Rủi ro từ cơn sốt dùng tiền ảo Pi thanh toán, mua đủ loại hàng hóa
Đổi cả xe ô tô bằng Pi
Cụ thể, theo tìm hiểu của PV ở diễn đàn “mua bán Pi 36 tỉnh” và mới đổi tên thành “011 Điện máy Bắc Giang Pi Thuận” có tới gần 1.000 thành viên, hàng ngày những thông tin trao đổi Pi trên nhóm này cũng rất sôi động với đủ các sản phẩm được đưa ra trao đổi.
Nhiều loại hàng hóa được quảng cáo có thể mua bán bằng tiền ảo Pi như: Bộ nồi bếp từ 3 chiếc 100 Pi, 2 chiếc 70 Pi, bếp từ 100 Pi, tủ sấy 80 Pi, Smart tivi 32 inch HD cũng giảm giá từ 600 Pi còn 400 Pi, máy giặt cửa ngang Sumikura 10,8kg từ 900 Pi giảm còn 600 Pi “mang tận nhà”.
Đặc biệt, trong các diễn đàn Pi còn “đồn thổi” đã có chiếc xe bán tải Navara được đấu giá và chốt là hơn 18.000 Pi.
Rất nhiều các mặt hàng gia dụng được khoe trên mạng xã hội là đã mua bằng Pi . Ảnh: Phi Long
“Có thể nhiều người chỉ mượn cớ để quảng cáo sản phẩm đang bán nhưng tôi thấy vẫn có những giao dịch thật”, anh N. V.T ở Hoàng Mai, Hà Nội là một trong những người đào Pi hơn 2 năm nay cho biết.
Pi Network là một loại tiền điện tử được phát minh bởi đội ngũ cựu sinh viên từng tốt nghiệp Đại học Stanford với mong muốn phổ biến tiền điện tử đến công chúng nhiều hơn. Tuy nhiên, loại tiền ảo này không được pháp luật coi là phương tiện thanh toán.
“Kinh tế có thời điểm gặp khó khăn, một số nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản năm nay bị thua lỗ thì họ lại tìm đến các kênh đầu tư khác để thử tìm vận may cho mình. Trong số đó có những người vẫn nuôi giấc mộng một ngày Pi sẽ vượt cả Bicoin.
Vì họ cho rằng Pi cũng như Bicoin, ban đầu là cho, tặng nhau và đào được miễn phí nhưng cũng chẳng ai tin sau này lại có giá trị cao. Do đó, họ không muốn bỏ lỡ cơ hội như Bicoin trước đây”, T.V.M, một thành viên trong diễn đàn đào Pi cho biết.
Trên mạng xã hội nhiều người khoe mua tủ lạnh bằng trao đổi Pi. Ảnh: Phi Long
Thậm chí, có một số người ngoài tự đào Pi cũng đã bỏ tiền ra để mua Pi, dù “chưa biết sau này ra sao”.
“Nhiều anh chị bảo tôi sao nhiều Pi vậy? Thật sự để có nó cũng không đơn giản. Mặc dù nó miễn phí nhưng để gom góp từng số Pi nhỏ bé, sẽ phải làm rất nhiều thứ. Tôi đều tận dụng khung giờ có thể để xem youtube mở Pi browser ra xem, vừa có Pi thưởng vừa đạt mục đích giải trí.
Hình thành thói quen dùng nó kiểu bỏ ống, không biết giá sau này ra sao nhưng cứ làm đã. Có trong tay mới mơ ước giá được, từ lúc tốc độ còn cao đã đặt báo thức nhắc nhở để không bỏ quên”, ông L một người đào Pi cho biết.
Ô tô được khoe trên mạng xã hội cũng được trao đổi bằng Pi
Dấu hiệu “lùa gà, lừa đảo”
Vào cuối tháng 12/2022, các sàn giao dịch tiền số như XT.com và Huobi thông báo niêm yết giao dịch Pi trên thị trường giao ngay (spot).
Về bản chất, đây là một giao kèo vay nợ, xác lập cho giao dịch trong tương lai. Hình thức này không phải phát kiến mới trong ngành tiền số và bản chất chỉ là giao dịch nội bộ trên sàn, không thể nạp rút. Những người mua, bán Pi theo hình thức này rất có thể bị những “cá mập” lợi dụng để đẩy giá Pi lên cao từ đó mất tiền oan.
Sàn giao dịch Huobi cho biết đã niêm yết Pi
Những động thái của các sàn XT.com và Huobi đã khiến cho giá Pi trên các nền tảng này tăng đột biến và tạo ra tâm lý sợ bỏ lỡ thời cơ của nhiều nhà đầu tư đối với mơ ước trở thành tỷ phú từ Pi.
Ngay sau khi XT.com và Huobi niêm yết giao ngay, Pi đã được đẩy từ con số 0 lên 10 USD, sau đó lên 60 và lúc đạt đỉnh còn lên tới hơn 300 USD.
Nhưng cơn sốt “đổi đời với Pi” cũng có những dấu hiệu của việc “lùa gà”, nuôi béo cho các “cá mập”.
PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính đưa ra lời cảnh báo, Dự án tiền ảo hứa hẹn việc Pi sẽ có giá trị khi được ứng dụng trong thực tế và là phương tiện để trao đổi hàng hóa như một phương tiện tiền ảo là mang tính lừa đảo. Hiện nay, ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán.
Những người đi “lùa gà” tự tạo ra các tỷ giá ảo để quy đổi Pi ra tiền Việt hoặc quy ra một giá trị tương đương với sản phẩm cần trao đổi. Còn trên thực tế, Pi không được phép quy đổi ra tiền, giá trị bằng 0.
Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt về thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm Séc, Lệnh chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN. Theo quy định này, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.
Quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50-100 triệu đồng.
NHNN cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
“Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư” – Ngân hàng Nhà nước cảnh báo.