Rủi Ro Là Gì? Các khái niệm cần làm rõ || CamNangChiaSe.Com

Một kế hoạch kinh doanh dù bạn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi thứ nhưng đến khi thực thi thì không đạt kết quả như mong muốn. Đó được gọi là rủi ro. Hay đơn giản là bạn đang chạy xe máy ngoài đường, đột nhiên trời đổ mưa to, bạn không để áo mưa trong cóp xe vì lúc sáng đi vội quên mang theo. Đó cũng được xem là một rủi ro. Rủi ro luôn tồn tại xung quanh chúng ta.

Và cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về rủi ro. Những trường phái khác nhau, tác giả khác nhau đưa ra những khái niệm rủi ro khác nhau. Những định nghĩa này rất đa dạng, phong phú, nhưng tựu chung lại có thể chia là 2 trường phái lớn: Trường phái truyền thống (hay trường phái tiêu cực) và trường phái trung hòa.

>>> Xem thêm: Rủi ro của sinh viên ngành Thương Mại Quốc Tế khi tìm việc trong thời hội nhập

Rủi ro theo trường phái tiêu cực

Rủi ro là gì? Rủi ro được coi là sự không may, sự tổn thất, mất mát, nguy hiểm. Thuộc trường phái này, ta có thể thấy các định nghĩa:

Theo Từ điển Tiếng Việt do trung tâm từ điển học Hà Nội xuất bản năm 1995: “Rủi ro là điều không lành, không tốt, bất ngờ xảy đến”.

Theo cố GS. Nguyễn Lân: “Rủi ro (đồng nghĩa với rủi) là sự không may”. (Từ điển và ngữ Việt Nam, năm 1998, tr. 1540).

Theo từ điển Oxford: “Rủi ro là khả năng gặp nguy hiểm, hoặc bị đau đớn, thiệt hại…”

Khác số từ điển khác lại đề cập tương tự: “Rủi ro là sự bất trắc, gây ra mất mát, hư hại”, “Rủi ro là yếu tố liên quan đến nguy hiểm, sự khó khăn hoặc điều không chắc chắn”.

Trong lĩnh vực kinh doanh: “Rủi ro là sự tổn thất về tài sản hay là sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến”. “Rủi ro là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp”.

Tóm lại, theo cách nghĩ truyền thống: “Rủi ro là những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm hoặc các yếu tố liên quan đến nguy hiểm, khó khăn, hoặc điều không chắc chắn có thể xảy ra cho con người”.

Thực tế cho thấy: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà rủi ro luôn tiềm ẩn và ngày càng tăng theo nhiều hướng khác nhau. Xã hội loài người càng phát triển, hoạt động của con người ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp thì rủi ro cho con người ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Mỗi ngày qua lại xuất hiện thêm những loại rủi ro mới, chưa từng có trong quá khứ. Con người cũng quan tâm đến việc nghiên cứu rủi ro, nhận dạng rủi ro và tìm các biện pháp quản trị rủi ro. Trong quá trình nghiên cứu đó, nhận thức của con người về rủi ro cũng thay đổi, trở nên khoan dung, trung hòa hơn.

>>>> Bán phá giá là gì? Biện pháp chống bán phá giá trong ngoại thương

Rủi ro theo trường phái trung hòa

Theo trường phái này:

  • “Rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được” (Frank Knight).
  • Rủi ro là sự bất trắc có thể liên quan đến việc xuất hiện những biến cố không mong đợi” (Allan Willett).
  • “Rủi ro là một tổng hợp những ngẫu nhiên có thể đo lường được bằng xác suất” (Irving Prefect).
  • “Rủi ro là giá trị và kết quả mà hiện thời chưa biết đến”.

Diễn giả một cách đầy đủ hơn về rủi ro và nguy cơ rủi ro, trong cuốn “Risk management and insurance”, các tác giả C. Arthur William, Jr. Micheal, L. Smith đã viết: “Rủi ro là sự biến động tiềm ẩn ở những kết quả. Rủi ro có thể xuất hiện trong hầu hết mọi hoạt động của con người. Khi có rủi ro, người ta không thể dự đoán được chính xác kết quả. Sự hiện diện của rủi ro gây nên sự bất định. Nguy cơ rủi ro phát sinh bất cứ khi nào một hành động dẫn đến khả năng được hoặc mất không thể đoán trước”.

Theo David Apgar: “Rủi ro là bất cứ điều gì không chắc chắn có thể ảnh hưởng tới các kết quả của chúng ta so với những gì chúng ta mong đợi” (Risk Intelligence: Learning to Manage What We Don’t Know, 2006).

Như vậy, theo trường phái trung hòa, rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được. Rủi ro có tính 2 mặt: vừa tích cực, vừa tiêu cực. Rủi ro có thể gây ra những tổn thất, mất mát, nguy hiểm, … Nhưng chính rủi ro có thể mang đến cho con người những cơ hội. Nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, nhận dạng, đo lường rủi ro, quản trị rủi ro, người ta không chỉ tìm ra được những biện pháp phòng ngừa, né tránh mà còn có thể “lật ngược tình thế”, biến thủ thành công, biến bại thành thắng, biến thách thức thành những cơ hội, mang lại kết quả tốt đẹp trong tương lai.

Một số khái niệm rủi ro liên quan khác

Rủi ro thuần túy

Tồn tại khi có một nguy cơ tổn thất nhưng lại không có cơ hội sinh lời được. Nói cách khác, rủi ro thuần túy chỉ gây ra những thiệt hại, mất mất, nguy hiểm: hỏa hoạn, mất cắp, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, … Và nó làm phát sinh một khoản chi phí (để bù đắp thiệt hại) nên phải có những biện pháp phòng tránh hoặc hạn chế.

Rủi ro suy đoán

Là loại rủi ro mang tính đầu cơ. Trong đó, những cơ hội gắn liền với những nguy cơ gây ra tổn thất. Loại rủi ro này là động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh và có tính hấp dẫn của nó.

Rủi ro có thể phân tán

Là rủi ro có thể giảm bớt nhờ con đường đóng góp quỹ chung để chia sẻ rủi ro.

Rủi ro không thể phân tán

Là rủi ro không thể giảm bớt nhờ con đường đóng góp quỹ chung và chia sẻ rủi ro.

Rủi ro có thể xuất hiện trong mọi ngành, mọi lĩnh vực. Trong mỗi lĩnh vực, bên cạnh những điểm chung vừa được bàn luận ở trên thì lại có những đặc điểm riêng của từng ngành, từng lĩnh vực. Trong kinh doanh xuất nhập khẩu, rủi ro còn mang một định nghĩa như sau:

Rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu là sự bất trắc có thể đo lường được. Nó có thể gây ra những tổn thất, mất mát, thiệt hại, hoặc làm giảm đi những cơ hội sinh lời. Nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội thuận lợi trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Theo Giáo trình Quản Trị Rủi Ro Và Khủng Hoảng

Nhóm Tác giả: GS. TS. Đoàn Thị Hồng Vân (chủ biên), Th.S Kim Ngọc Đạt – Th.S Hà Đức Sơn