Rong thuyền thu hoạch củ ấu giữa lòng danh thắng xứ Thanh
(PLO)- Cứ mỗi dịp cuối thu, những người phụ nữ lại rong thuyền trên dòng kênh ở Kim Sơn, Vĩnh An (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để thu hoạch củ ấu – một trong những món ăn dân dã mà nhiều người ưa thích.
Kim Sơn từng được ví như như “Rừng Na Uy” hay một “châu Âu” giữa lòng xứ Thanh bởi vẻ đẹp quyến rũ với lá vàng, hoa súng mọc hai bên bờ kênh Ấu. Kim Sơn còn được biết đến là vùng đất duy nhất ở Thanh Hóa trồng củ ấu có vị ngọt bùi và thơm.
Mục Lục
Trồng ấu ở vùng đất danh thắng
Vĩnh An là xã miền núi của huyện Vĩnh Lộc nơi có 2/3 diện tích là đồi, núi đá vôi được hình thành cách đây hàng triệu năm trước. Trải qua những biến đổi địa chất đã tạo nên cảnh quan, hang động kỳ vỹ, nhiều ngọn núi đá cao vút và những vùng đầm lầy, chiêm trũng.
Nơi trồng ấu chính là diện tích mặt nước nằm dưới chân dãy núi Bền với mực nước thường sâu từ 1-3 m và hoàn toàn là nước tự nhiên chảy ra từ các khe núi trong xanh.
Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết, năm nay thời tiết ôn hòa nên củ ấu già có vị ngọt, bùi bùi vì thế mà ăn một củ là muốn ăn thêm nữa.
Củ ấu trông xù xì, xấu xí nhưng bên trong lại ẩn chứa một món quà quê độc đáo dành cho người thành thị. Sau khi tách lớp vỏ, phần thịt của ấu trắng ngần, ăn sống thì giòn ngọt như hạt sen nhưng khi luộc chín thì ấu bở tơi với hương vị ngọt bùi. Củ ấu già còn có thể gỡ nhân ra để nấu chè, nấu canh, hầm xương vừa thơm, vừa ngọt, lại vừa bùi tùy theo khẩu vị của mỗi người.
Trồng cây ấu để phát triển du lịch cộng đồng
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An ông Nguyễn Văn Minh cho biết ở xã Vĩnh An cây ấu đã được trồng qua nhiều đời của người dân nơi đây.
Thấy được tiềm năng thế mạnh của cây ấu, những năm gần đây chính quyền địa phương đã có định hướng phát triển diện tích trồng và trong những năm tới sẽ mở rộng diện tích trồng ấu ra những diện tích đầm lầy, ao sâu.
Cũng theo ông Minh, hiện nay mỗi năm người dân trong xã thu hoạch được khoảng 30 tấn củ ấu. Loại cây này chỉ cần trồng một lần là vụ sau sẽ tự lên mầm không cần trồng lại.
Củ ấu dễ trồng, lại không tốn nhiều công chăm sóc, lợi ích kinh tế mang lại cao, nên những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh An chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ấu.
“Hiện địa phương đang tuyên truyền vận động nhân dân trong xã tập trung phát triển diện tích trồng củ ấu, trồng hoa súng gắn với phát triển du lịch và quảng bá đặc sản địa phương”- ông Minh nói.
Khi còn nhỏ củ ấu có màu hồng hồng bám vào gốc, sau đó củ ấu lớn lên dần căng mọng vỏ xanh đen. Đến vụ thu hoạch thì củ ấu đã đủ độ cứng, đen nhẻm như 2 chiếc sừng trâu.
Cách luộc củ ấu cũng như luộc khoai, luộc sắn, phải biết cách luộc thì củ ấu ăn mới ngon ngọt và bở. Nếu luộc không kĩ khi ăn sẽ bị sượng, luộc kĩ quá thì bị nhão, khi ăn sẽ nhạt nhẽo và mất hết vị ngọt thơm của Ấu.