệp tôn trọng rừng,…

Nên mở rộng các khu bảo tồn

Nhưng một trong những giải pháp tốt nhất đó là mở rộng các khu bảo tồn thổ dân, vì họ mới thật sự là những người canh gác bảo vệ rừng Amazon, những người sống hòa mình với rừng. Ở Brazil hiện có 700 khu bảo tồn như vậy, chiếm tổng cộng gần một phần tư diện tích rừng Amazon.

Khi những người đầu tiên khai phá rừng Amazon đến đây, nhiều bộ lạc đã bị xóa sổ, vì thổ dân bị sát hại, bị bắt làm nô lệ, bị cưỡng bức tản cư hoặc bị bệnh chết. Ngày nay, đa số trong khoảng 900.000 thổ dân vẫn đang đấu tranh để đòi lại đất của họ.

Thật ra đối với bà Luciana Gatti, không chỉ có Brazil mà những nước khác cũng đang góp phần vào việc tàn phá rừng Amazon: Hoa Kỳ và châu Âu vẫn nhập gỗ khai thác lậu. Cả thế giới đang mua rất nhiều thịt bò từ Brazil, hoặc nuôi gia súc bò, heo, gà bằng đậu nành trồng ở vùng Amazon. Bà kêu gọi cả thế giới phải cấm nhập khẩu các sản phẩm này và ngưng tiêu thụ những sản phẩm góp phần vào việc tàn phá rừng Amazon. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Đăng ký

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Download_on_the_App_Store_Badge_VN_RGB_blk_100217

google-play-badge_vi